Tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ là điều cần thiết để phòng ngừa những bệnh nguy hiểm một cách hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều trẻ có thể gặp phải tình trạng sốt sau khi tiêm. Điều này đã khiến các bậc phụ huynh lo lắng và đắn đo khi tiêm phòng cho trẻ. Vậy trẻ bị sốt sau khi tiêm vắc xin 5 trong có nguy hiểm không và cách xử trí ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết để biết rõ về nguyên nhân bị sốt sau tiêm chủng cho trẻ mũi 5 trong 1 và cách xử trí nhé!
Bạn đang đọc: Bị sốt sau tiêm chủng cho trẻ mũi 5 trong 1 và cách xử trí
1. Tổng quan về vắc xin kết hợp 5 trong 1
1.1. Vắc xin 5 trong 1 là gì?
Vắc xin 5 trong 1 là loại vắc xin kết hợp, giúp phòng ngừa được 5 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác nhau. Việc tiêm mũi 5 trong 1 không chỉ làm giảm số mũi tiêm cho trẻ mà còn giúp cha mẹ tiết kiệm được thời gian và chi phí tiêm phòng
Hai loại vắc xin 5 trong 1 được sử dụng phổ biến hiện nay
1.2. Các loại vắc xin 5 trong 1 được sử dụng phổ biến
Hiện nay, có hai loại vắc xin 5 trong 1 được sử dụng để tiêm cho trẻ, bao gồm:
– Vắc xin 5 trong 1 ComBE Five (Ấn Độ): Đây là vắc xin thế hệ mới đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới, được sử dụng ở hơn 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều. ComBE Five ra đời để thay thế cho vắc xin Quinvaxem (của Hàn Quốc) đã ngừng sản xuất trước đó. ComBE Five có khả năng phòng ngừa được 5 loại bệnh truyền nhiễm bao gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh lý do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây nên như viêm phổi, viêm màng não.
– Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim (Pháp): Đây là loại vắc xin được dùng trong chương trình tiêm chủng dịch vụ. Vắc xin Pentaxim có thể phòng ngừa được 5 loại bệnh, bao gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và các bệnh lý do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây nên.
2. Nguyên nhân bị sốt sau khi tiêm chủng cho trẻ mũi 5 trong 1
Sốt là phản ứng tự nhiên rất thường gặp sau khi tiêm phòng vắc xin 5 trong 1. Tùy vào từng thể trạng khác nhau mà mỗi trẻ sẽ có một biểu hiện sốt khác nhau. Thông thường, trẻ sau khi tiêm mũi 5 trong 1 về đều bị sốt nhẹ khoảng 38 đến 38,5 độ kèm quấy khóc và ăn uống kém. Theo các bác sĩ, đây là những triệu chứng rất bình thường và sẽ tự hết sau 1 đến 2 ngày.
Nguyên nhân gây sốt chủ yếu sau khi trẻ tiêm mũi 5 trong 1 là do thành phần ho gà có trong vắc xin ComBE Five.Vắc xin điều chế có chứa thành phần ho gà loại toàn tế bào, nghĩa là vắc xin được tinh chế từ vi khuẩn ho gà được giữ nguyên cấu trúc nên sẽ gây nhiều phản ứng cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên các phản ứng này đều ở mức độ nhẹ, vì thế cha mẹ không nên lo lắng quá.
Còn với vắc xin Pentaxim trong chương trình tiêm chủng dịch vụ lại chứa thành phần ho gà vô bào. Điều này có nghĩa là vắc xin chỉ chứa thành phần kháng nguyên đặc hiệu sau khi đã loại bỏ những thành phần kháng nguyên không cần thiết khác của vi khuẩn ho gà. Do vậy nên ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại chỗ, mệt mỏi, quấy khóc,… hơn và được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu chi tiết tiêm chủng Rotavirus cho trẻ nhỏ
Thành phần ho gà có trong vắc xin là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sốt ở trẻ sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1
3. Hướng dẫn điều trị và chăm sóc trẻ khi bị sốt sau khi tiêm
3.1. Bị sốt sau khi tiêm chủng cho trẻ mũi 5 trong 1 kéo dài trong bao lâu?
Tùy thuộc vào loại vắc xin mà trẻ được tiêm và cơ địa của mỗi bé mà các phản ứng sau tiêm sẽ ở các mức độ khác nhau. Theo các bác sĩ, tình trạng sốt nhẹ sau tiêm sẽ bắt đầu trong vòng 24 giờ sau tiêm và kéo dài trong 1 đến 2 ngày rồi tự hết. Ngoài ra, nhiều trẻ sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 còn có thể có những dấu hiệu khác như sau:
– Đau nhức, nổi mẩn đỏ và sưng tấy tại vết chích.
– Quấy khóc.
– Lười bú, chán ăn.
– Đau bụng.
– Nôn mửa.
Tuy nhiên, nếu tình trạng sốt của trẻ không thuyên giảm và có dấu hiệu trở nặng, cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị kịp thời.
3.2. Cách hạ sốt cho trẻ
Trước hết, cha mẹ cần theo dõi sự thay đổi nhiệt độ của trẻ. Tốt nhất nên dùng nhiệt kế thủy ngân để đo nhiệt độ ở nách cho con. Nếu trẻ sốt từ 38 đến 39 độ C thì chỉ là sốt nhẹ, hãy quan sát xem có đi kèm hiện tượng phát ban hay co giật không.
Để giảm thân nhiệt cho trẻ khi bị sốt, cha mẹ có thể sử dụng phương pháp chườm ấm bằng cách lấy khăn mềm thấm nước ấm rồi vắt kiệt nước. Sau đó lau vào vùng bẹn và nách của trẻ để lỗ chân lông được giãn nở nên cơ thể có điều kiện thải độc và hạ thân nhiệt.
Về việc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ sau khi tiêm phòng, các bác sĩ không khuyên dùng Paracetamol thường quy cho trẻ nhưng cha mẹ có thể cho con uống hạ sốt Paracetamol với liều lượng phù hợp cân nặng và tuổi của trẻ. Không được dùng Ibuprofen để hạ sốt cho con khi chưa được bác sĩ chỉ định. Tất cả các loại thuốc nếu cha mẹ có ý định sử dụng cho con cần có ý kiến của bác sĩ chỉ định thì mới sử dụng.
>>>>>Xem thêm: Con đường lây nhiễm của bệnh bạch hầu bạn cần biết
Cha mẹ có thể chườm ấm và lau người cho trẻ để hạ nhiệt cơ thể
3.3. Theo dõi và chăm sóc sau khi tiêm chủng cho trẻ mũi 5 trong 1
Để theo dõi và chăm sóc trẻ, cha mẹ cần chú ý một số điều sau:
– Do cơ thể trẻ khó chịu sau tiêm vắc xin nên những ngày đầu trẻ sẽ quấy khóc buổi đêm, ăn kém, bỏ bú,… Lúc này cha mẹ hãy để trẻ nghỉ ngơi, nên chia nhỏ cữ bú để cơ thể trẻ dễ dàng hấp thụ. Nếu trẻ đã ăn dặm, hãy bổ sung thêm thực phẩm bổ dưỡng để tăng đề kháng cho con.
– Cha mẹ cũng cần lưu ý đến nhịp thở của con để phát hiện bất thường như: lõm ngực, khò khè, thở yếu,… tất cả đều là dấu hiệu bất thường và cần đến cơ sở y tế để điều trị ngay.
– Nhiều trẻ sẽ bị tấy đỏ, sưng ở vị trí tiêm. Tuy nhiên, cha mẹ không nên dùng bất cứ vật gì đắp lên vùng da này để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, hãy cho trẻ mặc đồ thoáng mát để không cọ xát làm tổn thương vết tiêm.
– Khi trẻ bị sốt nên cho con mặc đồ rộng và thoáng, hút mồ hôi tốt để trẻ dễ có điều kiện hạ nhiệt.
Trên đây là nguyên nhân bị sốt sau tiêm chủng cho trẻ vắc xin 5 trong 1 và cách xử trí dành cho cha mẹ. Tại phòng tiêm Thu Cúc TCI hiện có sẵn mũi vắc xin dịch vụ 6 trong 1 cho trẻ giúp phòng bệnh tối đa, hạn chế số mũi tiêm và tiết kiệm chi phí. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, phụ huynh nên lưu ý những chỉ dẫn theo dõi và chăm sóc trẻ khi bị sốt nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.