Thông liên nhĩ là một dị tật tim bẩm sinh thường gặp, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và nguy cơ biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Tuy nhiên bệnh có thể được chữa khỏi nếu có phác đồ điều trị phù hợp. Cùng tìm hiểu các phương pháp điều trị thông liên nhĩ hiện nay và những lưu ý trong quá trình điều trị qua bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Các biện pháp điều trị thông liên nhĩ
1. Các phương pháp điều trị bệnh thông liên nhĩ hiện nay
Nếu bệnh thông liên nhĩ chưa làm ảnh hưởng huyết động thì bệnh nhân chỉ cần theo dõi định kỳ. Ngược lại, nếu lỗ thông quá lớn hoặc gây các triệu chứng thì cần điều trị sớm bằng các phương pháp: nội khoa, can thiệp và phẫu thuật.
1.1 Điều trị thông liên nhĩ bằng phương pháp nội khoa
Điều trị nội khoa tuy không chữa khỏi được bệnh thông liên nhĩ nhưng có thể có những tác dụng sau:
– Hỗ trợ, chuẩn bị trước khi phẫu thuật
– Kiểm soát nhịp tim trong trường hợp bệnh nhân có rối loạn nhịp
– Điều trị suy tim với các trường hợp tăng áp phổi
Điều trị nội khoa được dùng để hỗ trợ trước phẫu thuật đóng lỗ thông hoặc trong các trường hợp thông liên nhĩ có rối loạn nhịp, suy tim.
1.2 Thông tim – Biện pháp điều trị thông liên nhĩ an toàn, ít biến chứng
Thông tim là biện pháp đưa dụng cụ vào để bít lỗ thông ở vách ngăn liên nhĩ.
– Cách thực hiện
Trong thủ thuật này, các bác sĩ sẽ đưa một ống thông vào mạch máu ở vùng bẹn và đi đến tim. Ống thông được điều khiển vào các vị trí trong tim để thực hiện các phép đo các chỉ số như lưu lượng máu, áp suất và nồng độ oxy trong các buồng tim. Sau đó, một dụng cụ được thiết kế đặc biệt được đưa vào vị trí và kẹp vào bờ lỗ thông giúp bít kín lỗ thông, ngăn máu từ nhĩ trái qua nhĩ phải.
Khi mới được đưa vào tim, cấu trúc dụng cụ bít lỗ thông và áp lực tự nhiên trong tim sẽ giúp cố định thiết bị tại chỗ. Theo thời gian, các mô tim phát triển và bao phủ hoàn toàn dụng cụ.
– Ưu điểm vượt trội của phương pháp thông tim
+ An toàn và không đòi hỏi nhiều kĩ thuật
+ Có tính thẩm mỹ cao, không để lại sẹo ở ngực
+ Thời gian hồi phục ngắn hơn so với phẫu thuật tim, giảm sang chấn, ít đau, ít chảy máu
+ Bệnh nhân thường chỉ cần nằm viện qua đêm
+ Giảm tỉ lệ nhiễm trùng so với phương pháp mổ hở
1.3 Phẫu thuật tim
Đây là kỹ thuật vá lỗ thông liên nhĩ bằng phương pháp mổ hở. Để thực hiện phẫu thuật này cần có sự trợ giúp của máy tim phổi nhân tạo.
– Chỉ định phẫu thuật tim đóng lỗ thông trong các trường hợp:
+ Lỗ thông có kích thước lớn hoặc gần các cấu trúc tim lân cận
+ Thông liên nhĩ đã ảnh hưởng tới huyết động, gây giãn thất phải, tăng áp lực động mạch phổi…
– Cách thực hiện
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân để không cảm thấy đau trong suốt cuộc phẫu thuật. Bắt đầu phẫu thuật, bác sĩ tạo một đường mổ dọc giữa xương ức. Sau đó, khâu trực tiếp hoặc sử dụng miếng vá nhân tạo để bít lỗ thông.
Thông thường, sẽ mất 6 tháng để vết mổ lành hẳn. Sau khi lỗ thông liên nhĩ được đóng kín, hầu hết bệnh nhân không có thêm triệu chứng hoặc các vấn đề liên quan đến bệnh.
Tìm hiểu thêm: Mạch vành tim: Nguy cơ bệnh lý, cách điều trị và bảo vệ
Thông tim là biện pháp can thiệp giúp bít lỗ thông hiệu quả nhưng vẫn an toàn, có tính thẩm mĩ cao, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh.
2. Những lưu ý khi điều trị thông liên nhĩ
2.1 Tiêu chuẩn lựa chọn phương pháp điều trị
Tùy theo vị trí, kích thước lỗ thông và tương quan giữa lỗ thông với các cấu trúc lân cận, các bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị bằng nội khoa hay ngoại khoa hay can thiệp.
2.2 Chỉ định đóng lỗ thông liên nhĩ
Chỉ định đóng lỗ thông liên nhĩ thường được đưa ra trong các trường hợp:
– Bệnh nhân có triệu chứng trên lâm sàng: khó thở, giảm khả năng gắng sức
– Không có triệu chứng nhưng có dấu hiệu quá tải thất phải, phì đại thất phải hoặc tắc mạch nghịch thường
– Nếu bệnh nhân có tăng áp lực động mạch phổi thì cần tiến hành thông tim thăm dò để đo chính xác áp lực mạch phổi, sức cản phổi, từ đó mới quyết định có can thiệp hay không
2.3 Chống chỉ định đóng lỗ thông
– Thông liên nhĩ kiểu lỗ tiên phát, kiểu xoang tĩnh mạch
– Thông liên nhĩ có kèm với các bất thường tim bẩm sinh khác cần phẫu thuật sửa chữa toàn bộ
– Bệnh nhân bị thông liên nhĩ nặng nhưng kèm theo rối loạn đông máu
– Có kèm các bệnh lý nội khoa, ngoại khoa nặng chưa thể thông tim can thiệp
– Bệnh nhân bị tăng áp lực động mạch phổi cố định
– Bệnh nhân mắc chứng Eissenmenger trên lâm sàng
>>>>>Xem thêm: Phân biệt bệnh run vô căn và Parkinson – những điều cần biết
Tùy vào loại thông liên nhĩ, kích thước lỗ thông và các bệnh lý đi kèm mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho bạn.
2.4 Chăm sóc đối với các trường hợp phẫu thuật đóng lỗ thông
+ Bệnh nhân có thể xuất viện từ 3 đến 5 ngày sau phẫu thuật
+ Trong những ngày đầu sau phẫu thuật, nên cho bệnh nhân nằm/ngồi thư giãn trên giường hoặc trên ghế, thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng như đọc sách, ngủ và xem TV.
+ Trong suốt quá trình hậu phẫu, nếu có bất cứ biểu hiện bất thường nào, bạn cần liên hệ với bác sĩ ngay để được tư vấn và xử lý kịp thời.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn biết cách điều trị thông liên nhĩ. Hãy chủ động thăm khám sớm và thực hiện theo những chỉ dẫn của bác sĩ để tăng hiệu quả điều trị và khả năng chữa khỏi bệnh nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.