Xây dựng một danh mục khám khoa học, phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá chính xác về tình trạng sức khỏe của nhân viên, từ đó có kế hoạch bố trí nhân sự phù hợp hơn. Và những lưu ý chọn danh mục khám sức khỏe định kỳ dưới đây sẽ giúp bạn thực hiện được điều này.
Bạn đang đọc: Các lưu ý chọn danh mục khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên
1. Một số lưu ý chọn danh mục khám sức khỏe định kỳ
Danh mục khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên được xây dựng phụ thuộc vào ngân sách dành cho hoạt động khám sức khỏe của doanh nghiệp. Ngoài ra, các danh mục này phải đảm bảo có đầy đủ những danh mục khám cơ bản như trong Thông tư 14/2013/TT-BYT. Theo đó, danh mục khám của doanh nghiệp phải có những nội dung thăm khám sau:
– Kiểm tra thể lực: Đo các chỉ số chiều cao và cân nặng, đo mạch đập, huyết áp, chỉ số BMI.
– Khám lâm sàng: Khám tai mũi họng, răng hàm mặt, khám mắt, da liễu, khám ngoại khoa, nội khoa (hệ tuần hoàn, hô hấp, cơ xương khớp…). Lao động nữ sẽ khám thêm danh mục sản và phụ khoa.
– Khám cận lâm sàng: Xét nghiệm huyết học, xét nghiệm sinh hóa, chụp X-quang.
Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù sẽ có có bộ tiêu chuẩn riêng về sức khỏe, ví dụ như quân đội, hàng không. Với các trường hợp này thì danh mục khám của doanh nghiệp sẽ phải có thêm những danh mục khám đáp ứng bộ tiêu chuẩn sức khỏe chuyên ngành, bên cạnh các danh mục cơ bản nói trên.
Danh mục khám định kỳ được quy định trong Thông tư 14/2013/TT-BYT
2. Xây dựng danh mục khám định kỳ nâng cao cho người lao động
Bên cạnh những danh mục khám cơ bản nói trên, doanh nghiệp có thể mở rộng danh mục khám để chăm sóc sức khỏe người lao động tốt hơn.
2.1. Lưu ý chọn danh mục khám sức khỏe định kỳ theo khuyến cáo của Bộ Y tế
Dưới đây là một số danh mục khám sức khỏe mở rộng nên đưa vào trong gói khám định kỳ doanh nghiệp:
– Siêu âm tổng quát ổ bụng: Rất nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn đưa siêu âm vào trong danh mục khám sức khỏe định kỳ của mình. Siêu âm sẽ giúp phát hiện các bất thường của các cơ quan bên trong ổ bụng như gan, mật, thận, tuyến tụy, lá lách, bàng quang, tuyến tiền liệt, tử cung và buồng trứng… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể bổ sung thêm danh mục siêu âm tuyến giáp.
– Điện tâm đồ: Thông qua kết quả điện tim, chúng ta có thể đánh giá được khả năng bơm máu của tim, đo nhịp điệu và tốc độ co bóp của tim. Từ những chỉ số này, bác sĩ sẽ phát hiện được bất thường về tim mạch.
– Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap smear): Đây là danh mục nên được áp dụng đối với người lao động là nữ giới. Xét nghiệm sẽ giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung thông qua việc tìm kiếm sự có mặt của khuẩn HPV.
– Xét nghiệm virus viêm gan: Các bệnh lý về gan rất phổ biến tại Việt Nam và nguyên nhân chủ yếu gây ra tổn thương gan chính là các virus viêm gan A – B – C. Doanh nghiệp có thể đưa xét nghiệm này vào gói gói khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe cho người lao động.
– Xét nghiệm máu sàng lọc ung thư: Xét nghiệm máu có thể hỗ trợ tầm soát sớm nhiều loại ung thư. Danh mục này có vai trò cảnh báo về những dấu hiệu bất thường trong cơ thế, là cơ sở để bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các danh mục chuyên sâu hơn cho người lao động.
Tìm hiểu thêm: Khám sức khỏe cho người nước ngoài có thực sự quan trọng?
Siêu âm ổ bụng – tuyến giáp giúp phát hiện bất thường của nhiều cơ quan bên trong
2.2. Lưu ý chọn danh mục khám sức khỏe định kỳ kết hợp khám bệnh nghề nghiệp
Mỗi lĩnh vực hoạt động đều có một đặc thù riêng, kèm theo đó là nguy cơ điều kiện môi trường làm việc tác động xấu tới người lao động và gây ra bệnh nghề nghiệp. Do đó, nhà nước đã có quy định về việc thực hiện khám bệnh nghề nghiệp nhằm chủ động phòng tránh các bệnh lý này. Cụ thể, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 28/2016/TT-BYT về quản lý bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, việc thực hiện khám bệnh nghề nghiệp được thực hiện tương tự như đối với khám sức khỏe định kỳ: ít nhất 1 lần/năm. Với những đối tượng làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm hay người lao động chưa vị thành niên, người lao động cao tuổi hoặc bị khuyết tật sẽ được khám ít nhất 6 tháng/lần.
Nội dung khám chuyên khoa phát hiện các bệnh nghề nghiệp được căn cứ theo Phụ lục 6 của Thông tư 28/2016/TT-BYT. Trong đó, sẽ có 34 bệnh nghề nghiệp được chỉ định nội dung khám và thời gian khuyến cáo thực hiện.
Ví dụ, với bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, thời gian thực hiện khám là ít nhất 1 lần/năm. Doanh nghiệp muốn kiểm tra phát hiện bệnh lý này cần lựa chọn danh mục khám chuyên khoa hô hấp, tuần hoàn, chụp X-quang phổi, đo chức năng hô hấp, chụp cắt lớp hay tìm AFB trong đờm (nếu cần).
>>>>>Xem thêm: Nhận diện triệu chứng thoát vị bẹn và cách điều trị
Doanh nghiệp có thể kết hợp khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp để chăm sóc sức khỏe nhân viên toàn diện hơn
3. Lưu ý lựa chọn đơn vị khám sức khỏe định kỳ
Thông tư 14/2013/TT-BYT có quy định cụ thể đối với các cơ sở y tế có đủ năng lực thực hiện hoạt động khám sức khỏe doanh nghiệp. Theo đó, về nhân sự, người có thẩm quyền đánh giá và kết luận trong giấy khám sức khỏe bắt buộc phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và có thời gian khám chữa bệnh ít nhất là 54 tháng.
Bên cạnh đó, người được kết luận phải được giám đốc cơ sở y tế phân công (có dấu xác nhận bằng văn bản) thực hiện nhiệm vụ phân loại sức khỏe và ký xác nhận cho giấy khám sức khỏe. Người thực hiện khám lâm sàng phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề và có bằng cấp chuyên môn phù hợp với công việc được phân công.
Về điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị, cơ sở y tế phải có đủ các phòng khám lâm sàng, cận lâm sàng theo từng chuyên khoa trong quy định của Bộ Y tế. Lưu ý, các phòng khám này phải phù hợp với nội dung khám sức khỏe.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần cân nhắc lựa chọn cơ sở y tế theo mức ngân sách, báo giá chi phí dịch vụ, các ưu đãi… Dịch vụ hỗ trợ bên ngoài như khám tại doanh nghiệp, xây dựng danh mục khám hay quay chụp cho khách hàng… sẽ là một trong những lợi ích gia tăng cần lưu ý khi doanh nghiệp lựa chọn cơ sở y tế.
Hy vọng với những thông tin trên đây, các doanh nghiệp đã có thêm thông tin về việc khám sức khỏe nói chung, về những lưu ý trong xây dựng danh mục khám. Đặc biệt, chúng tôi hy vọng bạn đọc có thể có thêm gợi ý về những tiêu chí lựa chọn cơ sở y tế uy tín, chất lượng để thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho doanh nghiệp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.