Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm ở gan do virus viêm gan B gây ra. Bệnh thường diễn ra âm thầm với các triệu chứng mờ nhạt, khó nhận biết nhưng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, việc tiêm phòng viêm gan B từ sớm có ý nghĩa quan trọng giúp phòng bệnh cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Để có quá trình tiêm chủng vắc xin viêm gan B an toàn cần chuẩn bị những gì trước khi tiêm? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp giúp bạn đọc các bước chuẩn bị trước khi chích ngừa vắc xin viêm gan B!
Bạn đang đọc: Các bước chuẩn bị trước khi chích ngừa vắc xin viêm gan B
1. Tìm hiểu những thông tin cần thiết về vắc xin phòng viêm gan B
1.1. Tầm quan trọng mà việc tiêm phòng vắc xin viêm gan B mang lại
Viêm gan B là bệnh lý truyền nhiễm do virus viêm gan B gây nên. Loại virus này có thể lây truyền qua đường máu, qua quan hệ tình dục và từ mẹ truyền sang con trong quá trình sinh đẻ. Dù có cùng cách thức truyền bệnh với virus HIV nhưng khả năng lây nhiễm của viêm gan B cao gấp 50 đến 100 lần so với HIV. Khi bị viêm gan B mạn tính có thể diễn tiến thành các bệnh lý nghiêm trọng về gan như xơ gan, suy gan và nguy hiểm hơn là ung thư gan.
Vắc xin viêm gan B giúp ngăn ngừa viêm gan B và các hậu quả do viêm gan B gây ra như xơ gan, ung thư gan. Tất cả mọi người đều nên tiêm phòng viêm gan B đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ bản thân và người thân khỏi viêm gan B suốt đời. Không những vậy, việc tiêm chủng rộng rãi vắc xin phòng viêm gan B sẽ góp phần kiểm soát bệnh trong cộng đồng và giảm tỷ lệ nhiễm virus viêm gan D, do viêm gan D chỉ xảy ra khi người bệnh bị nhiễm viêm gan B trước đó.
Vắc xin viêm gan B giúp ngăn ngừa bệnh và các hậu quả do viêm gan B gây ra
1.2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định tiêm phòng vắc xin viêm gan B
Đối tượng chỉ định tiêm phòng viêm gan B
Vắc xin viêm gan B được chỉ định tiêm cho mọi đối tượng có nguy cơ nhiễm virus viêm gan B. Đặc biệt với tất cả trẻ sơ sinh nên được tiêm chủng 1 mũi vắc xin ngừa viêm gan B ngay sau sinh, tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau khi sinh và hoàn thiện đầy đủ lịch trình tiêm chủng khi trẻ lớn. Ngoài ra, với những người tiếp xúc trực tiếp với môi trường dễ lây nhiễm viêm gan B cũng được khuyến khích tiêm phòng vắc xin, cụ thể:
– Nhân viên y tế, bác sĩ.
– Nhân viên phòng thí nghiệm.
– Người làm trong trại cứu tế, trại dưỡng lão,…
– Người đến vùng dịch.
– Người có nguy cơ mắc bệnh qua quan hệ tình dục.
Tìm hiểu thêm: Tiêm phòng vắc xin sốt xuất huyết
Những người tiếp xúc trực tiếp với môi trường dễ lây nhiễm viêm gan B nên thực hiên tiêm phòng từ sớm
Đối tượng chống chỉ định tiêm phòng viêm gan B
– Mẫn cảm với bất kỳ thành phần, tá dược có trong vắc xin.
– Người mắc các bệnh lý bẩm sinh như bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan hay bị đái tháo đường, suy dinh dưỡng, bệnh cấp tính,… cần cân nhắc trước khi tiêm.
2. Những điều cần chuẩn bị trước khi chích ngừa viêm gan B
2.1. Lưu ý trước khi chích ngừa viêm gan B dành cho trẻ nhỏ
Việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh cần phải thực hiện càng sớm càng tốt. Trước khi chích ngừa cần kiểm tra sức khỏe của trẻ thông qua khám sàng lọc trước tiêm.
Khi tiêm mũi đầu tiên (mũi sơ sinh), trẻ đang ở giai đoạn dưới 1 tháng tuổi, khi thăm khám sàng lọc, cần chú ý đến tuổi thai khi đẻ, tuổi thai hiệu chỉnh, cân nặng của trẻ, chức năng của các cơ quan, bệnh lý cấp tính, các nghi ngờ bệnh suy giảm miễn dịch, phơi nhiễm HIV,… Nếu phát hiện các biểu hiện bất thường ở trẻ cần chỉ định tạm hoãn tiêm ngay. Cụ thể như sau:
– Xuất hiện tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, suy giảm ý thức…).
– Phát hiện mắc các bệnh cấp tính, bệnh nhiễm trùng.
– Sốt ≥ 38°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách).
– Trẻ có cân nặng dưới 2000g cần chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện để theo dõi.
– Nghi ngờ trẻ mắc hoặc mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh, chưa rõ mức độ hoặc mắc suy giảm miễn dịch thể nặng.
Chỉ tiếp tục tiêm phòng viêm gan B khi trẻ đủ khỏe mạnh và đảm bảo điều kiện tiêm chủng. Ngoài ra khi đi tiêm, cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, không quá bó để dễ dàng tiêm và không chạm vào vết tiêm.
Với các mũi tiêm sau, cha mẹ cũng nên thực hiện theo dõi biểu hiện của trẻ và khám trước khi tiêm chủng.
>>>>>Xem thêm: Bị phát ban sau khi tiêm vắc-xin: Nguyên nhân và cách xử lý
Trước khi tiêm phòng cha mẹ nên cho trẻ khám sàng lọc kĩ càng
2.2. Lưu ý trước khi chích ngừa viêm gan B dành cho người lớn
Người lớn nếu muốn tiêm phòng viêm gan B, trước khi chích ngừa cần khám sàng lọc và xét nghiệm HBsAg và anti-HBs (HBsAb) để kiểm tra xem có bị nhiễm virus HBV không hoặc trong cơ thể đã có kháng thể hay chưa.
Nếu kết quả xét nghiệm HBsAg dương tính, nghĩa là người bệnh đã nhiễm virus viêm gan B, lúc này việc tiêm ngừa viêm gan B sẽ không còn hiệu quả. Còn nếu kết quả HBsAb dương tính có nghĩa là đã có sẵn kháng thể kháng virus viêm gan B, khi đó không cần thiết phải tiêm vắc xin nữa. Nếu cả hai xét nghiệm trên đều âm tính, tức là chưa mắc bệnh và cần tiêm vắc xin viêm gan B để phòng bệnh.
3. Lịch tiêm vắc xin viêm gan B dành cho người lớn và trẻ nhỏ
3.1. Lịch tiêm vắc xin viêm gan B đối với trẻ nhỏ
– Tiêm 1 mũi trong thời gian 24 giờ đầu ngay sau sinh
– Lịch thông thường gồm 3 liều theo phác đồ 0-1-6 tháng
Với trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh, lịch tiêm gồm 4 liều theo phác đồ 0-1-2-12 tháng
3.2. Lịch tiêm vắc xin viêm gan B đối với người lớn
Với lịch tiêm phòng vắc xin viêm gan B dành cho người lớn, người tiêm có thể chọn 1 trong 2 phác đồ như sau:
– Phác đồ 0 – 1 – 6 được hiểu là mũi tiêm thứ 2 cách mũi đầu tiên 1 tháng và mũi tiêm thứ 3 cách mũi 2 là 5 tháng (cách liều đầu 6 tháng nếu tiêm đúng lịch).
– Phác đồ 0 – 1 – 2 – 12 tức là 3 mũi tiêm liên tiếp cách nhau 1 tháng và mũi thứ 4 cách mũi thứ 3 là 1 năm.
Ngoài ra, người ở độ tuổi trưởng thành nên xét nghiệm HbsAb sau mỗi 5 năm và nhắc lại 1 mũi vắc xin nếu viêm gan B xét nghiệm HBsAb dưới 10IU/ml.
Trên đây là các bước chuẩn bị trước khi chích ngừa vắc xin viêm gan B mọi người cần lưu ý. Mong rằng bài viết đã đem đến những thông tin tiêm chủng hữu ích cho bạn đọc.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.