Các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em mùa nắng nóng, có nguy cơ bùng phát cao trong thời điểm nắng nóng, khí hậu và độ ẩm thay đổi thất thường như hiện nay. Hãy cùng theo dõi bài viết sau đây, để đón xem chuyên gia chỉ điểm các bệnh truyền nhiễm ở trẻ mùa nắng nóng và biện pháp phòng tránh tốt nhất cho bé là như thế nào?
Bạn đang đọc: Các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em
Các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em mùa nắng nóng
Bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng ở trẻ em là bệnh do virus ường ruột thuộc họ Picornaviridae gây ra, tuy được đánh giá là bệnh lành tính nhưng cũng có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. (ảnh minh họa)
Bệnh tay chân miệng là một hội chứng bệnh ở người do virus đường ruột thuộc họ Picornaviridae gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh (trẻ nhũ nhi) và trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi). Các biểu hiện cụ thể của trẻ khi bị tay – chân – miệng đặc trưng bởi: sốt, đau họng, nổi ban có bọng nước.
– Triệu chứng đầu tiên của trẻ là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng.
– Khoảng 1 đến 2 ngày sau khi sốt, trẻ bắt đầu cảm thấy đau, ngứa và rát họng. Khi khám họng của trẻ, thấy xuất hiện các chấm đỏ, nhỏ, sau đó chuyển thành các bọng nước và thường tiến triển thành loét. Các vết loét có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má.
– Nổi ban trên da, các ban này xuất hiện trong vòng từ 1 đến 2 ngày, có màu đỏ và một số hình thành bọng nước. Ban này không ngứa và thường khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng của trẻ vì vậy có tên là tay chân miệng. Tuy nhiên cũng có 1 số trường hợp trẻ bị tay chân miệng có thể nổi ban ở vùng mông.
Bệnh tay chân miệng thường là bệnh lành tính nhưng nếu không điều trị kịp thời với những trường hợp bệnh nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não và có thể dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ.
Bệnh sốt xuất huyết
Tìm hiểu thêm: Phác đồ điều trị viêm phế quản ở trẻ nhỏ thế nào?
Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây xuất huyết, tổn thương tim, gan và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. (ảnh minh họa)
Sốt xuất huyết (SXH) là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trong mùa nắng nóng. Vì vậy, cần nhiệt biết, phát hiện trẻ bị SXH để được khám và điều trị kịp thời, tránh để lại các biến chứng nặng. Sau khi bị muỗi đốt từ 7-10 ngày, trẻ bắt đầu có biểu hiện bệnh như sau:
– Cảm giác mệt mỏi, đau nhức toàn thân
– Sốt cao 39-40 độ C, kèm theo các biểu hiện đau đầu vùng trán hoặc sau hố mắt, chán ăn, nôn, buồn nôn và đầy bụng, đau bụng vùng thượng vị và vùng hạ sườn phải. Trẻ sốt liên tục, kéo dài khoảng 2-7 ngày, một số bé có biểu hiện sốt 2 pha (sốt 1-2 ngày đầu rồi hết sốt trong ngày 3-4, sau đó sốt trở lại).
– Sau khi sốt 2-3 ngày, trên da hoặc toàn thân trẻ có biểu hiện sung huyết và phát ban dát đỏ, hoặc có ban xuất huyết dưới dạng chấm, nốt, chảy máu cam. Nặng hơn trẻ có thể xuất hiện các mảng bầm tím trên da hoặc xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện nôn và đi ngoài ra máu.
– Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của sốt, trẻ có thể có diễn biến bệnh nặng hơn do biến chứng của bệnh, với các biểu hiện ban đầu là bứt rứt, khó chịu, nhiệt độ giảm đột ngột; đau bụng từng cơn có xu hướng tăng; nôn nhiều hơn; lượng nước tiểu giảm, trẻ trở nên mệt mỏi, lừ đừ.
Sốt xuất huyết nếu không điều trị kịp thời trẻ có thể bị xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết các niêm mạc, tổn thương về gan, tim, thoát huyết tương, sốc và có thể gây tử vong.
Cúm
Cúm là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên, thường gặp là virus cúm A/H3N2, A/H1N1, A/H5N1 (rất nguy hiểm) và cúm B. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, trẻ đặc biệt là trẻ nhỏ rất dễ mắc cúm, cụ thể là cúm B với tỷ lệ ra tăng ngày càng cao. Bệnh cúm rất dễ nhầm với cảm lạnh vì vậy ba mẹ cần phân biệt rõ các triệu chứng khi trẻ bị cúm, đó là:
– Khoảng 2 ngày sau khi cơ thể trẻ tiếp xúc với virus cúm (thời kỳ ủ bệnh), trẻ có biểu hiện ban đầu là sốt (sốt nhẹ), sau đó sốt tăng dần (có thể trên 39 độc C), ho, ớn lạnh, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi, kém ăn, có thể xuất hiện tiêu chảy. Một số trẻ cảm thấy đau cơ, nhức mỏi chân, đau hố mắt.
– Từ 4-7 ngày tiếp theo, sốt và các triệu chứng khác có xu hướng giảm dần nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài.
Tuy nhiên có những trường hợp bệnh nặng, các triệu chứng sẽ không thuyên giảm mà để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm đường hô hấp (viêm họng, thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi) hoặc viêm nhiễm ngoài hô hấp như viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm màng não, đặc biệt có khả năng gây tử vong cao đối với trẻ mắc bệnh mạn tính.
Sởi
Sởi là bệnh nhiễm trùng thường xuyên xảy xa và đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ vì tỷ lệ lây nhiễm cũng như tử vong của căn bệnh này đối với trẻ em rất cao. Trẻ bị sởi thường có các biểu hiện như sau
– Khoảng 10-12 ngày khi trẻ tiếp xúc với virus gây bệnh thường sẽ không biểu hiện triệu chứng gì (thời kỳ ủ bệnh). Đến khoảng 5-15 ngày sau trẻ bắt đầu có biểu hiện sốt nhẹ đến vừa, ho khan, chảy nước mũi, viêm kết mạc mắt.
– Giai đoạn phát ban: Trên da trẻ bắt đầu xuất hiện các nốt ban ở vùng chân tóc phía sau tai, sau đó xuất hiện ở mặt và lan dần xuống phía dưới trong vòng 24-48 giờ. Ban sởi là những ban dạng dát-sẩn hơi nổi lên trên bề mặt da, sờ mịn như nhung và không đau, không hoặc ít ngứa, không sinh mủ.
Các biến chứng thường gặp của sởi là viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não. Các biến chứng này làm kéo dài thời gian bệnh, ảnh hưởng đến dinh dưỡng của trẻ. Hậu quả là suy dinh dưỡng, từ đó làm tiền đề cho các bệnh nhiễm trùng phát sinh.
Biện pháp phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em mùa nắng nóng
>>>>>Xem thêm: Nguyên tắc điều trị táo bón ở trẻ cha mẹ cần biết
Chuyên khoa Nhi Thu Cúc là địa chỉ thăm khám được hàng ngàn phụ huynh tin tưởng và lựa chọn khi chăm sóc sức khỏe cho bé yêu.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bánh – Bác sĩ Chuyên khoa Nhi, bệnh viện ĐKQT Thu Cúc cho biết: Các bệnh truyền nhiễm trên đều rất nguy hiểm với trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) vì sức đề kháng còn yếu. Chính vì vậy, một lời cảnh tỉnh cho các ba mẹ là hãy chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm ở trẻ ngay từ sớm. Mỗi bệnh lý sẽ có những biện pháp phòng tránh cụ thể khác nhau, tuy nhiên để bảo vệ bé tránh mắc phải các bệnh lý truyền nhiễm trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, ba mẹ nên thực hiện một số biện pháp sau:
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ cho trẻ, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, dọn dẹp các khu vực chứa nước xung quanh nhà, phun thuốc diệt muỗi.
- Vệ sinh đồ chơi hàng ngày cho trẻ.
- Cho trẻ nằm màn khi ngủ
- Khuyên trẻ che miệng khi ho và hắt hơi.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc những nơi đông người, đặc biệt là tránh tiếp xúc với những người đang hoặc nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm nêu trên.
- Khi trẻ có các biểu hiện khác trên cơ thể, nên cho con đến cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và thăm khám kịp thời, tránh bệnh nặng gây biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ, đồng thời khi thăm khám sớm bé cũng mau chóng hồi phục hơn.
Mọi vấn đề thắc mắc về các bệnh lý ở trẻ em, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ mùa nắng nóng, phụ huynh vui lòng liên hệ đến bệnh viện Thu Cúc theo số 1900 55 88 92 để được tư vấn, hỗ trợ và đặt lịch khám nhanh nhất cho bé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.