Nhận biết sớm các biểu hiện loét dạ dày là cách tốt nhất giúp nhanh chóng chỉ điểm bệnh và tiến hành đối phó kịp thời để không bỏ lỡ thời điểm “vàng” điều trị.
Bạn đang đọc: Biểu hiện loét dạ dày? Sẽ ra sao nếu mặc kệ các triệu chứng bệnh?
1. Bệnh viêm loét dạ dày
Bệnh viêm loét dạ dày xảy ra khi thành dạ dày xuất hiện các tổn thương dạng viêm loét. Các tổn thương này ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa và gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Viêm loét dạ dày tiến triển qua 2 giai đoạn: Viêm loét cấp tính đến viêm loét mạn tính.
Về nguyên nhân dẫn tới viêm loét dạ dày phải kể tới các nguyên nhân điển hình sau đây:
– Nhiễm vi khuẩn HP (có tên tiếng anh đầy đủ là Helicobacter Pylori).
– Thường xuyên sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc có tác dụng kháng viêm.
– Stress kéo dài.
– Ăn uống thiếu khoa học cùng chế độ, thói quen sinh hoạt không điều độ.
2. Nhận biết sớm các biểu hiện loét dạ dày
2.1. Đau bụng thượng vị – biểu hiện loét dạ dày đầu tiên
Đau thượng vị là cơn đau quanh vùng trên rốn và phía dưới mũi của xương ức. Đây là triệu chứng điển hình và gần như là đầu tiên giúp nhận biết loét dạ dày.
Cụ thể về tính chất của cơn đau thượng vị nghi ngờ do loét dạ dày như sau:
– Con đau thường bộc phát sau khi ăn 2-3 tiếng, sẽ đau nhiều hơn sau khi ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chua hoặc đồ cay nóng;
– Cũng có khi đau lúc bụng đói, đau về nửa đêm, gần sáng. Cơn đau khiến người bệnh mất ngủ, gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng giấc ngủ, ngủ kém đi khiến người mệt mỏi;
– Một số trường hợp không quá điển hình nhưng vẫn có thể xảy ra, cơn đau thượng vị chỉ âm ỉ nhưng sẽ kèm theo cảm giác rát bỏng, thỉnh thoảng đột nhiên đau quặn lên;
– Một số dấu hiệu khác gợi ý về cơ đau thượng vị do loét dạ dày như cảm giác tức ngực, đau từ bụng rồi lan nhanh ra sau lưng,…
2.2. Buồn nôn hoặc nôn
Lý giải vì sao người bệnh loét dạ dày thường đau bụng, buồn nôn và nôn sau bữa ăn đến từ việc các ổ loét ở dạ dày cản trở quá trình tiêu hóa, thức ăn bị giữ lại bị lên men tại dạ dày gây cảm giác ợ hơi, ợ chua, đau bụng, buồn nôn và nôn. Hậu quả của việc nôn ói nhiều sau khi ăn là người bệnh sẽ bị mất nước, mất điện giải nên người luôn mệt mỏi, da mặt tái nhợt xanh xao.
2.3. Triệu chứng rối loạn tiêu hóa và gây sụt cân nhanh
Các biểu hiện rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất ở người bệnh loét dạ dày như ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, đầy hơi, đầy bụng, chán ăn, trướng bụng,… Nhiều trường hợp nặng hơn sẽ bị tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài. Cũng vì hoạt động tiêu hóa bất ổn nên người bệnh loét dạ dày dễ bị sụt cân nhanh.
2.4. Xuất huyết dạ dày – biểu hiện loét dạ dày cảnh báo nguy hiểm
Trong trường hợp bệnh diễn biến trở nặng mà không được xử lý đúng cách kịp thời sẽ dễ dẫn tới biến chứng xuất huyết do ổ loét đã xâm lấn vào các mạch máu dạ dày. Các biểu hiện xuất huyết dạ dày thường gặp như nôn ra máu, đau bụng thượng vị dữ dội hoặc đi ngoài ra phân đen. Lúc này, người bệnh cần chủ động thăm khám ngay để được chỉ định xử lý kịp thời.
3. Sẽ ra sao nếu mặc kệ các triệu chứng cảnh báo bệnh?
Như đã nói ở trên, loét dạ dày phát triển theo 2 giai đoạn là loét cấp tính đến loét mạn tính. Chính vì vậy, triệu chứng bệnh cũng được cảnh báo từ giai đoạn cấp tính đến mạn tính.
Cụ thể, với viêm loét cấp tính, các triệu chứng sẽ rầm rộ trong 3-4 ngày đầu, sau đó giảm dần trong 1-2 tuần tiếp theo và hầu hết sẽ khỏi hoàn toàn trong vòng 1 tháng nếu kịp thời phát hiện và xử lý ngay.
Trong trường hợp người bệnh chủ quan mặc kệ các triệu chứng cũng đồng nghĩa với việc bệnh sẽ trở nặng và diễn biến qua giai đoạn mạn tính. Với viêm loét thể mạn tính việc điều trị sẽ khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn cùng nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
– Hẹp môn vị
– Xuất huyết tiêu hóa
– Thủng dạ dày
– Ung thư dạ dày
Trên hết, ngay khi nhận thấy các biểu hiện nghi ngờ loét dạ dày, người bệnh cần chủ động thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán bệnh chính xác cùng chỉ định phác đồ điều trị càng sớm càng tốt.
Tìm hiểu thêm: HRM-Công nghệ mới chẩn đoán nguyên nhân gây nuốt vướng
4. Phương pháp điều trị với bệnh viêm loét dạ dày
Trước tiên, người bệnh cần nắm được nguyên tắc chung trong điều trị loét dạ dày như sau:
– Tập chung vào điều trị nguyên nhân gây bệnh thay vì điều trị triệu chứng.
– Thực hiện điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, điều trị đúng phác đồ.
Người bệnh cần tiến hành thăm khám để bác sĩ chẩn đoán tính trạng bệnh mới có thể lên đúng phác đồ. Điều trị viêm loét dạ dày thường được thực hiện bằng thuốc hoặc phẫu thuật can thiệp cắt dạ dày.
4.1. Điều trị bằng thuốc
Điều trị bằng thuốc cho hiệu quả với các trường hợp loét dạ dày nhẹ hoặc chưa gây ra nhiều các biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và hướng dẫn sử dụng cụ thể ở từng trường hợp. Thông thường, thuốc điều trị loét dạ dày sẽ bao gồm:
– Thuốc kháng acid.
– Thuốc giảm tiết acid.
– Thuốc ức chế bơm proton.
– Thuốc tạo màng bọc bảo vệ quanh niêm mạch dạ dày.
Lưu ý thêm, người bệnh cần thực hiện và duy trì đúng theo phác đồ bác sĩ đưa ra. Không tự ý kê đơn hoặc thay đổi cách sử dụng. Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống đủ chất khoa học cùng lối sống lành mạnh cũng là điều bắt buộc cần thực hiện để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.
>>>>>Xem thêm: Hội chứng ruột kích thích nên ăn gì? Những điều cần lưu ý
4.2. Phẫu thuật cắt dạ dày
Phẫu thuật cắt 1 phần dạ dày nhằm ngăn chặn sự lan rộng của ổ loét để tránh những hậu quả nghiêm trọng hơn có thể xảy ra. Phẫu thuật được chỉ định ở các trường hợp viêm loét dạ dày nặng kèm biến chứng nguy hiểm hoặc với các ca bệnh không đáp ứng yêu cầu điều trị bằng thuốc.
Bác sĩ sẽ đánh giá dựa theo mức độ nghiêm trọng của bệnh, so sánh giữa lợi ích và rủi ro của ca phẫu thuật để đưa ra chỉ định cuối cùng. Thực hiện phẫu thuật có thể tiến hành bằng phương pháp mổ mở hoặc lựa chọn mổ nội soi tuy theo tình trạng của người bệnh.
Nhận biết sớm những biểu hiện loét dạ dày rất quan trọng, nhận biết sớm xử lý kịp thời sẽ không bỏ lỡ thời điểm “vàng” điều trị. Hãy tìm đến các bệnh viện uy tín để chủ động thăm khám chuyên khoa tiêu hóa ngay khi nghi ngờ bệnh viêm loét dạ dày.