Trật khớp gối là một trong những chấn thương thường gặp, đặc biệt là đối với những người chơi thể thao. Để đầu gối nhanh phục hồi và tránh những biến chứng nguy hiểm thì việc xử trí vô cùng quan trọng. Vậy bị trật khớp gối phải làm sao để khỏi nhanh nhất? Bạn có thể tìm hiểu những thông tin dưới đây.
Bạn đang đọc: Bị trật khớp gối phải làm sao để nhanh khỏi?
1. Dấu hiệu trật khớp gối
Khớp đầu gối là khớp nằm giữa xương cẳng chân và xương đùi – nơi gặp nhau của 3 hệ xương gồm xương bánh chè, xương đùi và xương chày. Bên cạnh đó hệ thống các sụn, dây chằng và các gân trong đầu gối có vai trò giữ khớp. Bao hoạt dịch tiết ra dịch khớp giúp bôi trơn mặt khớp, nuôi dưỡng sụn khớp và ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng khớp.
Trật khớp gối là tình trạng xương chày và xương đùi bị lệch khỏi vị trí ban đầu, không còn gặp nhau ở khớp gối. Bệnh thường xảy ra do chấn thương hoặc vận động, cử động sai cách và có những dấu hiệu nhận biết khá rõ ràng. Nếu thấy xuất hiện các biểu hiện dưới đây, bạn có thể đã bị trật khớp gối.
– Đau gối: Do khớp bị lệch ra so với vị trí ban đầu, cùng với những chấn thương phần mềm trong quá trình chơi thể thao nên người bệnh sẽ cảm thấy rất đau tại vị trí trật khớp gối. Đau giảm nhanh khi người bị nạn được cố định khớp và ngừng vận động.
– Đầu gối sưng đỏ: Khớp gối sẽ bị sưng to, ấn vào cảm thấy đau, ngoài ra có thể có vết tím đỏ hoặc không.
– Giảm khả năng vận động: Vì đau nên người bệnh giảm khả năng thực hiện các vận động vùng khớp gối như đi lại, co duỗi khớp gối.
Đau, nóng, sưng đỏ có thể là dấu hiệu bị trật khớp gối.
2. Trật khớp gối phải làm sao để giảm đau và khỏi nhanh?
Tình trạng đau nhức, sưng, nóng đỏ khớp thường khiến người bệnh rất khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tàn tật rất cao. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ (NCBI), người trật khớp gối có nguy cơ cao bị tắc nghẽn mao mạch ở chân.
Để cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng, khi được chẩn đoán trật khớp gối người bệnh cần chú ý những điều sau:
2.1 Hạn chế vận động là điều người bị trật khớp gối nên làm
Hạn chế vận động là việc đầu tiên phải thực hiện khi bị trật khớp gối. Bởi càng di chuyển và sử dụng nhiều đến khớp gối thì tình trạng bệnh càng nặng. Người bệnh không nên tự ý nắn bóp, xoay lắc khớp vì làm như vậy sẽ khiến cho cấu trúc phần mềm quanh khớp bị tổn thương nhiều hơn. Người trật khớp gối cần ngồi im, cố định khớp gối bằng vải hoặc nẹp, đồng thời tránh các tác động bên ngoài lên khớp gối.
2.2 Chườm lạnh giúp khớp gối đỡ đau
Chườm lành là phương pháp hữu hiệu giúp giảm đau và giảm sưng cho người bị chấn thương. Cần chườm nhẹ nhàng để không làm tổn thương khớp gối.
2.3 Đưa người bị trật khớp gối tới cơ sở y tế uy tín
Sau khi được cố định khớp và chườm lạnh, người bệnh có thể không thấy đau nhưng vẫn phải đến cơ sở y tế để nắn chỉnh khớp trật. Trong quá trình đưa người bệnh đến cơ sở y tế, bạn nên cố gắng giữ cố định khớp gối.
Để trật khớp gối nhanh hồi phục, người bệnh cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống khoa học để bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Có thể sử dụng các loại thực phẩm tốt cho xương khớp như xương ống ninh nhừ, nấm, ngũ cốc, sữa… Hạn chế sử dụng chất kích thích sẽ giúp đầu gối mau lành, ngăn các biến chứng viêm khớp.
Tìm hiểu thêm: Một vài hiểu biết về xương có thể bạn chưa biết
Chườm lạnh có thể giúp khớp gối bớt đau
3. Chẩn đoán và điều trị trật khớp gối
3.1 Chẩn đoán trật khớp gối như thế nào?
Để chẩn đoán chính xác tình trạng trật khớp gối, bác sĩ sẽ khám kỹ phần đầu gối của người bệnh, từ đó xác định mức độ tổn thương sơ bộ. Việc ấn nhẹ vào khớp gối và quan sát phản ứng của người bệnh cũng giúp đánh giá tình trạng tổn thương.
Dựa trên những đánh giá ban đầu, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân tiến hành một số xét nghiệm, chụp chiếu để kết luận chính xác nguyên nhân và mức độ tổn thương, từ đó đưa ra phương án điều trị. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường sử dụng trong chẩn đoán trật khớp gối gồm:
– Chụp X-quang: Để thấy toàn bộ phần cấu trúc ở bên trong khớp gối, tình trạng gãy xương hoặc trật khớp.
– Siêu âm Doppler, chụp X-quang động mạch siêu âm: Đánh giá các mạch máu ở gối bị tổn thương, lưu lượng máu ở động mạch ảnh hưởng bởi tình trạng trật khớp.
– Chụp MRI: Đánh giá những tổn thương ở các mô mềm của khớp gối , chủ yếu ở sụn, gân và cơ.
3.2 Điều trị trật khớp gối
Trật khớp gối có thể điều trị bằng phương pháp trị liệu. Bác sĩ sẽ nắn sai khớp, điều chỉnh, đưa các xương ở khớp gối về vị trí vốn có. Sau đó, người bệnh được bó bột để khớp gối được hồi phục và giảm dần/cắt cơn đau. Cuối cùng, người bệnh được hướng dẫn thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, co duỗi khớp gối. Việc này giúp tránh tình trạng cứng khớp, tăng cường sức mạnh cơ đầu gối, phục hồi chức năng khớp gối nhanh chóng hơn. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc giúp giảm đau và các triệu chứng khác. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn và đơn thuốc được kê để đạt hiệu quả điều trị cao nhất và tránh tác dụng phụ.
Phẫu thuật thường được chỉ định trong những trường hợp cần nhằm điều chỉnh cấu trúc khớp gối như xương bị sai lệch khỏi vị trí, gãy xương, rách dây chằng, tổn thương dây thần kinh. Tuy nhiên phẫu thuật không phải là lựa chọn ưu tiên để điều trị trật khớp gối bởi phương pháp này tiềm ẩn một số rủi ro như nhiễm trùng, cứng khớp, biến dạng khớp gối, mất chức năng khớp gối, tổn thương các dây thần kinh xung quanh.
>>>>>Xem thêm: Nghe thấy tiếng lạo xạo khớp gối nghĩ ngay đến bệnh khô khớp
Tùy từng trường hợp, người bệnh có thể được điều trị bằng phương pháp nội khoa hoặc phẫu thuật.
Khi trật khớp gối, tốt nhất bạn nên đi khám chuyên khoa Cơ xương khớp để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng. Nếu cần tư vấn về các vấn đề bị trật khớp gối phải làm sao, hãy liên hệ 0936388288 hoặc 1900558892 để được tư vấn chi tiết.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.