Đo điện tâm đồ là một phương pháp thăm dò chức năng thường quy trong thăm khám sức khỏe, được áp dụng tại hầu hết các cơ sở y tế hiện nay. Đặc biệt, phương pháp này có ý nghĩa trong việc phát hiện và tầm soát các bệnh lý tim mạch. Vậy cách đo điện tâm đồ như thế nào là đúng và cần lưu ý những điều gì trước, trong và sau khi đo?
Bạn đang đọc: Cách đo điện tâm đồ đúng và những lưu ý
1. Đo điện tâm đồ: Công dụng, đối tượng cần đo
1.1 Điện tâm đồ là gì?
Điện tâm đồ hay điện tim (ECG) là phương pháp thăm dò chức năng nhằm đo hoạt động điện của tim, ghi lại các biến đổi của dòng điện dẫn truyền trong tim dưới dạng biểu đồ. Phương pháp này được sử dụng rộng rãi trong y học, có thể áp dụng cho mọi đối tượng để chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý, đặc biệt là một số bệnh về tim.
1.2 Tác dụng và ưu điểm
Đo điện tim là một kỹ thuật đơn giản, không xâm lấn, không gây đau đớn hay tổn hại cho sức khỏe, giá thành tương đối thấp nhưng giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán được nhiều bất thường của tim như:
– Các rối loạn nhịp tim
– Tình trạng nhồi máu cơ tim
– Thiếu máu cơ tim cục bộ
– Suy tim
– Rối loạn điện giải trong máu
– Dày thành cơ tim
– Tràn dịch màng ngoài tim
– Tâm phế mạn
Đô điện tâm đồ là phương pháp thường quy giúp phát hiện nhiều vấn đề tim mạch.
1.3 Đối tượng cần đo điện tâm đồ
Bất cứ ai cũng có thể thực hiện đo điện tim để kiểm tra sức khỏe nói chung. Những người trẻ và không có bất kỳ dấu hiệu bệnh tim nào vẫn có thể thực hiện phương pháp này vì không xâm lấn, an toàn cho sức khỏe.
Thực tế, nhiều bệnh lý tim mạch bộc lộ ít triệu chứng hoặc triệu chứng không đặc hiệu khiến đa số người bệnh khó nhận ra được. Đo điện tim là cách đơn giản để phát hiện các bệnh lý tim mạch sớm.
Những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch nên thực hiện đo điện tim định kỳ, gồm:
– Người trên 55 tuổi
– Người bị mắc các bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường
– Người thừa cân béo phì
– Người hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên
– Người uống rượu nhiều
– Người có người thân mắc bệnh tim mạch sớm
– Người từng nhập viện cấp cứu
Người bệnh cũng thường được chỉ định đo điện tâm đồ khi có triệu chứng bệnh tim mạch như: đau ngực, hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, mệt mỏi nghiêm trọng, chóng mặt, ngất xỉu,…
Người chuẩn bị phẫu thuật, đang mắc bệnh tim mạch, sau khi điều trị nhồi máu cơ tim, viêm nội tâm mạc hoặc sau khi thực hiện các phẫu thuật tim mạch cũng cần đo điện tim thường xuyên để theo dõi và đánh giá.
2. Quy trình kỹ thuật và cách đo điện tâm đồ đúng
Để đo điện tâm đồ, cần chuẩn bị: máy đo điện tim, các điện cực và dây, dây nguồn, gel bôi điện cực, khăn giấy, bông tẩm cồn, máy đo huyết áp. Các bước đo điện tâm đồ như sau:
2.1 Bước 1: Chuẩn bị máy móc và tâm lý cho bệnh nhân – Rất quan trọng trong cách đo điện tâm đồ
– Đưa bệnh nhân vào phòng đã có sẵn máy đo điện tim, đặt máy ở nơi bằng phẳng, vững chắc, kiểm tra nguồn điện trước khi đo
– Giải thích cho bệnh nhân biết về quá trình đo điện tâm đồ
– Ổn định tâm lý, động viên bệnh nhân yên tâm và hợp tác trong quá trình đo
– Nhắc bệnh nhân lấy những vật có thể gây nhiễu sóng như kim loại, điện thoại ra khỏi cơ thể, kiểm tra xung quanh để chắc rằng không có vật dụng hay máy móc nào gây nhiễu sóng
– Cho bệnh nhân nằm thẳng, thoải mái trên giường, hai bàn tay ngửa, hai chân không chạm nhau. Nếu bệnh nhân là trẻ em, có biểu hiện giãy giụa nhiều thì phải cho uống thuốc an thần để trẻ ngủ yên.
– Kiểm tra lại các thông số cần thiết trước khi đo như huyết áp, cân nặng, chiều cao.
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân gây đau tim ở vùng tim do thiếu máu cơ tim
Đo điện tâm đồ tại cơ sở y tế uy tín để có kết quả chính xác.
2.2 Bước 2: Gắn các điện cực lên da
– Để lộ hết phần ngực bệnh nhân.
– Dùng bông tầm cồn lau sạch mặt điện cực và bề mặt da ở những vị trí tiếp xúc với điện cực.
– Bôi một lớp gel lên da, lưu ý không bôi quá rộng vì có thể gây nhiễu điện cực.
– Sau đó gắn các điện cực lên da, chọn chỗ thịt mềm, không nên đặt đặt điện cực lên xương.
– Các điện cực gắn ở 12 chuyển đạo thông dụng gồm 6 chuyển đạo ngoại biên và 6 chuyển đạo trước tim theo quy định.
Các chuyển đạo ngoại biên (ở các chi)
Mặt điện cực áp vào mặt trước ở vị trí 1/3 dưới cẳng tay và mặt trong 1/3 dưới cẳng chân. Các vị trí này có thể cao hơn nếu vướng còng, bột bó cố định xương, người bệnh bị cụt chi…
– Ba chuyển đạo song cực chi
Chuyển đạo cực DI (cổ tay phải và cổ tay trái)
Chuyển đạo cực DII (cổ tay phải và cổ chân trái)
Chuyển đạo cực DIII (cổ tay trái và cổ chân trái)
– Ba chuyển đạo đơn cực chi
Chuyển đạo cực aVR (cổ tay phải)
Chuyển đạo cực aVL (cổ tay trái)
Chuyển đạo cực aVF (cổ chân trái)
Điểm trung tâm Wilson được hình thành bằng cách kết nối một điện trở từ đầu chuyển đạo chi tới điểm trung tâm. Điểm này không phải là độc lập mà là kết nối các điện cực RA, LA, và LL.
Điểm này đại diện cho trung bình của điện thế các chi và được tính như sau: WCT = 1/3 (RA + LA + LL).
Các chuyển đạo trước tim
V1: Ở vị trí liên sườn 4, cạnh bên phải xương ức.
V2: Vị trí liên sườn 4, cạnh bên trái xương ức.
V3: Nằm ở điểm giữa khoảng cách V2 và V4
V4: Nằm ở giao điểm của đường trung đòn trái với liên sườn 5.
V5: Vị trí giao điểm của đường nách trước trái với đường ngang đi qua V4
V6: Vị trí giao điểm của đường nách giữa trái với đường ngang đi qua V4
Một số chuyển đạo trước tim khác có thể đặt điện cực gồm:
V7: Nằm ở liên sườn 5 trên đường nách sau
V8: Nằm giữa đường xương vai
V9: Nằm ở cạnh đường liên gai sống trái
V3R, V4R, V5R, V6R: Đối xứng từng cặp với V3, V4, V5, V6 qua xương ức
E: mũi ức
>>>>>Xem thêm: Điều trị thấp tim và cách phòng ngừa tái phát cần biết
Kết quả điện tâm đồ.
2.3 Bước 3: Tiến hành đo – Cách đo điện tâm đồ đúng
– Kiểm tra lại máy trước khi đo, đảm bảo máy đặt chắc chắn, hoạt động ổn định, không nhiễu sóng.
– Trấn an bệnh nhân, dặn bệnh nhân nằm yên, ít cử động và không nói chuyện trong thời gian đo điện tim.
– Nhấn nút điều khiển cho máy chạy, liên tục quan sát hoạt động của máy trong quá trình đo, theo dõi đường đẳng điện, điều chỉnh kịp thời để tránh hình ảnh sóng bị cắt cụt.
– Khi có sự cố xảy ra trong quá trình đó, phải ngưng đo ngay.
– Nếu thấy nhịp tim, cần đo thêm DII hoặc V1.
Máy tự động đo theo chương trình cài đặt trước và sẽ tự động dừng sau khi đo xong.
2.4 Bước 4: Kết thúc
– Tháo các điện cực, lau sạch mặt các điện cực và da của bệnh nhân bằng bông cồn.
– Cho bệnh nhân mặc lại áo, nằm tư thế thoải mái, hoặc cho về.
– Thu dọn dụng cụ.
– Ghi hồ sơ.
Hi vọng những thông tin đã giúp bạn hiểu về cách đo điện tâm đồ và những lưu ý cơ bản. Đây là một phương pháp đơn giản, không xâm lấn và an toàn nên bạn không cần lo lắng khi thực hiện chỉ định này. Đặc biệt khi thăm khám tại cơ sở uy tín, kỹ thuật nãy sẽ được thực hiện nhanh chóng và đảm bảo hơn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.