Các dây thần kinh sọ: Vị trí, cấu tạo và chức năng

Các dây thần kinh sọ não giữ vai trò quan trọng đối với việc điều khiển các vận động và cảm giác của cơ thể. Khi các dây thần kinh này gặp phải tổn thương, khả năng thực hiện chức năng của các cơ quan cũng bị ảnh hưởng, dẫn tới những triệu chứng bất thường. Cùng tìm hiểu vị trí, cấu tạo và chức năng của dây thần kinh sọ não qua bài viết sau đây.

Bạn đang đọc: Các dây thần kinh sọ: Vị trí, cấu tạo và chức năng

1. Cấu tạo và chức năng chung của dây thần kinh sọ não

Hệ thần kinh của con người gồm hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên. Trong đó:

– Hệ thần kinh trung ương: Gồm 2 phần chính là não bộ và tủy gai.

– Hệ thần kinh ngoại biên: Được cấu tạo từ các hạch thần kinh ngoại biên, 31 đôi thần kinh gai sống và 12 đôi dây thần kinh sọ não.

Các dây thần kinh sọ xuất phát từ trong não. Sợi trục của chúng kéo dài khỏi não bộ và nối với các cơ quan khác. Vì thế, các dây thần kinh này chi phối nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể. 

Dây thần kinh sọ có cấu trúc chung như sau:

– Nhân trung ương: Là nơi bắt đầu (nguyên ủy) thật của nhánh vận động và là tận cùng của nhánh cảm giác.

– Nguyên ủy hư: Vị trí các dây thần kinh đi ra khỏi bề mặt não bộ.

– Dây thần kinh tiền đình – ốc tai và các nhánh cảm giác của dây thần kinh hỗn hợp có hạch ngoại biên: Đây là nơi tập trung nhân của các tế bào cảm giác ở bên ngoài não bộ. Cũng có nghĩa đây là nguyên ủy thật của phần cảm giác.

– Dây thần kinh khứu giác và dây thần kinh thị giác: Đây thực ra là phần phát triển dài ra của não bộ chúng không có hạch thần kinh ngoại biên.

Các dây thần kinh sọ: Vị trí, cấu tạo và chức năng

Có 12 đôi dây thần kinh xuất phát từ não, kéo dài đến các cơ quan, chi phối nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể.

2. Vị trí và chức năng của các dây thần kinh sọ

Các dây thần kinh sọ não thường đi theo cặp, được đánh số La Mã từ I – XII và được chi thành 3 nhóm chính:

– Nhóm dây thần kinh hỗn hợp: gồm các đôi dây thần kinh số V, VII, IX, X

– Nhóm dây thần kinh cảm giác: gồm các dây I, II, VIII.

– Nhóm dây thần kinh vận động: các dây III, IV, VI, XI, XII.

Các dây thần kinh này có vị trí và chức năng như sau:

2.1 Dây thần kinh sọ não số I

Còn được gọi là dây thần kinh khứu giác, gồm những sợi trục của tế bào khứu giác nằm ở niêm mạc mũi. Các sợi này tập hợp lại đi qua lỗ sàng của xương bướm vào hành khứu của não và tiếp nối với các tế bào thần kinh của hành khứu. Dây này nhận nhiệm vụ cảm nhận các mùi khi ngửi. Rối loạn về ngửi của mũi có thể do viêm niêm mạc mũi hoặc do sự xuất hiện của polyp. Nếu mũi mất hẳn cảm giác ngửi thì có thể do các sợi này bị đứt sau chấn thương hoặc bị chèn ép do u.

2.2 Dây thần kinh sọ số II

Đây là dây thần kinh thị giác, có nhiệm vụ dẫn truyền hình ảnh, cảm giác đồ vật, ánh sáng và truyền tín hiệu về não. Dây thần kinh này là tập hợp sợi trục của các tế bào thần kinh nằm ở tầng tế bào hạch của võng mạc, hội tụ ở gần cực sau của nhãn cầu. Sau đó các dây thần kinh này đi ra sau nhãn cầu, qua ống thị giác vào hố sọ giữa và kết thúc tại trung tâm thị giác ở vỏ não. 

Nếu gặp các vấn đề về phần nhìn (nhìn mọi vật bị bé đi hoặc chỉ thấy một bên) thì rất có thể dây thần kinh số II bị teo hoặc bị khối u đè vào.

2.3 Dây thần kinh số III

Dây thần kinh vận nhãn chịu trách nhiệm sự vận động một số cơ mắt như đưa nhãn cầu vào trong, lên xuống, tạo cử động mắt, mở mí mắt. Dây này xuất phát từ trung não (cuống đại não), chạy ra phía trước, đi đến khe ổ mắt trên và cuối cùng chạy vào ổ mắt. Tại đây chia thành hai nhánh trên và dưới.

Nếu dây số III bị tổn thương sẽ gây lác mắt. Nguyên nhân tổn thương thường do viêm màng não, chảy máu cuống não, chấn thương sọ não hay viêm tắc tĩnh mạch xoang hang.

2.4 Dây thần kinh số IV

Dây thần kinh ròng rọc hay còn gọi là dây cảm động. Xuất phát từ trung não, dây số IV chạy vào ổ mắt, chi phối cơ chéo to, từ đó chi phối cử động xuống dưới, ra ngoài của mắt. Khi dây số IV tổn thương (do viêm hoặc chấn thương), mắt sẽ không đưa xuống thấp được. 

2.5 Dây thần kinh số V

Dây thần kinh số V hay còn gọi là dây thần kinh sinh ba. Đúng như tên gọi, dây thần kinh này được chia làm 3 nhánh gồm nhánh mắt, nhánh hàm trên và nhánh hàm dưới. 

– Nhánh mắt, nhánh hàm trên có vai trò nhận cảm giác ở vùng mắt, hốc mũi, mí trên, trán, da đầu, phần trên hầu, các tuyến hạch nhân. 

– Nhánh hàm dưới nhận cảm giác 2/3 trước lưỡi, răng hàm dưới và tuyến nước bọt, điều khiển cơ nhai, chi phối việc tạo nước bọt, nước mắt.

Nói chung dây này có nhiệm vụ dẫn truyền xúc giác – cảm giác sờ, cảm giác đau ở vùng mặt, răng, quanh miệng đến não.

Nguyên ủy thật của phần vận động nằm ở cầu não. Khi ra khỏi cầu não, các sợi trục tạo nên rễ vận động của dây thần kinh sinh ba.

Tìm hiểu thêm: Triệu chứng của bệnh mất ngủ cảnh báo điều gì?

Các dây thần kinh sọ: Vị trí, cấu tạo và chức năng

Dây thần kinh số V hay còn gọi là dây thần kinh sinh ba, được chia làm 3 nhánh gồm nhánh mắt, nhánh hàm trên và nhánh hàm dưới.

2.6 Dây thần kinh số VI

Dây thần kinh vận nhãn ngoài giúp đưa nhãn cầu liếc ra ngoài. Dây thần kinh VI có nguyên ủy thật ở cầu não, nguyên ủy hư ở rãnh hành cầu. Từ nguyên ủy hư, dây này chạy ra trước qua xoang tĩnh mạch hang, vào ổ mắt, phân nhánh vào cơ thẳng ngoài, từ đó tạo ra cử động liếc mắt. 

2.7 Dây thần kinh số VII

Còn gọi là dây thần kinh mặt, xuất phát từ cầu não, chạy vòng lấy dây thần kinh số VI, sau đó chạy ra rãnh hành cầu, qua xương đá, lỗ ức – chũm, chạy qua ốc tai trong rồi chia ra nhiều nhánh thần kinh nhỏ: dây thần kinh đá lớn, dây thần kinh thừng nhĩ,…Dây thần kinh số VII nhờ vậy có khả năng điều khiển vận động các cơ ở mặt. 

2.8 Dây thần kinh số VIII – Một trong các dây thần kinh sọ quan trọng về cảm giác

Dây thần kinh thính giác gồm hai nhóm chính: phần ốc tai và phần tiền đình, đảm nhận chức năng tương ứng là nghe và giữ thăng bằng. Cả hai phần của dây thần kinh thính giác đều có hạch thần kinh. Sợi trục của các hạch này chạy bên nhau trong ống tai trong, vào xoang sọ đến rãnh hành cầu, để vào cầu não (nơi chứa các nhân). Từ đây, các sợi thần kinh truyền thính giác đi đến vỏ não, nơi có vùng trung khu thính giác.

2.9 Dây thần kinh số IX

Tên gọi khác là dây thần kinh thiệt hầu. Dây này xuất phát từ rãnh bên hành não,  đi qua lỗ cảnh để ra khỏi sọ, vòng ra phía trước và tận cùng ở rễ lưỡi. Trên đường đi, dây này chia thành rất nhiều nhánh nhỏ đến lưỡi, niêm mạc hầu, hòm nhĩ, tuyến nước bọt, xoang cảnh, tiểu thể cảnh.

Nó chịu tránh nhiệm vận động các cơ vùng hầu, cảm giác ở 1/3 sau lưỡi. 

2.10 Dây thần kinh số X – Lớn nhất trong các dây thần kinh sọ não

Dây này còn gọi là dây thần kinh phế vị. Đây là dây thực vật phó giao cảm lớn nhất của cơ thể, chi phối vận động, cảm giác của hầu hết các phủ tạng ở ngực và ổ bụng như tim, phổi, hệ tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục… 

Sau khi thoát ra khỏi hộp sọ qua lỗ tĩnh mạch cảnh, dây thần kinh số X chạy trong bao cảnh cùng động mạch cảnh trong, động mạch cảnh chung và tĩnh mạch cảnh trong đến nền cổ. Từ đây chúng đi vào trung thất sau, tập hợp thành đám rối thực quản. Tiếp đó chia ra để đi xuống cổ, ngực và bụng. Đến ngực, chúng lại tách ra 2 nhánh quặt ngược lên vận động dây thanh âm. 

2.11 Dây thần kinh số XI 

Gọi là dây thần kinh phụ hoặc dây gai sống. Nguyên ủy thật gồm 2 phần ở hành não và tủy gai. Các sợi thần kinh xuất phát từ hai nguyên ủy hợp với nhau thành dây thần kinh phụ, có tác dụng vận động cơ ức đòn chũm, cơ thang và cơ thanh quản. 

2.12 Dây thần kinh số XII

Dây này có tên gọi là dây hạ thiệt (dưới lưỡi). Xuất phát từ rãnh trước hành não, dây thần kinh sô XII chui qua nền sọ vào vùng hàm hầu, chi phối vận động các cơ ở lưỡi. 

Các dây thần kinh sọ: Vị trí, cấu tạo và chức năng

>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân tai biến mạch máu não có thể phòng ngừa

Dây thần kinh số X là đôi dây lớn nhất trong 12 đôi dây thần kinh.

Trên đây là đặc điểm cấu tạo, vị trí và chức năng của các dây thần kinh sọ não, hi vọng đã giúp bạn hiểu thêm về cấu tạo của hệ thần kinh, từ đó góp phần nhận diện, phát hiện sớm các tổn thương.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *