Khi bị nhiễm HIV, hệ miễn dịch trở nên suy yếu và bị giảm khả năng chống lại các tác nhân gây hại nên sẽ dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và các bệnh khác.
Các bệnh nhiễm trùng cơ hội do nhiễm HIV
Những tiến bộ trong điều trị hiện nay đã giúp những người nhiễm HIV có thể sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn trước đây. Vào năm 2019 có khoảng 38.0 triệu người đang sống chung với HIV trên toàn thế giới và 1.7 triệu trường hợp nhiễm mới.
Người nhiễm HIV cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị bằng thuốc kháng retrovirus (ARV) để duy trì sức khỏe và giảm nguy cơ lây truyền bệnh sang người khác. Bên cạnh đó cũng cần tự bảo vệ bản thân khỏi các bệnh nhiễm trùng cơ hội – những mối đe dọa lớn đến sức khỏe và tính mạng của những người đang sống chung với HIV.
HIV hoạt động như thế nào?
HIV là một loại virus tấn công các tế bào CD4 (tế bào T). Các tế bào bạch cầu này đóng vai trò là tế bào trợ giúp cho hệ miễn dịch. Các tế bào CD4 gửi tín hiệu đến các tế bào khác của hệ miễn dịch để bắt đầu tấn công chống lại các tác nhân xâm nhập như virus, vi khuẩn.
Khi một người bị nhiễm HIV, virus sẽ xâm nhập vào các tế bào CD4. Sau đó, virus tấn công và sử dụng các tế bào này làm nơi để chúng tự sao chép và nhân lên. Dần dần, số lượng tế bào CD4 sẽ giảm và làm suy yếu hệ miễn dịch.
Bác sĩ sử dụng xét nghiệm máu để xác định số lượng tế bào CD4 trong máu của người nhiễm HIV nhằm theo dõi sự tiến triển của bệnh và hiệu quả của phác đồ điều trị.
Các bệnh nhiễm trùng cơ hội khi nhiễm HIV
Khi bị nhiễm HIV, hệ miễn dịch trở nên suy yếu và bị giảm khả năng chống lại các tác nhân gây hại nên sẽ dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và các bệnh khác. Nhiễm trùng cơ hội là những bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch bị suy yếu, do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Bác sĩ sẽ dựa vào sự hiện diện của những bệnh này để xác định AIDS. Nếu một người nhiễm HIV và bị mắc một trong những bệnh nhiễm trùng cơ hội thì có nghĩa là đã chuyển sang giai đoạn cuối hay còn gọi là AIDS, bất kể số lượng tế bào CD4 trong máu la bao nhiêu.
Dưới đây là một số bệnh nhiễm trùng cơ hội phổ biến.
Nhiễm nấm Candida
Nhiễm nấm Candida hay còn gọi là nhiễm trùng nấm men có thể xảy ra ở nhiều vùng khác nhau của cơ thể do nấm Candida – một loại nấm men gây ra. Một số dạng nhiễm nấm Candida phổ biến là nấm miệng và nhiễm nấm âm đạo. Người nhiễm HIV thường bị nhiễm nấm Candida ở thực quản, phế quản, khí quản hoặc phổi.
Bệnh nhiễm nấm Candida được điều trị các loại thuốc trị nấm mạnh và đôi khi còn khá độc. Bác sĩ sẽ kê thuốc dựa trên vị trí bị nhiễm nấm.
Ví dụ, một số các loại thuốc được dùng để điều trị nhiễm nấm âm đạo:
- butoconazole (Gynazole)
- clotrimazole
- miconazole (Monistat)
Nếu bị nhiễm nấm Candida toàn thân thì sẽ cần điều trị bằng các loại thuốc như:
- fluconazole (Diflucan)
- itraconazole (Sporanox)
- posaconazole (Noxafil)
- micafungin (Mycamine)
- amphotericin B (Fungizone)
Viêm màng não do nấm Cryptococcus
Cryptococcus là một loại nấm phổ biến được tìm thấy trong đất và phân chim. Một số loại còn phát triển ở các khu vực xung quanh cây cối. Nếu hít phải, Cryptococcus có thể gây viêm màng não. Đây là tình trạng nhiễm trùng lớp màng bao xung quanh não và tủy sống.
Bệnh viêm màng não do nấm Cryptococcus được điều trị bằng thuốc chống nấm rất mạnh (và thường độc), ngoài ra còn cần chọc dò tủy sống thường xuyên. Những loại thuốc này được dùng để điều trị bệnh này gồm có:
- amphotericin B
- flucytosine (Ancobon)
- fluconazole
- itraconazole
Viêm màng não do nấm Cryptococcus có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Những người nhiễm HIV thường được điều trị bằng liệu pháp ức chế virus dài hạn với các loại thuốc có độc lực thấp hơn.
Bệnh do Cryptosporidium
Cryptosporidium là một loại ký sinh trùng nhỏ bé sống trong ruột của người và động vật. Hầu hết những trường hợp bị nhiễm Cryptosporidium đều là do uống nước hoặc ăn các loại thực phẩm chứa ký sinh trùng.
Bệnh do Cryptosporidium (Cryptosporidiosis) thường gây tiêu chảy ở những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, ở những người dương tính với HIV thì bệnh này sẽ kéo dài hơn và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Bệnh do Cryptosporidium được điều trị bằng nitazoxanide (Alinia).
Nhiễm virus cytomegalo
Virus cytomegalo (CMV) là loại virus gây ra bệnh mắt nghiêm trọng ở những người có hệ miễn dịch suy yếu và có thể dẫn đến mù lòa.
CMV cũng có thể gây bệnh ở các vùng khác của cơ thể, chẳng hạn như đường tiêu hóa và các bộ phận của hệ thần kinh.
Hiện chưa có thuốc chữa khỏi nhiễm CMV nhưng một số loại thuốc kháng virus mạnh có thể kiểm soát tình trạng nhiễm trùng và ngăn virus gây hại đến cơ thể. Những thuốc này gồm có:
- gancliclovir (Zirgan)
- valgancilovir (Valcyte)
- foscarnet (Foscavir)
- cidofovir (Vistide)
Ở những người có hệ miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng, các loại thuốc điều trị này thường được sử dụng ở lượng cao trong thời gian dài.
Những tổn hại do CMV gây ra cũng sẽ giảm đi khi điều trị đều đặn bằng thuốc kháng retrovirus. Các loại thuốc này làm gia tăng đáng kể số lượng tế bào CD4 và giúp phục hồi hệ miễn dịch.
Nhiễm HSV
Nhiễm virus herpes simplex (HSV) gây nổi mụn nước và các vết loét quanh môi (bệnh mụn rộp môi) hoặc trên bộ phận sinh dục (mụn rộp sinh dục). Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm HSV và nổi mụn rộp nhưng ở những người dương tính với HIV thì tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát mụn rộp sẽ tăng lên so với bình thường.
Hiện chưa có cách chữa khỏi dứt điểm bệnh mụn rộp. Một khi vào cơ thể, virus sẽ tồn tại vĩnh viễn và lâu lâu gây ra các đợt bùng phát. Tuy nhiên, có thể giảm nhẹ các triệu chứng và giảm tần suất các đợt bùng phát bằng các loại thuốc kháng virus tương đối dễ dung nạp và dùng lâu dài.
Viêm phổi do Pneumocystis carinii
Viêm phổi do Pneumocystis carinii (Pneumocystis pneumonia – PJP) là một dạng viêm phổi do nấm và có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh này được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Ở những người nhiễm HIV, nguy cơ mắc viêm phổi do Pneumocystis carinii có thể tăng cao đến mức phải sử dụng liệu pháp kháng sinh dự phòng nếu số lượng tế bào CD4 giảm xuống dưới 200 tế bào/µL (tế bào trên mỗi microlit).
Bệnh nhiễm khuẩn Salmonella
Thường được gọi là “ngộ độc thực phẩm”, bệnh nhiễm khuẩn Salmonella là một dạng nhiễm khuẩn đường ruột. Vi khuẩn này có trong phân, sau đó có thể bám vào thực phẩm hoặc lẫn trong nguồn nước và đi vào cơ thể.
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như những người sống chung với HIV, có nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella cao hơn ít nhất 20 lần so với những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Vi khuẩn Salmonella có thể lây lan vào máu, khớp và các cơ quan các trong cơ thể. Bệnh này được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma
Nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma (toxoplasmosis) xảy ra do ăn phải thực phẩm có ký sinh trùng. Bệnh này cũng có thể lây nhiễm từ phân mèo.
Nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên đáng kể khi số lượng tế bào CD4 giảm xuống dưới 100 tế bào/µL. Những người nhiễm HIV tốt nhất nên tránh tiếp xúc với phân mèo hoặc bất kỳ nguồn nào có khả năng chứa mầm bệnh.
Những người có hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng (từ 100 tế bào CD4/µL trở xuống) nên điều trị bằng thuốc kháng sinh dự phòng tương tự như những trường hợp bị viêm phổi do Pneumocystis carinii.
Nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma được điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh như trimethoprim-sulfamethoxazole (Bactrim).
Bệnh lao
Hiện nay, bệnh lao (tuberculosis – TB) đã không còn phổ biến và cũng có thể điều trị được dễ dàng ở những người có hệ miễn dịch bình thường. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người nhiễm HIV.
Bệnh lao là do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra và lây lan qua không khí. Bệnh này thường ảnh hưởng đến phổi và có hai dạng là bệnh lao tiềm ẩn và bệnh lao hoạt động.
Những người nhiễm HIV có nguy cơ bị bệnh lao cao hơn.
Căn bệnh này được điều trị trong thời gian từ 6 đến 9 tháng bằng cách dùng kết hợp một số loại thuốc khác nhau, gồm có:
- isoniazid (INH)
- rifampin (Rifadin)
- ethambutol (Myambutol)
- pyrazinamide
Các loại thuốc này có thể kiểm soát được cả bệnh lao tiềm ẩn và bệnh lao hoạt động nhưng nếu không điều trị thì bệnh lao có thể dẫn đến tử vong.
Nhiễm phức hợp Mycobacterium avium (MAC)
Phức hợp Mycobacterium avium (Mycobacterium avium complex – MAC) là một nhóm các vi sinh vật có mặt ở rất nhiều nơi trong môi trường xung quanh. Chúng hiếm khi gây ra vấn đề ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch suy yếu thì những vi sinh vật này có thể xâm nhập vào cơ thể qua hệ tiêu hóa và sau đó lan rộng. Khi lây lan, chúng sẽ gây bệnh với các triệu chứng như sốt và tiêu chảy nhưng thường không gây tử vong. Bệnh này có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh và thuốc kháng retrovirus.
Các bệnh ung thư
Ngoài các bệnh nhiễm trùng cơ hội kể trên, người nhiễm HIV còn có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn so với những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Ung thư cổ tử cung xâm lấn
Ung thư cổ tử cung bắt đầu phát sinh từ các tế bào niêm mạc cổ tử cung. Cổ tử cung là bộ phận nằm giữa tử cung và âm đạo. Phần lớn các trường hợp ung thư cổ tử cung là do HPV (virus u nhú ở người) gây ra. Đây là một loại virus lây truyền phổ biến qua đường tình dục. Trong phần lớn trường hợp, HPV bị hệ miễn dịch cơ thể tiêu diệt và không gây ra bất cứ vấn đề nào về sức khỏe. Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, ví dụ như người nhiễm HIV thì khả năng HPV tự khỏi sẽ thấp hơn và dễ gặp phải các vấn đề do virus này gây ra như mụn rộp và ung thư. Những người dương tính với HIV cũng có nguy cơ bị nhiễm HPV cao hơn.
Vì lý do này nên những phụ nữ nhiễm HIV nên đi khám phụ khoa thường xuyên và làm xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung). Xét nghiệm Pap có thể phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung được coi là xâm lấn khi lan ra bên ngoài cổ tử cung. Các lựa chọn điều trị gồm có phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị.
Ung thư Kaposi
Ung thư Kaposi (Kaposi sarcoma) xảy ra do nhiễm virus HHV-8 (human herpes virus 8). Virus này gây hình thành khối u từ các mô liên kết của cơ thể. Ung thư Kaposi có biểu hiện là nổi những nốt màu tím đỏ trên da.
Chưa có cách chữa khỏi bệnh ung thư Kaposi nhưng có thể điều trị các triệu chứng bệnh ở người nhiễm HIV bằng thuốc kháng retrovirus, kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư thông thường như xạ trị, hóa trị và retinoid.
U lympho không Hodgkin
U lympho không Hodgkin hay ung thư hạch không Hodgkin (non-hodgkin lymphoma – NHL) là bệnh ung thư tế bào lympho – một phần của hệ miễn dịch. Tế bào này có ở khắp cơ thể, từ hạch bạch huyết, hệ tiêu hóa, tủy xương cho đến lá lách.
U lympho không Hodgkin được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, gồm có hóa trị, xạ trị và cấy ghép tế bào gốc.
Phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng cơ hội
Đối với những người sống chung với HIV, mỗi khi mắc bệnh hoặc phát hiện các triệu chứng mới đều cần phải đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Có thể phòng tránh một số bệnh nhiễm trùng cơ hội bằng các cách như sau:
- Tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng retrovirus và duy trì tải lượng virus ở mức không thể phát hiện.
- Thực hiện tiêm vắc-xin và dùng các loại thuốc phòng ngừa được khuyến nghị.
- Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục.
- Tránh phân mèo và phân các loài động vật khác.
- Sử dụng găng tay cao su khi thay tã cho trẻ.
- Tránh những người đang bị bệnh hoặc có biểu hiện bệnh truyền nhiễm.
- Không ăn thực phẩm sống
- Rửa sạch trái cây và rau củ trước khi ăn
- Chọn các sản phẩm từ sữa tiệt trùng.
- Rửa kỹ tay và mọi vật dụng đã tiếp xúc với thực phẩm sống.
- Không uống nước lã.
- Không dùng chung khăn tắm hoặc các vật dụng chăm sóc cá nhân