Hội chứng ống cổ tay còn được biết đến với tên gọi khác là hội chứng đường hầm cổ tay. Đây là tình trạng xuất hiện khá phổ biến, và có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào. Ở thời gian đầu người bệnh thường thấy đau, tê và ngứa ở vùng gan bàn tay, ngón tay. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và cả công việc của người bệnh. Tuy nhiên, số đông mọi người lại khá chủ quan trong việc thăm khám và điều trị. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm và những cách điều trị hội chứng ống cổ tay.
Bạn đang đọc: Cách điều trị hội chứng ống cổ tay giúp đạt hiệu quả cao
1. Tìm hiểu cụ thể về hội chứng ống cổ tay
Theo giải phẫu học, ống cổ tay là phần khoang rỗng được bao quanh từ mạc giữ gân gấp, xương và cả dây chằng. Chạy dọc theo ống cổ tay là dây thần kinh giữa. Dây thần kinh này có chức năng điều khiển cảm nhận và vận động các cơ ở bàn tay.
Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi dây thần kinh giữa bị chèn ép ở trong phần ống. Biểu hiện sẽ là các cơn đau nhức, tê ran và ngứa ở các ngón tay bao gồm ngón trỏ, ngón giữa và áp út. Ngoài ra cơn đau có thể lan rộng đến vai và kèm theo các cơn co, chuột rút.
2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý
Đa phần, các trường hợp mắc hội chứng này đều không được xác định rõ nguyên nhân. Tình trạng trên chính là hệ quả của nhiều yếu tố dẫn đến chèn ép dây thần kinh giữa như:
– Phải làm việc thường xuyên với các dụng cụ gây rung, lắc hay các tư thế phải gập, ngửa cổ tay. Lâu dần theo thời gian sẽ gây dồn áp lực lên dây thần kinh giữa, nhất là các công việc phải làm trong môi trường có nhiệt độ thấp.
– Những trường hợp đã bị chấn thương ở cổ tay như: trật khớp, gãy xương.
– Người bị viêm khớp dạng thấp, hay các bệnh lý có yếu tố gây ra viêm và có ảnh hưởng đến lớp niêm mạc ở xung quanh gân cổ tay.
– Di truyền từ thành viên trong gia đình đã mắc phải.
– Phụ nữ trong giai đoạn mang thai, lúc này thể tích trong ống cổ tay bị tăng lên (xuất hiệu chủ yếu vào giữa hay cuối thai kỳ).
– Nguyên nhân từ các bệnh lý như: suy giáp, béo phì, hay tiểu đường.
– Một số các nguyên do khác như: mãn kinh, rối loạn tuyến giáp, suy thận, cũng có khả năng dẫn đến hội chứng ống cổ tay.
Phụ nữ đang mang bầu có nguy cơ cao mắc hội chứng này
3. Đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng
Từ những nguyên nhân trên, chúng ta có thể khoanh vùng được các đối tượng có nguy cơ cao mắc phải hội chứng này như:
– Công nhân làm việc trong các dây chuyền lắp ráp.
– Tài xế lái xe đường dài, taxi.
– Nhân viên văn phòng và thường xuyên phải đánh máy.
– Thợ làm các công việc đòi hỏi linh hoạt tay như: cắt tóc, làm bánh,…
– Những nhạc công thường xuyên phải vận động phần cổ tay.
4. Điều trị đối với hội chứng ống cổ tay
Đối với bệnh lý này, phương pháp điều trị sẽ còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ bệnh của bệnh nhân. Các cách điều trị phổ biến được áp dụng hiện nay như:
4.1. Áp dụng nẹp giữ ống cổ tay
Sử dụng nẹp giữ sẽ giúp phần cổ tay được cố định ở tư thế thẳng hay trung tính. Điều này sẽ giúp giảm các áp lực lên các dây thần kinh trong ống cổ tay. Đối với phương pháp này bạn có thể áp dụng ngay cả khi đi ngủ, vừa khiến cổ tay không bị gập lại có thể cải thiện tình trạng tê và đau tay do hội chứng gây ra.
Tìm hiểu thêm: Tê chân tay nên và không nên ăn gì?
Nẹp giúp cố định phần cổ tay
4.2. Cách điều trị hội chứng ống cổ tay bằng thuốc hoặc phẫu thuật
Việc sử dụng thuốc đa phần được chỉ định trong giai đoạn đầu của hội chứng. Lúc này bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giúp giảm đau ống cổ tay trong thời gian ngắn như: paracetamol hay ibupfen. Đối với việc dùng thuốc thì cần tuyệt đối tuân thủ theo các chỉ định mà bác sĩ đưa ra. Đặc biệt người bệnh không được phép tự ý đi mua thuốc hay sử dụng thuốc khi chưa được tư vấn từ bác sĩ.
Trong trường hợp tình hình bệnh lý nặng hơn, bác sĩ có thể đưa ra quyết định phẫu thuật. Phẫu thuật nhằm cắt bỏ dây chằng ngang của ống cổ tay để giải phóng các lực chèn ép lên các dây thần kinh. Tuy nhiên phương pháp này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và cần được chuẩn đoán kĩ lưỡng từ chuyên gia.
4.3. Cách điều trị hội chứng ống cổ tay bằng vật lý trị liệu
Các bài tập, vật lý trị liệu như: yoga, châm cứu,… sẽ giúp hỗ trợ giảm các cơn đau. Ngoài ra, các bài tập còn giúp tăng sức ở các cơ trong bàn tay. Từ đó giúp cho khả năng vận động ở phần bàn tay, cánh tay được vận động linh hoạt hơn.
Tùy theo tình trạng ống cổ tay và sức khỏe của mỗi người mà sẽ cần áp dụng các phương pháp trị liệu riêng biệt. Vì vậy để phương pháp được áp dụng đạt hiệu quả tốt nhất thì người bệnh nên tập trung thực hiện theo đúng các chỉ dẫn của bác sĩ và chuyên gia.
>>>>>Xem thêm: Các bước sơ cứu khi trật khớp cổ
Điều trị hội chứng ống cổ tay thông qua các bài tập yoga
5. Phòng ngừa đối với hội chứng ống cổ tay
Vận động và nghỉ ngơi cân bằng sẽ giúp giảm thiểu các áp lực và căng thẳng lên cổ tay. Đây cũng chính là một trong những cách phòng ngừa hội chứng này. Ngoài ra còn có một số phương pháp nữa bạn có thể cân nhắc như:
– Cần chuẩn bị cho bản thân trong công việc (nhất là với nhân viên văn phòng): chuột và bàn phím máy tính phù hợp. Cách này giúp cho bàn tay được thoải mái và hạn chế căng cơ trong thời gian dài làm việc.
– Cân bằng để bàn tay, cổ tay được nghỉ ngơi, giải lao thường xuyên. Xoa bóp và co duỗi cổ tay nhẹ nhàng từ 10 – 30 giây sau khoảng 20 – 30 phút làm việc. Điều này thực sự quan trọng khi bạn đang phải sử dụng một lực cổ tay tương đối lớn hay khéo léo ở trong công việc một thời gian dài.
– Ngồi làm việc với tư thế đúng và thoải mái. Khi ngồi không đúng tư thế kéo dài có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở trên cổ. Phần dây thần kinh cổ các tác động gián tiếp tới dây thần kinh ở cổ tay.
Những thông tin trên sẽ giúp bạn phần nào hiểu rõ hơn về bệnh lý ống cổ tay và các phương pháp điều trị đang được áp dụng phổ biến hiện nay. Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào bất thường như: đau nhức, tê rát, phần cổ và bàn tay, bạn nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.