Các loại thuốc kháng cholinergic để điều trị bàng quang tăng hoạt

Nếu bạn thường xuyên đi tiểu nhiều lần, buồn tiểu đột ngột và bị rò rỉ nước tiểu khi chưa kịp vào nhà vệ sinh thì rất có thể bạn đã bị hội chứng bàng quang tăng hoạt (OAB). Theo Mayo Clinic, đi tiểu nhiều lần được định nghĩa là đi tiểu từ tám lần trở lên trong khoảng thời gian 24 giờ. Nếu bạn thường phải thức giấc nhiều lần vào ban đêm để đi vệ sinh thì nguyên nhân có thể là do bàng quang tăng hoạt. Tuy nhiên, còn nhiều lý do khác gây tình trạng tiểu nhiều vào ban đêm, ví dụ như do những thay đổi ở thận do quá trình lão hóa hay do uống quá nhiều nước vào buổi tối.
Các loại thuốc kháng cholinergic để điều trị bàng quang tăng hoạt
Các loại thuốc kháng cholinergic để điều trị bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt (OAB) là tình trạng cơ bàng quang hoạt động quá mức, co thắt không đúng lúc, gây ra các triệu chứng như tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp và tiểu không tự chủ.

Các triệu chứng này của bàng quang tăng hoạt gây gián đoạn các hoạt động thường ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống. Thông thường, bước đầu tiên để kiểm soát các triệu chứng bàng quang tăng hoạt là thay đổi lối sống, ví dụ như tránh các loại thực phẩm gây kích thích bàng quang, hạn chế uống nước vào buổi tối, bỏ thuốc lá, giảm cân nếu thừa cân, thay đổi thói quen tiểu tiện và tập bài tập củng cố cơ sàn chậu. Nếu những cách này không hiệu quả thì người bệnh có thể sẽ phải dùng thuốc. Một trong những nhóm thuốc chính để điều trị bàng quang tăng hoạt là thuốc kháng cholinergic.

Cơ chế tác dụng của thuốc kháng cholinergic

Thuốc kháng cholinergic thường được sử dụng để điều trị bàng quang tăng hoạt. Những loại thuốc này làm giãn cơ bàng quang, ngăn các cơ co thắt không tự chủ và nhờ đó làm giảm triệu chứng tiểu gấp, tiểu nhiều lần và tiểu không tự chủ.

Đa số thuốc kháng cholinergic có dạng viên nén hoặc viên nang. Một số loại thuốc còn có dạng miếng dán thẩm thấu qua da và gel bôi ngoài da. Hầu hết thuốc kháng cholinergic là thuốc kê đơn nhưng một số loại có cả dạng không kê đơn.

Các loại thuốc kháng cholinergic

Dưới đây là một số loại thuốc kháng cholinergic thường được dùng để điều trị bàng quang tăng hoạt.

Oxybutynin

Oxybutynin là một trong những loại thuốc kháng cholinergic được dùng phổ biến nhất cho người bị bàng quang tăng hoạt. Thuốc này có nhiều dạng khác nhau:

  • Dạng viên nén (Ditropan, Ditropan XL)
  • Dạng miếng dán thẩm thấu qua da (Oxytrol)
  • Dạng gel bôi ngoài da (Gelnique)

Oxybutynin được sử dụng hàng ngày. Thuốc có nhiều mức hàm lượng. Có hai loại viên nén oxybutynin là viên nén phóng thích thích tức và viên nén phóng thích kéo dài. Viên nén phóng thích tức thì giải phóng hoạt chất vào máu gần như ngay lập tức sau khi uống trong khi viên nén phóng thích kéo dài giải phóng hoạt chất từ từ vào máu. Người bệnh có thể cần uống oxybutynin dạng viên nén phóng thích tức thì lên đến 3 lần mỗi ngày.

Tolterodine

Tolterodine (biệt dược là Detrol, Detrol LA) cũng là một loại thuốc được dùng phổ biến để kiểm soát bàng quang tăng hoạt. Tolterodine có dạng viên nén và viên nang, dạng viên nén có hai mức hàm lượng là 1mg và 2mg trong khi dạng viên nang có hai mức hàm lượng 2mg và 4mg. Viên nén chỉ có dạng phóng thích tức thì và viên nang chỉ có dạng phóng thích kéo dài.

Tolterodine có thể tương tác với các loại thuốc khác, đặc biệt là khi sử dụng liều cao. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc (cả kê đơn lẫn không kê đơn), thực phẩm chức năng và thảo dược đang dùng để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp, tránh xảy ra tương tác thuốc.

Fesoterodine

Fesoterodine (biệt dược Toviaz) là một loại thuốc phóng thích kéo dài, phù hợp cho những người đang dùng thuốc phóng thích tức thì và muốn đổi thuốc do gặp tác dụng phụ. Các loại thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt phóng thích kéo dài thường có ít tác dụng phụ hơn so với thuốc phóng thích tức thì. Tuy nhiên, so với các loại thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt khác, fesoterodine có nguy cơ tương tác thuốc cao hơn.

Fesoterodine có dạng viên nén với hai mức hàm lựng là 4mg và 8mg. Người bệnh uống thuốc một lần mỗi ngày và thường phải sau vài tuần thì mới có hiệu quả rõ rệt. Đôi khi, phải sau 12 tuần thuốc mới phát huy hiệu quả tối đa.

Trospium

Nếu đã dùng các loại thuốc khác mà không hiệu quả, bác sĩ có thể sẽ kê trospium. Thuốc này có dạng viên nén phóng thích tức thì với hàm lượng 20mg, uống hai lần mỗi ngày và dạng viên nang phóng thích kéo dài hàm lượng 60mg, uống một lần mỗi ngày. Không uống đồ uống có cồn trong vòng hai giờ sau khi uống trospium dạng phóng thích kéo dài. Uống rượu bia trong thời gian dùng thuốc sẽ làm tăng cảm giác buồn ngủ.

Darifenacin

Darifenacin (biệt dược Enablex) có tác dụng giảm co thắt cơ bàng quang và các cơ khác trong đường tiết niệu. Thuốc này có dạng viên nén phóng thích kéo dài hàm lượng 7,5mg và 15mg. Người bệnh uống thuốc một lần mỗi ngày.

Nếu người bệnh không đáp ứng với thuốc sau hai tuần sử dụng, bác sĩ sẽ tăng liều dùng. Người bệnh không được tự ý tăng liều. Nếu thấy các triệu chứng bệnh không thuyên giảm sau một thời gian sử dụng thuốc thì cần báo cho bác sĩ để điều chỉnh liều hoặc loại thuốc.

Solifenacin

Giống như darifenacin, solifenacin (biệt dược là Vesicare) cũng có tác dụng kiểm soát sự co thắt cơ bàng quang và đường tiết niệu. Điểm khác biệt chính giữa hai loại thuốc này là về hàm lượng. Solifenacin có dạng viên nén với hai mức hàm lượng là 5mg và 10mg, uống một lần mỗi ngày.

Tác dụng phụ của thuốc kháng cholinergic

Giống như các loại thuốc khác, thuốc kháng cholinergic cũng đi kèm tác dụng phụ. Nguy cơ xảy ra tác dụng phụ sẽ cao hơn khi dùng thuốc liều cao. Các dạng thuốc phóng thích kéo dài có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

Một số tác dụng phụ của thuốc kháng cholinergic gồm có:

  • Khô miệng
  • Táo bón
  • Buồn ngủ
  • Giảm trí nhớ
  • Tăng nguy cơ té ngã, đặc biệt là ở người cao tuổi

Thuốc kháng cholinergic còn có thể gây rối loạn nhịp tim. Người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy nhịp tim có sự thay đổi bất thường khi sử dụng thuốc.

Các loại thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt có thể tương tác với các loại thuốc khác. Nguy cơ xảy ra tương tác sẽ cao hơn khi dùng thuốc liều cao. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc (bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn), thực phẩm chức năng cũng như thảo dược mà mình đang dùng để bác sĩ kê thuốc cho phù hợp.

Tóm tắt bài viết

Thuốc kháng cholinergic có thể giúp làm giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt bằng cách làm giãn cơ và kiểm soát sự co thắt cơ. Nếu thuốc kháng cholinergic không hiệu quả thì vẫn còn nhiều loại thuốc và phương pháp khác để điều trị bàng quang tăng hoạt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *