Viêm phổi là bệnh lý hô hấp phổ biến ở mọi độ tuổi. Chuyên gia lưu ý đây là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm nếu không được điều trị sớm. Biểu hiện viêm phổi và các thông tin về căn bệnh này sẽ được Thu Cúc TCI giới thiệu ở bài viết sau.
Bạn đang đọc: Biểu hiện viêm phổi và thông tin cần biết
1. Biểu hiện viêm phổi đặc trưng
Hầu hết triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khá giống nhau. Do đó, mỗi người cần nắm rõ biểu hiện viêm phổi để có thể phân biệt với cảm cúm thông thường. Dấu hiệu cảnh báo của bệnh còn phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh, giai đoạn phát triển cũng như mức độ tổn thương phổi, thể trạng người bệnh.
1.1. Biểu hiện viêm phổi thường gặp
Dấu hiệu của viêm phổi xuất hiện chủ yếu ở người bệnh viêm phổi cấp tính, diễn ra đột ngột và thường gặp ở trẻ em, người cao tuổi:
– Đau tức ngực khi ho, thở
– Ho nhiều đặc biệt về đêm, có thể ho khan hoặc ho có đờm
– Sốt cao trên 38 độ
– Đổ mồ hôi kèm cảm giác ớn lạnh, rét
– Mệt mỏi, yếu sức
– Thở nhanh, khó thở khi làm việc nặng, gắng sức
– Buồn nôn, nôn kèm triệu chứng tiêu chảy
Ho nhiều là biểu hiện của các bệnh lý hô hấp trong đó có viêm phổi
1.2. Biểu hiện viêm phổi ít gặp hơn
Các triệu chứng ít gặp hơn có thể xuất phát từ các ca bệnh cấp tính phát hiện muộn, chậm trễ trong điều trị. Những biểu hiện này gần giống với thể cấp tính nhưng kéo dài hơn và gây ra nhiều hệ luỵ với sức khỏe, bao gồm:
– Ho ra máu
– Đau đầu
– Đau cơ, đau khớp, nhức mỏi người, mệt mỏi, yếu sức
Ở người khoẻ mạnh khi có triệu chứng nhẹ có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà. Với trường hợp người bệnh là trẻ em, phụ nữ có thai, người già thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị, cách sinh hoạt phù hợp.
2. Biến chứng viêm phổi, bạn đã biết?
Viêm phổi là bệnh lý dễ tiến triển nặng và tiên lượng xấu khi biến chứng xuất hiện. Theo một số thống kê về bệnh lý này cho thấy:
– Khoảng 25% người trên 65 tuổi bị viêm phổi đối diện với nguy cơ tử vong
– 30-50% người gánh chịu nhiều biến chứng nặng nề do bệnh gây ra
Chuyên gia tại Thu Cúc TCI cảnh báo, nếu không được điều trị, viêm phổi có thể dẫn đến một số tình trạng sau:
– Nhiễm trùng huyết
– Suy hô hấp nặng
– Tràn dịch màng phổi
– Áp xe phổi
– Viêm màng ngoài tim
Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi, bệnh còn làm suy giảm chức năng của các cơ quan khác như:
– Viêm nội tâm mạc
– Viêm khớp
– Viêm phúc mạc
– Viêm màng não
– Áp xe não
Theo thống kê, hiện có hơn 50 loại viêm phổi từ nhẹ đến nặng. Viêm phổi nhẹ có thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng cũng rất nhiều loại viêm phổi gây ra di chứng nặng nề, đe doạ tính mạng như:
– Virus SAR-CoV-2 gây viêm phổi
– Phế cầu khuẩn gây viêm phổi
– Viêm phổi do não mô cầu khuẩn gây ra
Ngay khi cơ thể xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám kịp thời. Mỗi người nên tránh suy nghĩ chủ quan rằng viêm phổi có thể tự khỏi mà lơ là điều trị.
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi bằng cách nào?
3.1. Chẩn đoán
Tuỳ từng đối tượng, từng trường hợp mà người bệnh có các biểu hiện viêm phổi rõ ràng hoặc không có triệu chứng. Khi đến thăm khám, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám theo quy trình sau đây để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp:
– Khám lâm sàng: hỏi thông tin và chẩn đoán dựa trên việc đếm nhịp thở, nghe phổi, …
– Chụp X-quang phổi
– Xét nghiệm máu
– Soi cấy đờm, cấy máu
– Xét nghiệm nồng độ O2, CO2 trong máu
– Chụp CT
– Nội soi phế quản
Tìm hiểu thêm: Những điều mẹ cần biết khi trẻ bị ho để con mau khỏi
Thăm khám sớm để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và được tư vấn điều trị phù hợp
3.2. Phương pháp điều trị bệnh viêm phổi tuỳ theo từng trường hợp
Viêm phổi cần được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và đúng cách để ngăn ngừa nhiễm trùng cũng như ngăn chặn biến chứng. Phương pháp điều trị bệnh viêm phổi cần phù hợp với triệu chứng và thể trạng người bệnh. Với những trường hợp bệnh tiến triển nặng, việc điều trị tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của.
Điều trị triệu chứng
Người bệnh viêm phổi được chỉ định một số loại thuốc như:
– Thuốc hạ sốt
– Thuốc giảm đau
– Thuốc ho
– Thuốc long đờm
– Thuốc giãn phế quản
Mục đích của việc sử dụng thuốc là kiểm soát triệu chứng viêm phổi, giảm bớt cảm giác khó chịu cho người mắc bệnh.
>>>>>Xem thêm: Điều trị hiệu quả viêm phế quản cấp tính
Điều trị bằng thuốc là phương pháp phổ biến giúp người bệnh viêm phổi cải thiện triệu chứng
Điều trị nguyên nhân
Tuỳ theo tác nhân gây bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể được áp dụng các phương pháp sau đây:
– Viêm phổi do vi khuẩn: thường được chỉ định uống thuốc kháng sinh.
– Viêm phổi do virus: thường không có hiệu qủa khi dùng kháng sinh điều trị. Người mắc bệnh viêm phổi cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi phù hợp. Lưu ý cần uống nhiều nước ấm làm loãng đờm, chất nhầy, có thể dùng hạ sốt khi sốt cao trên 38.5 độ C.
– Viêm phổi do nhiễm nấm: có thể điều trị tận gốc bằng các loại thuốc chống nấm thích hợp.
Điều trị tại nhà
Hầu hết biểu hiện viêm phổi sẽ thuyên giảm từ vài ngày đến vài tuần, cảm giác mệt mỏi, uể oải có thể kéo dài trong 1 tháng hoặc lâu hơn. Khi điều trị tại nhà người bệnh cần uống thuốc theo phác đồ bác sĩ đưa ra. Bên cạnh đó cần tái khám đúng lịch hẹn hoặc đến bệnh viện khi có các biểu hiện bất thường như khó thở, sốt cao không hạ, nôn mửa, …
Bên cạnh uống thuốc, người bị viêm phổi cần:
– Ăn uống đầy đủ, ưu tiên ăn các món giàu protein, vitamin, khoáng chất
– Nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp vận động nhẹ nhàng để tăng sức đề kháng, giảm nhức mỏi
– Đảm bảo năng lượng để thúc đẩy kết quả cũng như thời gian điều trị
3.3. Lưu ý điều trị viêm phổi
Chuyên gia lưu ý trong quá trình điều trị viêm phổi, người bệnh cần nhập viện trong các trường hợp sau:
– Người già mắc viêm phổi có biểu hiện khó thở
– Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi bị viêm phổi
– Trẻ nhỏ 2-5 tuổi không ăn uống được, co giật, ngủ li bì, thở rít
Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý một số điều sau:
– Chỉ uống thuốc theo đơn của bác sĩ chuyên khoa
– Không tự ý uống thuốc điều trị theo đơn của người khác
Tóm lại, viêm phổi là bệnh lý nguy hiểm nên mỗi người chúng ta cần trang bị kiến thức để nhận biết triệu chứng cũng như cách xử lý phù hợp, an toàn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.