Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị là một số phương pháp điều trị ung thư bàng quang. Phác đồ điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào giai đoạn và cấp độ ung thư cũng như độ tuổi và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang
Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau cho bệnh ung thư bàng quang. Phác đồ điều trị có thể gồm một hoặc kết hợp nhiều phương pháp và phù thuộc vào các yếu tố như:
- Loại ung thư bàng quang
- Giai đoạn (mức độ lan rộng) ung thư
- Cấp độ (tốc độ phát triển của bệnh ung thư)
- Kích thước và số lượng khối u
- Tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh
- Lựa chọn cá nhân của người bệnh
Bài viết này sẽ nếu ra các phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư bàng quang, gồm có cơ chế tác dụng, những trường hợp được chỉ định và tác dụng phụ. Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị mới và tiên lượng của người mắc bệnh ung thư bàng quang.
Thông thường, các phương pháp điều trị được sử dụng cho các giai đoạn ung thư bàng quang như sau:
Phẫu thuật | Xạ trị | Hóa trị | Liệu pháp miễn dịch | Liệu pháp nhắm trúng đích | |
Giai đoạn 0 | x | x | x | ||
Giai đoạn 1 | x | x | x | ||
Giai đoạn 2 | x | x | x | x | |
Giai đoạn 3 | x | x | x | x | x |
Giai đoạn 4 | x | x | x | x | x |
Phẫu thuật
Phác đồ điều trị ung thư bàng quang thường gồm có phẫu thuật. Mục tiêu phẫu thuật là loại bỏ tế bào ung thư một cách tối đa.
Có một số loại phẫu thuật để điều trị bệnh ung thư bàng quang:
- Cắt khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT): đưa ống nội soi qua niệu đạo vào bàng quang để cắt bỏ khối u. Loại phẫu thuật này thường được sử dụng cho bệnh ung thư bàng quang giai đoạn đầu.
- Cắt một phần bàng quang: chỉ cắt bỏ phần bàng quang có khối u. Loại phẫu thuật này được sử dụng cho những trường hợp mà ung thư chỉ giới hạn ở một phần của bàng quang, khối u chưa phát triển quá lớn nhưng không thể cắt bỏ bằng phương pháp TURBT.
- Cắt toàn bộ bàng quang: cắt bỏ toàn bộ bàng quang cùng một số cấu trúc lân cận. Loại phẫu thuật này thường được thực hiện khi có nhiều khối u trong bàng quang hoặc khi ung thư đã phát triển vào lớp cơ của bàng quang.
Nếu ung thư đã lan ra ngoài bàng quang, các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác trong vùng chậu cũng sẽ bị cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang. Sau khi cắt bỏ toàn bộ bàng quang, bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật chuyển lưu dòng tiểu để tạo đường dẫn mới đưa nước tiểu ra ngoài.
Tất cả các loại phẫu thuật đều tiềm ẩn một số rủi ro như nhiễm trùng, chảy máu, cục máu đông, vấn đề về hô hấp, phản ứng với thuốc mê.
Ngoài ra, phẫu thuật điều trị ung thư bàng quang còn có một số rủi ro riêng như ảnh hưởng đến chức năng đường ruột, vấn đề về thận, rò rỉ sau chuyển lưu dòng tiểu, hẹp niệu quản,…
Xạ trị
Xạ trị sử dụng phóng xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Có hai loại xạ trị chính để điều trị ung thư là xạ trị chùm tia bên ngoài và xạ trị áp sát (xạ trị bên trong). Ung thư bàng quang thường được điều trị bằng phương pháp xạ trị chùm tia bên ngoài, trong đó một thiết bị sẽ chiếu chùm tia phóng xạ vào khu vực có khối u trên cơ thể người bệnh. Xạ trị áp sát có nghĩa là đưa nguồn phóng xạ vào gần hoặc bên trong khối u nhưng phương pháp này thường không được dùng cho bệnh ung thư bàng quang.
Xạ trị có thể được thực hiện sau phẫu thuật để loại bỏ tế bào ung thư còn sót lại. Xạ trị cũng có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị thay thế cho những trường hợp không thể phẫu thuật hoặc hóa trị. Cuối cùng, xạ trí có thể được chỉ định như một phần của phác đồ điều trị ung thư bàng quang di căn.
Một số tác dụng phụ của xạ trị gồm có:
- Mệt mỏi
- Rụng tóc
- Giảm trí nhớ và tập trung
- Buồn nôn và nôn mửa
- Da kích ứng, sạm
- Đau đầu
- Mờ mắt
Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc ngăn cản sự phát triển và phân chia của các tế bào đang phân chia nhanh chóng trong cơ thể, bao gồm cả tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể tiêu diệt hoặc làm giảm sự phát triển của tế bào ung thư.
Có hai loại hóa trị điều trị bệnh ung thư bàng quang:
- Hóa trị trong bàng quang: thuốc hóa trị được đưa trực tiếp vào bàng quang qua ống thông. Hóa trị trong bàng quang được sử dụng cho bệnh ung thư bàng quang giai đoạn đầu, thường là sau phẫu thuật cắt khối u bàng quang qua niệu đạo.
- Hóa trị toàn thân: thuốc hóa trị được tiêm truyền qua đường tĩnh mạch, sau đó đi vào máu và tác động đến toàn bộ cơ thể. Hóa trị toàn thân có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u hoặc sau phẫu thuật để loại bỏ tế bào ung thư còn sót lại. Hóa trị toàn thân có thể được sử dụng cho bệnh ung thư bàng quang di căn.
Một số tác dụng phụ của hóa trị gồm có mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, các vấn đề về đường ruột như táo bón hoặc tiêu chảy, rụng tóc, lở miệng, các vấn đề về da và móng, giảm khả năng tập trung và ghi nhớ, ảnh hưởng đến thần kinh và cơ, giảm thính lực, tăng nguy cơ nhiễm trùng…
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách tăng cường phản ứng của hệ miễn dịch với tế bào ung thư. Có nhiều loại liệu pháp miễn dịch khác nhau để điều trị bệnh ung thư bàng quang, một trong số đó là BCG.
Trong liệu pháp BCG, một loại vắc xin có tên là Bacille Calmette-Guerin được đưa trực tiếp vào bàng quang qua ống thông. Loại vắc xin này kích thích hệ miễn dịch phản ứng với tế bào ung thư. BCG cũng chính là loại vắc xin phòng ngừa bệnh lao. Liệu pháp BCG thường được sử dụng cho bệnh ung thư bàng quang giai đoạn đầu chưa xâm lấn vào cơ bàng quang.
Một loại liệu pháp miễn dịch khác là thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Các loại thuốc này “tắt” một trong những cơ chế ngăn cản hệ miễn dịch tấn công tế bào ung thư, nhờ đó hệ miễn dịch có thể phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư. Ví dụ về các loại thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch gồm có nivolumab (Opdivo) và pembrolizumab (Keytruda). Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch có thể được sử dụng:
- để ngăn ngừa ung thư tái phát sau phẫu thuật
- khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc không phù hợp
- khi ung thư tái phát sau điều trị
Kháng thể đơn dòng cũng là một loại liệu pháp miễn dịch được dùng trong điều trị ung thư bàng quang. Kháng thể đơn dòng là những kháng thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm, có khả năng liên kết với một số phần của tế bào ung thư và giúp đưa thuốc hóa trị trực tiếp đến tế bào ung thư. Kháng thể đơn dòng có thể được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc không phù hợp.
Một số tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Mệt mỏi
- Chóng mặt
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Đau cơ hoặc khớp
- Đau đầu
- Khó thở
- Tăng hoặc tụt huyết áp
- Sưng phù và tăng cân do giữ nước
- Tim đập nhanh
- Tiêu chảy
- Nhiễm trùng
Liệu pháp nhắm trúng đích
Liệu pháp nhắm trúng đích sử dụng các loại thuốc nhắm đến các gen hoặc protein cần thiết cho sự phát triển của tế bào ung thư. Khác với thuốc hóa trị tiêu diệt cả các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, thuốc nhắm trúng đích chỉ nhắm đến các tế bào ung thư.
Kháng thể đơn dòng, chẳng hạn như những kháng thể trong liệu pháp miễn dịch, cũng là một loại liệu pháp nhắm trúng đích. Một loại thuốc nhắm trúng đích khác để điều trị bệnh ung thư bàng quang gọi là erdafitinib (Balversa). Thuốc này có tác dụng ngăn chặn một loại enzyme giúp tế bào ung thư bàng quang phát triển.
Liệu pháp nhắm trúng đích được sử dụng cho bệnh ung thư bàng quang ở các giai đoạn sau cũng có thể được dùng cho những ca bệnh ung thư bàng quang tái phát.
Một số tác dụng phụ của liệu pháp nhắm trúng đích:
- Rối loạn đông máu
- Vết thương lâu lành
- Tăng huyết áp
- Mệt mỏi
- Lở miệng
- Mất màu tóc
- Các vấn đề về da, gồm có phát ban hoặc khô da
Các phương pháp điều trị mới
Các nhà khoa học vẫn đang không ngừng nghiên cứu các phương pháp mới, hiệu quả hơn để điều trị bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư bàng quang. Các phương pháp điều trị mới này có thể là sự kết hợp của các liệu pháp hiện có hoặc là một hướng đi hoàn toàn mới. Cùng tìm hiểu một vài phương pháp điều trị hiện đang được nghiên cứu.
Khoảng 25 đến 45% người được điều trị bằng liệu pháp BCG không đáp ứng điều trị. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đang tìm cách cải thiện phương pháp điều trị này. Trong một thử nghiệm vào năm 2022, các nhà nghiên cứu đã thử kết hợp BCG với một loại thuốc kích thích miễn dịch có tên là N-803 ở những người không đáp ứng với BCG.
Sau 2 năm theo dõi, phương pháp điều trị này đã giúp tăng tỷ lệ sống sót tổng thể của bệnh nhân ung thư bàng quang lên 99%. Ngoài ra, hơn 90% người tham gia đã tránh được phẫu thuật cắt bàng quang trong khoảng thời gian này. (1)
Một thử nghiệm khác vào năm 2022 đã đánh giá phác đồ điều trị bằng hóa trị liệu sau phẫu thuật cắt khối u bàng quang qua niệu đạo thay cho liệu pháp BCG. Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra phác đồ điều trị này do tình trạng khan hiếm vắc xin BCG.
Sau 24 tháng, tỷ lệ sống sót không tái phát của những người tham gia là 82% và tỷ lệ sống sót tổng thể là 84%. Không có ai tử vong do ung thư bàng quang trong suốt thời gian nghiên cứu. Trong một tuyên bố, các nhà nghiên cứu cho biết kết quả mà phác đồ điều trị trên mang lại cũng tương tự như kết quả được quan sát thấy ở những người điều trị bằng BCG. (2)
Tiên lượng của người bị ung thư bàng quang
Tiên lượng của người mắc bệnh ung thư bàng quang phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như:
- Loại ung thư bàng quang
- Giai đoạn ung thư tại thời điểm chẩn đoán
- Phản ứng của bệnh ung thư với điều trị
- Ung thư đã di căn đến các khu vực khác của cơ thể hay chưa
- Mắc ung thư lần đầu hay ung thư tái phát sau điều trị
- Tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh
Tiên lượng của bệnh nhân ung thư thường được ước tính dựa trên tỷ lệ sống sau 5 năm (tỷ lệ người mắc một loại và giai đoạn ung thư nhất định còn sống thêm ít nhất 5 năm kể từ thời điểm chẩn đoán).
Theo cơ sở dữ liệu SEER của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sau 5 năm ở các giai đoạn của bệnh ung thư bàng quang như sau: (3)
Ung thư tại chỗ | Ung thư chỉ giới hạn ở lớp niêm mạc bàng quang và chưa lan vào các lớp bên trong thành bàng quang. Tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn này là 96%. |
Ung thư khu trú | Ung thư đã bắt đầu lan sâu vào các lớp của thành bàng quang nhưng chưa lan ra bên ngoài bàng quang. Tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn này là 69,6%. |
Ung thư di căn vùng | Ung thư bàng quang đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận. Tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn này là 39%. |
Ung thư di căn xa | Ung thư bàng quang đã lan đến các cơ quan ở xa. Tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn này là 7,7%. |
Tỷ lệ sống sau 5 năm tổng thể | Tỷ lệ sống sau 5 năm của người mắc bệnh ung thư bàng quang nói chung là 77,1%. |
Mặc dù tỷ lệ sống sau 5 năm được tính dựa trên dữ liệu từ nhiều người mắc bệnh ung thư bàng quang và trong nhiều năm nhưng không tính đến các yếu tố cá nhân. Hơn nữa, các phương pháp điều trị ung thư gần đây đã có nhiều tiến bộ nên bệnh nhân ung thư hiện nay có thể sống thọ hơn so với trước. Do đó, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ mang tính tham khảo. Bác sĩ sẽ đưa ra tiên lượng cụ thể dựa trên các đặc điểm của bệnh ung thư và tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Câu hỏi thường gặp về điều trị ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang có thể chữa khỏi được không?
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), giai đoạn đầu của ung thư bàng quang (giai đoạn 0 hay ung thư tại chỗ) có thể chữa khỏi được. Càng sang các giai đoạn sau thì khả năng chữa khỏi sẽ càng thấp.
Tuy nhiên, nhiều ca bệnh ung thư bàng quang được chẩn đoán ở giai đoạn đầu. Theo cơ sở dữ liệu SEER, 51% số ca bệnh ung thư bàng quang được chẩn đoán ở giai đoạn tại chỗ.
Ung thư bàng quang có phổ biến không?
Ung thư bàng quang là loại ung thư có số ca mắc cao thứ 10 trên toàn thế giới. Đây là bệnh ung thư phổ biến thứ 6 ở nam giới và phổ biến thứ 17 ở phụ nữ. Nam giới có tỷ lệ mắc ung thư bàng quang cao hơn gấp 4 lần so với phụ nữ. Ước tính có hơn 573.000 ca mắc mới ung thư bàng quang vào năm 2020, trong đó có hơn 440.000 ca là nam giới. (4)
Nguyên nhân nào gây ung thư bàng quang?
Giống như các loại ung thư khác, ung thư bàng quang xảy ra khi các tế bào bàng quang có sự biến đổi trong DNA khiến chúng phân chia và phát triển mất kiểm soát. Mặc dù khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra điều này nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang gồm có:
- Từ 55 tuổi trở lên
- Là nam giới
- Có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh ung thư bàng quang
- Bị nhiễm trùng bàng quang hoặc sỏi thận nhiều lần
- Hút thuốc lá
- Đặt ống thông tiểu trong thời gian dài
- Từng xạ trị vùng chậu hoặc hóa trị
- Uống nước nhiễm asen
- Thường xuyên tiếp xúc với một số hóa chất, ví dụ như, hóa chất được dùng trong sản xuất sơn, da giày, nhựa, cao su…
Bệnh ung thư bàng quang có những triệu chứng nào?
Các triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư bàng quang gồm có:
- Nước tiểu có máu
- Đi tiểu nhiều lần
- Cảm giác đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Dòng nước tiểu yếu hoặc tiểu khó
- Đau lưng
Phòng ngừa ung thư bàng quang bằng cách nào?
Không có cách nào có thể phòng ngừa ung thư bàng quang một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng cách:
- Bỏ thuốc lá
- Giảm tiếp xúc với các hóa chất gây hại
- Uống đủ nước hàng ngày
- Đi khám và điều trị kịp thời các vấn đề về đường tiết niệu, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc sỏi thận.
Tóm tắt bài viết
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh ung thư bàng quang. Phác đồ điều trị cụ thể phụ thuộc vào các yếu tố như giai đoạn và cấp độ ung thư cũng như tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Hầu hết các ca bệnh ung thư bàng quang đều được điều trị bằng phẫu thuật, có thể kết hợp thêm các phương pháp điều trị khác như hóa trị, xạ trị và liệu pháp miễn dịch.
Bệnh càng được phát hiện sớm thì tiên lượng càng tốt. Mặc dù không thể phòng ngừa ung thư bàng quang một cách tuyệt đối nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ bằng các cách như không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với hóa chất và uống đủ nước.