Các cách phòng tránh đột quỵ bạn nên biết

Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là bệnh lý cấp tính, khả năng gây tử vong cao. Bệnh không phân biệt tuổi tác, giới tính do đó mà việc nâng cao kiến thức để phòng tránh đột quỵ là rất cần thiết.

1. Tìm hiểu đột quỵ là gì?

Đột quỵ não là tình trạng não bộ tổn thương nghiêm trọng do quá trình cung cấp máu cho não suy giảm và gián đoạn đột ngột. Điều này khiến não bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi dưỡng các tế bào. Chỉ trong vài phút nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não bắt đầu chết dần.

Vì thế, người bệnh đột quỵ cần được cấp cứu nhanh chóng nhất. Thời gian cấp cứu càng lâu, tế bào não chết càng nhiều, sẽ ảnh hưởng tới khả năng hồi phục thậm chí đe dọa tới tính mạng người bệnh. Hầu hết những trường hợp may mắn sống sót sau đợt tai biến đều đối mặt với các di chứng như tê liệt, khả năng vận động kém, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, méo mặt, …

2. Chuyên gia gợi ý các cách phòng tránh đột quỵ

Đột quỵ não là bệnh vô cùng nguy hiểm tuy nhiên tất cả chúng ta đều có thể dự phòng bệnh bằng những cách sau đây.

2.1. Phòng tránh đột quỵ bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

Một chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng là cách để xây dựng một sức khỏe tốt đồng thời phòng tránh đột quỵ hiệu quả. Một số lưu ý để có một thực đơn ăn uống lành mạnh là:

– Xây dựng chế độ dinh dưỡng đảm bảo đầy đủ và cân bằng các nhóm chất thiết yếu gồm: protein, chất béo, tinh bột, khoáng chất và vitamin.

– Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để giảm áp lực lên dạ dày và hệ tiêu hóa.

– Tăng cường bổ sung các loại rau củ quả, hoa quả tươi để bổ sung chất xơ và các dưỡng chất tốt.

– Nên ăn nhiều cá giàu omega 3 và các chất béo không no nhằm giảm thành phần cholesterol xấu trong máu, hạn chế xơ vữa động mạch và sự xuất hiện của các cục máu đông.

– Bổ sung ngũ cốc nguyên hạt vào thực đơn ăn uống hàng ngày. Đây là nguồn cung cấp chất xơ và nhiều chất dinh dưỡng quan trọng.

– Hạn chế ăn các món chiên rán nhiều dầu mỡ, gia vị tẩm ướp.

– Nên sử dụng dầu thực vật để nấu nướng, chế biến các món ăn hàng ngày.

Đặc biệt, người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp, thiếu máu não, … nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa để có một chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Các cách phòng tránh đột quỵ bạn nên biết

Ăn uống lành mạnh, đủ chất là chìa khóa để có một sức khỏe tốt và tránh được nhiều bệnh lý nguy hiểm

2.2. Phòng tránh đột quỵ bằng cách tập thể dục, vận động đều đặn

Một cách phòng tránh đột quỵ khác nữa đó là tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày. Vận động đều đặn không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh mà còn giúp nâng cao sức khỏe, cải thiện tinh thần.

Việc tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên sẽ đem đến nhiều lợi ích như:

– Giảm lo lắng, căng thẳng, tinh thần thoải mái

– Tăng cường lưu thông máu

– Cải thiện sức đề kháng, hệ miễn dịch, tăng sức bền

Chính những điều này là yếu tố giúp chúng ta phòng chống đột quỵ hiệu quả. Tùy theo sở thích và sức khỏe cá nhân, bạn có thể lựa chọn các môn tập phù hợp. Nên duy trì khoảng 30-45 phút với tần suất 4-5 buổi/tuần là tốt nhất.

Người trẻ có thể lựa chọn chạy bộ, đạp xe, bơi lội, đánh cầu lông, nhảy aerobics. Người cao tuổi có thể tăng cường vận động với môn yoga, thiền, tập dưỡng sinh, đi bộ, … Tập môn gì cũng tốt, miễn là chúng ta duy trì thói quen này đều đặn.

Các cách phòng tránh đột quỵ bạn nên biết

Tập luyện đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần đồng thời cũng giúp ngăn ngừa đột quỵ

2.3. Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái cũng là cách ngăn ngừa đột quỵ

Tâm trạng căng thẳng, lo âu trong một thời gian dài là một trong những tác nhân gây ra đột quỵ. Ví dụ những người bị stress thường xuyên thường có xu hướng tìm đến rượu bia, thuốc lá và chất kích thích để giải sầu, đồng thời họ thường thức khuya. Những thói quen độc hại này khiến sức khỏe suy yếu nên máu lưu thông kém, gây ra bệnh.

Chính vì vậy, hãy cố gắng tạo một lối sống lành mạnh, tinh thần thoải mái, vui vẻ. Nếu lo âu, căng thẳng nên tìm cách giải tỏa hoặc nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý. Tránh để tình trạng stress kéo dài vì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

2.4. Điều trị các bệnh lý mạn tính

Các bệnh lý sau đây là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ:

– Tiểu đường

– Cao huyết áp

– Máu nhiễm mỡ

Do đó, nếu đang mắc các bệnh lý trên, cần tích cực điều trị và cải thiện để tránh biến chứng nguy hiểm.

2.5. Nói không với thuốc lá, rượu bia, chất kích thích là điều bắt buộc

Lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích cũng là nguyên nhân gây đột quỵ và hàng loạt bệnh lý nguy hại khác. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thường xuyên sử dụng thuốc lá, rượu bia có tỷ lệ bị đột quỵ cao hơn gấp nhiều lần so với người không có những thói quen này.

Để bảo vệ sức khỏe bản thân, hãy loại bỏ thuốc lá, rượu bia ra khỏi cuộc sống của mình. Hút thuốc lá không chỉ làm hại chính bạn mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến những người xung quanh.

2.6. Kiểm tra sức khỏe định kỳ/ đi khám ngay khi cơ thể xuất hiện triệu chứng cảnh báo

Theo WHO, mỗi năm có khoảng 6,5 triệu người tử vong do căn bệnh thần chết này. Tai biến cũng đứng thứ 2 trong nhóm nguyên nhân gây tử vong cao trên toàn thế giới. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân đột quỵ não cũng tử vong. Điều kiện tiên quyết luôn là phát hiện và can thiệp ngay khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện.

Các cách phòng tránh đột quỵ bạn nên biết

Tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ 1-2 lần/năm để chặn đứng nguy cơ phát triển của bệnh

Bên cạnh đó, khi xuất hiện các triệu chứng cảnh báo như mất ngủ, đau đầu, méo miệng, chân tay tê yếu, cần đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời. Những dấu hiệu đó đều là tín hiệu cảnh báo một cơn đột quỵ sắp diễn ra.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *