Nội soi đường ruột (nội soi tiêu hóa) là một trong những phương pháp giúp người bệnh sớm phát hiện những bệnh lý, tổn thương, nhất là ung thư ở ống tiêu hóa. Vậy phương pháp nội soi này được thực hiện như thế nào? Nó gồm những phương pháp gì? Có vai trò ra sao trong chẩn đoán bệnh?
Bạn đang đọc: Cách tiến hành nội soi đường ruột và 2 phương pháp nội soi
1. Tổng quan về nội soi đường ruột
“Nội soi” là khái niệm quen thuộc trong đời sống hiện nay. Kỹ thuật chẩn đoán nội soi hiện đại giúp phát hiện sớm rất nhiều bệnh lý. Trong đó, nội soi đường ruột là một trong những kỹ thuật nội soi thường được nhắc đến nhiều nhất.
Thủ thuật này còn được biết đến với tên gọi nội soi tiêu hóa (Gastrointestinal endoscopy). Đây là tên gọi chung của các kỹ thuật nội soi các cơ quan thuộc ống tiêu hóa, bao gồm: nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng, nội soi ruột non và nội soi đại trực tràng.
Phương pháp này giúp chẩn đoán trực tiếp nhất các bệnh liên quan đến ống tiêu hóa. Đặc biệt, nội soi tiêu hóa là phương án tốt nhất để phát hiện sớm các căn bệnh nguy hiểm như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng,…
2. Nội soi đường ruột được tiến hành như thế nào?
Quá trình nội soi thường kéo dài từ 10 đến 15 phút. Thời gian thực hiện có thể thay đổi tùy thuộc vào kỹ thuật nội soi, vị trí nội soi và các thủ thuật đi kèm. Nhìn chung, phương pháp này được đánh giá là nhanh chóng trong chẩn đoán, ít gây đau đớn và đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Để tiến hành nội soi tiêu hóa, bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi có gắn camera và đèn phát ra ánh sáng. Bác sĩ sẽ đưa ống này thăm dò vị trí cần nội soi thông qua đường miệng hoặc mũi (đối với nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng), hoặc qua đường hậu môn (với nội soi đại trực tràng). Nội soi ruột non có thể đi qua đường miệng hoặc hậu môn hoặc kết hợp cả 2.
Thông qua kỹ thuật nội soi, các bác sĩ có thể phát hiện những bất thường của ống tiêu hóa. Đồng thời có thể sinh thiết chẩn đoán chính xác tổn thương, thực hiện các thủ thuật can thiệp cần thiết.
3. Những phương pháp nội soi đường ruột phổ biến
Hiện nay có 2 phương pháp nội soi tiêu hoá được ứng dụng phổ biến là nội soi thường và nội soi không đau.
3.1. Nội soi đường ruột thường
Với phương pháp này, người bệnh sẽ không được gây mê. Người bệnh có thể được gây tê cục bộ tại khu vực nội soi. Ống nội soi sẽ được đưa qua đường mũi hoặc miệng, qua hầu họng xuống thực quản đến dạ dày, hoặc từ hậu môn vào trực tràng – đại tràng. Bệnh nhân tỉnh táo trong suốt thời gian thực hiện.
Phương pháp nội soi thường có thể nói là một “cơn ác mộng” với nhiều người bệnh. Bởi một chiếc ống dài được đưa vào cơ thể qua đường mũi, miệng, hậu môn có thể gây cảm giác buồn nôn, căng tức, khó chịu, đau đớn. Chính vì trải nghiệm khó chịu như vậy nên có không ít bệnh nhân không dám tái khám hay nội soi lần 2.
Tìm hiểu thêm: Thiếu máu mạc treo có nguy hiểm không?
3.2. Nội soi đường ruột không đau
Người bệnh sẽ không hề cảm thấy đau hay khó chịu với phương pháp nội soi không đau. Bởi vì trong suốt quá trình nội soi, bệnh nhân đã được gây mê bằng đường tĩnh mạch và rơi vào trạng thái ngủ.
Tại Hệ thống Y tế Thu Cúc, thủ thuật gây mê được thực hiện bằng bơm tiêm điện tự động. Lượng thuốc mê sẽ được máy tính toán phù hợp với thể trạng từng người bệnh. Đường truyền mê được duy trì liên tục giúp người bệnh ngủ ngon trong cả quá trình thực hiện.
Thời gian gây mê ngắn, thuốc được chuyển hóa qua gan thận và đào thải qua đường tiểu nên bệnh nhân nhanh chóng tỉnh táo khi nội soi kết thúc. Đồng thời bệnh nhân không có cảm giác đau nhức hay mệt mỏi.
Có thể thấy, nội soi không đau giúp bác sĩ thuận lợi trong quan sát, chẩn đoán. Bên cạnh đó phương pháp này cũng mang đến cho người bệnh trải nghiệm êm ái, nhẹ nhàng, không hề khó chịu hay lo lắng.
4. Cần lưu ý những gì khi nội soi đường ruột?
Bệnh nhân thường phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt trước khi thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán y khoa nói chung. Nội soi tiêu hóa cũng không ngoại lệ, bệnh nhân cần lưu ý những điểm sau để kết quả sau chẩn đoán là chính xác nhất:
– Bệnh nhân nên ăn những thức ăn dễ tiêu trong 1 – 2 ngày trước nội soi đại trực tràng. Không nên ăn rau hoặc thực phẩm có ít chất xơ.
– Cần nhịn ăn ít nhất 6 tiếng và nhịn uống ít nhất 1 – 2 tiếng trước khi tiến hành nội soi đường ruột. Mục đích là để cơ thể có đủ thời gian tiêu hóa hết lượng thức ăn nạp vào. Khi nội soi, người bệnh sẽ tránh được các biến chứng như nôn, thức ăn trào ngược vào khí quản,… Đồng thời điều này đảm bảo việc chẩn đoán hình ảnh được chính xác nhất.
– Cần làm sạch đại tràng cẩn thận để đảm bảo đại tràng được sạch hoàn toàn trước khi nội soi.
– Cần thông báo với bác sĩ những loại thuốc, các chất gây dị ứng cho cơ thể. Điều này nhằm tránh biến chứng nguy hiểm do phản ứng dị ứng, quá mẫn.
– Không khạc nhổ nhiều sau nội soi dạ dày, tránh khiến vùng hầu họng bị tổn thương.
>>>>>Xem thêm: Điểm danh 3 dấu hiệu bệnh đại tràng thường gặp nhất
5. Vai trò của nội soi đường ruột trong chẩn đoán và điều trị
Nội soi tiêu hóa là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh tiêu hóa trực tiếp và hiệu quả nhất. Điều này có được là nhờ:
– Thời gian thực hiện ngắn, hình ảnh nội soi được quan sát trực tiếp với chất lượng cao. Nhờ đó bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác và nhanh chóng nhất, đồng thời đưa ra được hướng xử trí tức thời.
– Chi phí điều trị nội soi hợp lý, tương đối thấp. Ngoài ra các dịch vụ nội soi có thể được bảo hiểm y tế chi trả tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của người bệnh.
– Nội soi ống tiêu hóa còn giúp phát hiện sớm căn bệnh ung thư nguy hiểm tại ống tiêu hóa. Đặc biệt hiệu quả chẩn đoán bệnh và phát hiện ung thư từ giai đoạn khởi phát càng được nâng cao nhờ công nghệ NBI 5P hiện đại.
– Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể thực hiện những thủ thuật can thiệp (như cắt polyp, loại bỏ tổ chức tiền ung thư, cầm máu,…) một cách nhanh chóng, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Như vậy, nội soi đường ruột đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tiêu hóa. Có 2 phương pháp nội soi phổ biến là nội soi thường và nội soi không đau. Trong đó, nội soi không đau với trải nghiệm êm ái là phương pháp được đông đảo người bệnh lựa chọn.