Chẩn đoán và điều trị ung thư cổ tử cung là những việc người bệnh nên làm càng sớm càng tốt khi nghi ngờ bất cứ dấu hiệu mắc bệnh nào. Bởi tỷ lệ chữa khỏi sẽ càng cao nếu ung thư cổ tử cung được phát hiện càng sớm. Cùng đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu chi tiết về vấn đề này.
Bạn đang đọc: Cách chẩn đoán và điều trị ung thư cổ tử cung
1. Chẩn đoán ung thư cổ tử cung bằng những cách nào?
Ở giai đoạn sớm, ung thư cổ tử cung rất khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý phụ khoa khác. Vì vậy, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán ung thư cổ tử cung sẽ giúp bác sĩ xác định chính xác tình trạng ung thư, từ đó có cơ sở xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh.
Các phương pháp chẩn đoán ung thư cổ tử cung phổ biến nhất hiện nay có thể kể đến như:
1.1. Thăm khám lâm sàng
Đây là bước đầu tiên, có vai trò quan trọng và cần được thực hiện với mọi trường hợp khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ ung thư cổ tử cung. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám âm đạo, thăm khám hố chậu và thăm khám bằng mỏ vịt. Cụ thể lần lượt như sau:
– Thăm khám âm đạo: giúp đánh giá được các tổn thương xuất hiện trên thân tử cung và các phần phụ, hoặc các vùng bị xâm lấn nếu có (như trực tràng và bàng quang).
– Thăm khám trực tràng: là chẩn đoán bổ sung, cần thiết để xác định mức độ thâm nhiễm của khối u vào các dây chằng.
1.2. Xét nghiệm Pap smear
Xét nghiệm Pap smear giúp bác sĩ phát hiện ra những tổn thương ở giai đoạn tiền ung thư. Đây cũng là phương pháp được sử dụng để sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
– Kết quả test Pap smear cho kết quả bình thường thì chưa mắc ung thư cổ tử cung.
– Kết quả test Pap smear bất thường thì cổ tử cung có thể bị viêm hoặc ung thư. Lúc này người bệnh sẽ được soi hoặc làm sinh thiết để chẩn đoán mô bệnh học.
Test Pap smear được khuyến khích thực hiện định kỳ 2 năm/lần với đối tượng phụ nữ đã và đang quan hệ tình dục, cho đến năm 70 tuổi.
Xét nghiệm Pap smear là một trong những phương pháp chẩn đoán ung thư cổ tử cung phổ biến nhất hiện nay
1.3. Xét nghiệm HPV DNA
Xét nghiệm HPV DNA được hiểu là quá trình tách chiết DNA trên hệ thống máy tách chiết tự động, phân tích và xác định chuẩn xác sự hiện diện của virus HPV nhờ sử dụng công nghệ giải trình mới.
Phương pháp xét nghiệm này không thể khẳng định 100% phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung hay không. Tuy nhiên từ kết quả phân tích, bác sĩ có thể kết luận virus HPV liệu có đang tồn tại trong cơ thể, nhờ đó đánh giá được nguy cơ mắc bệnh và có các biện pháp chủ động phòng ngừa hiệu quả.
1.4. Xét nghiệm Thinprep
Là dạng cải tiến của phương pháp test Pap smear. Với phương pháp này, các tế bào cổ tử cung không cần phết vào một lam kính làm tiêu bản mà sẽ được rửa sạch trong một chất lỏng định hình rồi đưa đi xử lý trong phòng thí nghiệm bằng máy Thinprep.
1.5. Một số phương pháp khác để chẩn đoán ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung còn có thể được chẩn đoán bằng các cách dưới đây:
– Nội soi bàng quang: quan sát các tổn thương và bất thường ở niêm mạc bàng quang.
– Nội soi trực tràng: xác định những xâm lấn vào âm đạo và vách ngăn trực tràng – âm đạo.
– Soi cổ tử cung: quan sát các tổn thương viêm và xác định tiền ung thư hay ung thư.
Ngoài ra bác sĩ cũng có thể chỉ định một số chẩn đoán hình ảnh như X quang, CT, MRI và PET/CT nếu cần thiết.
Tìm hiểu thêm: Điểm danh những hiểu lầm về ung thư gan
Ung thư cổ tử cung cũng có thể được phát hiện thông qua chẩn đoán hình ảnh
2. Điều trị ung thư cổ tử cung theo từng giai đoạn
Khi phát hiện ung thư cổ tử cung, người bệnh sẽ được xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với từng giai đoạn cũng như khả năng đáp ứng của cơ thể. Mỗi giai đoạn sẽ tương ứng với các phương pháp điều trị khác nhau, cụ thể như sau:
2.1. Giai đoạn tiền ung thư
Ở giai đoạn tiền ung thư, các tế bào bất thường bắt đầu xuất hiện trong lớp lót của cổ tử cung, chưa ăn sâu vào mô chính hay lan sang các bộ phận khác. Vì vậy, bác sĩ có thể sử dụng các cách điều trị tại chỗ như phẫu thuật khoét chóp tế bào ung thư, sử dụng tia laser,…
2.2. Giai đoạn 1
Bước sang giai đoạn 1, khối u đã xâm lấn vào mô chính của cổ tử cung. Lúc này, tùy thuộc tình trạng xâm lấn cũng như mong muốn tiếp tục sinh con của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tử cung.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể được điều trị kết hợp xạ trị hay hóa trị để loại bỏ triệt để phần tế bào ung thư nếu còn sót sau phẫu thuật.
2.3. Giai đoạn 2A
Trong giai đoạn 2A, khối u đã lan đến phần trên của âm đạo. Với trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp phẫu thuật với xạ trị và hóa trị.
Đầu tiên, người bệnh sẽ được phẫu thuật cắt bỏ tử cung, cổ tử cung và buồng trứng để hạn chế nguy cơ ung thư di căn xa. Sau đó, người bệnh sẽ được điều trị bổ trợ bằng xạ trị kết hợp với hóa trị nhằm tiêu diệt hết các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.
Trong trường hợp người bệnh không đáp ứng đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật thì có thể lựa chọn chỉ điều trị bằng hóa trị và xạ trị.
2.4. Giai đoạn 2B và giai đoạn 3
Ung thư giai đoạn 2B và 3 có đặc điểm là tế bào ung thư đã xâm lấn các mô và cơ xung quanh cổ tử cung. Do đó, phương pháp điều trị tối ưu nhất là kết hợp hóa trị với xạ trị.
>>>>>Xem thêm: Thông tắc tia sữa sau sinh như thế nào hiệu quả?
Hóa trị và xạ trị thường được kết hợp sử dụng khi điều trị ung thư giai đoạn muộn
2.5. Giai đoạn 4 (giai đoạn cuối)
Ở giai đoạn cuối, tế bào ung thư cổ tử cung đã lan ra ngoài vùng chậu, xâm lấn các cơ quan xung quanh hoặc có thể di căn đến những cơ quan xa như gan, phổi,… Đây là giai đoạn mà việc điều trị diễn ra khó khăn và tốn kém nhất, thường ưu tiên sử dụng các thuốc đặc trị để giảm bớt triệu chứng và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Qua những thông tin mà chúng tôi đã cung cấp ở trên, chắc hẳn bạn có thể thấy được tầm quan trọng của việc chẩn đoán và điều trị ung thư cổ tử cung sớm nhất có thể. Khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, đừng ngần ngại mà hãy đến bệnh viện khám ngay bạn nhé!