Cẩn trọng với đột quỵ ở người già

Đột quỵ ở người già là tình trạng ngày càng phổ biến. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người cao tuổi. Do đó việc nhận biết triệu chứng sớm để điều trị kịp thời vô cùng quan trọng.

1. Các nguyên nhân gây ra đột quỵ ở người già

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị đột quỵ ở người già, bao gồm các yếu tố bệnh lý và các yếu tố không thể thay đổi.

1.1. Các yếu tố không thể thay đổi

– Tuổi tác

Bệnh đột quỵ không phân biệt độ tuổi, ai cũng có thể mắc. Tuy nhiên, người lớn tuổi có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ. Từ sau tuổi 55, cứ mỗi 10 năm, nguy cơ bị đột quỵ tăng lên gấp đôi.

– Giới tính

Các nghiên cứu chỉ ra rằng nam giới có nguy cơ đối mặt với đột quỵ cao hơn nữ giới.

– Tiền sử gia đình

Người có người thân trong gia đình hoặc chính bản thân họ từng bị đột quỵ thoáng qua sẽ có nguy cơ cao hơn.

– Tiền sử từng bị đột quỵ

Người từng bị đột quỵ có nguy cơ tái mắc bệnh lần tiếp theo, nhất là trong vài tháng đầu tiên. Nguy cơ này kéo dài trong khoảng 5 năm, giảm dần theo thời gian.

Cẩn trọng với đột quỵ ở người già

Người già là nhóm đối tượng dễ bị đột quỵ cao

1.2. Các yếu tố bệnh lý, lối sống không khoa học

Tiểu đường

Người mắc bệnh tiểu đường đối mặt với nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.

Bệnh tim mạch

Người mắc các bệnh lý tim mạch như suy tim, rối loạn nhịp tim cũng có khả năng bị đột quỵ cao.

Cao huyết áp

Huyết áp cao gây gia tăng sức ép lên thành động mạch lâu dần khiến thành động mạch tổn thương, dẫn đến xuất huyết não. Ngoài ra, cao huyết áp còn tạo điều kiện cho cục máu đông hình thành từ đó cản trở quá trình lưu thông máu lên não.

Mỡ máu

Cholesterol cao có thể tích tụ trên thành động mạch, làm cản trở và gây tắc nghẽn mạch máu não.

Thừa cân, béo phì

Những người thừa cân béo phì dễ mắc các bệnh như cao huyết áp, mỡ máu, tim mạch. Từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ não xuất hiện.

Hút thuốc

Lưu ý người hút thuốc có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 lần. Khói thuốc làm tổn thương thành mạch máu, tác động tới quá trình xơ cứng động mạch. Thuốc lá gây hại cho phổi, khiến tim phải làm việc nhiều hơn, gây tình trạng tăng huyết áp.

Lối sống không khoa học

Ăn uống không điều độ, không cân bằng các nhóm chất, bỏ bữa, thức khuya, lười vận động đều là những yếu tố gây ra đột quỵ não.

Lạm dụng bia rượu

Đây cũng là nguyên nhân gây đột quỵ mà chúng ta cần biết để phòng tránh.

2. Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ bạn cần hiểu rõ

2.1. Dấu hiệu đột quỵ ở người già

– Tê cứng mặt, tay chân, méo miệng hoặc méo mặt (thường xảy ra một bên cơ thể)

– Thị lực suy giảm (nhìn mờ) ở một hoặc cả hai mắt

– Nhức đầu, đau đầu dữ dội.

– Gặp vấn đề trong giao tiếp: nói lắp, nói ngọng, nói các câu khó hiểu, …

– Đi đứng chậm chạp, dáng đi bất thường.

Ngay khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng trên ngay lập tức gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Cấp cứu kịp thời sẽ giảm tổn thương não, hạn chế biến chứng và nâng cao khả năng hồi phục.

2.2. Triệu chứng đột quỵ ở nữ giới

Khi bị đột quỵ não, phụ nữ có tỷ lệ tử vong cao hơn nam giới đồng thời triệu chứng cũng khác biệt. Có khoảng 60% phụ nữ tử vong do đột quỵ, tỷ lệ này ở nam giới là 40%. Các triệu chứng phụ nữ cần lưu ý là:

– Đột ngột nấc cụt

– Buồn nôn

– Toàn bộ cơ thể suy yếu

– Đau tức ngực

– Khó thở

– Đánh trống ngực

Cẩn trọng với đột quỵ ở người già

Chớ nên chủ quan khi đột ngột đau đầu – đây là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ não

3. Phân loại các nhóm đột quỵ não

Đột quỵ được chia thành các nhóm khác nhau cụ thể là:

3.1. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Quá trình thiếu máu cục bộ có liên quan đến việc đông máu. Máu đông sẽ chặn các động mạch và dòng chảy của máu lên não. Dạng đột quỵ này có thể do sự tích tụ mỡ và cholesterol trong các mạch máu. Nếu kéo dài, sự tích tụ này trở thành chấn thương với mạch máu và cơ thể từ đó hình thành cục máu đông. Trong đột quỵ thiếu máu cục bộ, được chia thành 2 nhóm nhỏ là:

– Tắc nghẽn mạch máu não

Tình trạng này bắt đầu từ cục màu đông hình thành ở một bộ phận khác trong cơ thể, đi qua máu và đến não. Từ đó cục máu đông ùn ứ và gây đột quỵ.

– Huyết khối

Cục máu đông hình thành ở mạch máu não có tên là huyết khối. Giống với tắc nghẽn mạch máu não, đột quỵ do huyết khối cũng có mối liên hệ với cục máu đông. Điểm khác nhau là cục máu đông hình thành tại chỗ.

3.2. Đột quỵ xuất huyết

Đột quỵ xuất huyết là do vỡ mạch máu trong não đột ngột. Huyết áp cao và chứng phình động mạch là những yếu tố nguy cơ gây ra dạng đột quỵ này.

4. Người cao tuổi nên làm gì để phòng tránh đột quỵ?

4.1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý là cách ngăn ngừa đột quỵ ở người già

Nguyên nhân gây ra bệnh đột quỵ thường đến từ các bệnh tim mạch, tiểu đường, mỡ máu. Do đó chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng để kiểm soát các bệnh lý đó. Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, tốt cho sức khỏe sẽ là:

– Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây tươi, củ quả.

– Ăn nhiều thịt trắng, cá, các thực phẩm giàu protein. Tránh ăn nhiều các nhóm thịt đỏ như thịt bò.

– Hạn chế ăn các món nhiều chất béo, đồ chiên rán, thức ăn nhanh, đóng hộp.

– Hạn chế ăn các món ngọt, nhiều đường.

– Uống nhiều nước lọc, nước trái cây nguyên chất, …

Cẩn trọng với đột quỵ ở người già

Rau xanh, hoa quả tươi là nhóm chất dinh dưỡng không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày

4.2. Vận động đều đặn

Tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn máu, nâng cao sức khỏe, sức bền, giúp tim khỏe mạnh. Nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày, tần suất 4 lần mỗi tuần để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như đột quỵ.

4.3. Giữ ấm cơ thể

Thời tiết lạnh là thời điểm số người bị đột quỵ tăng cao đặc biệt là người cao tuổi. Do đó cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe nhất là vào mùa đông.

4.4. Tránh xa thuốc lá và khói thuốc lá

Hút thuốc là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng mắc căn bệnh này. Không chỉ gây hại cho chính người hút, khói thuốc còn ảnh hưởng tới những người xung quanh.

4.5. Kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi có triệu chứng cảnh báo

Kiểm tra sức khỏe định kỳ phát hiện sớm các yếu tố gây đột quỵ não. Từ đó sẽ có phương pháp can thiệp giúp phòng tránh hiệu quả.

Đặc biệt những người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, mỡ máu càng phải quan tâm tới sức khỏe. Thăm khám thường xuyên để kiểm soát các chỉ số, tránh để bệnh gây hại tới sức khỏe và dẫn tới đột quỵ.

Bên cạnh đó, ngay khi cơ thể xuất hiện triệu chứng đau đầu dữ dội, liệt mặt, méo miệng cũng cần tới chuyên khoa Nội thần kinh để được thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *