Nhiều người nghĩ rằng trẻ em mới là đối tượng cần tiêm chủng nhưng thực tế không phải vậy. Người lớn cũng là đối tượng cần chích ngừa các loại vacxin phòng bệnh sớm và đủ liều. Dưới đây là các loại vacxin cần tiêm dành cho người lớn đã được các chuyên gia y tế khuyến cáo.
Bạn đang đọc: Các loại vacxin cần tiêm dành cho người lớn để phòng bệnh
1. Vì sao người lớn cần chủ động tiêm vacxin phòng bệnh?
Hiện nay, có rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm rình rập và tấn công sức khỏe chúng ta. Khi nhiễm bệnh thì việc điều trị vô cùng khó khăn và tốn kém, thậm chí là tử vong. Mỗi năm, tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm ở người trưởng thành chiếm rất cao.
Bên cạnh đó, không phải người lớn nào cũng được tiêm vacxin đầy đủ ngay từ khi còn nhỏ. Nếu có tiêm thì có những loại vacxin sẽ không tạo được kháng thể tồn tại trong nhiều năm, do đó cần được tiêm nhắc lại để đạt hiệu quả trong việc phòng bệnh.
Người có bệnh nền và có hệ miễn dịch suy yếu sẽ nhảy cảm hơn rất nhiều với tác nhân gây bệnh. Do đó, đây là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao hơn cả. Nếu mắc thì biến chứng của bệnh cũng sẽ nghiêm trọng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.
Hơn nữa, chỉ cần một người mắc bệnh thì sẽ trở thành nguồn lây trực tiếp cho người thân trong gia đình. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với gia đình có trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính (tim mạch, huyết áp, tiểu đường,…).
Chính vì thế, mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh bằng cách tiêm phòng từ sớm. Đồng thời duy trì lịch tiêm phòng của từng loại vacxin. Việc mỗi cá nhân chích ngừa một hoặc một vài liều vacxin sẽ tạo nên một cộng đồng miễn dịch. Hiện nay, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: viêm phổi, viêm màng não, sởi, thủy đậu, ho gà,… đều có đã có vacxin phòng bệnh.
Người lớn nên chủ động tiêm phòng để bảo vệ bản thân, gia đình và tạo hệ miễn dịch cộng đồng
2. Các loại vacxin cần tiêm hiện nay dành cho người lớn
Theo chuyên gia y tế, các loại vacxin được khuyến cáo tiêm ở người lớn bao gồm:
2.1. Vacxin cúm
Bệnh cúm là 1 dạng bệnh truyền nhiễm phổ biến, ai cũng có thể mắc phải. Bệnh có các triệu chứng tương đồng với cảm cúm thông thường nên rất nhiều người xem nhẹ. Bệnh tiến triển từ nhẹ đến nguy kịch nếu không được điều trị sớm.
Bên cạnh đó, sẽ rất nguy hiểm nếu phụ nữ mang thai, người già trên 65 tuổi nhiễm cúm. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm vacxin cúm hàng năm.
2.2. Vacxin viêm phổi do phế cầu khuẩn
Viêm phổi do phế cầu khuẩn là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp gây nhiễm trùng tại phổi và làm phổi bị tổn thương. Bệnh tiến triển nhanh và gây biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Bệnh dễ dàng lây nhiễm từ người này sang người khác qua đường không khí như ho, hắt hơi. Do đó, không chỉ trẻ em mà người trưởng thành cũng cần tiêm vacxin viêm phổi do phế cầu khuẩn gây ra. Mũi tiêm này chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất cho cả đời.
Khám với bác sĩ để sàng lọc tình trạng sức khỏe trước khi tiêm
2.3. Vacxin sởi – quai bị – rubella
Sởi, quai bị và rubella là 3 dạng bệnh truyền nhiễm thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Những bệnh này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới não, hệ thần kinh, hệ hô hấp, sức khỏe tình dục,… trong tương lai. Vì vậy chủ động tiêm ngừa bệnh sởi – quai bị – rubella là rất cần thiết.
Vacxin sởi – quai bị – rubella tiêm ở người lớn gồm 2 mũi tiêm, mũi sau cách mũi trước là 1 tháng. Đối với phụ nữ có dự định mang thai thì cần hoàn tất lịch tiêm tối thiểu 3 tháng trước khi mang thai.
2.4. Vacxin thủy đậu là một trong các loại vacxin cần tiêm ở người lớn
Bệnh thủy đậu thường bùng phát theo mùa, những ai chưa từng mắc thì rất dễ lây nhiễm. Tại Việt Nam, từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm là thời điểm bùng phát dịch thủy đậu. Do đó, để bảo vệ bản thân cần tiêm ngừa vacxin thủy đậu trước hoặc sau mùa dịch ít nhất 1 tháng. Lý giải về thời điểm tiêm này là vì để giúp mỗi người có kháng thể thích nghi trong cơ thể, sẵn sàng cho đợt dịch thủy đậu chuẩn bị xảy đến.
Vacxin phòng thủy đậu bao gồm 2 liều và cách nhau 6-8 tuần. Phụ nữ cần hoàn thiện lịch tiêm trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng.
2.5. Vacxin uốn ván
Vacxin uốn ván là một trong các loại vacxin cần tiêm ở người lớn. Với liều tiêm cơ bản bao gồm 2 – 3 mũi, mỗi lần cách nhau 1 tháng. Liệu trình tiêm cần được hoàn thiện trong 6 tháng để đạt được mức độ bảo vệ cao nhất. Sau 1 năm thì cần tiêm nhắc lại để tiếp tục bảo vệ bản thân khỏi sự tấn công của căn bệnh này.
Tìm hiểu thêm: Thông tin chi tiết về vắc-xin Hexaxim
Phụ nữ trước khi mang thai nên tiêm phòng uốn ván để bảo vệ cho mẹ và con
2.6. Vacxin phòng dại
Vacxin dại có thể ngăn chặn sự lây nhiễm của virus nếu tiêm phòng sớm, trước khi bị động vật cắn. Trong trường hợp bị động vật cắn thì cần tiêm vacxin dại càng sớm càng tốt. Nếu chủ quan, virus dại sẽ di chuyển lên não sẽ gây ra các triệu chứng xấu và tỷ lệ tử vong rất cao, không còn khả năng cứu chữa.
Do đó, tiêm vacxin dại là cần thiết. Với liều tiêm đầy đủ gồm 3 mũi và lịch tiêm của từng mũi theo phác đồ chỉ định của bác sĩ.
2.7. Vacxin viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não Nhật Bản mặc dù xuất hiện ở đối tượng trẻ em dưới 15 tuổi, tuy nhiên bệnh hoàn toàn có thể xảy ra ở người trưởng thành. Nếu nhiễm bệnh sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng như:
– Bại liệt chân tay.
– Động kinh.
– Rối loạn vận động.
– Hệ thần kinh bị ảnh hưởng.
– Tử vong.
Để phòng tránh, người lớn nên chủ động tiêm vacxin ngừa viêm não Nhật Bản. Hiện nay có 2 loại vacxin viêm não Nhật Bản đó là:
– Vacxin Jevax gồm liệu trình 4 mũi. Mũi đầu cần tiêm càng sớm càng tốt, mũi thứ 2 được tiêm sau mũi đầu khoảng 1 – 2 tuần. Mũi 3 tiêm cách mũi thứ 2 ít nhất 1 năm. Mũi thứ 4 là mũi tiêm nhắc lại sau lần tiêm trước khoảng 3 năm.
– Vacxin Imojev: tiêm 2 mũi cách nhau 1 năm.
2.8. Vacxin viêm gan B – Rất quan trọng trong số các loại vacxin cần tiêm ở người lớn
Người lớn trước khi tiêm phòng vắc xin viêm gan B thì cần làm xét nghiệm kiểm tra trong cơ thể có nhiễm virus viêm gan B và có kháng thể hay chưa. Nếu chưa nhiễm bệnh cũng như trong người chưa có kháng thể viêm gan B sẽ được khuyến cáo tiêm phòng theo phác đồ như sau:
– Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt.
– Mũi 2: Tiêm sau 1 tháng tính từ thời điểm tiêm lần trước.
– Mũi 3: Tiêm sau 6 tháng tính từ thời điểm tiêm mũi 1.
2.9. Vacxin ung thư cổ tử cung do HPV
Bệnh ung thư cổ tử cung là căn bệnh đáng sợ đứng thứ 2 sau ung thư vú. Bệnh có xu hướng gia tăng mạnh và ngày càng trẻ hóa độ tuổi. Để bảo vệ sức khỏe khỏi sự tấn công của bệnh lý nguy hiểm này, tiêm phòng vacxin ung thư cổ tử cung là cần thiết.
Đối với loại vacxin này thì đối tượng nên tiêm là nữ giới từ 9 đến dưới 26 tuổi, chưa quan hệ tình dục. Bởi như vậy thì vacxin mới phát huy được tối đa tác dụng, đạt mức bảo vệ cao nhất.
>>>>>Xem thêm: Độ tuổi phù hợp nhất tiêm phòng ung thư cổ tử cung
Tiêm phòng HPV cần được thực hiện ở nữ giới dưới 26 tuổi và chưa quan hệ tình dục
Ngoài ra, người lớn cũng cần tiêm các loại vacxin phòng bệnh viêm gan AB, vacxin tả, thương hàn, ho gà,… để ngăn chặn sự tấn công của nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Trên đây là các loại vacxin cần tiêm phòng mà người lớn không nên bỏ qua. Chủ động tiêm phòng là chìa khóa bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như người thân và toàn xã hội.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.