Mùi nước tiểu có thể thay đổi sau khi ăn một số loại thực phẩm hoặc dùng một số loại thuốc. Tuy nhiên, nước tiểu có mùi lạ đôi khi lại là dấu hiệu chỉ ra một số vấn đề về sức khỏe.
Các nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lạ
Nước tiểu là chất thải lỏng của cơ thể và thường có mùi khai nhẹ.
Tuy nhiên, nếu nước tiểu có mùi ngọt, mùi hôi, khai nồng hoặc mùi tanh thì đó lại có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc một vấn đề sức khỏe khác. Đó cũng có thể là do một số loại đồ ăn, thuốc men, thực phẩm chức năng hoặc do uống không đủ nước.
Các nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lạ
Nước tiểu là chất thải của cơ thể nên sẽ có mùi tùy thuộc vào đồ ăn thức uống, thuốc men, thói quen sinh hoạt và tình trạng sức khỏe.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lạ, trong đó có những nguyên nhân không đáng lo ngại, đặc biệt là khi không kèm theo triệu chứng đau nhức.
Dưới đây là những lý do có thể gây ra điều này.
Đồ ăn
Những gì chúng ta ăn hàng ngày có thể ảnh hưởng đến mùi nước tiểu. Có nhiều loại thực phẩm khiến nước tiểu có mùi lạ và một trong số đó là măng tây. Trong một nghiên cứu, 40% những người tham gia cho biết họ ngửi thấy nước tiểu có mùi khác biệt sau khi ăn măng tây. Ngoài ra, mùi nước tiểu có thể thay đổi do một số loại thực phẩm khác.
Tỏi và hành tây có các hóa chất chứa lưu huỳnh và khi phân hủy, các hóa chất này sẽ làm thay đổi màu nước tiểu. Bắp cải tí hon (cải Brussel), các loại cá như cá hồi và một số loại gia vị cũng có thể khiến nước tiểu có mùi lạ.
Nếu bạn nghi ngờ một loại thực phẩm nào đó khiến nước tiểu có mùi lạ, hãy thử ngừng ăn loại thực phẩm đó vài ngày và theo dõi xem mùi nước tiểu có trở về bình thường không. Nếu nguyên nhân đúng là do thực phẩm thì cũng không cần thiết phải kiêng hẳn những thực phẩm đó. Mùi nước tiểu thay đổi do thực phẩm là điều hết sức bình thường và không gây hại gì cho sức khỏe
Mất nước
Nước tiểu gồm có nước và các chất hóa học mà cơ thể đào thải. Các chất hóa học này đều có mùi nhưng do được hòa loãng trong nước nên nước tiểu chỉ có mùi nhẹ.
Khi bị mất nước, lượng nước trong nước tiểu giảm trong khi nồng độ các hóa chất trong nước lại tăng. Điều này khiến cho nước tiểu có mùi nồng hơn.
Các dấu hiệu khác của mất nước gồm có:
- Nước tiểu sậm màu
- Khô miệng
- Mệt mỏi
- Nhức đầu
- Khô da
- Cảm thấy khát nước
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Những thay đổi về mùi nước tiểu có thể là dấu hiệu ban đầu của nhiễm trùng đường tiết niệu.
Mùi là do vi khuẩn trong nước tiểu gây ra. Vi khuẩn có thể phát triển và lan sang các bộ phận khác trong đường tiết niệu, chẳng hạn như bàng quang hoặc thận.
Phụ nữ có nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn do có niệu đạo ngắn hơn so với nam giới. Niệu đạo ngắn hơn đồng nghĩa với việc vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào đường tiết niệu hơn và gây nhiễm trùng.
Các triệu chứng khác của nhiễm trùng đường tiết niệu:
- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Đi tiểu nhiều lần
- Buồn tiểu ngay cả khi bàng quang không đầy
- Tiểu ra máu
- Đau tức ở bụng dưới hoặc thắt lưng
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Một số bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) như chlamydia và trichomonas có thể gây tiết dịch âm đạo bất thường. Dịch tiết này có thể làm thay đổi mùi nước tiểu.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục còn có các các triệu chứng khác như tiểu buốt và đau nhức, ngứa ngáy, đau khi quan hệ tình dục, chảy máu âm đạo…
Thuốc và thực phẩm chức năng
Một số loại thuốc, ví dụ như thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng và tiểu đường có thể làm thay đổi mùi nước tiểu. Điều này cũng có thể xảy ra với vitamin và thực phẩm chức năng.
Các vitamin nhóm B như thiamine (vitamin B1) và choline có thể gây mất cân bằng hóa chất trong nước tiểu. Do đó, việc uống bổ sung những chất này này có thể khiến nước tiểu có mùi lạ.
Viêm âm đạo do vi khuẩn
Âm đạo vốn có chứa nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Cơ thể có cơ chế giữ cho các loại vi khuẩn này ở trạng thái cân bằng, không để bất kỳ loại vi khuẩn nào phát triển mất kiểm soát và gây ra vấn đề. Tuy nhiên, đôi khi vì một số yếu tố tác động mà sự cân bằng này bị phá vỡ và dẫn đến viêm âm đạo do vi khuẩn.
Một triệu chứng thường gặp của tình trạng này là khí hư có mùi tanh, ngoài ra còn có các triệu chứng khác như:
- Khí hư có màu xám hoặc trắng đục
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Ngứa hoặc đau ở âm hộ
Rụng trứng
Rụng trứng là một hiện tượng bình thường diễn ra trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, trong đó trứng được phóng từ buồng trứng. Estrogen và progesterone là các hormone kích thích sự rụng trứng.
Những hormone này còn khiến cho khứu giác trở nên nhạy hơn.
Bản thân quá trình rụng trứng không làm thay đổi mùi nước tiểu nhưng khứu giác nhạy hơn vào giai đoạn này có thể khiến cho phụ nữ cảm thấy nước tiểu có mùi nồng hơn.
Mang thai
Giống như giai đoạn rụng trứng, sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai cũng có thể khiến khứu giác phụ nữ trở nên nhạy cảm hơn. Đó là lý do tại sao khi mang thai, nhiều phụ nữ cảm thấy mọi thứ xung quanh có mùi rõ rệt hơn.
Sự thay đổi mùi nước tiểu trong thai kỳ cũng có thể là do một số loại vitamin có trong vitamin tổng hợp cho bà bầu.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn và nước tiểu có mùi nồng là một trong những triệu chứng của tình trạng này.
Bệnh tiểu đường và thuốc điều trị tiểu đường
Một số loại thuốc điều trị tiểu đường có thể ảnh hưởng đến mùi nước tiểu, gồm có nhóm thuốc sulfonylurea như glyburide.
Bệnh tiểu đường không được kiểm soát hoặc kiểm soát kém cũng có thể khiến nước tiểu có mùi bất thường. Khi lượng đường trong máu tăng cao, thận sẽ đào thải lượng đường dư thừa vào nước tiểu và điều này làm cho nước tiểu có mùi ngọt.
Các dấu hiệu khác cho thấy bệnh tiểu đường đang không được kiểm soát tốt còn có:
- Khát nước hoặc đói liên tục
- Thường xuyên cảm thấy mệt
- Đi tiểu nhiều lần
- Sụt cân
- Nhìn mờ
- Cáu gắt, thay đổi tâm trạng
- Vết thương chậm lành
- Hơi thở có mùi trái cây
Vấn đề về gan hoặc thận
Cả gan và thận đều có chức năng lọc máu. Nếu các cơ quan này không hoạt động bình thường thì chất thải và chất độc hại sẽ không được lọc khỏi máu một cách hiệu quả. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi về màu sắc và mùi của nước tiểu.
Hội chứng mùi cá
Hội chứng mùi cá (trimethylaminuria) là một chứng rối loạn chuyển hóa hiếm gặp xảy ra khi cơ thể không có khả năng phân hủy một số hợp chất nhất định. Cụ thể, cơ thể không thể xử lý trimethylamine – một hợp chất có trong thịt, cá và hải sản.
Thay vào đó, cơ thể giải phóng hợp chất này trực tiếp vào nước tiểu. Điều này khiến nước tiểu có mùi tanh hoặc hôi, thậm chí còn gây mùi khó chịu trên cơ thể.
Các biện pháp khắc phục tại nhà
Một số nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lạ có thể được khắc phục bằng các biện pháp đơn giảm dưới đây.
Tránh thực phẩm gây mùi
Nước tiểu có mùi lạ có thể là do ăn măng tây, hành tỏi hay các loại thực phẩm gây mùi khác. Nếu bạn nghi ngờ một loại thực phẩm là nguyên nhân làm thay đổi mùi nước tiểu thì hãy thử ngừng ăn loại thực phẩm đó một thời gian.
Nếu mùi nước tiểu biến mất thì có nghĩa loại thực phẩm đó đúng là thủ phạm.
Mặc dù có thể gây khó chịu nhưng mùi nước tiểu thay đổi do thực phẩm không phải điều đáng ngại và hoàn toàn không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do đó, có tiếp tục ăn loại thực phẩm đó hay không là tùy vào lựa chọn của bạn.
Uống nhiều nước
Mất nước sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến mùi và màu nước tiểu. Khi uống ít nước, nước tiểu sẽ có màu vàng sậm và có mùi nồng hơn.
Uống đủ nước sẽ làm loãng các hóa chất trong nước tiểu và nhờ đó làm giảm mùi.
Cố gắng hạn chế cà phê và đồ uống có cồn. Những thức uống này sẽ khiến cơ thể dễ bị mất nước hơn.
Đi tiểu thường xuyên
Hãy đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn. Nhịn tiểu có thể khiến nước tiểu đặc hơn và có mùi nồng hơn.
Ngoài ra, thường xuyên nhịn tiểu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Kiểm soát bệnh mạn tính
Kiểm soát các vấn đề sức khỏe mạn tính như bệnh tiểu đường có thể giúp làm giảm hoặc loại bỏ các triệu chứng như nước tiểu có mùi bất thường.
Người bệnh cần dùng thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ và kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục.
Phương pháp điều trị y tế
Nếu các phương pháp khắc phục tại nhà không có tác dụng thì rất có thể mùi nước tiểu là do một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Những vấn đề này cần được điều trị bằng phương pháp như:
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Thuốc kháng sinh cũng được sử dụng để điều trị một số bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đối với nhiễm trùng nấm men thì sẽ phải ddiều trị bằng thuốc kháng nấm.
- Thay đổi thuốc hoặc thực phẩm chức năng: Nếu mùi nước tiểu là do loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng đang dùng thì có thể đổi sang loại khác để khắc phục vấn đề. Tuy nhiên, nếu đang dùng thuốc kê đơn thì cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đổi thuốc.
- Thuốc điều trị tiểu đường: Người mắc bệnh tiểu đường cần dùng thuốc và thay đổi lối sống để kiểm soát lượng đường trong máu.
Khi nào cần đi khám?
Nước tiểu có mùi lạ thường chỉ là vấn đề tạm thời xảy ra do đồ ăn hoặc mất nước. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì nên đi khám, đặc biệt là khi mùi nước tiểu kèm theo các dấu hiệu bất thường khác như:
- Nước tiểu đục
- Tiểu ra máu
- Tiểu khó
- Đau đớn, nóng rát
- Sốt
Hầu hết nguyên nhân gây ra các triệu chứng này đều có thể điều trị được. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, các vấn đề như nhiễm trùng đường tiết niệu và bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể trở nên nghiêm trọng hơn và dẫn đến biến chứng.
Các phương pháp chẩn đoán nguyên nhân
Khi đi khám, bác sĩ sẽ đặt một số câu hỏi, chẳng hạn như những thay đổi khác trên cơ thể mà bạn nhận thấy trong thời gian gần đây, bạn bắt đầu thấy nước tiểu có mùi lạ từ khi nào, có ăn loại đồ ăn hay dùng loại thuốc nào có thể ảnh hưởng đến mùi nước tiểu không…
Xét nghiệm cấy nước tiểu sẽ giúp phát hiện vi khuẩn trong nước tiểu hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng khác. Đây là một xét nghiệm đơn giản và hoàn toàn không xâm lấn. Tất cả những gì bạn cần làm là lấy một mẫu nước tiểu nhỏ.
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp CT hoặc MRI, có thể giúp bác sĩ kiểm tra đường tiết niệu, gan hoặc thận để phát hiện nguồn gốc của vấn đề.
Ngoài ra bạn có thể còn phải làm xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu giúp phát hiện bệnh lây truyền qua đường tình dục, vấn đề về gan, thận, mất cân bằng hóa chất trong máu và các vấn đề khác làm thay đổi mùi nước tiểu.
Tóm tắt bài viết
Mùi nước tiểu có thể thay đổi do nhiều nguyên nhân và đa phần thì hiện tượng này là vô hại. Một số nguyên nhân phổ biến là do đồ ăn, thuốc và mất nước. Uống nhiều nước có thể giúp làm loãng các hóa chất gây mùi trong nước tiểu và giảm mùi.
Tuy nhiên, nước tiểu có mùi lạ có thể cảnh báo một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh tiểu đường, vấn đề về gan hoặc thận.
Nếu tình trạng mùi nước tiểu bất thường kéo dài mà không rõ nguyên nhân hoặc đi kèm các triệu chứng khác thì nên đi khám.