Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất và đứng đầu về tỷ lệ di chứng sau điều trị. Hầu hết các cơn đột quỵ đều xảy ra nhanh chóng, đột ngột, cần có sự chẩn đoán và can thiệp y tế kịp thời. Vì vậy, việc nhận biết 5 dấu hiệu đột quỵ và cách xử trí dưới đây chính là yếu tố then chốt để gia tăng cơ hội điều trị và phục hồi cho người bệnh.
Bạn đang đọc: Cảnh báo 5 dấu hiệu đột quỵ và cách xử trí
1. Đột quỵ là gì?
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não được hiểu là một dạng tổn thương đột ngột ở não bộ, xảy ra khi dòng máu cung cấp đến não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể. Từ đó dẫn đến tình trạng các tế bào não bắt đầu chết dần trong vài phút do bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng.
Đây là căn bệnh cấp tính cực kỳ nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
Trước đây, đột quỵ là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi nhưng hiện nay đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Thống kê gần đây cho thấy, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ tăng trung bình 2% mỗi năm.
Có 2 loại đột quỵ mà người bệnh cần biết đó là:
– Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Xảy ra do tình trạng tắc nghẽn trong động mạch. Theo thống kê có khoảng 85% các ca bệnh đột quỵ thuộc nhóm này.
– Đột quỵ do xuất huyết não: Xảy ra do vỡ mạch máu não làm chảy máu vào nhu mô não, khoang dưới nhện hoặc não thất. Có khoảng 15% trường hợp bị đột quỵ là do xuất huyết não.
2. Nhận biết 5 dấu hiệu đột quỵ thường gặp
Điều khiến đột quỵ trở thành căn bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong đó là các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, khiến bệnh nhân có rất ít thời gian để đưa đi cấp cứu hoặc tìm kiếm sự chăm sóc ý tế kịp thời. Dưới đây là 5 dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ cần đặc biệt chú ý:
2.1 Mất thăng bằng là 1 trong 5 dấu hiệu đột quỵ
Người bị đột quỵ thường cảm thấy chóng mặt, nặng đầu hoặc mất thăng bằng. Khi đó, họ phải bám chặt vào một thứ gì đó hoặc ngồi xuống để cơ thể ổn định. Vấn đề về thăng bằng không chỉ là dấu hiệu ban đầu của cơn đột quỵ mà còn là hiện tượng thiếu máu cục bộ thoáng qua. Có nghĩa là triệu chứng này có thể xuất hiện 1 tuần trước khi xảy ra đột quỵ.
2.2 Các vấn đề về mắt
Hiện tượng mắt ngày càng yếu đi, suy giảm thị lực ở một hoặc cả hai bên mắt chính là một trong những dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ sắp xảy ra. Bệnh nhân có thể lầm tưởng triệu chứng này là do ánh nắng mặt trời hoặc do không uống đủ nước. Tuy nhiên, đây là lúc cần quan sát người bệnh thật kỹ càng để nhanh chóng ứng phó kịp thời.
2.3 Mặt méo xệch
Người bị đột quỵ sẽ thấy một nửa mặt (cụ thể là nửa dưới của một bên mặt) có dấu hiệu trũng xuống hoặc méo xệch. Khi nói chuyện, bên mặt này sẽ đơ cứng, không biểu cảm được, một vài người sẽ thấy như đang nhăn nhó.
2.4 Cánh tay bị yếu đi
Cánh tay bị yếu đi, cử động khó hay thậm chí tê liệt một bên cơ thể là những dấu hiệu đột quỵ không nên bỏ qua. Bệnh nhân sẽ có xu hướng đổ ngã về hướng tay bị suy yếu vì các cơ bên này đã bị tê liệt, không thể giữ được trọng lượng cơ thể.
2.5 Lời nói bất thường là 1 trong 5 dấu hiệu đột quỵ
Cơn đột quỵ xảy ra (nhất là đột quỵ ở bên não trái) sẽ có biểu hiện bất thường qua lời nói. Bệnh nhân có thể trở nên im lặng, bối rối, nói lắp, nói ngọng hoặc nói những điều không liên quan đến nhau khiến người khác khó hiểu. Ngoài ra còn có một số trường hợp bị lệch quai hàm khi xuất hiện cơn đột quỵ.
Tìm hiểu thêm: Rối loạn tiền đình thiếu máu não gây hoa mắt chóng mặt
3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ
Những nguyên nhân chủ yếu gây bệnh đột quỵ não bao gồm:
– Cục máu đông di chuyển và tắc trong động mạch lên não.
– Xơ vữa động mạch, lượng cholesterol cao sẽ tích tụ trên thành động mạch, tạo thành vật cản gây tắc nghẽn mạch máu não.
– Bệnh cao huyết áp gây áp lực lớn lên thành mạch, lâu ngày có thể khiến mạch máu bị rạn nứt, dẫn đến tình trạng vỡ mạch máu.
Bên cạnh những nguyên nhân trực tiếp, các yếu tố nguy cơ sau đây cũng chính là tiền đề hình thành bệnh đột quỵ nguy hiểm ở người bệnh:
– Người trên 55 tuổi thường có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với người trẻ.
– Nam giới có nguy cơ mắc đột quỵ cao gấp 1,25 lần so với nữ giới.
– Người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ.
– Người mắc các bệnh về tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu…
– Tình trạng béo phì, thừa cân và lười vận động.
– Hút thuốc có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ do tắc mạch máu.
– Sinh hoạt thiếu khoa học, không đúng giờ giấc, thường xuyên tắm đêm hoặc đi ngủ muộn.
4. Hướng dẫn xử trí bệnh nhân đột quỵ tại nhà
Khi nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, hãy gọi cấp cứu y tế càng sớm càng tốt. Trong thời gian chờ cấp cứu, cần thực hiện một số lưu ý sau:
– Đặt bệnh nhân nằm nghiêng cao đầu khoảng 30 – 35 độ, giúp bảo vệ đường thở cho bệnh nhân.
– Nếu bệnh nhân bị ngã thì đừng cố di chuyển mà hãy để người bệnh nằm yên.
– Cho bệnh nhân mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát hoặc nới lỏng quần áo của người bệnh.
– Trường hợp bệnh nhân bị co giật, cần dùng một chiếc đũa bọc giẻ đặt ngang miệng để tránh tình trạng cắn vào lưỡi.
– Nếu người bệnh còn tỉnh táo, hãy cố gắng trò chuyện và hỏi han tích cực.
– Tuyệt đối không cho người bệnh ăn uống hay sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Điều này có thể gây sặc hoặc nghẹt đường thở rất nguy hiểm cho bệnh nhân.
– Không tự ý áp dụng các phương pháp dân gian như bấm huyệt, châm cứu, cạo gió, lấy kim chích vào đầu ngón tay hoặc ngón chân… vì càng gây nguy hiểm hơn.
>>>>>Xem thêm: Cách xử lý khi bị đau đầu do thời tiết
Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi đối tượng và bất cứ đâu. Chính vì vậy, chúng ta cần nắm rõ 5 dấu hiệu đột quỵ cơ bản và cách xử trí kịp thời để hạn chế tối đa nguy cơ gây hại đến sức khỏe và tính mạch của người bệnh.
Đồng thời, với những đối tượng nguy cơ cao(mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, tim mạch, rung nhĩ, máu nhiễm mỡ, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, người già, người có gia đình bị đột quỵ…) nên chủ động tầm soát nguy cơ đột quỵ tại các cơ sở y tế để có hướng xử lý và phòng ngừa sớm.