Cách phát hiện đột quỵ và sơ cứu đúng cách

Việc phát hiện đột quỵ sớm giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Vậy cách phát hiện đột quỵ là gì và sơ cứu sao cho đúng cách?

Bạn đang đọc: Cách phát hiện đột quỵ và sơ cứu đúng cách

1. Vai trò của việc phát hiện đột quỵ sớm

Đột quỵ là căn bệnh cấp tính có khả năng gây tử vong cho bệnh nhân chỉ trong thời gian ngắn. “Giờ vàng” để cứu sống bệnh nhân đột quỵ là khoảng 3 – 4,5 giờ đầu kể từ khi đột quỵ xảy ra. Nếu để quá “thời gian vàng”, khả năng tử vong của người bệnh là rất cao. Thống kê cho thấy có tới 50% người bệnh đột quỵ tử vong trong tổng số ca mắc.

Bên cạnh đó các biến chứng mà người bệnh gặp phải sau đột quỵ thường nghiêm trọng ngay cả khi được cứu sống.

Việc phát hiện đột quỵ sớm có vai trò rất lớn trong việc tăng khả năng cứu sống bệnh nhân và giảm nguy cơ biến chứng do đột quỵ bởi khi đó não chưa tổn thương nghiêm trọng và việc cấp cứu cũng trở nên kịp thời, hiệu quả hơn.

Có 2 loại đột quỵ thường gặp là đột quỵ thiếu máu não (nhồi máu não) và đột quỵ chảy máu não (xuất huyết não). Đột quỵ thiếu máu não chiếm khoảng 80 –  85% các trường hợp, do các mảng xơ vữa cục máu đông hoặc co thắt mạch máu gây ra. Còn lại là đột quỵ chảy máu não, thường do tăng huyết áp, dị dạng mạch máu,…

Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua – tình trạng dòng máu cung cấp cho não bộ bị giảm tạm thời. Thiếu máu não thoáng qua thường chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, thường là vài phút và không vượt quá 24 giờ.

Cách phát hiện đột quỵ và sơ cứu đúng cách

Phát hiện đột quỵ sớm giúp gia tăng khả năng sống sót và hạn chế biến chứng do bệnh gây ra.

2. Tìm hiểu các cách phát hiện đột quỵ nhanh chóng, hiệu quả

Để phát hiện đột quỵ sớm, mỗi người cần nắm được các triệu chứng khi đột quỵ xảy ra và các dấu hiệu cảnh báo.

2.1 Cách phát hiện đột quỵ với quy tắc F.A.S.T

F.A.S.T là một quy tắc được sử dụng rộng rãi để nhận diện đột quỵ. Quy tắc này gồm các yếu tố cảnh báo đột quỵ như sau:

– F (viết tắt của Face – khuôn mặt): Gương mặt mất cân đối khi cười, nhe răng hay nói chuyện là một trong những dấu hiệu quan trọng của người bị đột quỵ. Người bệnh có thể bị tê liệt mặt một bên, méo miệng, lệch nhân trung. Các biểu hiện này thường rõ rệt hơn khi cười. Vì vậy nếu muốn kiểm tra, hãy yêu cầu bệnh nhân cười.

– A (viết tắt của Arm – Tay): Khi bị đột quỵ, nếu phần não điều khiển chức năng vận động của cơ thể bị ảnh hưởng, người bệnh có thể bị yếu, liệt tay, chân. Khi được yêu cầu giơ cao tay qua đầu, bệnh nhân không thể giơ đều 2 tay, nếu giơ lên được thì nhanh chóng hạ xuống. Thậm chí, người bệnh có thể không giơ được một bên tay lên.

– S (viết tắt của Speech – Lời nói): Tình trạng gián đoạn cung cấp máu ở vùng não điều khiển ngôn ngữ có thể khiến bệnh nhân đột quỵ không kiểm soát được hoạt động nói của mình. Bệnh nhân có các biểu hiện nói lắp, nói không rõ ràng, lời nói khó hiểu, thậm chí không nói được khi được yêu cầu nhắc lại một cụm từ khóa đơn giản.

– T (viết tắt của Time – Thời gian): Nhấn mạnh đến yếu tố thời gian. Trong cấp cứu đột quỵ, thời gian được tính tới từng giây từng phút. Nếu thấy các dấu hiệu đột quỵ, bạn cần gọi cấp cứu ngay để được xử trí kịp thời.

2.2 Cách phát hiện đột quỵ qua một số dấu hiệu khác

Một số triệu chứng khác có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ quan trọng mà chúng ta không nên bỏ qua:

– Mệt mỏi cực độ, cảm thấy không còn sức lực

– Đột nhiên mất thăng bằng, chóng mặt, hoa mắt

– Khó phối hợp các hoạt động

– Giảm thị lực giảm, mắt mờ, không thể nhìn rõ

– Đau đầu mức độ dữ dội, có thể kèm theo buồn nôn hoặc nôn

– Nấc cụt

Người bệnh bị thiếu máu thoáng qua có những triệu chứng của đột quỵ nhưng chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn rồi biến mất. Các dấu hiệu này cảnh báo nguy cơ đột quỵ xảy ra trong tương lai gần mà người bệnh cần lưu ý.

Tìm hiểu thêm: Hỏi đáp về bệnh rối loạn thần kinh tim

Cách phát hiện đột quỵ và sơ cứu đúng cách

Một trong những cách phát hiện đột quỵ thường dùng nhất là quan sát các triệu chứng của người bệnh.

3. Cách xử trí khi gặp bệnh nhân bị đột quỵ

Đột quỵ là trường hợp cấp tính cần phải được xử trí nhanh chóng. Ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh này, người bệnh hoặc những người xung quanh cần gọi cấp cứu ngay. Trong thời gian chờ cấp cứu đến, cần thực hiện sơ cứu theo các bước:

– Ghi lại thông tin, triệu chứng, tình trạng của bệnh nhân kể từ lúc xảy ra đột quỵ, cung cấp cho nhân viên y tế

– Nếu bệnh nhân tỉnh táo, hãy để bệnh nhân nằm thoải mái ở nơi bằng phẳng, nới lỏng quần áo, cố gắng nói chuyện với bệnh nhân

– Nếu bệnh nhân bị nôn, hãy cho bệnh nhân nằm nghiêng về 1 bên, móc sạch đờm dãi trong miệng để tránh gây ngạt đường thở

– Nếu bệnh nhân không tỉnh táo hoặc gặp tình trạng co giât, hãy đặt vào miệng bệnh nhân 1 chiếc đũa quấn vải xung quanh, tránh cắn vào lưỡi.

– Nếu bệnh nhân ngừng thở, cần hô hấp nhân tạo ngay

Khi được đưa tới cơ sở y tế, người bệnh sẽ được thăm khám và tiến hành các biện pháp cấp cứu. Các chẩn đoán và điều trị dựa vào tình hình thực tế của bệnh nhân.

4. Phòng tránh đột quỵ như thế nào?

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ bao gồm:

– Các yếu tố không thay đổi được như: Tuổi tác, giới tính, tiền sử gia đình, dân tộc…

– Các yếu tố thay đổi được: Tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, bệnh lý tim mạch (rung nhĩ, bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, suy tim,…), bệnh về máu, thừa cân, béo phì, lười vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia…

Để ngăn đột quỵ xảy ra, cần phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ thay đổi được bằng cách thay đổi lối sống, kiểm soát bệnh tật và tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ.

Trong đó việc tầm soát các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ là việc có ý nghĩa rất quan trọng và cần được làm sớm để tìm ra các yếu tố có thể dẫn tới đột quỵ và kiểm soát chúng.

Cách phát hiện đột quỵ và sơ cứu đúng cách

>>>>>Xem thêm: Chăm sóc người bị rối loạn nuốt trong tai biến mạch máu não

Nên tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.

Trên đây là những thông tin về cách phát hiện đột quỵ và phương pháp sơ cứu, phòng tránh hiệu quả. Nếu có nhu cầu thăm khám, vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được hỗ trợ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *