Các vấn đề về da ở người nhiễm HIV

Sự suy giảm chức năng miễn dịch do HIV làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về da.

Các vấn đề về da ở người nhiễm HIV
Các vấn đề về da ở người nhiễm HIV

HIV ảnh hưởng thế nào đến da?

HIV là một loại virus tấn công và làm suy yếu hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch có vai trò bảo vệ cho mọi bộ phận, bao gồm cả làn da – cơ quan lớn nhất trên cơ thể. Vì thế, khi chức năng của hệ miễn dịch bị tổn hại do nhiễm HIV thì sẽ dẫn đến các vấn đề về da. Các vấn đề này cũng có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc kháng virus điều trị HIV (thuốc ARV).

Mỗi một người sẽ gặp phải các vấn đề khác nhau và có thể bị nhiều vấn đề cùng một lúc.

Mức độ nghiêm trọng của các vấn đề này ở từng người cũng không giống nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và phác đồ điều trị được sử dụng.

Khi nhận thấy bất cứ biểu hiện nào bất thường trên da thì cần đi khám bác sĩ ngay để có biện pháp khắc phục và điều chỉnh phác đồ điều trị HIV nếu cần thiết.

Ung thư

Nhiễm HIV làm tăng nguy cơ bị ung thư Kaposi (sarcoma Kaposi) – một dạng ung thư da. Bệnh này có biểu hiện là hình thành các vùng tổn thương da sẫm màu dọc theo các mạch máu và hạch bạch huyết, có thể có màu đỏ, nâu hoặc tím.

Khi xâm nhập vào cơ thể, HIV sẽ tấn công và tiêu diệt các tế bào T-CD4 – các tế bào bạch cầu có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch.

Ung thư Kaposi thường xảy ra ở giai đoạn cuối của HIV hay AIDS, khi số lượng tế bào T-CD4 đã giảm xuống mức rất thấp và hệ miễn dịch bị suy yếu trầm trọng.

Phát hiện và điều trị sớm HIV sẽ giúp ngăn ngừa bệnh ung thư này. Khi xảy ra thì ung thư Kaposi được điều trị bằng các phương pháp như liệu pháp kháng retrovirus hoạt tính cao (HAART), xạ trị, phẫu thuật, áp lạnh, hóa trị liệu và liệu pháp miễn dịch.

Mụn rộp

HIV gây suy giảm hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục khác, trong đó có mụn rộp hay herpes – một bệnh do virus herpes simplex (HSV) gây ra và có biểu hiện là nổi mụn nước và vết loét trên miệng hoặc bộ phận sinh dục. Các triệu chứng bệnh bùng phát theo từng đợt. Trong một số trường hợp, mụn nước còn hình thành ở mắt. Giống như HIV, hiện cũng chưa có cách nào để chữa khỏi bệnh mụn rộp nhưng các loại thuốc kháng virus sẽ giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, giúp vết loét nhanh lành hơn và giảm tần suất các đợt bùng phát. Có thể chỉ cần dùng thuốc mỗi khi bắt đầu có triệu chứng hoặc phải dùng thuốc hàng ngày, tùy từng tường hợp.

Bạch sản dạng lông ở miệng

Bạch sản dạng lông ở miệng là một bệnh nhiễm trùng ở miệng do virus Epstein-Barr (EBV) gây ra với triệu chứng là xuất hiện các mảng màu trắng, không đau, chủ yếu dọc theo hai bên lưỡi nhưng đôi khi còn có ở bề mặt lưỡi và những vùng khác trong khoang miệng.

EBV gây ra vấn đề này khi hệ miễn dịch bị suy yếu. Đó là lý do tại sao bạch sản dạng lông ở miệng lại xảy ra phổ biến ở người bị HIV.

Hiện chưa có phương pháp nào để điều trị trực tiếp các vùng tổn thương do bạch sản dạng lông ở miệng. Tuy nhiên, điều trị HIV bằng thuốc ARV sẽ giúp cải thiện vấn đề.

U mềm lây

U mềm lây là một vấn đề về da do virus molluscum contagiosum gây ra, có biểu hiện là mọc các nốt nhỏ có màu da hoặc màu hồng sẫm trên bề mặt da. Những người nhiễm HIV/AIDS có thể bị 100 nốt như vậy cùng một lúc hoặc thậm chí nhiều hơn. Phương pháp phổ biến để xử lý u mềm lây là bằng liệu pháp áp lạnh với nitơ lỏng, thường phải điều trị nhiều lần để loại bỏ hoàn toàn. Những nốt trên da thường không đau nhưng rất dễ lây lan. Tuy nhiên, vì virus molluscum contagiosum chỉ tồn tại ở bề mặt da nên một khi các nốt biến mất thì virus cũng sẽ không còn lây sang người khác nữa.

Bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến là một vấn đề về da do hệ miễn dịch bị rối loạn, khiến các tế bào da phát triển quá nhanh. Bình thường, các tế bào da trải qua chu kỳ hình thành rồi được đẩy dần lên bề mặt và bong ra sau khoảng 28 ngày. Sau đó các tế bào da cũ được thay thế bằng các tế bào da mới và chu kỳ cứ thế lặp lại. Nhưng khi bị vảy nến, tế bào da mới hình thành chỉ sau 3 – 4 ngày và kết quả là các tế bào da chết tích tụ lại, tạo thành các lớp vảy màu trắng bạc, thô cứng trên da. Những vảy da này có thể xuất hiện ở bất kỳ khu vực nào của cơ thể và có thể chuyển sang màu đỏ, viêm nếu như không điều trị.

Các phương pháp điều trị vảy nến thông thường, chẳng hạn như bôi thuốc mỡ steroid thường không có hiệu quả ở những người bị hiễm HIV. Trong những trường hợp này thì sẽ cần đến những phương pháp khác như kem bôi retinoid và điều trị bằng ánh sáng (tia cực tím).

Viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã đôi khi bị nhầm với bệnh vảy nến nhưng đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Vấn đề về da này có dấu hiệu đặc trưng là các mảng da khô bong tróc ở những vùng thường hay tiết nhiều dầu như hai bên cánh mũi, chân mày, mang tai hay da đầu. Khi bị kích ứng, trầy xước và viêm nhiễm, những mảng da bong tróc sẽ trở thành vết thương hở và chảy máu.

Viêm da tiết bã được điều trị bằng hydrocortisone nhưng đôi khi sẽ cần dùng thêm thuốc kháng sinh nếu như có vết thương hở để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Ghẻ

Ghẻ là vấn đề do một loài côn trùng sống ký sinh có tên là Sarcoptes scabiei (cái ghẻ) gây ra với triệu chứng là các nốt mụn nước ngứa ngáy dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm cùng các đường gờ mảnh nổi trên da do cái ghẻ đào đường hầm tạo nên.

Mặc dù bệnh ghẻ có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng những người bị nhiễm HIV có nguy cơ cao hơn.

Ghẻ rất dễ lây lan sang người khác qua cả tiếp xúc trực tiếp và tiếp xúc với những vật dụng mà người bị ghẻ đã sử dụng. Do đó, đây là bệnh ngoài da xảy ra rất phổ biến ở những nơi có đông người cùng sinh sống như trường nội trú, ký túc xá hay doanh trại quân đội. Cái ghẻ cũng sinh sôi, phát triển nhanh chóng và lan từ bộ phận này sang bộ phận khác trên cơ thể. Bệnh ghẻ cần điều trị bằng thuốc trị ghẻ.

Nấm miệng

Nấm miệng hay tưa miệng là một bệnh nhiễm trùng do nấm candida gây ra. Đây là một loại nấm vẫn thường tồn tại trên cơ thể nhưng sự phát triển của chúng được kiểm soát bởi lợi khuẩn nên không gây ra vấn đề. Khi có một nguyên nhân nào đó gây mất cân bằng giữa vi khuẩn và nấm, ví dụ như dùng thuốc kháng sinh thì nấm candida sẽ sinh sôi mất kiểm soát và gây tình trạng nhiễm trùng nấm men. Tình trạng này có thể xảy ra ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể như âm đạo, dương vật hay miệng. Người bị nấm miệng có các mảng màu trắng ở bề mặt bên khoang miệng, gồm có cả trên mặt lưỡi. Những mảng này trông giống như triệu chứng bệnh bạch sản dạng lông ở miệng nhưng dày hơn và do nấm gây ra chứ không phải do virus.

Nước súc miệng và thuốc trị nấm đường uống là hai phương pháp chính để điều trị nấm miệng. Ở những người nhiễm HIV thì vấn đề này thường tái đi tái lại nhiều lần. Nếu dùng thuốc ARV điều trị HIV đều đặn thì sẽ ngăn ngừa được vấn đề.

Mụn cóc

Mụn cóc là do HPV (virus u nhú ở người) gây ra. Đây là một loại virus rất phổ biến mà hầu như ai cũng từng bị nhiễm phải trong đời nhưng đa phần thì hệ miễn dịch sẽ tiêu diệt và loại bỏ virus ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch bị suy yếu do HIV thì virus này sẽ rất dễ gây mụn cóc. Mụn cóc thường có màu da và bề mặt sần sùi trông giống như cây súp lơ, mọc đơn lẻ hoặc thành cụm ở bất cứ đâu trên cơ thể. Khi bị cọ xát liên tục, chúng sẽ bị chảy máu, đặc biệt là khi mụn cóc hình thành ở các nếp da hoặc bên trong miệng.

Nếu mụn cóc bị xước thì sẽ trở thành vết thương hở và dễ bị nhiễm trùng. Mụn cóc có thể được loại bỏ bằng nhiều cách khác nhau như dùng axit salicylic, áp lạnh, đốt bằng laser, phẫu thuật… nhưng dù mụn cóc có biến mất thì virus vẫn còn trong cơ thể và sẽ lại gây hình thành mụn cóc bất cứ lúc nào. Những người nhiễm HIV có nguy cơ tái phát cao hơn người bình thường.

Tóm tắt bài viết

Sự suy giảm chức năng miễn dịch do HIV làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về da.

Khi có những thay đổi bất thường trên da thì nên đi khám bác sĩ để được tư vấn điều trị. Việc tuân thủ điều trị HIV bằng thuốc ARV sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra các vấn đề về da cũng như là nhiều biến chứng sức khỏe khác để người bệnh có thể sống khỏe mạnh hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *