Những người bị đau dây thần kinh tọa không biết rằng 4 thói quen sau đang góp phần khiến cho cơn đau ngày càng trở nên tồi tệ. Nếu vẫn còn giữ những thói quen xấu này thì dù có tuân thủ điều trị, chăm sóc kĩ lưỡng đến đâu cũng sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn. Do đó, loại bỏ những thói quen gây hại tới sức khỏe sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh cũng như giảm thiểu nguy cơ nhập viện cũng như nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Bạn đang đọc: Bị đau dây thần kinh tọa nặng hơn vì 4 thói quen này
1. Đau dây thần kinh tọa – Biểu hiện nhận biết
Đau dây thần kinh tọa là tình trạng đau lan dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Kéo dài từ phía thắt lưng rồi tới hông, mông và xuống mỗi bên chân. Bệnh thường xảy ra khi thoát vị đĩa đệm hoặc xương phát triển quá mức gây áp lực lên một phần của dây thần kinh.
Bệnh thường bị nhầm lẫn với cơn đau lưng thông thường. Tuy nhiên nếu để ý các triệu chứng thì sẽ thấy không chỉ giới hạn ở lưng. Đau dây thần kinh tọa có thể ở hầu hết mọi nơi mà dây thần kinh đi qua, có khả năng đi theo hướng từ thắt lưng xuống mông và mặt sau của đùi lẫn bắp chân. Triệu chứng chính là người bệnh cảm thấy đau nhói ở:
– Lưng dưới.
– Mông.
– Mặt sau của một trong 2 chân.
Ngoài ra còn có các triệu chứng khác để nhận biết bệnh bao gồm:
– Tê dọc theo dây thần kinh.
– Cơ ở chân hoặc bàn chân bị yếu đi.
– Một bên chân bị đau, bên còn lại có thể bị tê.
– Cảm giác ngứa ran, khó chịu ở bàn chân và ngón chân.
– Nếu ngồi lâu, hắt hơi hoặc mỗi khi ho thì cảm nhận cơn đau rõ rệt và nặng hơn.
Đau dây thần kinh tọa thường bị nhầm lẫn với đau lưng nên nhiều người hay chủ quan
2. 4 thói quen khiến bạn bị đau dây thần kinh tọa nặng hơn
2.1. Ngồi 1 chỗ quá lâu khiến bạn bị đau dây thần kinh tọa nghiêm trọng
Một trong những thói quen xấu khiến bạn bị đau thần kinh tọa nặng hơn đó là ngồi một chỗ quá lâu. Nhiều người có thói quen ngồi liên tục nhiều giờ khi làm việc, nghiên cứu, chơi game,… vì quá tập trung. lười vận động hay có suy nghĩ “làm xong rồi nghỉ”. Tuy nhiên, thói quen này sẽ tạo áp lực nặng nề lên phần thắt lưng, từ đó chèn vào dây thần kinh hông to khiến cơn đau thêm trầm trọng.
Vì vậy, để ngăn tình trạng bệnh thêm trầm trọng, bạn nên có những giờ giải lao trong khoảng thời gian làm việc của mình. Chỉ cần 5 phút mỗi lần nghỉ sẽ giúp máu lưu thông hiệu quả. Bạn có thể:
– Đứng dậy đi lại.
– Tập thể dục tại chỗ.
– Thực hiện các bài tập giãn cơ cổ, cơ lưng, cơ chân, tay,…
2.2. Tập luyện với cường độ nặng
Tập thể dục là cần thiết vì giúp tăng cường sức khỏe hiệu quả. Những người chăm chỉ tập thể dục mỗi ngày thường ít gặp các vấn đề sức khỏe hơn so với những người lười vận động. Tuy nhiên, tập thể dục cũng cần đúng cách, không phải bài tập nào cũng phù hợp với mọi đối tượng.
Với những bài tập có cường độ cao, các môn thể thao yêu cầu vận động mạnh buộc cơ bắp phải chịu áp lực và gây nhức mỏi cơ. Những bài tập này không phù hợp với người đau dây thần kinh tọa. Nếu gắng sức sẽ khiến dây thần kinh thêm tổn thương và xảy ra nhiều rủi ro không đáng có, nguy cơ phải nhập viện cũng rất cao.
Do đó, người bệnh nên tập những bài có mức độ vừa với sức của mình, tập nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng đến cơn đau.
Tìm hiểu thêm: Đứt dây chằng gối nguy hiểm không?
Tập luyện quá sức khiến cho tình trạng đau trở nên tồi tệ hơn
2.3. Khom lưng khi di chuyển
Nhiều người có tư thế sai khi di chuyển mà không hay biết. Điều này lặp đi lặp lại trong nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm khiến cho bệnh trở nặng hơn. Do đó, chú ý trong tư thế đi lại là rất quan trọng. Lưng, đầu và cổ cần được giữ ở tư thế tự nhiên, đồng thời tránh các tư thế sau:
– Khom lưng quá sâu.
– Thẳng lưng quá mức.
Nếu để ý trong tư thế duy chuyển, bạn không chỉ có dáng đi đẹp mà còn hạn chế xảy ra các vấn đề xương khớp. Nhất là đối với người có tình trạng đau dây thần kinh tọa thì việc này sẽ giúp cho lưng dưới không phải chịu áp lực hay không dồn tải trọng lên dây thần kinh. Người bệnh sẽ tránh được tình trạng đau dây thần kinh tọa ngày càng nặng nề.
2.4. Nhặt đồ sai tư thế cũng dẫn tới tình trạng bị đau dây thần kinh tọa
Không chỉ thói quen đi lại sai tư thế, thói quen cúi xuống để nhặt đồ cũng ảnh hưởng xấu đến bệnh. Thói quen này sẽ tạo áp lực lên cột sống, cơ và dây chằng ở lưng, đặc biệt trong các trường hợp nhặt các đồ nặng.
Để triệu chứng không nghiêm trọng hơn, bạn cần sửa thói quen này. Thay vì cúi xuống nhặt đồ thì trước tiên cần ngồi xổm xuống, giữ thẳng lưng sau đó mới nhặt đồ.
3. Khi nào cần đi khám?
Bị đau thần kinh tọa không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh lại làm suy yếu chi và dẫn đến tàn phế. Lúc đó, chất lượng cuộc sống của người bệnh không còn được như trước.
Bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu bạn biết quan tâm đến sức khỏe, không coi nhẹ bất kỳ triệu chứng nào. Trường hợp nhẹ, cơn đau có thể tự hết sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu thấy các triệu chứng không thuyên giảm dù đã có các biện pháp chăm sóc, ngược lại đau tăng dần thì cần tới bệnh viện thăm khám:
– Cơn đau kéo dài hơn 1 tuần, ngày hôm sau đau hơn hôm trước.
– Đau đột ngột và dữ dội ở vùng thắt lưng hoặc ở một bên chân.
– Tê, yếu cơ một bên chân.
– Đau nghiêm trọng khi bị chấn thương, ví dụ như tai nạn giao thông.
– Khó kiểm soát hoạt động ở ruột và bàng quang.
>>>>>Xem thêm: Những điều chưa biết về bệnh vôi hóa xương khớp
Đi khám định kỳ kết hợp loại bỏ các thói quen xấu giúp bạn kiểm soát bệnh tốt hơn
Có thể thấy, 4 thói quen trên hầu như ai cũng có nhưng lại chẳng hề được để ý. Nhất là đối với những người bị đau dây thần kinh tọa thì càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Loại bỏ các thói quen xấu là điều cần thiết, bên cạnh đó cũng cần tuân thủ phác đồ điều trị, không tự ý dừng giữa chừng và duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ để bệnh không có cơ hội tiến triển nặng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.