Mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau khiến người bệnh gặp không ít trở ngại về thẩm mỹ và sinh hoạt thường ngày. Tình trạng này phổ biến và phần lớn không gây nguy hiểm cho mắt. Xử trí tình trạng mắt đỏ chỉ với 6 lưu ý đơn giản, có thể thực hiện ngay tại nhà.
Bạn đang đọc: Cách khắc phục khi mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau
1. Nguyên nhân gây ra tình trạng đỏ mắt một bên
Mắt bị đỏ một bên nhưng không đau là hiện tượng thường gặp và đa phần đều không gây nguy hiểm cho mắt. Biểu hiện rõ thấy nhất là hiện tượng các mao mạch máu nằm bên trong nhãn cầu bị giãn nở ra, khiến cho mắt hiện gân đỏ. Điều này hoàn toàn có thể nhận biết và quan sát bằng mắt thường.
Có hai nguyên nhân chính được xác định dẫn đến tình trạng này là: do tác động từ bên ngoài môi trường (khói bụi, ánh nắng, nước chứa clo ở bể bơi,…) hoặc dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc một bệnh lý nào đó về mắt. Đỏ mắt một bên nhưng không đau có nhiều mức độ khác nhau, lành tính hay nghiêm trọng còn tùy thuộc vào triệu chứng của mắt. Tùy vào tác động mạnh nhẹ mà mắt sẽ dần dần có những biểu hiện sưng, đỏ đi kèm. Trường hợp đỏ mắt một bên do các yếu tố môi trường tác động thường không gây hại nhiều tới sức khỏe. Trong khi đó, đỏ mắt do bệnh lý có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh nếu không được xử trí kịp thời.
Mắt bị đỏ 1 bên có thể do tác động từ môi trường hoặc đang mắc bệnh
1.1. Mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau là dấu hiệu của bệnh gì?
Tuy mắt bị đỏ, nhưng không có cảm giác đau khiến nhiều người chủ quan và thường bỏ qua. Chớ nên xem nhẹ vì đây có thể là triệu chứng ban đầu của một số bệnh lý mắt thường gặp.
– Dị ứng ở mắt: Do các dị nguyên từ môi trường bay vào mắt, dẫn đến đỏ mắt kèm theo các triệu chứng ngứa, cộm mắt, giảm thị lực. Lúc này, người bệnh có xu hướng dụi mắt nhiều để giảm thiểu các cơn ngứa, dẫn đến xước giác mạc. Lúc này, cách tốt nhất để giảm thiểu cơn ngứa là vệ sinh mắt sạch sẽ và hạn chế chạm, dụi mắt.
– Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc): Đây là một tình trạng nhiễm trùng phổ biến, xảy ra khi kết mạc bị vi khuẩn/virus xâm nhập dẫn đến viêm nhiễm. Ở giai đoạn khởi phát, mắt có biểu hiện đỏ một bên, nhiều ghèn nhưng không đau. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì chỉ sau khoảng 24 – 48 giờ đồng hồ sẽ bị lây sang mắt còn lại, kèm theo các triệu chứng ngứa, cộm, chảy nước mắt không kiểm soát,…
– Kích ứng khi sử dụng kính áp tròng: Vệ sinh chưa đúng cách, đeo kính áp tròng qua đêm, sử dụng dung dịch rửa kính chưa phù hợp đều có thể khiến cho mắt bị kích ứng đỏ một bên hoặc hai bên, tùy theo tình trạng mắt. Để giảm thiểu tình trạng này thì bạn cần phải tìm hiểu thật kỹ về cách sử dụng, quy trình bảo quản trước khi quyết định sử dụng kính áp tròng.
– Hội chứng khô mắt: Xảy ra khi quá trình điều tiết của mắt bị mất đi sự cân bằng giữa hoạt động tiết dịch và thoát dịch. Tình trạng này phổ biến và dễ gặp nhất ở dân văn phòng, những người thường xuyên tiếp xúc với máy tính trong thời gian dài, khiến cho mắt phải hoạt động liên tục và không được nghỉ ngơi thường xuyên.
Khô mắt có thể dẫn đến đỏ một bên mắt nhưng không đau. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ trở thành nguyên nhân khiến mắt bị giảm thị lực, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh.
– Xuất huyết dưới kết mạc: Thường gặp ở những người vừa gặp chấn thương va đập vùng xung quanh mắt. Tình trạng này cũng phổ biến ở những người bị rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu. Xuất huyết dưới kết mạc có thể tự hết sau khoảng 2 tuần mà không cần can thiệp y tế, chỉ cần vệ sinh mắt hàng ngày.
Tìm hiểu thêm: Giải đáp: Viêm giác mạc nguy hiểm không?
Thói quen dụi mắt có thể khiến tình trạng tổn thương mắt trở nên nặng hơn
1.2. Mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau có lây không?
Điều này còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây đỏ mắt, nằm trong nội dung đã được liệt kê phía trên. Phần lớn tình trạng mắt bị đỏ một bên đều không có khả năng lây lan sang mắt thứ hai. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài mà không được chăm sóc, vệ sinh cẩn thận thì có thể dẫn đến tình trạng đỏ cả hai mắt.
Trường hợp mắt bị đỏ một bên, sau đó lây sang mắt còn lại thường gặp nhất ở bệnh nhân bị đau mắt đỏ. Bệnh có khả năng lây lan cao giữa người bệnh với những người tiếp xúc xung quanh, do sự tấn công của vi khuẩn và virus. Nếu nghi ngờ bị đau mắt đỏ, bạn nên chủ động tách biệt việc vệ sinh giữa hai mắt và hạn chế tiếp xúc cự li gần với người xung quanh mà không có biện pháp bảo vệ.
2. Hướng dẫn cách xử trí khi mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau
Ngay khi phát hiện mắt bị đỏ bất thường nhưng không có dấu hiệu đau thì việc cần làm đầu tiên là để cho mắt nghỉ ngơi. Tiếp đó, áp dụng một số lưu ý sau để cải thiện tình trạng mắt đỏ.
– Ngưng dụi mắt vì thói quen này có thể khiến tình trạng tổn thương trở nên trầm trọng hơn.
– Vệ sinh mắt sạch sẽ bằng khăn sạch, rửa mắt với nước sạch hoặc nước rửa mắt chuyên dụng. Việc này có thể giúp loại bỏ bớt vi khuẩn, virus đang xâm nhập vào mắt, đồng thời giúp cho mắt trở nên dễ chịu hơn.
– Chườm ấm cho mắt. Bằng việc sử dụng một chiếc gạc hoặc khăn mặt sạch nhúng vào nước ấm, sau đó vắt khô và chườm lên mắt khoảng 10 phút. Nhiệt độ cao có thể làm lưu thông máu, tăng sản xuất chất nhờn giúp mắt điều tiết dễ dàng, nhưng cần lưu ý duy trì nhiệt độ dưới 40 độ vì vùng da quanh mắt khá mỏng.
– Chườm lạnh cho mắt. Cách làm tương tự chườm ấm, nhưng thay bằng nước lạnh hoặc đá viên. Cách làm này có thể giảm thiểu cảm giác ngứa ngáy, sưng rát đi kèm với đỏ mắt.
– Ngưng sử dụng kính áp tròng ngay khi mắt có hiện tượng gân đỏ, dù với bất kỳ lý do nào. Việc đeo kính áp tròng trong khi mắt đang bị tổn thương có thể gây kích thích, làm gia tăng tình trạng nhiễm trùng.
– Điều chỉnh chế độ ăn uống. Uống đủ nước mỗi ngày và bổ sung rau củ quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất trong bữa ăn hàng ngày. Cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi các tổn thương ở mắt.
>>>>>Xem thêm: GIẢI ĐÁP: Đục thủy tinh thể có chữa được không?
Thăm khám với trang thiết bị y tế hiện đại giúp tìm ra nguyên nhân chính xác, từ đó có hướng xử trí kịp thời
Có thể thấy, đỏ mắt một bên phần lớn đều lành tính, nhưng không ngoại trừ nguy cơ biến chứng nếu không được vệ sinh đúng cách. Việc vệ sinh và để cho mắt nghỉ ngơi là rất cần thiết trong khoảng thời gian này. Nếu nhận thấy tình trạng đỏ mắt ngày càng nặng hơn, đi kèm với các triệu chứng bất thường khác thì hãy nhờ tới tư vấn của bác sĩ. Thông qua thăm khám, bác sĩ chuyên khoa mắt có thể chỉ ra chính xác nguyên nhân gây đỏ mắt, đồng thời có phương pháp xử trí phù hợp, trước khi tình trạng bệnh trở nặng. Đừng ngại ngần liên hệ ngay với Chuyên khoa Mắt của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI nếu bạn vẫn còn bất kỳ băn khoăn nào cần giải đáp!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.