Cảnh giác với bệnh viêm khớp gối ở trẻ em

Viêm khớp gối ở trẻ không phải là bệnh hiếm gặp nhưng ít cha mẹ hiểu rõ về căn bệnh này, không biết cách phát hiện sớm để điều trị kịp thời bệnh. Hậu quả khiến bệnh của trẻ tiến triển nặng và để lại di chứng nặng nề.

Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm khớp gối

Viêm khớp gối ở trẻ do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như:

  • Hệ thống xương của trẻ phát triển không đồng đều

Nếu xương của trẻ phát triển chậm hơn so với hệ cơ bắp dẫn đến sự phát triển không đồng đều. Điều này khiến các khớp của trẻ thường xuyên bị đau nhức. Tình trạng này kéo dài sẽ gây gây viêm khớp, đặc biệt là vùng khớp gối.

Cảnh giác với bệnh viêm khớp gối ở trẻ em

Hệ thống xương của trẻ phát triển không đồng đều có thể khiến trẻ dễ bị viêm khớp gối

  • Do nhiễm khuẩn hoặc virus

Trẻ bị viêm khớp gối có thể do cơ thể đang bị nhiễm vi khuẩn, virus hoặc trường hợp cơ thể trẻ đang bị rối loạn hệ miễn dịch, giai đoạn đầu của bệnh bạch cầu cấp.

  • Do chấn thương

Trẻ em thường hay hiếu động và dễ bị té ngã trong lúc vui chơi, vận động mạnh hoặc tai nạn giao thông, dẫn đến tình trạng chấn thương, bong gân, đứt dây chằng (chéo trước hoặc chéo sau), rách sụn chêm đầu gối. Nếu những chấn thương này không được chữa trị kịp thời, triệt để, đúng cách sẽ khiến trẻ bị bị viêm khớp gối

Dấu hiệu cảnh báo viêm khớp gối ở trẻ

  • Đau khớp gối

Trẻ cảm thấy đau ở khớp gối, đau tăng khi vận động, thường vào lúc chạy nhảy. Cơn đau ban đầu có thể nhẹ sau tái phát nhiều lần, kéo dài từ nhiều tuần đến nhiều tháng, thậm chí vài năm.

  • Cứng khớp:

Triệu chứng thường gặp vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy. Trẻ không thể duỗi hoặc co gối, các khớp bị co cứng.

  • Tiếng động lạ ở khớp

Khớp xương lỏng lẻo sẽ dẫn tới sự xuất hiện của những tiếng lụp cụp hoặc rắc rắc mỗi khi cử động. Tuy nhiên đây cũng lại là dấu hiệu của viêm khớp, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để chẩn đoán chính xác bệnh.

Cảnh giác với bệnh viêm khớp gối ở trẻ em

Bệnh viêm khớp gối khiến trẻ đau nhức khớp, cứng khớp, sưng nóng…

  • Sưng khớp, phù nề, biến dạng hoặc lồi ra

Khi bị viêm khớp gối, cha mẹ sẽ thấy vùng khớp gối ở trẻ bị sưng nề, bệnh nặng có thể biến dạng khớp khối hoặc lồi ra khiến trẻ gặp khó khăn khi vận động, đi lại, sinh hoạt.

  • Mệt mỏi, biếng ăn, mất ngủ, sốt cao, sụt cân.

Trẻ bị viêm khớp gối có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, làm trẻ đau đớn, khó chịu, mệt mỏi, chán ăn, sốt cao…

Khi thấy trẻ có những biểu hiện cảnh báo viêm khớp gối, cha mẹ nên chủ động đưa bé tới ngay các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra, chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe. Từ đó có biện pháp điều trị phù hợp.

Viêm khớp gối ở trẻ có nguy hiểm không?

Viêm khớp gối ở trẻ nếu không được phát hiện và điều trị triệt để càng sớm càng tốt có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng như:

  • Suy giảm chức năng vận động của khớp, thậm chí là mất hẳn chức năng vận động
  • Viêm khớp gối có thể là nguyên nhân gây tổn thương van tim, gây nên những bệnh về tim mạch nguy hiểm
  • Biến chứng teo cơ, dính khớp, nặng hơn là biến dạng khớp
  • Trường hợp biến chứng nặng có thể khiến trẻ tàn phế, bại liệt

Cách xử trí khi trẻ bị viêm khớp gối

Khi trẻ bị đau gối, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi, tránh các động tác ảnh hưởng tới khớp gối như: quỳ, ngồi xổm, chạy nhảy. Trường hợp cơn đau nặng, cần cho trẻ ngừng hoàn toàn các hoạt động liên quan vùng gối.

Cảnh giác với bệnh viêm khớp gối ở trẻ em

Tùy vào từng trường hợp bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp

Lúc này, cha mẹ có thể chườm đá tại vùng gối của con để giảm sưng và đau, tuyệt đối không chườm trực tiếp vì có thể gây bỏng lạnh, nên cho đá vào khăn hoặc túi nilon để đảm bảo an toàn.

Nếu cơn đau khớp gối của trẻ kéo dài, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám. Tùy vào độ tuổi, mức độ bệnh cụ thể của trẻ, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Trẻ thường được chỉ định sử dụng thuốc điều trị viêm khớp như thuốc giảm đau, chống viêm không steroid…. Lưu ý cha mẹ không nên tự ý mua thuốc điều trị bệnh cho trẻ, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có thuốc điều trị phù hợp.

Với bệnh viêm khớp gối ở trẻ em, nếu phát hiện và điều trị sớm, khả năng bảo tồn các khớp cao, hạn chế sự biến dạng khớp gây tàn phế, mất khả năng vận động.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *