Tai biến mạch máu não hay đột quỵ là biến cố nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao lên tới 50% và dễ gây ra các di chứng tai biến mạch máu não. Các thống kê cho thấy, trong số các bệnh nhân may mắn sống sót, có tới 92% mắc di chứng về vận động, 68% gặp di chứng vừa và nhẹ, 27% có di chứng nặng. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ về những biến chứng thường gặp và cách chăm sóc người bệnh sau tai biến phù hợp.
Bạn đang đọc: Các di chứng tai biến mạch máu não thường gặp
1. Tai biến mạch máu não là bệnh gì và để lại hậu quả như thế nào?
Theo WHO, tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ là tình trạng rối loạn chức năng thần kinh do ngưng cung cấp máu cho não đột ngột. Biến cố này được chia thành hai loại chính là nhồi máu não (chiếm khoảng 80%) và xuất huyết não (chiếm 20%).
Khi mắc bệnh, các tế bào thần kinh bị tổn thương, khiến chức năng và hoạt động của cơ quan này bị ngưng trệ tạm thời hoặc trong một thời gian dài với các biểu hiện như: liệt mặt, méo miệng, nói ngọng, giảm thị lực,…
Nếu không được điều trị kịp thời, tai biến mạch máu não có thể gây nguy cơ tử vong rất cao. Dù may mắn sống sót, người bệnh cũng dễ phải đối mặt với các di chứng nặng nề do những tổn thương thần kinh là rất khó phục hồi.
2. Các di chứng tai biến mạch máu não đáng chú ý
2.1 Liệt hoặc khó khăn trong vận động
Theo các thống kê, có khoảng hơn 90% bệnh nhân sau tai biến bị liệt vận động. Các dạng bao gồm liệt hoặc tê bì cảm giác nửa người, liệt tay chân, liệt mặt, liệt các dây thần kinh sọ não,…
Di chứng này khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, đi lại hàng ngày. Việc nằm lâu ngày có thể gây một số biến chứng nguy hiểm như: cứng khớp, viêm loét tại các điểm tì đè, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu,… Trong nhiều trường hợp, người bệnh thậm chí có thể tử vong vì di chứng này.
Do vậy, sau đột quỵ, người bệnh cần tích cực tập luyện phục hồi chức năng để tránh bị ứ trệ tuần hoàn, cứng khớp, ùn tắc đờm rãi hay các nhiễm trùng cơ hội khác. Như vậy mới có thể tăng khả năng hồi phục.
2.2 Rối loạn ngôn ngữ – Một trong những di chứng tai biến mạch máu não điển hình
Sau cơn đột quỵ, vùng não chi phối chức năng ngôn ngữ có thể bị tổn thương. Người bệnh có thể gặp các rối loạn về ngôn ngữ với các biểu hiện như: nói ngọng, nói lắp, tiếng nói bị biến đổi, khó diễn đạt bằng ngôn ngữ, thậm chí là không nói được.
Để khắc phục tình trạng rối loạn ngôn ngữ sau tai biến, nhiều người bệnh học cần luyện tập để lấy lại kỹ năng giao tiếp.
2.3 Suy giảm nhận thức
Suy giảm nhận thức là một trong những biến chứng nặng nề của đột quỵ não. Người bệnh có các biểu hiện như: hay quên, suy giảm trí nhớ, không tỉnh táo, không định hướng không gian, thời gian, thậm chí cả người thân, gia đình của mình, không hiểu được lời nói của người khác, giảm khả năng suy nghĩ, lý luận, phán đoán…
Di chứng này kéo dài có thể gây sa sút trí tuệ, khiến rất nhiều người bệnh không thể phục hồi ngay và gặp khó khăn trong việc thực hiện các công việc yêu cầu trí tuệ minh mẫn và độ phức tạp cao như trước đây.
Tìm hiểu thêm: Sử dụng Gabapentin 300mg điều trị động kinh, đau thần kinh
2.4 Rối loạn cảm xúc, trầm cảm
Sau đột quỵ, người bệnh có thể cảm thấy tự ti, mặc cảm, không kiểm soát được cảm xúc, hành vi, dễ cáu gắt, xúc động. Một số người khác rơi vào trạng thái trầm cảm sau tai biến.
Nguyên nhân thường là do những thay đổi về sức khỏe và sinh hoạt. Điển hình là sự suy giảm hoặc mất khả năng tự chăm sóc bản thân khiến người bệnh phải nhờ đến sự chăm sóc của người khác. Bên cạnh đó, họ có thể mắc các chứng rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp, không thể tham gia các hoạt động bình thường.
Một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm có thể giúp cải thiện triệu chứng, giúp người bệnh bình tĩnh và thoải mái hơn. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất để điều chỉnh vẫn là việc người bệnh chủ động tham gia các hoạt động, hội nhóm để cảm thấy tự tin và vui khỏe hơn.
2.5 Rối loạn tiểu tiện – Di chứng tai biến mạch máu não có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh
Nhiều người bệnh đột quỵ gặp phải tình trạng mất kiểm soát tiểu tiện do rối loạn cơ vòng kết hợp với chứng rối loạn nhận thức, cảm giác. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Vì thế, khi chăm sóc, đảm bảo vệ sinh là cách tốt nhất để phòng tránh tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu,…
3. Những lưu ý khi chăm sóc người bệnh bị di chứng sau đột quỵ
Các di chứng có thể xảy ra ngay sau biến cố hoặc là hậu quả của quá trình chăm sóc không đúng cách.
Sau khi người bệnh đã thoát khỏi nguy hiểm, cần hết sức chú ý khâu chăm sóc để phòng tránh hoặc cải thiện các biến chứng một cách tích cực.
3.1 Chăm sóc về mặt thể chất
– Đặt người bệnh nằm đầu cao, nghiêng về một bên, thường xuyên hút đàm rãi, vỗ lưng và vai cho để tránh tắc đờm rãi
– Thường xuyên xoay trở người bệnh ít nhất mỗi 2 giờ một lần, nhất là với những người bệnh bị liệt, phải nằm lâu. Có thể dùng vòng chống loét trong trường hợp người bệnh bị hôn mê.
– Cho người bệnh mang đai nâng đỡ khi ngồi, đứng, đi
– Tập vận động phần chi liệt và chi không liệt để cải thiện khả năng vận động
– Chú ý kiểm tra vùng khớp cổ chân, gối, khuỷu, bàn tay và các ngón tay để đề phòng cứng khớp
– Thường xuyên vuốt, vỗ nhẹ… để kích thích phản ứng của da, tập vận động vùng mặt, massage và giữ mặt ấm
– Cho người bệnh luyện phát âm để dần lấy lại khả năng giao tiếp trong trường hợp có rối loạn ngôn ngữ
– Khuyến khích người bệnh tự thực hiện các hoạt động cá nhân như tự xúc cơm ăn, chải đầu, đánh răng, mặc quần áo…
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp người bệnh nhanh hồi phục và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh
>>>>>Xem thêm: Những điều cần biết về sa sút trí tuệ ở người cao tuổi
3.2 Chăm sóc về mặt tinh thần
– Tạo cho người bệnh không gian rộng rãi, thoáng mát, đủ ánh sáng để họ cảm thấy thoải mái nhất
– Quan tâm đến cảm xúc, thường xuyên động viên người bệnh
– Khuyến khích người bệnh tham gia các hội nhóm, các hoạt động xã hội
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn có thêm kiến thức về di chứng tai biến mạch máu não. Lưu ý rằng đối với người bị đột quỵ, thời gian là vàng. Càng cấp cứu sớm thì càng giảm nhẹ được những tổn thương. Do vậy, để hạn chế tối đa các di chứng, bạn cần đưa người bệnh đi cấp cứu sớm ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ.