Nếu bạn có các dấu hiệu cho thấy thận đang không hoạt động bình thường thì bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm chức năng thận. Đây là những xét nghiệm máu và nước tiểu đơn giản giúp phát hiện các vấn đề về thận.
Các loại xét nghiệm chức năng thận
Xét nghiệm chức năng thận là gì?
Đa số mọi người sinh ra có hai quả thận nằm ở phía sau màng bụng, bên dưới khung xương sườn và đối xứng ở hai bên cột sống. Mỗi quả thận có kích thước tương đương một nắm tay, có hình dạng giống như hạt đậu.
Thận là cơ quan có vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể. Một trong những chức năng quan trọng nhất của thận là lọc chất thải ra khỏi máu và tạo ra nước tiểu để đào thải các chất này ra khỏi cơ thể. Thận còn giúp kiểm soát lượng nước và các khoáng chất thiết yếu trong cơ thể. Ngoài ra, thận còn tham gia vào quá trình sản xuất vitamin D, hồng cầu và hormone điều hòa huyết áp.
Nếu bạn có các dấu hiệu cho thấy thận đang không hoạt động bình thường thì bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm chức năng thận. Đây là những xét nghiệm máu và nước tiểu đơn giản giúp phát hiện các vấn đề về thận.
Bạn cũng có thể cần làm xét nghiệm chức năng thận nếu mắc các bệnh lý khác gây hại cho thận, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp. Xét nghiệm chức năng thận sẽ giúp theo dõi những bệnh lý này.
Triệu chứng của các vấn đề về thận
Mỗi vấn đề về thận có các triệu chứng khác nhau nhưng một số triệu chứng chung thường gặp gồm có:
- Tăng huyết áp
- Máu trong nước tiểu
- Đi tiểu nhiều lần
- Tiểu khó (phải rặn mạnh khi đi tiểu)
- Đau khi đi tiểu
- Sưng phù tay và chân do tích nước
Nếu chỉ có một triệu chứng trong số này thì có thể không đáng ngại nhưng nếu xuất hiện nhiều triệu chứng cùng lúc thì khả năng cao là thận đang có vấn đề. Xét nghiệm chức năng thận sẽ giúp xác định vấn đề cụ thể.
Các loại xét nghiệm chức năng thận
Để kiểm tra chức năng thận, bác sĩ sẽ yêu cầu làm một số xét nghiệm để ước tính độ lọc cầu thận (GFR). Độ lọc cầu thận là chỉ số cho biết tốc độ thận loại bỏ chất thải khỏi cơ thể.
Tổng phân tích nước tiểu
Tổng phân tích nước tiểu giúp phát hiện protein và máu trong nước tiểu. Có nhiều nguyên nhân khiến nước tiểu có protein và trong đó có những nguyên nhân vô hại. Nồng độ protein cao trong nước tiểu có thể là dấu hiệu nhiễm trùng nhưng tập luyện cường độ cao cũng có thể làm tăng protein trong nước tiểu. Do đó có thể phải làm xét nghiệm lại sau một vài tuần để xác nhận kết quả.
Bạn có thể sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu 24 giờ, có nghĩa là sẽ phải thu thập toàn bộ lượng nước tiểu thải ra trong thời gian 24 giờ thay vì chỉ lấy một mẫu nước tiểu duy nhất như xét nghiệm nước tiểu thông thường. Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ cho biết tốc độ đào thải creatinin ra khỏi cơ thể. Creatinin được tạo ra trong quá trình phân hủy mô cơ.
Xét nghiệm creatinin máu
Xét nghiệm này đo nồng độ creatinin trong máu. Thận khỏe mạnh sẽ lọc toàn bộ creatinin ra khỏi máu. Nồng độ creatinin trong máu cao là dấu hiệu cho thấy có vấn đề về thận.
Theo Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ (NKF), nồng độ creatinin trong máu trên 1,2 mg/dL ở phụ nữ và 1,4 mg/dL ở nam giới là dấu hiệu của vấn đề về thận. (1)
Xét nghiệm nitơ urê máu (BUN)
Xét nghiệm nitơ urê máu hay còn gọi là xét nghiệm BUN (blood urea nitrogen) cũng cho biết nồng độ chất thải, mà cụ thể là nitơ trong máu. Nitơ urê là chất thải được tạo ra trong quá trình phân hủy protein.
Tuy nhiên, không phải khi nào chỉ số BUN cao cũng là dấu hiệu của tổn thương thận. Nhiều loại thuốc phổ biến như aspirin liều cao và một số loại thuốc kháng sinh cũng có thể làm tăng nồng độ nitơ urê trong máu. Bạn cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng. Bạn có thể sẽ phải ngừng một số loại thuốc trong vài ngày trước khi làm xét nghiệm.
Chỉ số BUN bình thường dao động trong khoảng từ 7 đến 20 mg/dL. Giá trị cao hơn có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
Độ lọc cầu thận ước tính (eGFR)
Độ lọc cầu thận ước tính (estimated glomerular filtration rate – eGFR) cho biết khả năng lọc chất thải khỏi máu của thận. eGFR được tính dựa trên nhiều yếu tố như:
- Kết quả của các xét nghiệm, cụ thể là creatinin trong máu
- Tuổi tác
- Giới tính
- Chủng tộc
- Chiều cao
- Cân nặng
eGFR dưới 60 ml/phút/1,73m2 có thể là dấu hiệu của bệnh thận.
Xét nghiệm chức năng thận được thực hiện như thế nào?
Để làm xét nghiệm chức năng thận, bạn sẽ phải lấy mẫu máu và mẫu nước tiểu 24 giờ.
Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ
Bạn sẽ phải lấy mẫu nước tiểu 24 giờ để kiểm tra độ thanh thải creatinin, hiểu một cách đơn giản là lượng creatinin mà cơ thể thải ra trong một ngày.
Nên bắt đầu thu thập nước tiểu vào buổi sáng nhưng không lấy nước tiểu của lần đi tiểu đầu tiên sau khi thức dậy. Từ lần đi tiểu thứ hai mới thu thập nước tiểu. (Nhưng vẫn phải ghi lại thời gian đi tiểu lần đầu)
Bạn cần đi tiểu vào một bình chứa vô trùng được phát. Đậy chặt nắp bình sau mỗi lần đi tiểu và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Vào buổi sáng ngày hôm sau, lấy nước tiểu một lần cuối tại đúng thời điểm mà bạn đi tiểu lần đầu vào ngày hôm trước. Như vậy là đã hoàn thành quá trình thu thập nước tiểu 24 giờ. Ghi đầy đủ thông tin lên nhãn dán trên bình chứa và nộp mẫu theo hướng dẫn.
Xét nghiệm máu
Bạn sẽ phải lấy mẫu máu để làm xét nghiệm BUN và xét nghiệm creatinin máu.
Các bước lấy máu như sau:
- Buộc dây garo quanh bắp tay để làm nổi tĩnh mạch.
- Xác định vị trí lấy máu và sát khuẩn
- Chọc kim qua da vào tĩnh mạch và rút nhẹ pít tông để máu chảy vào xilanh.
- Khi lấy đủ lượng máu, tháo dây garo, ấn bông vô khuẩn lên vị trí chọc kim và nhanh chóng rút kim.
- Máu được bơm vào ống nghiệm và mang đến phòng xét nghiệm để phân tích
Bạn có thể sẽ cảm thấy hơi nhói khi kim đâm qua da. Khu vực xung quanh vị trí chọc kim có thể sẽ bị bầm tím trong vài ngày.
Điều trị bệnh thận giai đoạn đầu
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh thận giai đoạn đầu thì bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây ra vấn đề về thận. Ví dụ, nếu bạn bị cao huyết áp thì sẽ phải điều trị bằng thuốc hạ huyết áp hoặc nếu bị bệnh tiểu đường thì sẽ phải dùng thuốc kiểm soát lượng đường trong máu. Đa phần sẽ phải kết hợp các phương pháp y tế với điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống.
Nếu chức năng thận suy giảm do những nguyên nhân khác, chẳng hạn như sỏi thận hay lạm dụng thuốc giảm đau thì bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị, khắc phục thích hợp.
Nếu xét nghiệm chức năng thận cho kết quả bất thường thì bạn sẽ phải làm xét nghiệm lại định kỳ trong vài tháng tiếp theo để theo dõi tình trạng.