Viêm đường tiết niệu tiểu ra máu là tình trạng khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Bệnh lý này có gây nguy hiểm không, cách điều trị nó như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để chủ động nhận biết, phòng ngừa và điều trị căn bệnh này. Viêm đường tiết niệu là bệnh lý khá phổ biến hiện nay, có thể gặp ở cả hai giới nhưng tỷ lệ nữ mắc bệnh cao hơn nam.
Bạn đang đọc: Cảnh giác với viêm đường tiết niệu tiểu ra máu
1. Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu tiểu ra máu
Viêm đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm các cơ quan của hệ tiết niệu: niệu đạo, bàng quang, niệu quản, thận. Tác nhân chính gây ra tình trạng này là vi khuẩn E.coli. Bệnh lý này không nguy hiểm đến tính mạnh nhưng lại khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân chủ yếu gây viêm đường tiết niệu tiểu ra máu là vi khuẩn E.coli
Viêm đường tiết niệu tiểu ra máu là một trong những triệu chứng phổ biến mà nhiều người mắc viêm tiết niệu đang gặp phải. Nguyên nhân là do vi khuẩn xâm nhập vào các cơ quan của hệ tiết niệu gây viêm và rỉ máu trong nước tiểu. Theo thống kê, tình trạng này xảy ra ở nữ giới cao hơn nam giới.
2. Dấu hiệu nhận biết viêm đường tiết niệu tiểu ra máu.
Khi phát hiện máu trong nước tiểu, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để thăm khám và điều trị. Bởi đây là một trong những dấu hiệu điển hình cảnh báo đường tiết niệu đang bị viêm nhiễm. Ngoài việc có máu lẫn trong nước tiểu, viêm đường tiết niệu còn có thể được nhận biết qua những triệu chứng khác như:
- Tiểu rắt, tiểu nhiều lần, luôn có cảm giác muốn đi tiểu mặc dù vừa tiểu xong.
- Cảm thấy đau rát ở vùng niệu đạo, đặc biệt sau mỗi lần đi tiểu.
- Nước tiểu có màu đục và mùi khai nồng khó chịu.
- Cảm thấy đau ở vùng chậu, lưng và hai bên hông.
- Buồn nôn hoặc nôn, kèm theo sốt, ớn lạnh.
Tìm hiểu thêm: Phòng bệnh sỏi thận cần lưu ý gì ở chế độ ăn uống?
Đau lưng là một triệu chứng khác của viêm đường tiết niệu
3. Viêm đường tiết niệu tiểu ra máu có nguy hiểm không?
Nước tiểu có lẫn máu là triệu chứng đáng lo ngại của viêm tiết niệu. Bởi lẽ, khi có dấu hiệu này tức là bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn hơn và có thể xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như:
- Niêm mạc bên trong đường tiết niệu bị tổn thương nghiêm trọng, máu và mủ sẽ ra nhiều hơn..
- Vi khuẩn “lội “ ngược dòng lên thận và gây viêm nhiễm bộ phận này, lâu dần dẫn đến suy thận.
- Viêm tiết niệu có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết với các triệu chứng: sốt cao, nhịp tim nhanh, ớn lạnh…đe dọa đến tính mạng.
- Phụ nữ có nguy cơ cao bị tắc nghẽn buồng trứng, gây khó khăn trong việc thụ thai và có thể dẫn tới vô sinh
- Phụ nữ mang thai bị viêm đường tiết niệu sẽ ảnh hưởng đến thai, gây nhiễm trùng bào thai, nguy cơ sảy thai, sinh non,.. nếu không được điều trị sớm.
- Làm giảm ham muốn vợ chồng, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình.
4. Phải làm gì khi bị viêm đường tiết niệu tiểu ra máu?
4.1 Sử dụng kháng sinh điều trị viêm đường tiết niệu tiểu ra máu
Kháng sinh là lựa chọn hàng đầu trong điều trị viêm đường tiết niệu để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Phác đồ điều trị cho bệnh nhân viêm đường tiết niệu như sau:
- Bệnh nhân sẽ được kê đơn sử dụng kháng sinh trong khoảng thời gian 5-7 ngày.
- Với những bệnh nhân bị viêm tiết niệu tái phát thì thời gian sử dụng kháng sinh sẽ dài hơn, từ 10 – 14 ngày hoặc hơn.
- Với những bệnh nhân bị viêm đường tiết niệu do lây qua đường tình dục thì cần sử dụng các loại kháng sinh trị các bệnh quan hệ tình dục kết hợp điều trị kháng sinh dự phòng cùng với vợ/chồng. Trong thời gian điều trị nên tránh quan hệ tình dục.
- Trường hợp bị viêm đường tiết niệu nặng thì nguy cơ dẫn đến suy thận rất cao. Do đó, người bệnh cần nhập viện để bác sĩ theo dõi và có phác đồ điều trị phù hợp.
>>>>>Xem thêm: Đi tiểu ra máu có nguy hiểm không?
Kháng sinh là lựa chọn đầu tay trong điều trị viêm đường tiết niệu tiểu ra máu
Sử dụng kháng sinh dự phòng để phòng ngừa bệnh tái phát:
- Sử dụng kháng sinh với liều thấp, duy trì hàng ngày hoặc ngắt quãng để giảm nguy cơ tái phát bệnh.
- Bổ sung nhiều nước để thanh lọc đường niệu, khuyến cáo sử dụng các loại nước mát như râu ngô, mã đề,..
4.2. Lưu ý cho người bị viêm đường tiết niệu tiểu ra máu
- Người bệnh cần thăm khám cụ thể với bác sĩ chuyên khoa tiết niệu để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và tư vấn cách điều trị cụ thể. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hay làm theo các mẹo vặt, bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng khoa học rõ ràng.
5. Phòng ngừa bệnh viêm đường tiết niệu tiểu ra máu bằng cách nào?
Tỷ lệ tái phát viêm đường tiết niệu khá cao. Vì thế, người bệnh kết hợp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ và thực hiện phòng ngừa để hạn chế nguy cơ tái phát. Những biện pháp phòng bệnh tại nhà có thể áp dụng thực hiện là:
- Uống đủ nước, ít nhất từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày để hệ tiết niệu hoạt động tốt. Có thể thay nước lọc bằng nước ép hoặc sinh tố để đỡ nhàm chán và tốt cho sức khỏe.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đúng cách sau khi đi đại – tiểu tiện và sau khi quan hệ. Không sử dụng dung dịch vệ sinh có tính tẩy rửa mạnh hoặc sát khuẩn mạnh.
- Không được nhịn tiểu để tránh tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Khi bị bệnh sỏi thận hoặc u xơ tuyến tiền liệt thì cần chữa trị ngay vì đây cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm đường tiết niệu tiểu ra máu.
- Tăng cường rau xanh và trái cây trong chế độ ăn hàng ngày để bổ sung các chất kháng và vitamin, đặc biệt là vitamin C giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm và tăng sức đề kháng.
- Thăm khám định kỳ để phát hiện sớm các triệu chứng bệnh và điều trị kịp thời.
Viêm đường tiết niệu tiểu ra máu là bệnh lý phổ biến, không khó chữa trị nhưng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu điều trị muộn. Chăm sóc sức khỏe tốt, chủ động phòng ngừa là cách tốt nhất để phòng bệnh và ngăn chặn nguy cơ tái phát trở lại. Khi phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ của bệnh cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.