Sốt xuất huyết là căn bệnh do muỗi vằn Aedes Aegypti truyền virus từ những người mắc bệnh sang những trẻ bình thường. Trẻ bị sốt xuất huyết nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng như tổn thương gan, suy hô hấp, rối loạn đông máu, thậm chí là tử vong. Vì vậy, bố mẹ cần phải nắm rõ biểu hiện của bệnh và biết cách chăm sóc, điều trị hiệu quả để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho trẻ.
Bạn đang đọc: Biểu hiện và cách chăm sóc hiệu quả khi trẻ bị sốt xuất huyết
1. Biểu hiện cho thấy trẻ bị sốt xuất huyết
1.1. Giai đoạn đầu của căn bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Sốt là triệu chứng ban đầu khi trẻ em bị sốt xuất huyết. Lúc này, các bé sẽ bị sốt cao từ 39 – 40 độ C một cách đột ngột, bất thường và kéo dài liên tục trong vòng 2 – 7 ngày. Những trẻ lớn hơn sẽ cảm thấy chán ăn, đau đầu, đau nhức hai hốc mắt, buồn nôn, chảy máu chân răng, chảy máu cam.
Trên thực tế, thực hiện xét nghiệm máu trong giai đoạn này thường không phản ánh rõ tình trạng của bệnh. Bởi vì hầu hết dung tích hồng cầu ở mức bình thường, lượng tiểu cầu giảm dần hoặc bình thường, lượng bạch cầu giảm.
Sốt xuất huyết là căn bệnh thường gặp ở trẻ em và có thể bùng phát thành dịch
1.2. Giai đoạn nguy hiểm của căn bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Sau khi trẻ sốt từ 3 – 7 ngày sẽ bước vào thời kỳ nguy hiểm. Lúc này, trẻ có thể còn sốt hoặc giảm sốt, bị thoát huyết tương. Lượng huyết tương bên trong máu thoát ra ngoài ồ ạt khiến bụng bé bị chướng to, thường kéo dài trong vòng 24 – 48 giờ, dẫn đến nguy cơ tử vong ở trẻ em.
Do đó, khi đi khám, bác sĩ có thể phát hiện ra trẻ bị tràn dịch ở màng bụng, màng phổi, mi mắt phù nề, gan to bất thường. Nếu hiện tượng thoát huyết tương nặng sẽ khiến trẻ bị sốc với những dấu hiệu dễ nhận thấy như bứt rứt, vật vã, lạnh đầu chi, lờ đờ, da ẩm, lạnh, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp, tiểu ít.
Đặc biệt, trẻ xuất hiện những mảng bầm tím, bị xuất huyết dưới da, các nốt xuất huyết nằm tập trung hoặc rải rác ở mặt trong hai cánh tay, mặt trước hai cẳng chân, ở phần đùi, bụng, mạng sườn. Đồng thời, bé còn có thể bị xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, tiểu ra máu.
Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần phải lưu ý một điều rằng, xuất huyết không phải là triệu chứng bắt buộc của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ. Bởi lẽ có một số trường hợp, mặc dù trẻ mang bệnh nhưng không có triệu chứng xuất huyết.
Do đó, mặc dù không hoặc có biểu hiện xuất huyết thì bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em vẫn có thể đã đến giai đoạn nguy hiểm, có thể khiến con tử vong. Một trong các biến chứng nghiêm trọng là bé bị sốc với triệu chứng giảm thân nhiệt, giảm tri giác và giảm huyết áp.
Ở giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, khi xét nghiệm máu sẽ thấy lượng tiểu cầu suy giảm chỉ còn 100.000/mm3. Trong những trường hợp nặng, trẻ có thể bị rối loạn đông máu, cực kỳ nguy kịch.
1.3. Giai đoạn hồi phục của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Sau khoảng 2 – 3 ngày từ giai đoạn nguy hiểm, bé sẽ bước vào thời kỳ hồi phục. Vào thời điểm này, con sẽ hết sốt và cảm thấy thèm ăn, huyết áp cũng ổn định trở lại.
2. Một số phương pháp xét nghiệm giúp phát hiện bệnh sốt xuất huyết ở trẻ
Để kiểm tra chính xác trẻ bị sốt xuất huyết hay không, các bác sĩ thường áp dụng 3 phương pháp xét nghiệm như sau:
– Xét nghiệm NS1 được thực hiện khi bé mắc sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu để xác định kháng nguyên của virus.
– Xét nghiệm IgM được thực hiện từ ngày thứ 6 trở đi để xác định những kháng thể IgM chống lại virus.
– Xét nghiệm IgG được thực hiện để kiểm tra những kháng thể bảo vệ sức khỏe lâu dài cho cơ thể.
Vè cơ bản, những triệu chứng ban đầu của bệnh sốt xuất huyết khá tương đồng với các căn bệnh thông thường khác. Do đó, bố mẹ nên cho con đi khám và làm xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ để tìm được hướng điều trị phù hợp nhất.
Tìm hiểu thêm: Phân biệt sốt xuất huyết và các loại sốt khác ở trẻ
Trẻ bị sốt xuất huyết phải làm xét nghiệm máu
3. Cách chăm sóc hiệu quả khi trẻ em bị sốt xuất huyết
Khi thấy trẻ có triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết, bố mẹ hãy nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu bệnh sốt xuất huyết ở mức độ nhẹ, trẻ không cần phải nhập viện mà có thể điều trị tại nhà theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Cụ thể là:
– Bố mẹ phải cho con uống thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ và để trẻ ăn mặc thoải mái, thoáng mát. Không được tự ý cho trẻ uống các loại thuốc chứa Aspirin hoặc Ibuprofen vì có khả năng gây toan máu hoặc xuất huyết.
– Động viên con uống nhiều nước sôi để nguội, uống nước điện giải. Trong trường hợp bé không thích, bố mẹ có thể cho trẻ uống những loại nước trái cây như nước cam, nước dừa,…
– Chia nhỏ khẩu phần ăn của con thành nhiều bữa nhỏ trong ngày với chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, lành mạnh.
– Cho con ăn những món dễ tiêu hóa như súp, cháo, canh,…
– Cho bé nghỉ ngơi nhiều và hạn chế trẻ vận động mạnh.
– Trong trường hợp trẻ không hợp tác, bố mẹ cần phải đưa con đến bệnh viện để điều trị.
Ngoài ra, khi chăm sóc bé bị sốt xuất huyết tại nhà, bố mẹ phải nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện càng sớm càng tốt khi con gặp phải một trong những triệu chứng như nôn ói, vật vã, tứ chi lạnh, da xung huyết, xuất huyết tiêu hóa, đau bụng nặng,…
>>>>>Xem thêm: Cách nhận biết bệnh thủy đậu ở trẻ em nhanh chóng
Với những trường hợp bị sốt xuất huyết nặng, bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ nhập viện để điều trị
4. Một số biện pháp để ngăn ngừa sốt xuất huyết cho trẻ em
– Xịt thuốc chống muỗi và mắc màn mỗi khi trẻ đi ngủ.
– Giữ nhà cửa luôn sạch sẽ và thoáng mát, dẹp bỏ những khu vực “ao tù nước đọng” vì đây là nơi lý tưởng để muỗi vằn sinh sôi, phát triển.
– Không để con vui chơi ở những khu vực muỗi tập trung nhiều.
– Bố mẹ phải tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và ngành y tế trong những đợt phun hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết định kỳ.
Hy vọng bài viết của chúng tôi trên đây đã giúp bố mẹ có cái nhìn tổng quan nhất về bệnh sốt xuất huyết ở các bé. Nếu nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết, các bậc phụ huynh hãy đưa con đến ngay Hệ thống Y Tế Thu Cúc TCI để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.