Căn bệnh đột quỵ có khả năng gây nguy hiểm, “tàn phá” cơ thể nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong và nguy cơ biến chứng cao. Cùng tìm hiểu về bệnh đột quỵ và cách phòng ngừa bệnh qua bài viết sau.
Bạn đang đọc: Căn bệnh đột quỵ và nguy cơ “tàn phá” cơ thể
1. Thông tin tổng quan về căn bệnh đột quỵ
1.1 Đột quỵ xảy ra như thế nào?
Đột quỵ là một biến cố thần kinh nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến hệ thần kinh mà tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Bình thường các tế bào não cần đủ máu để cung cấp oxy, dinh dưỡng, tạo ra năng lượng cho não và hệ thần kinh hoạt động bình thường, đồng thời, điều khiển hoạt động của nhiều cơ quan khác.
Đột quỵ xảy khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc ngừng hẳn. Nguyên nhân có thể do các mảng xơ vữa động mạch, cục máu đông hoặc tình trạng vỡ mạch.
Có 2 loại đột quỵ chính là:
– Đột quỵ nhồi máu não: Xảy ra ở khoảng 80 – 85% các trường hợp đột quỵ, do động mạch đưa máu lên não bị tắc hẹp hoặc chặn hoàn toàn bởi cục máu đông và/hoặc mảng xơ vữa.
– Đột quỵ xuất huyết: Chiếm 15 – 20% trường hợp, do mạch máu não vỡ ra, khiến máu tràn vào nhu mô não.
Đột quỵ là căn bệnh cấp tính nguy hiểm.
1.2 Các dấu hiệu của căn bệnh đột quỵ
Các triệu chứng nhận diện bệnh đột quỵ thường gặp nhất là:
– Liệt, méo miệng, lệch một bên mặt, lệch nhân trung
– Gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ, khó nói, khó diễn đạt
– Khó vận động, khi được yêu cầu giơ tay lên cao người bệnh không làm được hoặc không giữ được lâu
– Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt
– Mất thị lực hoặc giảm thị lực một cách đột ngột
Nếu nhận thấy các dấu hiệu này, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
2. Đột quỵ não “tàn phá” cơ thể ra sao?
Đột quỵ là bệnh lý nguy hiểm với khả năng “tàn phá” cơ thể một cách nghiêm trọng. Trong đó, tử vong và gây biến chứng là những mối nguy cần được quan tâm.
2.1 Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trên thế giới
Đột quỵ não là căn bệnh cấp tính, diễn ra đột ngột. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh có thể gây tử vong ngay lập tức. Các thống kê cho thấy đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trên thế giới. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do đột quỵ lên tới 50% trong tổng số ca bệnh.
Theo các chuyên gia, thời gian “vàng” để cứu chữa cho các bệnh nhân đột quỵ là khoảng 3 – 4,5 giờ đầu sau khi đột quỵ xảy ra. Bởi nếu chỉ thiếu oxy trong vòng 4 – 5 phút, tổn thương ở não sẽ không thể hồi phục.
Có thể thấy, bệnh đột quỵ rất nguy hiểm và không thể xem thường. Đặc biệt, các triệu chứng của bệnh thường xảy ra đột ngột và nhiều người chưa có khả năng nhận diện khiến cho căn bệnh này càng trở nên nguy hiểm.
Tìm hiểu thêm: Cách chữa bệnh tim lớn cần tim hiểu đúng nguyên nhân
Đột quỵ có thể gây tử vong hoặc biến chứng liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm nhận thức,…
2.2 Đột quỵ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
Không chỉ nguy hiểm bởi tỷ lệ tử vong cao, căn bệnh đột quỵ còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh. Các biến chứng đó gồm:
– Liệt nửa người, méo miệng
– Rối loạn ngôn ngữ
– Suy giảm nhận thức
– Thay đổi tính cách
– Phù não
– Rối loạn vận động cơ thể
– Co cứng chi
– Khó nuốt
– Không tự chủ được việc tiểu tiện, đại tiện
– Nhiễm trùng đường tiết niệu
– Rối loạn thị giác
– Đau nhức cơ thể
– Viêm phổi, xẹp phổi
– Động kinh
– Trầm cảm bệnh lý
– Lở loét các điểm tì đè vì nằm liệt giường lâu
– Huyết khối tại các tĩnh mạch sâu
Những biến chứng này có thể xảy ra với nhiều cấp độ khác nhau, tùy vào mức độ tổn thương của não. Các thống kê cho thấy khoảng 80% bệnh nhân đột quỵ gặp phải các biến chứng sau đột quỵ, trong đó có tới 30% không thể phục hồi. Bởi vậy, các giải pháp phòng ngừa đột quỵ nên được quan tâm và thực hiện từ sớm.
3. Các biện pháp thiết thực phòng bệnh đột quỵ
Việc phòng ngừa căn bệnh đột quỵ cần được quan tâm sớm bằng cách phát hiện và kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Bên cạnh những yếu tố nguy cơ không thay đổi được như tuổi tác, giới tính, di truyền thì đột quỵ có thể phòng trừ bằng cách thay đổi các yếu tố nguy cơ như chế độ ăn uống, sinh hoạt, hút thuốc lá, uống rượu bia, căng thẳng, bệnh lý,…
3.1 Chế độ dinh dưỡng khoa học góp phần đẩy lùi căn bệnh đột quỵ từ “trứng nước”
Mỗi người nên áp dụng chế độ dinh dưỡng giúp phòng ngừa đột quỵ như sau:
– Ăn đủ chất, tránh ăn quá nhiều hoặc quá ít
– Tiêu thụ lượng muối vừa đủ, không quá 5mg/ngày (theo WHO).
– Ăn ít các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, tăng cường rau xanh, trái cây
– Uống nhiều nước
3.2 Duy trì các thói quen tốt
– Hạn chế rượu bia, thuốc lá
– Xen kẽ thời gian nghỉ ngơi trong hoặc sau khi làm việc để cơ thể được thư giãn
– Tăng cường vận động thể chất để có một cơ thể dẻo dai chống lại bệnh tật nói chung và các tác nhân gây đột quỵ nói riêng.
>>>>>Xem thêm: Cơn tăng huyết áp khẩn cấp nghiêm trọng đến mức độ nào?
Dinh dưỡng phù hợp giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
3.3 Kiểm soát các chỉ số cơ thể
Các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, mỡ máu, tăng huyết áp,… là yếu tố quan trọng gây ra bệnh đột quỵ. Nếu không may mắc các bệnh này, người bệnh hãy tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ, bao gồm việc uống thuốc đều đặn, chế độ dinh dưỡng và luyện tập khoa học. Đồng thời người bệnh cần thăm khám định kỳ để theo dõi và kiểm soát các chỉ số huyết áp, nhịp tim, đường máu, cholesterol máu,… ngăn bệnh tiến triển nặng hơn. Ngay cả khi chưa mắc bệnh, bạn cũng nên quan tâm đến các chỉ số này.
3.4 Kiểm soát cân nặng
Thừa cân, béo phì là một tác nhân gây đột quỵ bởi thường liên quan đến tình trạng tích tụ hoặc rối loạn chuyển hóa mỡ. Việc giảm cân sẽ giúp cải thiện nhiều chức năng trong cơ thể, giảm tích tụ mỡ, giảm nguy cơ đột quỵ. Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên thực hiện giảm cân khoa học bằng cách kết hợp chế độ ăn uống và luyện tập. Không nên giảm cân cấp tốc vì có thể gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe.
3.5 Tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ sớm
Các chuyên gia y tế khuyên mỗi người nên khám tầm soát nguy cơ đột quỵ từ sớm để kiểm tra các chỉ số liên quan đến nguy cơ đột quy, để xem mình có khả năng mắc các bệnh lý như tim mạch, tiểu đường, mỡ máu hay không.
Trên đây là những thông tin về căn bệnh đột quỵ, hi vọng đã giúp bạn có thêm kiến thức về bệnh này và có cách phòng tránh hiệu quả. Nếu có nhu cầu thăm khám, vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn và hỗ trợ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.