Bị bệnh mạch vành có nguy hiểm không?

Bệnh mạch vành là bệnh tim mạch khá phổ biến ở các nước phát triển và hiện này có xu hướng gia tăng mạnh ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bệnh mạch vành có nguy hiểm không và làm thế nào để làm giảm mức độ gây hại của căn bệnh này? Cùng tìm hiểu về bệnh động mạch vành để giải đáp thắc mắc này trong bài viết sau đây nhé.

1. Bệnh mạch vành là gì?

Bệnh mạch vành là khái niệm chỉ những bất thường xảy ra ở hệ thống động mạch nuôi tim, đặc trưng bởi tình trạng một hay nhiều các nhánh của động mạch vành bị hẹp lại. Điều này khiến việc quá trình vận chuyển máu qua mạch vành đến nuôi cơ tim bị cản trở. 

Các mảng xơ vữa động mạch được hình thành do sự tích tụ cholesterol và một số chất bám khác trên thành mạch là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này.

Bệnh mạch vành còn có những tên gọi khác như bệnh động mạch vành, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy động mạch vành, suy mạch vành, thiểu năng vành,…

Bị bệnh mạch vành có nguy hiểm không?

Bệnh mạch vành là tình trạng mạch vành bị tắc hẹp do sự lắng đọng cholesterol và các chất khác.

2. Sự nguy hiểm của bệnh mạch vành

2.1 Bị bệnh mạch vành có nguy hiểm không?

Đây là thắc mắc của rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạch vành cũng như người thân của họ. Theo nhiều báo cáo y khoa, bệnh mạch vành chiếm tới 14% số ca tử vong toàn cầu và là nguyên nhân chính làm giảm số năm sống còn (YLLs) của bệnh nhân. Số liệu thống kê năm 2013 cho thấy số người chết do bệnh động mạch vành là 8.139.852 người, đứng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong do bệnh tim mạch. 

Như vậy, có thể khẳng định bệnh mạch vành là một bệnh lý nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của bệnh này không giống nhau trên mỗi bệnh nhân. 

2.2 Bệnh mạch vành có nguy hiểm không phụ thuộc vào yếu tố nào?

Mức độ nguy hiểm còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, thời điểm phát hiện bệnh, tình trạng của các bệnh lý đi kèm. 

– Khi bệnh mạch vành còn nhẹ

Nếu độ tắc hẹp ít, sự lưu thông của máu chưa bị ảnh hưởng nhiều thì người mắc bệnh mạch vành chưa gặp nhiều khó chịu và nguy hiểm. Thậm chí người bệnh không hề thấy dấu hiệu của bệnh. Nhưng cũng chính điều này khiến họ chủ quan, dẫn đến phát hiện bệnh muộn. Bệnh mạch vành không được điều trị sớm sẽ có thể diễn tiến xấu, khiến bệnh nhân đối diện với nhiều nguy hiểm.

– Khi bệnh mạch vành trở nên nặng hơn

Lúc này, các động mạch vốn dĩ rất mềm mại và có tính đàn hồi sẽ trở nên hẹp hơn và xơ cứng. Máu sẽ càng lưu thông kém hơn và khó khăn hơn. Hậu quả là khiến tim không thể nhận được đủ lượng máu và oxy cần thiết trong một thời gian dài, gây nên những cơn đau thắt ngực ổn định hay không ổn định. 

Hiện tượng này không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn khiến bệnh nhân có nguy cơ cao đối mặt với những tình trạng nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, đột tử, suy tim, phình mạch vành…Trong đó, nhồi máu cơ tim là một trong nhưng biến chứng thường gặp và nguy hiểm nhất do cục máu đông đột ngột di chuyển tới đoạn động mạch bị hẹp, gây tắc mạch hoàn toàn, chặn nguồn cung cấp máu cho tim và gây tổn thương vĩnh viễn cho tim. 

Những người mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, béo phì hoặc có những thói quen thiếu lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, lười vận động,…có nguy cơ mắc bệnh mạch vành rất cao. Các biến chứng tim mạch trên các bệnh nhân này cũng diễn tiến nhanh hơn và nguy hiểm hơn so với người bình thường. 

Bị bệnh mạch vành có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm của bệnh mạch vành phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, giai đoạn phát hiện, mức độ tắc hẹp…

3. Làm sao để giảm được mức độ nguy hiểm của bệnh mạch vành?

3.1 Phát hiện sớm bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành nếu được phát hiện càng sớm thì khả năng kiểm soát càng cao, nguy cơ biến chứng cũng giảm đi đáng kể. 

Hiện này có rất nhiều phương pháp hiện đại có thể chẩn đoán bệnh động mạch vành, gồm: 

– Điện tâm đồ

– Siêu âm tim

– Chụp cắt lớp vi tính đa dãy động mạch vành (CT mạch vành)

– Chụp cộng hưởng từ tim (MRI tim)

Các chẩn đoán này thường được thực hiện tại chuyên khoa Tim mạch của các bệnh viện, phòng khám với những thiết bị, máy móc tân tiến. Trước đó, bệnh nhân cần được khám lâm sàng với các bác sĩ chuyên khoa để khai thác triệu chứng, bệnh sử, các thói quen sinh hoạt, được nghe tim phổi, đo huyết áp,…từ đó có những nhận định ban đầu về bệnh và đưa ra những chỉ định phù hợp. 

Kết quả của 2 quá trình này sẽ đưa đến cho bác sĩ những kết luận và tư vấn điều trị chính xác.

Bị bệnh mạch vành có nguy hiểm không?

Chẩn đoán và điều trị sớm với các chuyên gia và các thiết bị hiện đại giúp làm giảm mức độ nguy hiểm của bệnh mạch vành.

3.2 Điều trị hiệu quả

Nếu được chẩn đoán mắc bệnh mạch vành thì bạn nên chủ động theo dõi và điều trị ngay để ngăn chặn sự phát triển của các nguyên nhân gây bệnh.

Dựa vào tình trạng thực tế của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Hiện nay, phương pháp điều trị bệnh mạch vành chủ yếu và ưu tiên vẫn là điều trị nội khoa, bao gồm sử dụng thuốc  theo chỉ định và các biện pháp thay đổi lối sống.

Đối với các trường hợp bệnh nhẹ, bệnh nhân thường chỉ cần thay đổi chế độ dinh dưỡng và các thói quen sinh hoạt là có thể cải thiện tình trạng bệnh. 

Đối với các trường hợp nặng, điều trị nội khoa không hiệu quả, tắc hẹp trên 70% hoặc hẹp một đoạn dài, trên nhiều vị trí thì các biện pháp khác có thể được xem xét thực hiện nhằm tái tưới máu mạch vành. 

Việc điều trị nên được tiến hành tại các chuyên khoa tim mạch uy tín nơi có đội ngũ chuyên gia giỏi và hệ thống thiết bị hiện đại sẽ giúp quá trình điều trị, theo dõi bệnh đạt hiệu quả cao nhất. 

Qua những thông tin trên đây, hi vọng các bạn đã biết bệnh mạch vành có nguy hiểm không và phải làm gì để cải thiện bệnh. Hãy duy trì các thói quen lành mạnh, đi khám định kỳ và khám ngay khi có những triệu chứng bất thường để phát hiện sớm bệnh mạch vành và có hướng điều trị hiệu quả. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *