Đau ở khu vực thận sau khi uống rượu có thể là do mất nước hoặc viêm niêm mạc dạ dày. Tình trạng này cũng có thể xảy ra do các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm cả nhiễm trùng thận.
Các nguyên nhân gây đau ở khu vực thận sau khi uống rượu
Thận là cơ quan có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Thận lọc các chất độc hại như cồn ra khỏi máu và tạo ra nước tiểu để đào thải các chất này ra khỏi cơ thể. Thận còn duy trì sự cân bằng nước và chất điện giải trong cơ thể.
Vì thận đảm nhận chức năng lọc máu nên khi chúng ta uống nhiều bia rượu, thận sẽ phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ lượng cồn dư thừa ra khỏi cơ thể và điều này có thể gây đau. Thận sẽ tạo ra nhiều nước tiểu hơn và việc đi tiểu nhiều sẽ dẫn đến mất nước. Mất nước có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thận và các cơ quan khác. Điều này gây ra các triệu chứng như đau ở vùng hạ sườn và/hoặc lưng.
Triệu chứng
Khu vực xung quanh thận có thể bị đau sau khi uống rượu. Cơn đau có thể xảy ra ở sâu bên trong bụng, vùng hạ sườn (bên dưới xương sườn) và hai bên cột sống. Cơn đau có thể đến đột ngột, đau nhói, như dao đâm hoặc đau âm ỉ, mức độ từ nhẹ đến nặng và có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên cơ thể.
Cơn đau có thể lan đến lưng trên, thắt lưng hoặc giữa mông. Cơn đau có thể xuất hiện ngay sau khi uống rượu hoặc khi đã ngừng uống. Đôi khi, cơn đau trở nên nặng hơn vào ban đêm.
Các triệu chứng khác gồm có:
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau khi đi tiểu
- Máu trong nước tiểu
- Ăn không ngon miệng
- Khó ngủ
- Nhức đầu
- Mệt mỏi
- Sốt
- Ớn lạnh
Nguyên nhân gây đau thận sau khi uống rượu
Có nhiều nguyên nhân gây đau ở khu vực thận sau khi uống rượu. Đây là một dấu hiệu bất thường, đặc biệt là nếu xảy ra nhiều lần và không được chủ quan.
Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau ở khu vực thận sau khi uống rượu và cách điều trị.
Bệnh gan
Một trong những biểu hiện của bệnh gan là thường xuyên bị đau hoặc khó chịu sau khi uống rượu, đặc biệt là những trường hợp gan bị tổn thương do uống nhiều rượu. Bệnh gan có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến thận và khiến thận lọc máu kém hiệu quả hơn.
Các triệu chứng khác của bệnh gan gồm có:
- Da và mắt có màu vàng
- Đau bụng
- Bụng chướng to
- Sưng phù chân
- Ngứa ngáy
- Nước tiểu sẫm màu
- Phân nhạt màu
- Mệt mỏi kéo dài
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
Để điều trị bệnh gan, người bệnh cần ngừng uống rượu, giảm cân nếu thừa cân và thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, đủ dinh dưỡng. Một số trường hợp có thể cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Nếu bị suy gan, người bệnh có thể cần ghép gan.
Sỏi thận
Sỏi thận hình thành do sự tích tụ khoáng chất. Điều này có thể xảy ra do mất nước và uống rượu là một trong những nguyên nhân phổ biến gây mất nước. Uống rượu khi đang bị sỏi thận có thể khiến sỏi di chuyển nhanh chóng. Điều này sẽ gây ra hoặc làm tăng cơn đau quặn thận.
Các triệu chứng khác của sỏi thận gồm có:
- Máu trong nước tiểu
- Sốt và ớn lạnh
- Nôn mửa
- Nước tiểu có mùi hôi hoặc đục
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
Có thể điều trị sỏi thận nhỏ bằng cách uống nhiều nước để tăng tốc độ đào thải sỏi, uống thuốc và các biện pháp khắc phục tại nhà khác. Sỏi thận lớn cần các biện pháp can thiệp như tán sỏi ngoài cơ thể hoặc tán sỏi qua da.
Nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng thận là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng bắt đầu ở niệu đạo hoặc bàng quang và sau đó lan đến một hoặc cả hai quả thận. Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu có thể trở nên nghiêm trọng hơn sau khi uống rượu.
Hãy đi khám ngay khi có các triệu chứng bất thường như:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu
- Đi tiểu nhiều lần
- Tiểu gấp
- Đau lưng, hạ sườn hoặc bẹn
- Buồn nôn và nôn mửa
- Mủ hoặc máu trong nước tiểu
Nhiễm trùng đường tiết niệu cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nhiễm trùng thận thường lâu khỏi hơn nhiễm trùng bàng quang. Trong thời gian điều trị, người bệnh cần uống nhiều nước và có thể dùng thuốc giảm đau hoặc chườm nóng để giảm cảm giác khó chịu. Nhiễm trùng thận nghiêm trọng hoặc tái phát có thể phải nhập viện hoặc phẫu thuật.
Mất nước
Rượu có đặc tính lợi tiểu, có nghĩa là làm tăng sự sản xuất nước tiểu ở thận và khiến chúng ta đi tiểu nhiều hơn. Điều này dẫn đến mất nước, đặc biệt là khi uống quá nhiều rượu và không uống bù đủ nước.
Uống rượu ảnh hưởng đến khả năng giữ cân bằng nước và chất điện giải của thận. Điều này làm suy giảm chức năng thận và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Thường xuyên mất nước sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra những vấn đề này.
Các dấu hiệu của mất nước còn có:
- Khát nước
- Nước tiểu màu vàng sẫm, mùi khai nồng
- Đi tiểu ít hơn bình thường
- Cảm thấy chóng mặt
- Mệt mỏi
- Khô miệng, môi và lưỡi
- Mắt trũng sâu
Khi bị mất nước, điều quan trọng nhất là phải bù nước và chất điện giải. Bạn có thể uống nước uống thể thao có chứa chất điện giải hoặc dung dịch bù điện giải. Không uống đồ uống có đường.
Nếu bị mất nước nghiêm trọng thì cần phải đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
Hẹp (tắc nghẽn) khúc nối bể thận – niệu quản
Hẹp (tắc nghẽn) khúc nối bể thận – niệu quản cản trở hoạt động bình thường của thận và bàng quang, gây đau ở hạ sườn, lưng dưới hoặc bụng. Điều này có thể xảy ra sau khi uống rượu và đôi khi, cơn đau lan đến bẹn. Uống rượu có thể khiến cho triệu chứng đau càng thêm trầm trọng. Các triệu chứng khác của hẹp khúc nối bể thận – niệu quản còn có:
- Nước tiểu có máu
- Sờ thấy cục ở bụng
- Tăng trưởng kém ở trẻ sơ sinh
- Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc thận, thường kèm theo sốt
- Nôn mửa
Đôi khi tình trạng hẹp khúc nối bể thận – niệu quản tự cải thiện nhưng cũng có thể cần phải điều trị bằng bằng thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Một số trường hợp phải phẫu thuật.
Thận ứ nước
Thận ứ nước là tình trạng nước tiểu ứ lại ở một hoặc cả hai quả thận, khiến cho thận sưng lên. Điều này xảy ra do tắc nghẽn, khiến nước tiểu không thể chảy từ thận đến bàng quang một cách bình thường. Các triệu chứng của Thận ứ nước gồm có:
- Đau hạ sườn
- Đau khi đi tiểu hoặc tiểu khó
- Buồn nôn và nôn mửa
- Sốt
- Trẻ sơ sinh phát triển kém
Bị sỏi thận làm tăng nguy cơ thận ứ nước.
Thận ứ nước cần được điều trị ngay lập tức. Nếu không, tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm thận bể thận. Do đó, cần đi khám ngay khi có các triệu chứng bất thường. Các phương pháp điều trị thận ứ nước gồm dẫn lưu bể thận, kháng sinh để điều trị nhiễm trùng và có thể cần phẫu thuật để loại bỏ vật gây tắc nghẽn.
Viêm dạ dày
Uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến viêm dạ dày, tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm. Mặc dù tình trạng này không liên quan đến thận nhưng viêm dạ dày gây đau ở vùng bụng trên và biểu hiện hơi giống cơn đau do các vấn đề về thận.
Để điều trị viêm dạ dày, trước tiên cần ngừng uống rượu và chất kích thích. Người bệnh có thể dùng thuốc kháng axit để giảm đau và các triệu chứng khác do viêm dạ dày. Bác sĩ có thể kê thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc kháng histamin H2 để giảm sản xuất axit dạ dày.
Rượu gây hại cho thận như thế nào?
Uống nhiều rượu gây ra nhiều vấn đề sức khỏe về lâu dài, trong đó có bệnh tiểu đường type 2 và cao huyết áp. Đây là hai nguyên nhân chính dẫn đến bệnh suy thận mạn – tình trạng chức năng thận giảm từ từ và vĩnh viễn không thể hồi phục. Uống nhiều rượu được định nghĩa là uống trên 4 đơn vị cồn mỗi ngày (40g cồn nguyên chất). Điều này làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh suy thận mạn. Nguy cơ sẽ càng tăng cao nếu hút thuốc lá.
Sau một thời gian phải làm việc quá sức do uống quá nhiều rượu, chức năng thận sẽ suy giảm. Điều này có nghĩa là thận không còn khả năng lọc máu và duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể một cách hiệu quả. Các hormone kiểm soát chức năng thận cũng có thể bị ảnh hưởng.
Uống nhiều rượu còn có thể gây ra bệnh gan và chức năng gan kém sẽ khiến thận phải làm việc nhiều hơn. Khi gan có vấn đề, cơ quan này sẽ không thể lọc máu và quá trình chuyển hóa sẽ không thể diễn ra bình thường. Điều này sẽ gây hại đến sức khỏe tổng thể và dẫn đến nhiều vấn đề.
Phòng ngừa đau thận sau khi uống rượu
Điều quan trọng là phải lắng nghe cơ thể và chú ý đến những biểu hiện bất thường. Nếu bị đau ở khu vực thận sau khi uống rượu, hãy ngừng uống rượu hoàn toàn một thời gian hoặc giảm lượng rượu tiêu thụ.
Bạn cũng có thể chuyển từ rượu mạnh sang bia hoặc rượu vang. Bia và rượu vang có nồng độ cồn thấp hơn. Nhưng cho dù chọn loại đồ uống có cồn nào thì cũng không nên uống quá nhiều. Theo khuyến nghị, nam giới chỉ nên uống tối đa 2 đơn vị cồn (20g cồn nguyên chất) mỗi ngày và phụ nữ chỉ nên uống 1 đơn vị cồn/ngày. Những người có vấn đề về thận nên uống ít hơn hoặc kiêng rượu bia hoàn toàn.
Hãy uống nhiều nước hàng ngày để cơ thể có đủ nước. Hãy thử thay đồ uống có cồn bằng các loại đồ uống không chứa cồn như trà hoặc nước trái cây.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh ít chất béo, nhiều trái cây và rau củ tươi. Hạn chế tối đa lượng đường, muối và caffeine.
Tập thể dục thường xuyên và tăng cường hoạt động thể chất cũng là những thói quen có lợi cho sức khỏe thận và sức khỏe tổng thể. Hoạt động thể chất còn giúp giảm tiêu thụ rượu bia.