Các triệu chứng điển hình của gãy xương 

Không phải trường hợp nào gãy xương cũng dễ nhận diện, đặc biệt là đối với trường hợp gãy xương kín. Tham khảo bài viết để nhận biết các triệu chứng xương bị gãy, từ đó có hướng xử trí đúng, kịp thời, làm giảm tối đa các di chứng nặng nề về sau. 

Bạn đang đọc: Các triệu chứng điển hình của gãy xương 

1. Thế nào là gãy xương kín, gãy xương hở?

Gãy xương phải không chỉ là gãy hoàn toàn mà xương bị nứt cũng được gọi là gãy. Có nhiều cách để phân loại, nếu dựa theo đặc điểm thương tổn ở tổ chức phần mềm thì có 2 loại là: gãy kín và gãy hở.

Gãy xương kín: Gãy không kèm theo vết thương ở tổ chức phần mềm làm thông ổ gãy với môi trường bên ngoài.

Gãy xương hở: Gãy thông qua môi trường bên ngoài qua vết thương ở tổ chức phần mềm.

Gãy xương kín thường khó nhận biết các triệu chứng hơn gãy xương hở.

2. Triệu chứng điển hình của gãy xương

Đau, giảm hoặc mất chức năng chi bị gãy, sưng nề và/hoặc bầm tím, biến dạng trục chi, cử động bất thường, lạo xạo xương gãy (tiếng cọ xát hai đầu gãy) là những triệu chứng điển hình khi bị gãy xương. Trong đó, 3 triệu chứng giúp khẳng định chắc chắn đó là: biến dạng trục chi, cử động bất thường, lạo xạo xương gãy.

Các triệu chứng được mô tả chi tiết như sau:

2.1 Đau

Người bệnh cảm thấy đau nhiều tại vùng xương bị tổn thương, giảm đau nhanh nếu như vùng tổn thương được cố định và bất động. Đây cũng là triệu chứng khiến người bệnh cảm thấy khó chịu nhất và hay than phiền nhiều nhất với bác sĩ. Mức độ đau còn phụ thuộc vào độ rách của màng xương, tổn thương phần mềm, mạch máu, thần kinh,…

Các triệu chứng điển hình của gãy xương 

Người bệnh bị gãy xương sẽ cảm thấy đau đớn tại vùng bị tổn thương, trong trường hợp chấn thương nghiêm trọng người bệnh thậm chí có thể shock và tử vong vì quá đau.

2.2 Giảm hoặc mất chức năng chi bị gãy

Chi bị gãy không thể cử động hoặc rất khó khăn khi cử động (cử động nhẹ cũng gây đau đớn). Cơn đau thường xuất hiện ngay lập tức sau chấn thương và đau tăng lên khi người bệnh cố gắng di chuyển hoặc khi chạm vào vùng bị tổn thương.

2.3 Sưng nề, bầm tím

Tổn thương phần mềm tại khu vực chi bị gãy có thể gây sưng nề, bầm tím, chảy máu. Trong đó, sưng nề là triệu chứng rất thường gặp trong gãy xương.

2.4 Biến dạng trục chi

Tại vị trí xương bị gãy có sự di lệch xương gây biến dạng, lệch trục, ngắn chi. Đây cũng là điểm khác biệt so với những tổn thương khác như căng cơ nhẹ, bong gân thường không có triệu chứng biến dạng chi.

2.5 Cử động bất thường khi bị gãy xương

Vì xương bị gãy gây biến dạng chi nên người bệnh có những cử động bất thường ở vùng bị tổn thương. Tuyệt đối không được cố tìm phần xương gãy hay tác động mạnh (thô bạo) vì dễ làm bệnh nhân bị sốc do đau.

2.6 Phát ra tiếng lạo xạo

Đây là tiếng động được phát ra do hai đầu xương gãy cọ xát vào nhau. Người bệnh sẽ rất đau nên khi di chuyển hạn chế tối đa không đụng chạm vào vị trí tổn thương của người bệnh.

Tìm hiểu thêm: Giúp bạn lựa chọn phòng khám sức khỏe sinh sản phù hợp

Các triệu chứng điển hình của gãy xương 

Gãy xương không chỉ gây đau đớn mà còn làm giảm chức năng của vùng bị tổn thương, sưng nề, bầm tím, …

3. Sơ cứu ban đầu khi nghi ngờ xương gãy

Xương bị gãy phần lớn là do tai nạn bất ngờ trong khi người bệnh đang làm việc, sinh hoạt hoặc tham gia giao thông. Nếu bạn nghi ngờ, trong khi chờ đợi sự trợ giúp từ cơ sở y tế bạn có thể áp dụng 3 biện pháp sau để sơ cứu giúp người bệnh đỡ đau hơn:

Bất động vùng bị gãy: di chuyển người bệnh ra vị trí an toàn, dùng nẹp hoặc vật cứng để cố định xương ở vị trí nghi ngờ gãy và bất động (tránh di chuyển).

Nếu có vết thương hở, hãy dùng băng gạc sạch quấn lên vị trí bị tổn thương để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.

Chườm lạnh: Dùng túi chườm đá hoặc khăn lạnh chườm lên vị trí vết thương để giảm sưng và đau cho người bệnh.

Liên hệ cơ sở y tế gần nhất vận chuyển người bệnh đến để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

4. Chẩn đoán và điều trị gãy xương

4.1 Chẩn đoán

Trên lâm sàng bằng kinh nghiệm ngoại khoa các bác sĩ không khó để nhận ra một người có bị gãy xương hay không. Nhưng cần chắc chắn hơn xương gãy dưới hình thức nào, mức độ nào, tổn thương có phức tạp không cần thăm khám cận lâm sàng (chụp chiếu) để khẳng định chắc chắn.

Cận lâm sàng: chụp X quang, cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc cộng hưởng từ (MRI) để xác định vị trí và mức độ gãy. Chụp cộng hưởng từ còn giúp xác định tổn thương phần mềm và dây chằng, đây được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán hình ảnh hiện nay cho bệnh lý chấn thương.

4.2 Điều trị gãy xương

Cần kết hợp điều trị toàn thân, điều trị tại chỗ (xương gãy) và phục hồi chức năng sau điều trị.

Điều trị toàn thân: Trước tiên cần chống shock cho người bệnh bằng cách: giảm đau, truyền bù dịch và máu, nẹp cố định, theo dõi và điều trị thuyên tắc phổi, viêm đường tiểu, viêm phổi nếu có.

Điều trị tại chỗ: Cân nhắc điều trị bảo tồn nếu có thể hoặc phải can thiệp điều trị phẫu thuật khi cần thiết (khi điều trị bảo tồn thất bại hoặc với những trường hợp bắt buộc phải phẫu thuật như gãy  hở, gãy do bệnh lý, gãy kèm theo tổn thương mạch máu, thần kinh,…)

Phục hồi chức năng sau điều trị: giúp phục hồi chức năng cho chi gãy, tránh các biến chứng do nằm lâu bất động gây ra.

Các triệu chứng điển hình của gãy xương 

>>>>>Xem thêm: Địa chỉ phòng khám nội soi uy tín tại quận Cầu Giấy

Gãy xương cần phải được thăm khám sớm và điều trị kịp thời để phục hồi sức khỏe, vận động cho người bệnh và tránh nguy cơ tàn tật về sau.

5. Biến chứng của xương gãy

Nếu người bệnh không được xử trí kịp thời và đúng, có thể dẫn tới một số biến chứng như sau:

Biến chứng sớm: shock do đau đớn, mất máu; thuyên tắc phổi; hội chứng chèn ép khoang gây tổn thương mạch máu và thần kinh.

Biến chứng muộn: loét điểm tì, viêm phổi, viêm đường tiết niệu, teo cơ, cứng khớp, loãng xương do bất động lâu, không tập luyện,…

6. Những sai lầm hay gặp phải khi điều trị gãy xương

Tự ý bó lá, bó bột, nắn chỉnh xương khi chưa có sự chẩn đoán và hướng dẫn của bác sĩ có thể làm cho tình trạng xương gãy trở nên nghiêm trọng hơn, tổn thương thêm các cơ quan khác như dây chằng, mô, mạch máu và có thể khiến cấu trúc xương bị sai lệch làm ảnh hưởng đến chức năng vận động sau này.

Chườm nóng khiến người bệnh đau đớn và sưng tấy hơn, lâu hồi phục hơn.

Lạm dụng thuốc giảm đau làm ảnh hưởng tới cơ quan khác như gan, thận,…

Không vận động hoặc vận động không đúng cách khiến quá trình hồi phục diễn ra lâu hơn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *