Cách chữa viêm kết mạc ở trẻ 2 tuổi đơn giản

Viêm kết mạc ở trẻ 2 tuổi khá phổ biến vì đây là căn bệnh có nguyên nhân chính do vi khuẩn, virus gây ra và những đối tượng trẻ đề kháng yếu, miễn dịch kém có nguy cơ mắc cao nhất. Vậy chữa viêm kết mạc ở trẻ như thế nào, cần lưu ý gì?

1. Những tác nhân gây viêm kết mạc cho trẻ

Viêm kết mạc là căn bệnh liên quan đến mắt phổ biến và thường gặp hiện nay, hay còn được gọi với cái tên dân dã hơn là đau mắt đỏ. Ai trong chúng ta cũng có thể mắc viêm kết mạc, đặc biệt là những đối tượng miễn dịch kém, đề kháng yếu, có tiền sử dị ứng với nhiều yếu tố, vệ sinh mắt sai cách…

Trong đó, trẻ nhỏ chính là đối tượng có nguy cơ cao bị viêm kết mạc tấn công, gây bệnh bởi trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ trong giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” từ 6 – 36 tháng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm kết mạc ngoài gây khó chịu cho bé còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lâu dài đến thị lực sau này.

Cách chữa viêm kết mạc ở trẻ 2 tuổi đơn giản

Viêm kết mạc ở trẻ 2 tuổi có nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn, virus gây ra

Nguyên nhân của viêm kết mạc gây ra cho trẻ 2 tuổi nói riêng và nguyên nhân viêm kết mạc cho trẻ nói chung có thể kể đến:

– Do vi khuẩn: một số loại vi khuẩn như khuẩn lậu cầu, khuẩn não mô cầu, khuẩn Chlamydia trachomatis hoặc khuẩn tụ cầu vàng… có thể gây ra bệnh viêm kết mạc ở trẻ với biểu hiện là chảy nhiều nước mắt, ghèn mắt, ghèn mắt có mủ xanh, vàng, đỏ, đau sưng mí mắt, đỏ mắt, có những trường hợp còn nổi hạch.

– Do virus: Virus là nguyên nhân chính khi chiếm tới hơn 80% các trường hợp viêm kết mạc nói chung. Dù có nhiều loại virus nhưng trong đó, virus Enterovirus, virus Herpes zoster, virus Herpes simplex, virus sởi, quai bị, cúm, rubella… là thường gặp nhất và biểu hiện của viêm kết mạc do virus là chảy nhiều nước mắt. nhiều ghèn mắt, sáng ngủ dậy khó mở mắt…

– Do dị ứng: Nếu trẻ có tiền sử dị ứng với những tác nhân như lông chó mèo, khói bụi, thức ăn… thì cũng có nguy cơ bị viêm kết mạc cao hơn trẻ bình thường, dấu hiệu của viêm kết mạc do dị ứng sẽ khác với nguyên nhân vi khuẩn, virus ở chỗ nó sẽ xuất hiện ở 2 bên mắt cùng lúc cùng với các biểu hiện toàn thân như khó thở, tím tái, mẩn ngứa…

Bên cạnh đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm kết mạc ở trẻ như thường xuyên tiếp xúc ô nhiễm, khói bụi, đề kháng kém, trẻ sinh non…

Nắm được nguyên nhân trẻ bị viêm kết mạc là cơ sở để cha mẹ có thể nhận biết và đưa trẻ đến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác cũng như khám chữa kịp thời, phòng ngừa biến chứng.

2. Trẻ 2 tuổi viêm kết mạc có sao không?

2.1 Viêm kết mạc ở trẻ 2 tuổi có nguy hiểm không?

Viêm kết mạc được đánh giá là khá lành tính và thường không gây nguy hiểm nếu được khám chữa đúng cách, kịp thời.

Cách chữa viêm kết mạc ở trẻ 2 tuổi đơn giản

Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, viêm kết mạc sẽ không gây nguy hiểm cho trẻ

Muốn vậy, cha mẹ cần phát hiện sớm nhất những dấu hiệu của viêm kết mạc, dù nguyên nhân bệnh khác nhau và biểu hiện cũng khác nhau nhưng nhìn chung, trẻ bị viêm kết mạc đều sẽ:

– Chảy nhiều nước mắt và mắt có nhiều ghèn hơn bình thường

– Có cảm giác cộm vướng trong mắt như có dị vật nên trẻ sẽ lấy tay dụi mắt để dễ chịu hơn.

– Mắt trẻ sưng đỏ, đặc biệt là phần mí mắt

Cha mẹ không nên chủ quan hoặc tự ý áp dụng cách mẹo dân gian để ứng phó với tình trạng viêm kết mạc ở trẻ mà điều đầu tiên cần làm chính là đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh hoặc bác sĩ nhãn khoa để được điều trị sớm nhất, giảm khó chịu cũng như tránh ảnh hưởng thị lực của trẻ sau này.

2.2 Biến chứng của viêm kết mạc ở trẻ 2 tuổi

Như vừa chia sẻ, viêm kết mạc ở trẻ có thể sẽ nguy hiểm và gây biến chứng cho trẻ nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Cách chữa viêm kết mạc ở trẻ 2 tuổi đơn giản

Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để phòng ngừa biến chứng của viêm kết mạc cho trẻ

Theo đó, những biến chứng cần chú ý của viêm kết mạc ở trẻ là:

– Loét giác mạc: với biểu hiện mắt bị đỏ, phù nề, nhạy cảm với ánh sáng.

– Viêm nội nhãn (nhiễm trùng phần sau nhãn cầu).

– Teo nhãn cầu

– Suy giảm thị lực, tầm nhìn hạn chế, mờ mắt, đau rát mắt

Tuy nhiên, nếu được khám chữa đúng cách và kịp thời, những biến chứng trên sẽ không xảy ra nên cha mẹ cũng đừng quá bi quan khi thấy trẻ bị viêm kết mạc. Theo dõi phần tiếp theo để biết cách chữa viêm kết mạc đúng, tránh biến chứng nhé!

3. Cách chữa viêm kết mạc ở trẻ đơn giản, hiệu quả

Khi đưa trẻ đến bác sĩ nhãn khoa, các bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân và tình trạng viêm kết mạc của trẻ từ đó đề xuất phương pháp điều trị phù hợp.

Cụ thể, nếu tình trạng nhẹ hoặc nguyên nhân do dị ứng làm ảnh hưởng đến mắt gây viêm kết mạc, bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ sử dụng nước mắt nhân tạo hoặc thuốc nhỏ mắt kháng dị ứng để giảm triệu chứng, đẩy nhanh tốc độ khỏi bệnh.

Nếu nguyên nhân do virus, vi khuẩn, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định sử dụng nhỏ mắt chứa thành phần kháng sinh để diệt khuẩn, kháng viêm, phòng ngừa nhiễm trùng… kết hợp với vệ sinh mắt cho trẻ đúng cách tại nhà để tăng hiệu quả điều trị.

Cách chữa viêm kết mạc ở trẻ 2 tuổi đơn giản

Cha mẹ hãy chủ động vệ sinh mắt cho trẻ đúng cách để phòng ngừa viêm kết mạc

Cha mẹ có thể thực hiện những cách dưới đây để tăng hiệu quả điều trị viêm kết mạc cho trẻ:

– Vệ sinh mắt cho trẻ tại nhà bằng khăn/gạc sạch và nước muối sinh lý nồng độ 0.9% dưới sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý không tái sử dụng khăn/gạc sau khi rửa mắt cho trẻ.

– Chườm ấm hoặc mát cho trẻ bằng cách sử dụng khăn ngâm nước ấm/mát sau đó chườm lên mắt cho trẻ. Lưu ý, không chườm quá 10 phút và không sử dụng nước nóng/lạnh để chườm cho trẻ.

– Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người, nhiều mầm bệnh hoặc vi khuẩn, nếu cần ra ngoài hãy đeo kính để bảo vệ mắt cho trẻ.

– Tăng đề kháng nói chung và tăng đề kháng mắt cho trẻ bằng cách bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, giàu vitamin C, kẽm, vitamin A…

– Không sử dụng chung vật dụng cá nhân với người khác, kể các các thành viên trong gia đình.

– Không sử dụng cách mẹo dân gian như đắp lá hay tự ý dùng thuốc… khi trẻ bị viêm kết mạc.

– Đưa trẻ đến tái khám sau thời gian điều trị cũng như cho trẻ khám mắt định kỳ ít nhất 2 lần/năm.

Đặc biệt, khi thấy có vấn đề gì liên quan đến mắt cha mẹ cần đưa trẻ ngay đến gặp bác sĩ, không tự ý chẩn đoán và dùng thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ để đảm bảo quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *