Các phương pháp chữa ung thư phổi không tế bào nhỏ khác nhau có thể được khuyến nghị sử dụng cho từng giai đoạn khác nhau và mong muốn của mỗi người bệnh. Các bác sĩ cũng sẽ phân tích, thảo luận dựa trên nhiều tiêu chí để xây dựng phác đồ điều trị chuyên biệt hóa hay một kế hoạch điều trị tổng thể cho bệnh nhân bằng cách kết hợp các phương pháp điều trị.
Bạn đang đọc: Cách chữa ung thư phổi không tế bào nhỏ theo giai đoạn
1. Ung thư phổi không tế bào nhỏ và hướng điều trị theo giai đoạn bệnh
1.1 Ung thư phổi không tế bào nhỏ là gì?
Ung thư phổi không tế bào nhỏ có tên tiếng anh là Non-small cell lung cancer (NSCLC) là một dạng ung thư phổi chiếm tỷ lệ bệnh nhân mắc phổ biến nhất. Đối với dạng tế bào này, người bệnh trải qua 4 giai đoạn ung thư tiến triển, khác với ung thư phổi tế bào nhỏ – Loại ung thư có tốc độ tiến triển, di căn nhanh.
1.2 Phương hướng điều trị cho 4 giai đoạn ung thư phổi NSCLC
– Giai đoạn 1 và 2: Thường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật để loại bỏ ung thư và các hạch bạch huyết lân cận. Nếu phẫu thuật không phải là một lựa chọn phù hợp với người bệnh thì bạn có thể được tiến hành xạ trị. Đôi khi hóa trị có thể được triển khai sau phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư phổi quay trở lại.
– Giai đoạn 3: Có thể được điều trị bằng phẫu thuật và hóa trị hoặc xạ trị và hóa trị liệu. Thuốc điều trị miễn dịch cũng có thể được sử dụng trong giai đoạn này. Trong một số trường hợp liệu pháp nhắm mục tiêu có thể được sử dụng để làm chậm sự phân chia và phát triển rộng của ung thư. Phác đồ điều trị phù hợp sẽ phụ thuộc vào vị trí của ung thư phổi, số lượng và vị trí của các hạch bạch huyết bị ung thư.
– Giai đoạn 4: Tùy thuộc vào các triệu chứng ung thư giai đoạn di căn gây ra, điều trị bằng thuốc giảm nhẹ (liệu pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch hoặc hóa trị), xạ trị giảm nhẹ có thể được sử dụng và kết hợp.
Điều trị ung thư phổi ở mỗi giai đoạn khác nhau sẽ có phương hướng điều trị cụ thể khác nhau
2. Chi tiết các phương pháp điều trị ung thư phổi NSCLC
2.1 Phẫu thuật chữa bệnh ung thư phổi
Những người bị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn đầu thường sẽ được phẫu thuật để loại bỏ khối u. Bao nhiêu phần phổi bị cắt bỏ tùy thuộc vào vị trí của ung thư, kích thước của nó, tình trạng sức khỏe và thể chất chung của bạn, cũng như chức năng phổi của bạn.
Các loại hình phẫu thuật trong điều trị ung thư phổi có thể là:
– Cắt bỏ thùy phổi
– Cắt bỏ toàn bộ một lá phổi
– Cắt bỏ một phần của thùy phổi
– Cắt bỏ một phần nhỏ của phổi hình nêm hay phẫu thuật hình nêm
Trong quá trình phẫu thuật, các hạch bạch huyết lân cận cũng sẽ được loại bỏ để xem liệu ung thư phổi có lan rộng hay không. Nếu xác định ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết sẽ giúp các bác sĩ quyết định xem bạn có cần điều trị bổ sung bằng hóa trị hay xạ trị hay không.
Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân ung thư phổi thường được chẩn đoán ở giai đoạn sau khi nó đã gây ra các triệu chứng và lan tràn mạnh mẽ, vì vậy hầu hết những người bị ung thư phổi sẽ không phẫu thuật.
Tìm hiểu thêm: Ung thư dạ dày ở độ tuổi nào phổ biến nhất?
Hình ảnh minh họa các hình thức phẫu thuật ung thư phổi
2.2 Xạ trị
Xạ trị là một phương pháp được ứng dụng trong điều trị ung thư phổi, sử dụng tia bức xạ nhắm vào các tế bào ung thư để tiêu diệt hoặc không để chúng phát triển, nhân lên và lan rộng thêm. Xạ trị có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với phẫu thuật hoặc hóa trị liệu để chữa ung thư phổi NSCLC.
Xạ trị có thể được khuyến nghị sử dụng trong chữa ung thư phổi NSCLC như sau:
– Để điều trị ung thư phổi giai đoạn đầu nếu người bệnh không thể điều trị bằng phẫu thuật.
– Để điều trị NSCLC giai đoạn tiến triển cục bộ.
– Để thực hiện sau phẫu thuật nếu các xét nghiệm cho thấy ung thư có ở các hạch huyết của trung thất.
– Là phương pháp điều trị giảm nhẹ triệu chứng để cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn.
2.3 Hóa trị sử dụng trong chữa bệnh ung thư phổi
Là một phương pháp điều trị ung thư bằng thuốc tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của chúng. Hóa trị được sử dụng vào những thời điểm khác nhau ở người bệnh ung thư phổi NSCLC đó là:
– Trước phẫu thuật để cố gắng thu nhỏ khối u và giúp cho ca phẫu thuật dễ dàng hơn (hóa trị tân bổ trợ).
– Trước hoặc trong khi xạ trị để tăng hiệu quả của xạ trị.
– Sau phẫu thuật để giảm nguy cơ tái phát ung thư/ tế bào ác tính quay trở lại (hóa trị bổ trợ).
– Khi ung thư phát triển của giai đoạn tiến triển để làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống (hóa trị giảm nhẹ).
2.4 Liệu pháp nhắm mục tiêu
Là một loại điều trị bằng thuốc tấn công các tính năng cụ thể của tế bào ung thư được gọi là mục tiêu phân tử để ngăn chặn ung thư tái phát và lan rộng. Các mục tiêu phân tử được tìm thấy trong hoặc trên bề mặt tế bào ung thư (có thể là gen hoặc protein).
Liệu pháp nhắm mục tiêu thường có thể được dùng thông qua đường uống dưới dạng viên nén hoặc viên nang. Những loại thuốc này có thể có hiệu quả cao, nhưng chúng sẽ chỉ có tác dụng nếu ung thư chứa gen hoặc protein cụ thể.
>>>>>Xem thêm: Ung thư phổi di căn là gì?
Liệu pháp nhắm mục tiêu ngày càng được nghiên cứu và phát triển ra nhiều loại thuốc hơn nữa
2.5 Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch sử dụng khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể để chống lại ung thư bằng cách cải thiện khả năng tấn công các tế bào ung thư của hệ thống miễn dịch.
Những bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch cho NSCLC có thể nhận được 1 loại thuốc, kết hợp các loại thuốc trị liệu miễn dịch hoặc có thể kết hợp với hóa trị. Khi NSCLC ở giai đoạn tiến triển không thể được điều trị bằng liệu pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch hoặc liệu pháp miễn dịch cộng với hóa trị thường là phương pháp điều trị ban đầu được ưu tiên.
Trên đây là những phương pháp điều trị và cách chữa ung thư phổi không tế bào nhỏ theo từng giai đoạn bệnh. Để hiểu thêm chi tiết về các phương pháp này ứng dụng cụ thể vào tình trạng bệnh của bạn như thế nào, hãy tham vấn
trực tiếp từ bác sĩ điều trị của bạn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.