Tiêm phòng cho bé sơ sinh là biện pháp hiệu quả để giúp trẻ phòng tránh nhiều loại bệnh nguy hiểm ngay từ khi chào đời. Đây cũng là chủ đề nhận được nhiều câu hỏi từ các bố mẹ, hãy cùng Thu Cúc TCI giải đáp các vấn đề liên quan đến tiêm chủng cho con trong trong bài viết này nhé!
Bạn đang đọc: Các câu hỏi thường gặp khi tiêm phòng cho bé sơ sinh
1. Lý do tại sao trẻ cần tiêm chủng ngay khi chào đời?
Việc tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ ngay từ lúc sinh ra đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của em bé. Quá trình này không chỉ giúp tránh những bệnh tật nguy hiểm mà còn đóng góp vào sự phát triển toàn diện của hệ thống miễn dịch.
Tiêm phòng đầy đủ giúp tăng cường hệ miễn dịch của bé, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
– Các loại vắc xin như vắc xin phòng bệnh Lao (BCG), phòng bệnh viêm gan B, giúp ngăn chặn sự lan truyền của các bệnh tật nguy hiểm từ môi trường xung quanh, bảo vệ bé khỏi những nguy cơ tiềm ẩn.
– Các thành phần trong vắc xin kích thích sự phản ứng của hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể bé sản xuất kháng thể để chống lại vi khuẩn và virus. Điều này tăng khả năng phòng ngừa bệnh tật và giảm độ nặng khi bé tiếp xúc với chúng.
– Tiêm phòng không chỉ mang lại lợi ích cho bé mà còn góp phần vào sự an toàn của cộng đồng xung quanh khi ngăn chặn sự lây nhiễm và lan truyền của các bệnh truyền nhiễm.
Việc tiêm chủng đầy đủ ngay từ khi con chào đời là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe và góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội, tạo môi trường sống an toàn và khỏe mạnh cho tương lai.
2. Giải đáp thắc mắc về các loại vắc xin cho bé sơ sinh
2.1 Cần tiêm phòng cho bé sơ sinh những mũi vắc xin nào?
Các bệnh thông thường như viêm gan B, uốn ván, ho, sốt và viêm não mô cầu ở trẻ sơ sinh thường rất dễ mắc phải bởi hệ miễn dịch của con chưa hoàn thiện. Trong đó, 2 mũi vắc xin cần tiêm sớm là:
– Mũi viêm gan B tiêm ngay trong 24h đầu sau sinh
– Mũi vắc xin lao sơ sinh tiêm trong tháng đầu tiên sau khi sinh.
Đến giai đoạn 2-4 tháng tuổi, bố mẹ cần đưa trẻ tiêm ngừa các mũi 6 trong 1 bảo vệ khỏi 6 loại bệnh: phòng ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, các bệnh do Hib; vắc xin phòng phế cầu và Rotavirus.
Việc tuân thủ đúng và đủ lịch tiêm giúp xây dựng hệ miễn dịch mạnh mẽ cho trẻ, giảm nguy cơ nhiễm bệnh ở giai đoạn đầu đời.
2.2 Tại sao bé sơ sinh cần tiêm lao càng sớm càng tốt?
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ em lẫn người lớn bao gồm 2 thể: Lao thể phổi và lao ngoài phổi.
– Lao phối tức là tổn thương ở phổi cộng với cơ quan bộ phận khác, lao ngoài phổi thì chỉ có tổn thương ở các cơ quan bộ phận khác ví dụ như: màng tim, màng phổi, thận, màng bụng, lao xương… Và lao thể phổi nguy hiểm nhất, vì nó chiếm 80-85% bệnh nhân lao, đây cũng là nguồn lây lan chính ở trong cộng đồng.
Tìm hiểu thêm: 5 Thông tin cần biết về vacxin BCG khi tiêm cho trẻ
Trẻ cần được tiêm vắc xin lao trong vòng 28 ngày đầu sau sinh
– Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ước tính có tới 1/3 dân số thế giới bị nhiễm lao, nhưng trong đó chỉ có 5-10% bệnh nhân lao sẽ phát bệnh, phát bệnh ngay sau khi bị nhiễm lao hoặc thậm chí 30 năm sau hoặc là lâu hơn nữa mới phát bệnh, 5% trong số bệnh nhân lao nhiễm thể lao kháng thuốc.
– Còn đối với trẻ em nếu bị nhiễm lao thì nguy cơ nhiễm lao thể nặng và phát bệnh ngay tăng gấp 5-10 lần so với người lớn. Trẻ em nếu bị lao toàn thể, lao màng não thì rất là nguy hiểm bởi vì nó dẫn đến biến chứng nặng cho em bé và có khả năng tử vong.
– Lao kê, tức là lao toàn thể đối với trẻ sơ sinh nếu mà bị nhiễm ngay từ khi bé, khi vi khuẩn lao lan tràn trong máu và đến khắp các cơ quan bộ phận ở trong cơ thể khiến cho việc điều trị rất vất vả.
Chính vì tất cả những lý do trên nên Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: Tất cả các em bé sinh ra đều cần phải tiêm vắc xin phòng lao sớm trong vòng 1 tháng. Tại Việt Nam chúng ta là 1 trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh tật đối với lao trầm trọng ở trên thế giới vậy nên bộ Y tế cũng khuyến cáo và đưa vào lịch tiêm chủng của các con là phải tiêm càng sớm càng tốt, ngay sau khi sinh, đặc biệt là tiêm trước 1 tháng tuổi.
2.3 Chưa tiêm vắc xin viêm gan B trong 24h sau sinh thì tiêm bù được không?
Có thể tiêm bù được cho trẻ càng sớm càng tốt trong vòng 7 ngày sau sinh. Nếu tiêm sau 7 ngày thì hiệu quả sẽ giảm đi đáng kể.
Virus viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con, có thể là qua nhau thai trong lúc đang ở trong bụng mẹ, nhưng cũng có thể là trong quá trình sinh nở trẻ có bị xước ở trên da, điều này có thể khiến virus viêm gan B có trong máu mẹ truyền qua các vết xước của em bé.
Chính vì vậy, toàn bộ các em bé sau khi sinh cần tiêm ngay mũi viêm gan B sơ sinh để loại trừ các trường hợp mà em bé bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ truyền sang. Tuy nhiên, mẹ cũng không cần lo lắng quá nếu như mẹ không nhiễm virus viêm gan B thì em bé sẽ không bị. Và nếu như bỏ lỡ mũi tiêm trong 24h đầu sau sinh thì trẻ sẽ phải tiêm kết hợp vắc xin 6in1 hoặc 5in1 vào lúc 2 tháng tuổi – 3 tháng tuổi – 4 tháng tuổi để chủng ngừa viêm gan B cho trẻ nhé!
2.4 Bé sơ sinh cần hoãn tiêm lao trong trường hợp nào?
Việc tiêm vắc xin phòng lao nhằm bảo vệ trẻ khỏi bệnh lao nguy hiểm. Tuy nhiên, có những trường hợp cần xem xét hoãn việc tiêm vắc xin để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Cụ thể:
Trẻ đang gặp tình trạng sức khỏe khẩn cấp:
– Sốt cao, nhiễm khuẩn cấp, hoặc bệnh ngoại da diện rộng.
– Suy dinh dưỡng nặng hoặc suy giảm miễn dịch nặng.
– Trẻ thiếu cân (dưới 2kg).
– Trẻ sinh non hoặc các vấn đề sức khỏe khác yêu cầu theo dõi và chăm sóc đặc biệt.
Việc hoãn tiêm vắc xin lao đến khi trẻ có thể trạng tốt sẽ đảm bảo sức khỏe và hiệu quả phòng ngừa. Trong các trường hợp này, bố mẹ cần tham khảo ý kiến và hướng dẫn của bác sĩ về lịch tiêm và các thông tin liên quan.
2.5 Có dấu hiệu nào sau khi tiêm phòng cho bé sơ sinh cần lưu ý?
Sau khi tiêm phòng, bố mẹ cần theo dõi dấu hiệu phản ứng có thể xuất hiện bao gồm:
– Các phản ứng thông thường mà trẻ hay gặp bao gồm: sốt nhẹ, thường dưới 38,5 độ C, vùng da vị trí tiêm có thể hơi đau hoặc sưng tấy nhẹ. Đây là phản ứng thông thường do việc tiêm và thường tự giảm sau vài giờ. Một số trẻ có thể phát ban hoặc có các triệu chứng như nổi mề đay, mẩn ngứa sau khi tiêm thì bố mẹ cũng không cần lo lắng quá nhé!
>>>>>Xem thêm: Tổng quan về vắc xin sởi rubella quai bị và những điều cần biết
Tiêm vắc xin lao cho bé tại phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI
– Tuy nhiên trong trường hợp, nếu phát hiện trẻ có các biểu hiện bất thường dưới đây thì bố mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay: Vị trí tiêm xuất hiện quầng đỏ lớn hơn 2cm, sốt cao hơn 39 độ C liên tục từ 3 ngày, có biểu hiện khó thở, tím tái hoặc là nổi mề đay toàn thân cũng là các phản ứng nghiêm trọng cần đi khám ngay.
Hy vọng qua những thông tin trong bài viết này sẽ hữu ích với bố mẹ về tiêm phòng cho bé sơ sinh. Việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ từ lúc mới sinh ra mang lại những lợi ích không thể phủ nhận, không chỉ cho sức khỏe cá nhân mà còn đóng góp vào sự an toàn cộng đồng. Liên hệ ngay với phòng tiêm chủng TCI để đặt lịch tiêm cho trẻ hoặc cần hỗ trợ giải đáp các thông tin tiêm chủng khác.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.