Từ cuối tháng 9 đến tháng 12 hàng năm là thời điểm bệnh tay chân miệng vào mùa. Năm nay cũng không phải ngoại lệ khi các ca mắc đang tăng nhanh trong 1 – 2 tuần qua. Đây cũng là mối lo ngại hàng đầu của các chuyên gia y tế, vì năm nay có sự “tái xuất” khá phổ biến của EV71 – chủng virus tay chân miệng nguy hiểm từng gây hàng loạt ca tử vong vào năm 2011. EV71 sẽ khiến bệnh diễn tiến nhanh, nặng và phức tạp hơn.
Bạn đang đọc: Cảnh báo bệnh tay chân miệng vào mùa
Hơn 30.000 ca mắc tay chân miệng
Từ cuối tháng 9 đến tháng 12 hàng năm là thời điểm bệnh tay chân miệng vào mùa
Thống kê của Bộ Y tế từ đầu năm đến cuối tháng 8/2018, cả nước có hơn 30.000 ca bệnh tay chân miệng ghi nhận tại cả 63 tỉnh thành. Trong số đó hơn nửa bệnh nhân (16.900 ca) mắc tay chân miệng phải nhập viện.
Riêng tại TP.HCM, theo Trung tâm y tế dự phòng thành phố, từ đầu năm đến nay có 12.282 ca bệnh sốt xuất huyết, 3.195 ca tay chân miệng. Đặc biệt tay chân miệng có dấu hiệu tăng nhanh, số mắc tuần qua tăng 45% so với tuần trước đó.
Hiện nay bệnh tay chân miệng đang là mối lo hàng đầu của các chuyên gia y tế. Không những vì đây là giai đoạn cao điểm thứ 2 hàng năm của căn bệnh, mà còn vì năm nay có sự “tái xuất” khá phổ biến của EV71- chủng virus tay chân miệng nguy hiểm từng gây hàng loạt ca tử vong vào năm 2011. Những năm gần đây, chủng virus gây tay chân miệng phổ biến nhất là coxsakie. So với coxsakie, EV71 sẽ khiến bệnh diễn tiến nhanh, nặng và phức tạp hơn.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng
Dấu hiệu bệnh giai đoạn sớm
Để nhận biết sớm bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần nắm rõ các dấu hiệu của bệnh:
– Sốt: Đây là triệu chứng thấy rõ nhất ở bệnh tay chân miệng, thông thường trẻ sốt nhẹ ở 37,5-38oC hoặc có thể sốt cao 38-39oC.
– Loét miệng: do các bóng nước đường kính 2-3 mm trên niêm mạc miệng vỡ ra tạo thành những vết loét, khiến trẻ có cảm giác đau khi ăn và tăng tiết nước bọt.
– Bóng nước xuất hiện trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc miệng, đầu gối, mông, ấn vào không có cảm giác đau.
– Trong một số trường hợp bóng nước xuất hiện rất ít xen kẽ với những hồng ban; đôi khi trẻ có thể không có bóng nước mà chỉ hồng ban đơn thuần, hay chỉ loét miệng đơn thuần.
– Triệu chứng báo hiệu bệnh nặng: Sốt cao không giảm, nôn ói nhiều, tay chân run, dáng đi loạng choạng, thở nhanh, khi ngủ hay bị giật mình.
Dấu hiệu báo hiệu bệnh giai đoạn nặng
Những dấu hiệu trên là những dấu hiệu cho thấy bệnh chưa đến giai đoạn nặng. Nhưng khi trẻ quấy khóc khác thường, sốt cao không hạ và giật mình là ba triệu chứng rất sớm báo hiệu nguy cơ bệnh tay chân miệng có thể diễn biến nặng. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý theo dõi, nếu trẻ có một trong ba triệu chứng trên thì đưa bé đi khám để được xử trí kịp thời, tránh biến chứng nặng nề hơn.
Cụ thể, khi trẻ quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi sau đó lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
Hoặc khi trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamon. Đây là giai đoạn đáp ứng viêm rất mạnh trong cơ thể, gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh. Lúc này, cần dùng 1 loại thuốc hạ sốt đặc biệt hơn đó là các chế phẩm có Ibuprofen.
Và giật mình cũng là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ cần chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
Tìm hiểu thêm: Trẻ viêm phế quản uống thuốc gì đúng và hiệu quả?
Trẻ bị tay chân miệng thường bị sốt nhẹ và có bóng nước tại lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc miệng, đầu gối, mông, ấn vào không có cảm giác đau.
Biến chứng của bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng thường không phát triển những biến chứng nghiêm trọng. Bệnh thường nhẹ, hầu hết người bệnh hồi phục trong 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, một người bị nhiễm bệnh vẫn có thể bị biến chứng sang viêm màng não virus (có các dấu hiệu như sốt, đau đầu, cứng cổ, đau lưng) và có thể cần phải nhập viện trong một vài ngày. Biến chứng hiếm gặp khác bao gồm bệnh bại liệt như tê liệt hoặc viêm não (viêm não), có thể gây tử vong.
Có một số bằng chứng cho thấy, việc nhiễm bệnh chân tay miệng trong thời gian ba tháng đầu của thai kỳ có thể dẫn đến sảy thai, mặc dù điều này là rất hiếm. Tuy nhiên để phòng ngừa, phụ nữ mang thai nên tránh tiếp xúc gần với những người nhiễm bệnh. Phụ nữ bị tay chân miệng khi mang bầu có thể vượt qua bệnh để sinh em bé, và em bé sinh ra với căn bệnh này thường chỉ có triệu chứng nhẹ.
Tay chân miệng có chữa được không?
Không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh tay chân miệng. Với những triệu chứng sốt và đau, bác sĩ có thể kê thuốc hạ sốt và giảm đau acetaminophen hoặc ibuprofen. Điều quan trọng là người bệnh uống đủ nước để tránh mất nước của cơ thể.
Bệnh tay chân miệng có thể lây qua những đường nào?
>>>>>Xem thêm: Cách chữa cảm cúm cho trẻ 2 tuổi khoa học, hiệu quả
Trẻ cần được đưa đi thăm khám và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu nghi ngờ tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng dễ gây lây lan nhất trong tuần đầu tiên mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể bị lây trong tuần sau khi các triệu chứng biến mất. Một số người, đặc biệt là người lớn, những người bị nhiễm virus gây bệnh có thể không có bất cứ dấu hiệu nào, tuy nhiên, họ vẫn có thể lây lan virus cho người khác. Virus có thể lây lan qua các con đường:
– Tiếp xúc gần gũi, như ôm, hôn, hoặc chia sẻ bát và dụng cụ ăn uống,
– Ho, hắt hơi,
– Tiếp xúc với phân, có thể xảy ra trong quá trình thay tã cho trẻ em,
– Tiếp xúc với dịch mủ
– Chạm vào những bề mặt có virus.
Phòng chống bệnh tay chân miệng như thế nào?
Hiện nay, chưa có vaccine cho bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, bạn có thể làm giảm nguy cơ bị nhiễm các loại vi-rút gây ra nó bằng những cách đơn giản sau đây:
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi thay tã, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh…
– Tránh chạm vào mắt, mũi, và miệng khi chưa rửa tay.
– Không nên tiếp xúc gần (ôm, hôn, chia sẻ dụng cụ ăn uống) với người bị nhiễm bệnh.
– Quần áo, tã lót, đồ chơi,… của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như dung dịch Cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.