Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng buồn tiểu liên tục hoặc tiểu gấp, khó kiểm soát. Tình trạng này làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và còn khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái. Bàng quang tăng hoạt còn có thể gây tiểu không tự chủ. Có một số liệu pháp và bài tập có thể giúp tăng cường cơ bàng quang và cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang, nhờ đó giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Hai trong số những phương pháp phổ biến là bài tập Kegel và rèn luyện bàng quang.
Các phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt cho phụ nữ
Các bài tập và liệu pháp điều trị bàng quang tăng hoạt
Một số cách đơn giản có thể giúp kiểm soát các triệu chứng bàng quang tăng hoạt ở phụ nữ gồm có bài tập Kegel, liệu pháp phản hồi sinh học, rèn luyện bàng quang, kích thích điện và tập tạ âm đạo.
1. Bài tập Kegel
Một trong những cách đơn giản để điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt là bài tập Kegel. Tập Kegel đều đặn hàng ngày có thể giúp tăng cường cơ bàng quang và cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang.
Bài tập Kegel gồm có siết chặt và thả lỏng cơ sàn chậu, lặp đi lặp lại nhiều lần. Để xác định cơ sàn chậu, hãy thử nhịn tiểu hoặc ngừng tiểu giữa chừng. Các cơ ở vùng chậu mà bạn siết lại để nhịn tiểu chính là cơ sàn chậu. Trong quá trình tập bài tập Kegel, hãy siết chặt các cơ này trong khoảng 3 giây rồi thả lỏng, lặp lại như vậy 10 lần và tập 3 lượt mỗi ngày. Nếu cảm thấy đau khi siết cơ sàn chậu thì hãy dừng lại.
2. Phản hồi sinh học
Có thể kết hợp bài tập Kegel với liệu pháp phản hồi sinh học (biofeedback) để tăng cường hiệu quả của bài tập Kegel. Trong liệu pháp phản hồi sinh học, bác sĩ sẽ đưa một đầu dò vào âm đạo của người bệnh.
Biểu đồ hiển thị trên máy tính sẽ giúp bác sĩ xác định nhóm cơ mà người bệnh đang siết lại trong khi thực hiện bài tập Kegel.
Nếu người bệnh đang siết sai cơ, bác sĩ sẽ giúp điều chỉnh cho đúng để có hiệu quả tốt hơn.
3. Rèn luyện bàng quang
Rèn luyện bàng quang cũng là một cách để giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Phương pháp này giúp làm tăng khả năng giữ nước tiểu của bàng quang, nhờ đó làm giảm tình trạng tiểu nhiều lần và tiểu gấp.
Các thực hiện rèn luyện bàng quang như sau:
- Xác định tần suất đi tiểu trung bình trong một ngày.
- Khi cảm thấy buồn tiểu hãy cố gắng nhịn càng lâu càng tốt để tăng dần khoảng cách giữa các lần đi tiểu.
- Sau một thời gian, tần suất đi tiểu trong ngày sẽ giảm
4. Kích thích điện
Kích thích điện cũng có thể giúp kiểm soát bàng quang tăng hoạt.
Phương pháp điều trị này sử dụng điện cực truyền xung điện đến bàng quang. Những xung điện này giúp cơ bàng quang co thắt và dần trở nên khỏe hơn theo thời gian.
Cục Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt hai loại kích thích điện để điều trị bàng quang tăng hoạt, gồm có kích thích dây thần kinh chày qua da (percutaneous tibial nerve stimulation) và kích thích dây thần kinh cùng (sacral neuromodulation).
5. Sử dụng tạ âm đạo
Giống như các cơ khác trên cơ thể, việc tập tạ cho cơ sàn chậu cũng sẽ giúp tăng sức mạnh của các cơ này theo thời gian. Một cách để thực hiện điều này là sử dụng tạ âm đạo. Cách này phù hợp với những người không có nhiều thời gian cho liệu pháp phản hồi sinh học hoặc kích thích điện.
Cách sử dụng tạ âm đạo như sau:
- Đưa “cuống” của tạ vào bên trong âm đạo.
- Sử dụng cơ sàn chậu để nâng tạ lên.
- Mới đầu nên sử dụng tạ nhẹ và sau đó tăng dần mức tạ. Sau một thời gian, cơ sàn chậu sẽ trở nên khỏe hơn.
Có nhiều lý do để duy trì bài tập Kegel và các biện pháp kể trên hàng ngày. Bài tập Kegel và các biện pháp củng cố cơ bàng quang khác có thể giúp tăng khả năng kiểm soát bàng quang, giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt và phòng ngừa tiểu không tự chủ.
Thực hiện các biện pháp kể trên còn giúp làm giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề liên quan, chẳng hạn như gián đoạn giấc ngủ và lo âu, stress về mặt tâm lý. Nếu các triệu chứng bàng quang tăng hoạt vẫn không cải thiện sau khi thử những cách này thì nên đi khám. Có thể sẽ phải kết hợp các biện pháp này với thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác.
Các phương pháp điều trị khác
Ngoài các cách kể trên còn có nhiều cách khác để điều trị chứng bàng quang tăng hoạt, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng tiểu không tự chủ. Các phương pháp điều trị tự nhiên gồm có châm cứu, thực phẩm chức năng, thảo dược và tinh dầu.
Châm cứu
Châm cứu là phương pháp sử dụng kim có các độ dài khác nhau đâm vào những vị trí cụ thể trên cơ thể. Điều này tác động đến các dây thần kinh kiểm soát hoạt động của cơ bàng quang và nhờ đó làm giảm chứng bàng quang tăng hoạt.
Thực phẩm chức năng và thảo dược
Có một số loại thực phẩm chức năng và thảo dược có thể giúp giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt, gồm có:
- Gosha-jinki-gan (GJG) – sự kết hợp 10 loại thảo mộc truyền thống
- Nấm Linh Chi
- Râu ngô
- Capsaicin
- Hạt bí ngô
- Trà kohki
- Magie hydroxit
- L-arginine
Thuốc
Nếu những cách này không hiệu quả, người bệnh sẽ phải điều trị bằng thuốc, tiêm Botox, kích thích thần kinh hoặc đôi khi cần phải phẫu thuật.
Nguyên nhân gây bàng quang tăng hoạt ở phụ nữ
Ở phụ nữ, nguyên nhân chính gây bàng quang tăng là mang thai và mãn kinh.
Trong thời kỳ mãn kinh, những thay đổi về nội tiết tố có thể làm suy yếu cơ bàng quang. Khi mang thai, thai nhi lớn dần trong tử cung sẽ chèn ép lên bàng quang và gây ra các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
Tình trạng này đa phần tự hết sau khi sinh nhưng trong một số trường hợp, bàng quang tăng hoạt vẫn tiếp diễn và cần phải điều trị.
>>> Tìm hiểu thêm về nguyên nhân của bàng quang tăng hoạt.
Biến chứng của bàng quang tăng hoạt
Bàng quang tăng hoạt không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hàng ngày và còn tác động tiêu cực đến cảm xúc, tinh thần. Tình trạng buồn tiểu liên tục và tiểu gấp sẽ ảnh hưởng đến cả các hoạt động tại nhà cũng như hoạt động tại nơi công cộng và có thể dẫn đến các vấn đề về tinh thần như lo âu, bất an, căng thẳng.
Ngoài ra, bàng quang tăng hoạt còn có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu và tình trạng đi tiểu nhiều lần có thể gây mất nước. Bàng quang tăng hoạt còn làm tăng nguy cơ té ngã và dẫn đến gãy xương, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Khi nào cần đi khám?
Nói chung, nếu đi tiểu nhiều hơn 8 lần một ngày hoặc hơn hai lần một đêm thì rất có thể bạn đã mắc chứng bàng quang tăng hoạt. Nên đi khám để được xác định chính xác vấn đề và hướng dẫn cách khắc phục.
Hai dấu hiệu khác chỉ ra hội chứng bàng quang tăng hoạt là đột ngột buồn tiểu và rò rỉ nước tiểu khi chưa kịp vào nhà vệ sinh.
Nói chung, nên đi khám khi nhận thấy có thay đổi bất thường trong thói quen đi tiểu để xác định vấn đề và có phương pháp điều trị thích hợp
Tóm tắt bài viết
Bàng quang tăng hoạt là một vấn đề gây khó chịu. Tình trạng này gây buồn tiểu liên tục và cản trở các hoạt động hàng ngày, thậm chí còn có thể gây tiểu không tự chủ.
Có những liệu pháp và bài tập giúp củng cố cơ bàng quang và tăng khả năng kiểm soát bàng quang, nhờ đó làm giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt, ví dụ như bài tập Kegel, liệu pháp phản hồi sinh học, rèn luyện bàng quang hay kích thích điện. bên cạnh đó còn có các phương pháp điều trị khác như dùng thuốc, châm cứu, bổ sung một số chất, thảo dược và phẫu thuật. Nên đi khám nếu phải đi tiểu quá nhiều hoặc tiểu gấp để được tư vấn phương pháp điều trị.