Sốt là tình trạng nhiệt độ cơ thể trẻ tăng cao, từ 38 độ C trở lên và là một biểu hiện cho thấy hệ miễn dịch của trẻ đang tích cực hoạt động để bảo vệ cơ thể trước những tác nhân gây bệnh. Vậy, bố mẹ đã biết hay chưa các dạng sốt thường gặp ở trẻ em? Nếu chưa, đọc ngay bài viết sau, bố mẹ nhé!
Bạn đang đọc: Các dạng sốt thường gặp ở trẻ em bố mẹ phải biết
1. Phân loại sốt ở trẻ em
1.1. Các dạng sốt thường gặp ở trẻ em phân loại theo nguyên nhân
Vì là biểu hiện cho thấy hệ miễn dịch đang tích cực hoạt động để bảo vệ cơ thể trước những tác nhân gây bệnh nói chung, nên sốt có thể gợi ý sự tồn tại của rất nhiều bệnh lý khác nhau, hay còn có thể nói sốt phát sinh do rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, những nguyên nhân này có thể được phân loại thành 2 nhóm là: Virus và vi khuẩn.
1.1.1. Sốt do virus
Sốt do virus còn được gọi là sốt siêu vi, chiếm phần lớn các trường hợp sốt ở trẻ. Các loại virus khác nhau có thể gây các triệu chứng bệnh lý giống nhau, trong đó có sốt. Bởi vậy, xác định chính xác loại virus gây sốt ở trẻ thực sự là một thử thách. Trung bình, một trẻ có thể sốt siêu vi 5 – 10 lần mỗi năm. Sốt siêu vi có biểu hiện của một đợt sốt cấp tính, tức sốt cao đột ngột nhưng ít kéo dài quá 7 ngày.
Virus là một trong hai nguyên nhân khiến trẻ sốt
Virus có thể phát tán qua nhiều đường khác nhau, như qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, đường tuần hoàn – máu (tiêm truyền),… Trong đó, đường hô hấp là đường lây lan virus phổ biến nhất. Với đường lây này, dịch tiết mũi họng là vật thể trung gian để virus di chuyển từ trẻ bệnh sang trẻ không bệnh. Dịch tiết mũi họng trẻ bệnh có thể tồn tại trong không khí, trên bề mặt đồ đạc sinh hoạt,… và tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với trẻ không bệnh.
1.1.2. Sốt do vi khuẩn
So với sốt do virus, sốt do vi khuẩn chỉ chiếm phần nhỏ các trường hợp sốt ở trẻ. Khác với sốt do virus, khi trẻ sốt do vi khuẩn, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng từ từ theo thời gian chứ không tăng đột ngột và thường đi kèm biểu hiện nhiễm trùng. Tuy nhiên, đấy chỉ là lý thuyết, trên thực tế, rất khó để phân biệt trẻ sốt do vi khuẩn hay sốt do virus nếu chỉ dựa trên đặc điểm đó của sốt.
1.2. Các dạng sốt thường gặp ở trẻ em phân loại theo diễn tiến lâm sàng
1.2.1. Sốt cấp tính
Sốt cấp tính là sốt xuất hiện bất thình lình, thường kéo dài 3 ngày, có thể hơn nhưng ít khi quá 7 ngày.
Với trẻ sơ sinh, bị sốt cấp tính có thể là do trẻ mọc răng. Trường hợp này, sốt chỉ là một phản ứng sinh lý của cơ thể. Tuy nhiên, sốt cấp tính cũng có thể khởi phát do một nguyên nhân phổ biến khác là virus. Trong tất cả các trường hợp sốt do virus, bố mẹ cần lưu ý đặc biệt đến sốt do sốt xuất huyết. Sốt do sốt xuất huyết thường sốt kéo dài 48 giờ kèm dấu hiệu xuất huyết. Trường hợp trẻ sốt không do sốt xuất huyết, bố mẹ vẫn cần theo dõi chặt chẽ để kịp thời phản ứng khi tình trạng sốt của trẻ có dấu hiệu diễn tiến tiêu cực.
1.2.2. Sốt kéo dài
Sốt kéo dài là sốt liên tục, kéo dài hơn 7 ngày. Trường hợp sốt không liên tục, các ngày sốt xuất hiện xen kẽ các ngày không sốt, không được xếp vào nhóm sốt kéo dài. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt kéo dài thường phức tạp và nguy hiểm, chính vì vậy trẻ sốt kéo dài phải được đưa đến cơ sở y tế uy tín gần nhất càng sớm càng tốt. Tại đó, chuyên gia sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng (chủ yếu là khai thác tiền sử bệnh lý cũng như biểu hiện bệnh lý lâm sàng) và cận lâm sàng (chủ yếu là xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh – Chụp Xquang, siêu âm ổ bụng,…). Với kết quả thăm khám cận lâm sàng, chuyên gia sẽ chẩn đoán xác định tình trạng – nguyên nhân sốt và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ.
Tìm hiểu thêm: Thông tin chính xác về nguồn gốc bệnh thủy đậu
Trẻ sốt kéo dài cần được thăm khám cận lâm sàng
2. Hệ lụy của tình trạng sốt không được điều trị tích cực
Mặc dù là một phản ứng có lợi, không điều trị tích cực sốt, đồng nghĩa với việc không điều trị tích cực nguyên nhân gây sốt hay không điều trị tích cực tác nhân gây bệnh. Sốt cao và sốt kéo dài hoàn toàn có thể đưa trẻ đến các biến chứng nghiêm trọng như mất nước, tăng nhịp tim, co giật (khoảng 3 – 4% trẻ sốt cao, kéo dài bị co giật). Trong các trường hợp sốt cao co giật, đã ghi nhận một số trường hợp trẻ tổn thương hệ thần kinh, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ trong tương lai. Thế nên, khi trẻ sốt, đặc biệt là sốt cao, kéo dài, để đảm bảo an toàn, bố mẹ nên cho trẻ thăm khám với chuyên gia.
3. Điều trị sốt ở trẻ em
Điều trị sốt ở trẻ em phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân gây bệnh. Theo đó, sau thăm khám lâm sàng và thăm khám cận lâm sàng:
– Nếu được xác định là sốt do virus, phương pháp điều trị chuyên gia chỉ định cho trẻ sẽ là điều trị triệu chứng. Cụ thể, trẻ sẽ được hướng dẫn sử dụng thuốc hạ sốt và một số thuốc điều trị các triệu chứng khác, như thuốc giảm đau,…
– Nếu được xác định là sốt do vi khuẩn, phương pháp điều trị chuyên gia chỉ định cho trẻ sẽ là điều trị nguyên nhân. Cụ thể, trẻ sẽ được hướng dẫn sử dụng kháng sinh và một số thuốc điều trị nguyên nhân khác.
>>>>>Xem thêm: Cần cảnh giác với xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em
Mỗi dạng sốt ở trẻ em sẽ có một phương pháp điều trị riêng biệt
Như vậy, bài viết đã chia sẻ một số thông tin cơ bản về các dạng sốt hay gặp ở trẻ em. Nếu còn thắc mắc cần giải đáp chi tiết, liên hệ Thu Cúc TCI ngay, bố mẹ nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.