Biến chứng sỏi bàng quang gây ảnh hưởng sức khỏe như thế nào

Sỏi bàng quang là chứng bệnh thường gặp ở người trưởng thành, chiếm khoảng 1/3 các trường hợp có sỏi ở hệ tiết niệu. Biến chứng sỏi bàng quang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe chủ yếu do người bệnh chủ quan không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời hiệu quả.

1. Biến chứng do sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang được hình thành bởi các khoáng chất cứng kết cụm tại bàng quang hoặc do sỏi tại thận, niệu quản rơi xuống bàng quang mà không di chuyển ra bên ngoài cơ thể theo dòng nước tiểu.

Khi sỏi bàng quang không thể tự đi ra ngoài theo dòng nước tiểu sẽ kẹt lại gây ra một số triệu chứng điển hình như: Đau bụng dưới, đau khó chịu ở dương vật đối với nam giới, tiểu khó tiểu buốt, tiểu nhiều lần, tiểu rắt, tiểu không hết nước…

Sỏi bàng quang nếu không được điều trị đúng cách kịp thời có thể gây nên biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

1.1 Các biến chứng ban đầu của sỏi bàng quang

Trong trường hợp sỏi nhỏ, chưa gây viêm bàng quang, chưa có bít tắc đường niệu thì hầu như không có biểu hiện gì đặc biệt. Khi sỏi bàng quang phát triển kích thước lớn hơn sẽ gây viêm bàng quang. Viêm nhiễm bàng quang do sỏi là một biến chứng thường gặp bởi sỏi to làm tổn thương niêm mạc bàng quang, khi co bóp, sỏi cọ xát nhiều lần vào niêm mạc gây viêm, loét và nhiễm khuẩn, thậm chí chảy máu.

Viêm bàng quang cấp, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm mạn tính, từ đó có thể gây teo bàng quang hoặc rò bàng quang do lượng nước tiểu thay đổi liên tục.

Biến chứng sỏi bàng quang gây ảnh hưởng sức khỏe như thế nào

Triệu chứng của sỏi bàng quang thường liên quan đến các vấn đề đi tiểu như tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu không hết nước…

1.2 Các biến chứng nguy hiểm do sỏi bàng quang cần lưu ý

Bên cạnh biến chứng sỏi bàng quang thường gặp là viêm bàng quang do sỏi va đập, ma sát gây trầy xước tạo điều kiện cho vi khuẩn thâm nhập, thì sỏi bàng quang còn có thể gây nên các biến chứng rất nguy hiểm nghiêm trọng hơn là viêm thận do nhiễm khuẩn ngược dòng và suy thận. Đây là các biến chứng gây khó khăn hơn trong quá trình điều trị, tốn kém nhiều về chi phí, mất nhiều thời gian. Thậm chí người bệnh có thể phải cắt bỏ thận, chạy thận suốt đời, nhiễm trùng huyết đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Biến chứng rò bàng quang, tầng sinh môn hoặc âm đạo (nữ giới), nước tiểu cũng chảy ri rỉ qua âm đạo hoặc hậu môn gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt và gây nhiễm trùng.

Biến chứng sỏi bàng quang gây ảnh hưởng sức khỏe như thế nào

Suy thận là một biến chứng nguy hiểm, khi đó chức năng thận bị ảnh hưởng từ đó dẫn đến các hệ lụy không chỉ ở hệ tiết niệu mà còn đến các chức năng của cơ quan khác

2. Các biện pháp điều trị sỏi bàng quang hiệu quả

Sỏi bàng quang kích thước nhỏ từ đường tiết niệu trên rơi xuống có thể điều trị kháng sinh chống viêm, giảm đau, giãn cơ trơn để bệnh nhân có thể đi tiểu ra sỏi. Hiện nay, việc điều trị sỏi bàng quang bằng nội soi đã giúp ích rất nhiều cho việc điều trị những viên sỏi bàng quang 1cm không tự đi ra ngoài được ngay cả khi đã uống thuốc.

Với tán sỏi bàng quang nội soi ngược dòng bệnh nhân hoàn toàn không có vết rạch mổ, bác sĩ sẽ thao tác đưa thiết bị nội soi vào từ niệu đạo đến bàng quang, sau đó bắn phá sỏi bằng năng lượng laser rồi hút gắp vụn sỏi ra bên ngoài. Với phương pháp điều trị ngoại khoa ít xâm lấn này bệnh nhân đảm bảo không có chảy máu, không sẹo, không có vết thương hở, rút ngắn thời nằm viện chỉ còn khoảng 24h…

Điều trị sỏi bàng quang bằng phương pháp phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp sỏi to – sỏi không thể tán được hay sỏi bàng quang có kèm theo hẹp niệu đạo, xơ cứng cổ bàng quang, u xơ tuyến tiền liệt, túi thừa bàng quang. Mổ bàng quang lấy sỏi là phẫu thuật đơn giản ít tốn thời gian nhưng thời gian hậu phẫu thường kéo dài hơn nhiều so với phương pháp tán sỏi nội soi.

Biến chứng sỏi bàng quang gây ảnh hưởng sức khỏe như thế nào

Tán sỏi nội soi ngược dòng là phương pháp phổ biến trong điều trị sỏi bàng quang hiện nay

3. Phòng ngừa nguy cơ mắc sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang nếu không được phát hiện chữa trị kịp thời có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi vậy, phòng hơn chống, việc phòng ngừa sỏi bàng quang cần được thực hiện với những lưu ý sau:

– Uống đủ nước hàng ngày (tối thiểu 1,5 lít/ngày) và tránh thói quen nhịn tiểu.

– Bổ sung thực phẩm ít chất béo như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt… vào chế độ ăn hàng ngày, nên hạn chế thức ăn giàu đạm, các món ăn chiên rán dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn.

– Tránh sử dụng các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá, đồ uống công nghiệp…

– Điều trị triệt để các bệnh lý là nguyên nhân gây sỏi bàng quang như: Phì đại tiền liệt tuyến, chít hẹp niệu đạo…

– Thăm khám ngay khi có biểu hiện của rối loạn tiểu tiện: tiểu dắt, tiểu buốt hay tiểu ra máu cuối bãi) để phát hiện bệnh sớm và điều trị sớm sẽ mang lại kết quả.

Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp được những thông tin cần thiết về biến chứng sỏi bàng quang để người bệnh quan tâm hơn đến sức khỏe, kịp thời điều trị.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *