Gan nhiễm mỡ là một căn bệnh ngày càng phổ biến và dễ dẫn đến viêm gan, xơ gan nếu không được điều trị kịp thời. Vậy như thế nào là mắc bệnh gan nhiễm mỡ, các chỉ số gan nhiễm mỡ trong xét nghiệm máu bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là bất thường?
Bạn đang đọc: Các chỉ số gan nhiễm mỡ trong xét nghiệm máu
1. Tổng quan về bệnh gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ được hiểu là tình trạng chất béo tích lũy trong gan vượt quá 5% trọng lượng của lá gan hoặc hơn 5% số tế bào gan chứa các hạt mỡ khi quan sát dưới kính hiển vi.
Gan nhiễm mỡ có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, bao gồm uống nhiều rượu, các bệnh về chuyển hoá, sử dụng thuốc không đúng cách và các rối loạn về dinh dưỡng.
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân đều không xuất hiện nhiều các triệu chứng cụ thể ở giai đoạn đầu, nếu có thường là các triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đau bụng… Do vậy, nhiều người không hề biết bản thân mình mắc bệnh. Gan nhiễm mỡ thường được phát hiện khi người bệnh đi khám sức khỏe định kỳ hoặc qua những bất thường nhẹ trong các xét nghiệm, kiểm tra thường quy.
Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ trong gan tích tụ quá nhiều, trên 5% trọng lượng lá gan
2. Các chỉ số gan nhiễm mỡ trong xét nghiệm máu là gì?
2.1 Các chỉ số gan nhiễm mỡ trong xét nghiệm máu cơ bản
Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh siêu âm và xét nghiệm nghiệm máu để chẩn đoán gan nhiễm mỡ.
Các chỉ số trong xét nghiệm gan nhiễm mỡ thường dùng là:
– Chỉ số xét nghiệm ALT( Alanine transaminase)
ALT là một loại enzyme giúp phá vỡ protein được tìm thấy chủ yếu ở gan. Nếu nồng độ enzyme này trong máu cao thì có thể gan đang bị tổn thương.
– Chỉ số xét nghiệm AST( Aspatate transaminase)
Tương tự ALT, AST cũng là một enzyme được tìm thấy trong gan và sự gia tăng nồng độ chất này trong máu cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh gan.
– Chỉ số xét nghiệm ALP (photpho kiềm – APL)
Loại enzyme thường có trong gan, ống mật và xương. Khi nồng độ ALP cao hơn bình thường thì có thể gan đang bị tổn thương.
– Chỉ số xét nghiệm GGT( Gamma-glutamyltransferase)
Nồng độ GGT cao có thể báo hiệu gan hoặc ống mật đang gặp vấn đề.
– Chỉ số albumin và globulin
Gan có nhiệm vụ tạo ra protein, trong đó có 2 loại protein chính là albumin và globulin. Nếu nồng độ 2 protein này thấp thì có thể gan đã bị tổn thương.
– Chỉ số bilirubin
Bilirubin là chất được tạo ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ và được làm sạch bởi gan. Nếu nồng độ bilirubin trong máu cao thì có thể gan của bạn đang gặp vấn đề.
Ngoài ra, người bệnh có thể làm xét nghiệm globulin miễn dịch, xét nghiệm thời gian prothrombin (PT) để phán đoán khả năng tổn thương gan.
Tìm hiểu thêm: Viêm gan A: Định nghĩa, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Những bất thường về các chỉ số xét nghiệm có thể phản ánh các vấn đề gan mật, trong đó có gan nhiễm mỡ.
2.2 Các chỉ số gan nhiễm mỡ trong xét nghiệm máu bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là nguy hiểm?
Trong các chỉ số xét nghiệm kể trên, có 4 chỉ số chính được dùng để đánh giá bệnh gan nhiễm mỡ đó là ALT (SGPT), AST(SGOT), AP hay GGT.
Cụ thể, gan của bạn bình thường khi:
– Chỉ số ALT(SGPT) trong khoảng 20 đến 40 UI/L.
– Chỉ số AST(SGOT) trong khoảng 20 đến 40 UI/L.
– Chỉ số ALP trong khoảng từ 35 đến 115 UI/L.
– Chỉ số GGT trong khoảng 3 đến 60 UI/L.
Nếu các chỉ số này vượt khỏi các khoảng cho phép thì đó có thể là “tín hiệu” cảnh bảo gan không khỏe, gặp một số bệnh lý, trong đó có bệnh gan nhiễm mỡ.
3. Nên làm gì khi thấy các chỉ số bất thường về gan?
Nếu khi đi khám mà các chỉ số vượt mức và cao hơn bình thường, bệnh nhân cần thăm khám thêm với bác sĩ chuyên khoa gan mật, thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời, đúng cách, tránh để bệnh tăng nặng, gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Hiện nay, siêu âm và chụp cắt lớp vi tính có độ nhạy cao trong việc phát hiện tình trạng gan nhiễm mỡ. Sinh thiết gan thường được chỉ định khi xuất hiện triệu chứng hoặc chỉ số men gan tăng kéo dài trên 6 tháng hoặc khi khi thấy cần thiết cho việc chẩn đoán.
4. Bệnh gan nhiễm mỡ điều trị bằng cách nào?
Việc điều trị cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ bệnh cụ thể. Các phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ thường được áp dụng gồm:
4.1 Kiểm tra sức khỏe
Người bệnh cần đi khám tổng quát và sức khỏe gan nói riêng theo định kỳ, khoảng 6 tháng – 1 năm/lần để theo dõi tình trạng gan nhiễm mỡ cũng như sức khỏe lá gan.
4.2 Chú ý khi sử dụng thuốc
Uống thuốc theo đơn hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngưng dùng các thuốc có nhiều khả năng gây bệnh gan nhiễm mỡ.
>>>>>Xem thêm: Viêm gan B mạn tính nguy hiểm hơn những gì bạn nghĩ
Điều trị gan nhiễm mỡ với chuyên gia Gan mật tại cơ sở y tế uy tín để được kiểm soát hiệu quả các chỉ số và ngăn ngừa biên chứng.
4.3 Không sử dụng rượu bia
Khi điều trị gan nhiễm mỡ, không sử dụng bia rượu và các chất kích thích khác vì các chất này có thể làm tăng áp lực phải lọc thải chất độc, làm cho những tổn thương ở gan ngày càng trầm trọng hơn.
4.4 Thư giãn, cân bằng cảm xúc
Tâm lý thoải mái có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình điều trị bệnh. Người bệnh cần tránh việc căng thẳng, mệt mỏi vì điều này có thể làm cho những biểu hiện bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
4.5 Chú ý chế độ dinh dưỡng
Hạn chế việc ăn các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, cholesterol,… vì các chất này có thể làm mỡ trong gan tích tụ nhiều hơn. Thay vào đó nên bổ sung chất xơ, vitamin, khoáng chất cần thiết cho gan từ các nguồn thực phẩm tự nhiên như rau xanh, trái cây tươi.
4.6 Tập luyện thể dục thể thao
Tập luyện thể dục thể thao là biện pháp giúp tăng cường sức khỏe và cân bằng cơ thể. Tùy vào tình trạng sức khỏe của từng người bệnh, các bác sĩ có thể đưa ra tư vấn về việc lựa chọn các bài tập sao cho thật sự phù hợp.
Có thể thấy, các chỉ số trong xét nghiệm máu có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện và theo dõi bệnh gan nhiễm mỡ. Bệnh gan nhiễm mỡ không quá nguy hiểm nhưng thường có diễn biến âm thầm. Để phòng bệnh xảy ra, mỗi người không nên chủ quan mà cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa với chế độ ăn uống, tập luyện lành mạnh. Khi thấy các biểu hiện bất thường, cần thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.