Vì một vài lý do mà nhiều phụ nữ cần phải phẫu thuật cắt đi buồng trứng, có thể là một hoặc cả hai bên.
Cắt buồng trứng: Chuẩn bị, quá trình thực hiện và hồi phục
Khi nào cần cắt buồng trứng?
Buồng trứng là một cơ quan quan trọng trong hệ sinh dục nữ, có vai trò tạo ra và giải phóng trứng vào mỗi tháng để thụ tinh và sản xuất các nội tiết tố nữ là estrogen và progesterone. Tuy nhiên, vì một vài lý do mà nhiều phụ nữ cần phải phẫu thuật cắt đi buồng trứng, có thể là một hoặc cả hai bên.
Quy trình phẫu thuật này thường thực hiện cho những trường hợp:
- Đau vùng chậu mãn tính
- Khối u lành tính trong buồng trứng
- U nang buồng trứng kích thước lớn
- Áp xe vòi trứng – buồng trứng
- Xoắn buồng trứng
- Ung thư buồng trứng
Những phụ nữ mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 có thể sẽ cần phẫu thuật cắt buồng trứng để giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Quy trình này được gọi là cắt buồng trứng dự phòng.
Phần lớn lượng nội tiết tố nữ estrogen và progesterone đều được sản xuất trong buồng trứng. Đây là hai hormone có vai trò rất quan trọng đối với chức năng sinh sản của phụ nữ. Do đó, việc cắt bỏ cả hai buồng trứng sẽ dẫn đến mãn kinh và mất khả năng thụ thai tự nhiên một cách vĩnh viễn.
Dưới đây là những điều phụ nữ cần biết về phẫu thuật cắt buồng trứng, gồm có quy trình thực hiện, những rủi ro và thay đổi về lâu dài diễn ra sau phẫu thuật.
Những bộ phận nào bị cắt bỏ trong quá trình cắt buồng trứng?
Trong quy trình phẫu thuật cắt buồng trứng, có thể chỉ có mình buồng trứng bị cắt bỏ hoặc cũng có thể là cả các cơ quan khác trong hệ sinh dục, tùy thuộc vào lý do cần phẫu thuật.
Buồng trứng thường được cắt bỏ cùng với ống dẫn trứng, đặc biệt là những trường hợp cần phẫu thuật nhằm làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Lý do là bởi buồng trứng và ống dẫn trứng có chung nguồn cung cấp máu.
Trong một số trường hợp, tử cung cũng bị cắt đi trong quá trình phẫu thuật cắt buồng trứng. Điều này giúp làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng cho những phụ nữ có nguy cơ đặc biệt cao.
Cần chuẩn bị gì trước phẫu thuật
Có rất nhiều điều cần cân nhắc và chuẩn bị trước khi phẫu thuật cắt buồng trứng.
Mãn kinh và mất khả năng sinh sản
Nếu cả hai buồng trứng cùng bị cắt bỏ thì phụ nữ sẽ ngay lập tức mãn kinh và không thể thụ thai một cách tự nhiên được nữa. Nếu chỉ cắt một buồng trứng và vẫn còn tử cung thì vẫn có thể thụ thai nhưng khả năng sẽ thấp hơn so với bình thường.
Nếu như còn muốn có con trong tương lai thì bác sĩ sẽ tư vấn về các lựa chọn để bệnh nhân cân nhắc.
Ngoài những thay đổi về thể chất, sau phẫu thuật cắt buồng trứng, bệnh nhân sẽ còn trải qua những thay đổi về tâm lý, cảm xúc. Nếu có cảm giác buồn bã kéo dài hoặc có dấu hiệu trầm cảm thì cần đến gặp chuyên gia trị liệu tâm lý để được hỗ trợ điều trị.
Mãn kinh sớm sau phẫu thuật cắt buồng trứng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và loãng xương. Trước phẫu thuật, hãy hỏi kỹ bác sĩ về những rủi ro này cũng như là những lợi ích và tác dụng phụ tiềm ẩn của liệu pháp hormone thay thế (HRT).
Chuẩn bị cho ca phẫu thuật
Trước khi tiến hành ca phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cần trải qua một số bước kiểm tra như thăm khám lâm sàng, xét nghiệm máu và nước tiểu, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp CT hoặc siêu âm.
Cần báo với bác sĩ tất cả những loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng để được hướng dẫn ngừng thuốc trước khi phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ cần ngừng một số loại thuốc như thuốc giảm đau không steroid, thuốc chống đông máu,… trong khoảng vài ngày đến vài tuần trước phẫu thuật để tránh xảy ra rủi ro trong và sau phẫu thuật.
Chuẩn bị cho thời gian nằm viện
Bác sĩ sẽ có hướng dẫn chi tiết về những gì cẩn chuẩn bị nhưng dưới đây là một số điều mà bệnh nhân có thể tham khảo:
- Sắp xếp người đón về sau khi xuất viện
- Sắp xếp người ở cùng chăm sóc và giúp đỡ làm việc nhà trong vài ngày đầu sau khi phẫu thuật xong và về nhà.
- Nghỉ làm trong một vài tuần.
- Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ về việc ngừng ăn và uống (kể cả nước) trước khi phẫu thuật, thường là sau nửa đêm của ngày hôm trước. Có thể cần uống thuốc làm sạch ruột.
- Chuẩn bị các vật dụng cá nhân cần thiết cho thời gian nằm viện.
Quy trình thực hiện
Quy trình phẫu thuật cắt buồng trứng có thể được thực hiện qua đường mổ dọc hoặc ngang ở trên bụng. Đường mổ dọc giúp cho bác sĩ có thể quan sát được tốt hơn nhưng đường mổ ngang để lại sẹo mờ hơn.
Đầu tiên, bác sĩ tách cơ bụng để bộc lộ buồng trứng. Tiếp theo, các mạch máu được thắt lại để tránh bị chảy máu. Sau khi buồng trứng được cắt bỏ, bác sĩ sử dụng ghim hoặc chỉ khâu để đóng đường mổ.
Quy trình phẫu thuật cắt tử cung cũng có thể được thực hiện bằng phương pháp nội soi ổ bụng, trong đó sử dụng một ống dài có gắn camera và đèn chiếu sáng để hướng dẫn phẫu thuật. Camera gắn ở đầu ống nội soi cho phép bác sĩ có thể quan sát được các cơ quan trên màn hình.
Với phương pháp phẫu thuật này, ống nội soi được đưa vào qua một đường rạch nhỏ ở gần rốn. Tiếp theo, bác sĩ sẽ tạo thêm một vài đường rạch nhỏ nữa để đưa các dụng cụ thắt mạch máu vào. Sau đó, buồng trứng được cắt bỏ qua một đường rạch gần đỉnh âm đạo hoặc qua những đường rạch nhỏ ở thành bụng. Sau khi xong, các đường rạch được khâu lại. Phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng chỉ để lại một vài vết sẹo nhỏ thay vì vết sẹo dài như phương pháp mổ mở truyền thống.
Trong quy trình mổ mở, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân. Nếu sử dụng phương pháp phẫu thuật nội soi thì có thể gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ. Ca phẫu thuật thường kéo dài từ 1 đến 4 tiếng, tùy thuộc vào các bước cụ thể cần thực hiện.
Quá trình phục hồi
Sau khi ca phẫu thuật hoàn tất, bệnh nhân sẽ nằm trong phòng hồi sức trong 1 – 2 tiếng và được theo dõi các dấu hiệu sinh tồn như nhịp tim, huyết áp, thân nhiệt, nhịp thở. Khi thuốc mê hết tác dụng, bệnh nhân được chuyển sang phòng nghỉ.
Nên đứng dậy và đi lại nhẹ nhàng càng sớm càng tốt để tránh hình thành cục máu đông. Bệnh nhân sẽ cần mang ống thông tiểu để dẫn nước tiểu ra từ bàng quang. Nếu hồi phục tốt thì ống thông tiểu và ống truyền dịch tĩnh mạch sẽ được tháo ra ngay vào ngày hôm sau.
Thường sẽ cần nằm viện trong 1 hoặc 2 ngày nếu cắt buồng trứng bằng kỹ thuật mổ mở. Nếu phẫu thuật nội soi ổ bụng thì có thể chỉ cần nằm viện một đêm và cũng ít bị đau đớn hơn.
Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc và những lưu ý hậu phẫu trước khi xuất viện.
Cần báo ngay cho bác sĩ nếu có những biểu hiện như:
- Sốt
- Buồn nôn hoặc nôn suốt vài ngày không đỡ
- Âm đạo tiết dịch hoặc chảy máu nhiều
- Bị đau bụng dữ dội, uống thuốc giảm đau cũng không đỡ hoặc cơn đau ngày càng nặng hơn
- Sưng đỏ xung quanh vị trí vết mổ
- Khó tiểu
- Ho, khó thở hoặc đau tức ngực
- Cảm giấc buồn bã, bồn chồn
Cần tuân thủ theo đúng các hướng dẫn của bác sĩ trong thời gian hậu phẫu. Ăn uống đầy đủ và nghỉ ngơi nhiều để cơ thể có thể hồi phục nhanh chóng. Nên đi lại thường xuyên để tránh hình thành cục máu đông nhưng không được vận động mạnh và nâng vật nặng. Không được tập thể dục và quan hệ tình dục trong thời gian mà bác sĩ yêu cầu.
Thời gian phục hồi sau phẫu thuật cắt buồng trứng ở mỗi người là khác nhau. Sau phẫu thuật nội soi ổ bụng, bệnh nhân có thể sinh hoạt trở lại bình thường sau khoảng 2 tuần. Còn nếu như phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở thì có thể phải mất đến 6 tuần hoặc lâu hơn mới hồi phục hoàn toàn.
Bác sĩ sẽ đưa ra thời gian phục hồi cụ thể dựa trên tình trạng của từng trường hợp.
Nếu chỉ cắt bỏ một buồng trứng và vẫn còn tử cung thì vẫn sẽ có kinh nguyệt và trải qua ít thay đổi sau phẫu thuật hơn. Nếu như cắt bỏ cả hai buồng trứng thì sẽ chính thức mãn kinh.
Rủi ro khi cắt buồng trứng
Bất kỳ ca phẫu thuật nào cũng đều tiềm ẩn những rủi ro như:
- Phản ứng tiêu cực với thuốc gây mê
- Nhiễm trùng
- Chảy máu
- Hình thành cục máu đông
- Gây tổn hại đến các cơ quan lân cận
Nếu cả hai buồng trứng cùng bị cắt bỏ thì sẽ xảy ra các triệu chứng mãn kinh do sụt giảm nồng độ estrogen và progesterone và cần đến liệu pháp hormone thay thế.
Các triệu chứng mãn kinh sau phẫu thuật cắt cả hai buồng trứng gồm có:
- Bốc hỏa
- Mất ngủ
- Đổ mồ hôi về đêm
- Cơ thể mệt mỏi
- Khô âm đạo
- Giảm ham muốn tình dục
- Buồn rầu, lo âu, bồn chồn
- Tâm trạng thay đổi thất thường, hay cáu gắt
Sau mãn kinh, phụ nữ sẽ không còn khả năng thụ thai tự nhiên nữa nên sẽ không cần đến các biện pháp tránh thai nhưng vẫn cần sử dụng các biện pháp bảo vệ ngăn ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục như đeo bao cao su.
Các biến chứng nghiêm trọng rất hiếm khi xảy ra sau phẫu thuật cắt buồng trứng nhưng nguy cơ xảy ra biến chứng sẽ cao hơn bình thường nếu bị tiểu đường, béo phì hoặc hút thuốc lá.