Các biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày rất nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Vì thế người bệnh trào ngược dạ dày cần tuân thủ theo đúng phương pháp điều trị của bác sĩ, chú ý tới chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học để cải thiện tình trạng bệnh.
Bạn đang đọc: Các biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày
1. Bệnh trào ngược dạ dày
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản xảy ra khi dịch tiêu hóa từ dạ dày trào ngược lại thực quản, thanh quản và miệng. Dịch dạ dày có tính axit nên khi tình trạng trào ngược diễn ra thường xuyên sẽ gây kích ứng và làm viêm vùng niêm mạc thực quản.
Các dấu hiệu điển hình nhận diện trào ngược dạ dày – thực quản gồm có:
– Ợ chua, ợ hơi
– Buồn nôn, nôn ói
– Ho, viêm họng, khàn giọng
– Miệng tăng tiết nước bọt
– Cảm giác đau tức vùng ngực
– Ăn không ngon, chán ăn, khó nuốt
Tùy theo mức độ và tần suất trào ngược, các triệu chứng gặp phải cũng khác nhau. Với những trường hợp người bệnh bị trào ngược liên tục nhiều lần trong ngày, trào ngược về đêm gây mất ngủ, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc thì cần thăm khám sớm để thực hiện điều trị kịp thời.
2. Cảnh giác với các biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày
Trong nhiều trường hợp, người bệnh bị trào ngược axit dạ dày nhưng dễ chủ quan bỏ qua bệnh vì nghĩ là dấu hiệu sinh lý thông thường. Thực tế, trào ngược dạ dày nghiêm trọng hơn vậy, nếu không được điều trị tốt bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
2.1. Biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày gây ra loét thực quản
Đây là một trong những biến chứng thường gặp khi bị trào ngược dạ dày. Khi xuất hiện biến chứng này, người bệnh sẽ cảm thấy đau tức ngực, khó nuốt, nuốt thức ăn, cảm thấy đau họng, mất cảm giác ngon miệng khi ăn.
2.2. Viêm đường hô hấp
Khi axit từ dạ dày trào ngược lên đường hô hấp sẽ gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm mũi,… Đây là biến chứng thường gặp ở người bệnh trào ngược dạ dày.
2.3. Biến chứng nguy hiểm của bệnh trào ngược dạ dày là Barrett thực quản
Đây là một biến chứng đặc biệt nguy hiểm. Nguyên nhân là do axit dạ dày trào lên thực quản liên tục khiến các vết loét khó lành lan rộng và dẫn tới các tế bào lót ở thực quản bị ảnh hưởng. Barrett thực quản nếu không được phát hiện sớm và điều trị tốt sẽ gây ra tình trạng loạn sản ở thực quản. Đây được xem là một tổn thương tiền ung thư của ung thư biểu mô tuyến thực quản.
2.4. Ung thư thực quản
Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh trào ngược dạ dày. Biến chứng này thường gặp ở người trên 50 tuổi với các triệu chứng như sụt cân nhanh chóng, nôn, đau tức ngực, ho nhiều…
Để phòng tránh các biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày, người bệnh khi thấy xuất hiện các triệu chứng sớm của bệnh cần đi khám và điều trị ngay. Việc tuân thủ đúng phương pháp điều trị của bác sĩ sẽ giúp cải thiện tốt tình trạng bệnh.
Tìm hiểu thêm: Giải đáp: Ruột thừa có tác dụng gì? Khi nào nên cắt bỏ?
3. Điều trị trào ngược dạ dày
Điều trị trào ngược dạ dày trong giai đoạn đầu sẽ ưu tiên bắt đầu điều trị các triệu chứng, kiểm soát lượng axit bằng các thuốc không kê đơn và điều chỉnh chế độ ăn khoa học. Nếu tình trạng trào ngược vẫn tiếp diễn, xu hướng bệnh nặng hơn thì bạn cần thăm khám, thực hiện chẩn đoán tìm nguyên nhân bệnh và tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Bệnh trào ngược dạ dày về cơ bản không phải bệnh lý khó chữa nhưng lại rất dễ tái phát lặp lại. Vì vậy, tính tuân thủ trong điều trị là rất quan trọng.
Đối với những trường hợp trào ngược dạ dày gây biến chứng hoặc việc điều trị bằng thuốc không có tác dụng, bác sĩ sẽ xem xét đến phương pháp điều trị có xâm lấn như nội soi can thiệp hoặc phẫu thuật.
>>>>>Xem thêm: Bỏ túi kinh nghiệm nội soi dạ dày đại tràng
4. Thực hiện chế độ ăn khoa học là ưu tiên với người bệnh trào ngược dạ dày
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng bệnh cũng nhưng phòng ngừa nguy cơ trào ngược dạ dày tái phát. Người bệnh cần chú ý tới chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày như sau.
– Các thực phẩm người bệnh trào ngược dạ dày cần tránh: Thực phẩm giàu chất béo; thực phẩm cay, nóng; đồ uống có ga, đồ uống có tính axit như nước chanh, nước cam…
– Các thực phẩm người bệnh nên ăn: Những thực phẩm cung cấp protein chứa ít cholesterol như cá hồi, hạt điều, ngũ cốc, dâu, táo, dưa hấu; các thức ăn giàu chất xơ cũng tốt cho người bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Bên cạnh đó, người bệnh trào ngược dạ dày nên áp dụng một lối sống khoa học để cải thiện tình trạng sức khỏe như: tập thể dục thể thao hàng ngày; giảm cân; ăn, ngủ đúng giờ, điều độ; không sử dụng rượu bia, thuốc lá…
Ngoài ra, người bệnh cần theo dõi tình trạng sức khỏe và tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ nhằm kịp thời điều chỉnh phương pháp chữa trị phù hợp giúp ngăn ngừa tốt các biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày có thể xảy ra.