Bên cạnh lượng lớn bệnh nhân nhập viện vào dịp Tết do tai nạn giao thông thì còn một lượng bệnh nhân không nhỏ phải cấp cứu do tăng huyết áp . Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, những thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh trong những ngày Tết là nguyên nhân chính gây ra điều đó. Vậy đâu là chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp với người bị tăng huyết áp trong dịp Tết? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Bị tăng huyết áp nên ăn uống, sinh hoạt thế nào dịp Tết?
1. Tăng huyết áp là bệnh gì và nguy hiểm ra sao?
Tăng huyết áp là một bệnh lý rất phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng áp lực của máu tác động lên thành động mạch thường xuyên tăng cao. Thông thường khi huyết áp tâm thu lúc nghỉ ≥ 140 mmHg hoặc/và huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg thì được gọi là tăng huyết áp.
Tăng huyết áp rất nguy hiểm vì có thể gây tổn thương động tĩnh mạch, làm giảm lưu lượng máu đi nuôi khắp cơ thể, là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, đau tim, và suy tim. Căn bệnh này được mệnh danh là “Kẻ giết người thầm lặng” bởi nguy hiểm như vậy nhưng bệnh thường tiến triển âm thầm với các biểu hiện không rõ ràng nên nhiều người không hề biết mình mắc bệnh. Tuy nhiên vẫn có những biểu hiện không đặc trưng báo hiệu một cơn tăng huyết áp đột ngột mà người bệnh cần lưu ý:
– Chỉ số huyết áp khi đo trên máy bằng hoặc lớn hơn 140/90mmHg
– Chóng mặt, thậm chỉ cảm thấy choáng váng hoặc nhức đầu
– Mặt đỏ bừng, nóng vùng mặt
– Nôn, buồn nôn
– Chảy máu mũi
– Tê ran các chi
Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt đảo lộn là nguyên nhân chính gây tăng huyết áp vào dịp Tết.
2. Tại sao huyết áp lại tăng cao vào dịp Tết?
Thông thường, các bệnh nhân cao huyết áp sẽ cần uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ và duy trì lối sống lành mạnh để giúp huyết áp ổn định. Nhưng ngày Tết bận rộn với nhịp sinh hoạt đảo lộn khiến người bệnh khó có thể duy trì được những việc này.
Có nhiều yếu tố gây tăng huyết áp trong dịp Tết, bao gồm:
– Đồ ăn mặn, nhiều dầu mỡ, nhiều đường có thể khiến huyết áp tăng cao
– Uống quá nhiều rượu bia, sử dụng chất kích thích, hút thuốc lá
– Căng thẳng, áp lực, thay đổi tâm trạng thất thường trong những ngày Tết
– Thức khuya, ngủ nướng
– Quên mang theo thuốc hoặc quên uống thuốc trong những ngày về quê hoặc đi chơi xa
Vì vậy, những người bị tăng huyết áp cần hết sức lưu ý đến chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt trong dịp này để phòng ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
3. Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt cho bệnh nhân tăng huyết áp trong dịp Tết Nguyên Đán
3.1 Chế độ sinh hoạt cho người bị tăng huyết áp vào dịp lễ
– Tuân thủ đơn thuốc, uống thuốc đều đặn
Đây là lưu ý đầu tiên và quan trọng nhất đối với những người bệnh huyết áp cao. Người bệnh cần tuân thủ kiểm tra huyết áp đều đặn và dùng thuốc hạ áp đúng giờ để duy trì mức huyết áp ở ngưỡng cho phép. Nếu về quê dài ngày hoặc có ý định đi du lịch, bạn nên chuẩn bị đủ thuốc cho cả chuyến di.
– Tập thể dục mỗi ngày
Tập thể dục nhẹ nhàng khoảng 30 phút mỗi ngày sẽ giúp tuần hoàn của bạn làm việc hiệu quả, hạn chế tích tụ mỡ thừa gây hẹp lòng mạch.
– Thức ngủ đúng giờ
Bạn nên ngủ đủ giấc, khoảng 7-8 tiếng/ngày. Không nên thức quá khuya hoặc ngủ nướng vì những thay đổi bất thường đều có thể gây tăng huyết áp.
Tìm hiểu thêm: Ngày Thế giới phòng chống Tăng huyết áp 17/5: Kiểm soát huyết áp tốt để sống khỏe!
Ngủ đúng giờ, đủ giấc giúp phòng tránh huyết áp tăng cao trong những ngày Tết.
3.2 Chế độ dinh dưỡng cho người bị tăng huyết áp trong dịp Tết
Chế độ dinh dưỡng dành riêng cho người tăng huyết áp thường gồm những quy tắc sau:
– Hạn chế độ ăn nhạt
– Thực đơn cân đối giữa các nhóm thực phẩm đạm – chất béo – tinh bột – khoáng chất
Bên cạnh việc tuân thủ những nguyên tắc này, người bệnh cần lưu ý thêm về các món ăn trong ngày Tết:
Các thực phẩm nên hạn chế
– Hạn chế ăn bánh chưng, bánh tét vì tỷ lệ muối khá cao trong những loại bán này không phù hợp với người tăng huyết áp. Nếu bị tăng huyết áp mà vẫn muốn ăn các món ăn này thì bạn có thể ăn với lượng khoảng 100g mỗi ngày. Nên ăn vào bữa sáng hoặc trưa, tránh ăn vào bữa tối. Thay vì ăn kèm với hành muối hoặc củ kiệu muối thì bạn nên kết hợp bánh chưng, bánh tét với các loại củ ngâm chua ngọt để giảm bớt lượng muối.
– Không nên ăn quá 100g/ngày các món thịt nguội, giò chả, thực phẩm chế biến sẵn vì chúng chứa chất bảo quản, nhiều chất béo bão hòa, có hàm lượng muối cao.
– Hạn chế ăn các loại bánh kẹo, mứt tết vì chúng rất ít chất xơ, ít khoáng. Thay vào đó, nên ăn trái cây tươi hoặc các loại mứt tết làm từ trái cây.
– Tránh đến mức tối đa việc uống rượu, bia, nước ngọt vì các loại đồ uống này có thể làm tăng chỉ số huyết áp. Các chuyên gia khuyến cáo mỗi ngày không uống quá 50ml rượu mạnh, 150ml rượu vang và 350ml bia. Thay vì các loại đồ uống có cồn, có thể sử dụng trà xanh, trà hoa cúc, trà sen… để giao lưu bạn bè.
>>>>>Xem thêm: 5 Điều bạn nên biết về hội chứng suy tim
Trong những ngày Tết, bạn nên hạn chế ăn mặn, đồ dầu mỡ, các loại thức ăn quá ngọt,… để ngăn các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp.
Các thực phẩm nên bổ sung
– Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây đa dạng cho những ngày Tết. Các loại rau tốt cho huyết áp như cải xanh, cải ngọt, bầu, bí, cà chua, dưa leo,… và các loại trái cây có múi như cam, quýt, bưởi, dứa… nên được đưa vào thực đơn hàng ngày.
– Nên kết hợp nhiều loại rau củ trong các món xào thay vì chỉ xào thịt hoặc các chất đạm động vật nói chung.
– Nếu ăn các loại hạt như hạt dưa, hạt hướng dương, hạt bí, hạt điều, hạt dẻ cười… thì chỉ nên ăn các hạt không tẩm muối, ăn với lượng vừa phải.
Tóm lại, để đón một cái Tết khỏe mạnh, bình an và trọn vẹn, những người bị tăng huyết áp nên duy trì các sinh hoạt hàng ngày của mình và kiểm soát tốt các chỉ số huyết áp. Nếu huyết áp tăng quá cao hoặc có các triệu chứng bất thường khác, bạn cần liên hệ ngay với các bác sĩ để được tư vấn các xử trí kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.