Phẫu thuật cắt ruột thừa là phương pháp tối ưu và triệt để nhất để điều trị và phòng ngừa tình trạng viêm ruột thừa. Vậy cắt ruột thừa được chỉ định khi nào và thực hiện bằng phương pháp nào là tốt nhất, chế độ chăm sóc sau mổ như thế nào để nhanh hồi phục? Để biết thêm thông tin về phẫu thuật cắt ruột thừa, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Cắt ruột thừa: chỉ định, quy trình và cách chăm sóc sau mổ
1. Khi nào cần phẫu thuật cắt ruột thừa?
Ruột thừa là một ống hẹp trong ống tiêu hóa, dính với phần manh tràng của ruột già. Nó là phần đầu của manh tràng thoái hoá tạo thành, có gốc tại ngã ba nối ruột non và ruột già. Ruột thừa không phải là bộ phận quá cần thiết của cơ thể. Hay nói cách khác, cơ thể chúng ta vẫn hoạt động bình thường nếu không có ruột thừa. Tuy nhiên, bộ phần này lại rất dễ bị viêm nhiễm và thường phải cắt bỏ. Phẫu thuật cắt ruột thừa thường được thực hiện với 2 trường hợp dưới đây:
– Điều trị viêm ruột thừa: Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm nhiễm dẫn đến sưng và mưng mủ. Các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm: đau bụng, thường ở hố chậu phải, một số ít đau vùng thượng vị hoặc quanh rốn kèm theo nôn, rối loạn tiêu hoá và sốt. Khi ruột thừa bị viêm cần phẫu thuật cắt bỏ nó càng sớm càng tốt. Nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ bị thủng hoặc vỡ, tạo điều kiện cho các vi khuẩn lan vào trong khoang bụng và có thể dẫn tới tử vong.
– Cắt ruột thừa dự phòng: cắt ruột thừa dự phòng thường được chỉ định trong các trường hợp không có khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế trong thời gian dài như thuỷ thủ tàu viễn dương, nhà du hành vũ trụ…
2. Quy trình thực hiện phẫu thuật cắt ruột thừa
Tùy thuộc mức độ ruột thừa bị viêm, tình trạng sức khỏe, tiền sử mắc bệnh và đôi khi là nhu cầu của người bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc mổ hở hay mổ nội soi cắt ruột thừa.
2.1 Chuẩn bị trước phẫu thuật cắt ruột thừa
Trước khi phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa người bệnh cần:
– Thông báo cho bác sĩ tình trạng sức khỏe bản thân: bệnh lý, tiền sử dị ứng thuốc, tiền sử rối loạn chảy máu, mang thai…
– Không ăn ít nhất 8 tiếng trước phẫu thuật.
– Ngưng sử dụng một số loại thuốc như Aspirin, thuốc chống đông máu, thuốc ức chế miễn dịch.
– Không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, cà phê…
– Hạn chế ăn đồ ăn sống. Bởi các vi sinh vật trong thực phẩm sống có thể đi vào đường ruột và gây nhiễm trùng vết cắt ruột thừa.
2.2 Mổ hở cắt ruột thừa
Đây là phương pháp cắt bỏ ruột thừa truyền thống. Sau khi được gây mê, bác sĩ sẽ rạch một đường khoảng 5cm ở vùng bụng dưới bên phải để bộc lộ ruột thừa bị viêm. Sau đó tiến hành cắt bỏ ruột thừa và khâu lại vết mổ.
Hiện nay, phương pháp này không được áp dụng nhiều do phạm vi xâm lấn lớn, người bệnh mất nhiều thời gian phục hồi sau mổ. Tuy nhiên, với những trường hợp viêm ruột nặng đã xuất hiện biến chứng thì bác sĩ có thể chỉ định mổ hở để làm sạch khoang bụng.
2.3 Mổ nội soi cắt ruột thừa
Với phương pháp mổ nội soi, bác sĩ sẽ tạo những vết rạch nhỏ khoảng 0.5-1cm ở vùng bụng bên phải. Sau khi bơm khí cacbonic vào trong ổ bụng, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào qua vết rạch để quan sát khoang bụng. Căn cứ vào hình ảnh từ máy nội soi sẽ thực hiện cắt bỏ ruột thừa. Phương pháp ngày càng được áp dụng phổ biến thay thế dần phương pháp mổ hở vì những ưu điểm vượt trội: ít xâm lấn, ít đau, vết mổ nhỏ không gây mất thẩm mỹ, thời gian phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, mổ nội soi chỉ thực hiện được với những trường hợp viêm ruột thừa cấp chưa vỡ.
Tìm hiểu thêm: Viêm loét dạ dày gây sốt và những điều cần biết
3. Biến chứng sau mổ ruột thừa
Sau khi phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như: đau đầu, chóng mặt, đau bụng, đau tức sườn phải, bí tiểu,… Những triệu chứng này thường giảm dần vài ngày sau khi mổ.
Một số biến chứng có thể gặp sau khi phẫu thuật bao gồm: chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương các cơ quan lân cận, tắc ruột. Tuy nhiên, những biến chứng này thường ít xảy ra. Và điều quan trọng là chúng ít nghiêm trọng hơn so với các rủi ro mà viêm ruột thừa có thể gây ra nếu không được điều trị.
4. Chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa
Chế độ chăm sóc sau phẫu thuật ảnh hưởng rất lớn đến thời gian phục hồi của người bệnh. Để vết mổ mau lành và nhanh trở lại công việc hàng ngày, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:
4.1. Chăm sóc vết mổ
Sau phẫu thuật, người bệnh có thể vẫn cảm thấy đau. Do đó, cần uống thuốc giảm đau và kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ.
– Những ngày đầu sau phẫu thuật, người bệnh nên nghỉ ngơi nhiều, vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga,..để máu lưu thông tốt. Không mang vác vật nặng và tham gia các hoạt động quá sức vì có thể làm rách vết mổ.
– Vệ sinh vết mổ sạch sẽ và thay băng hàng ngày, đúng cách, tránh để vết mổ bị ướt.
– Không tham gia các hoạt động dưới nước và tắm bồn cho tới khi vết thương lành hẳn.
– Mặc quần áo thoải mái, không mặc đồ bó sát để tránh cọ vào vết mổ gây tổn thương, kích ứng.
4.2 Chế độ ăn uống
Sau mổ, người bệnh nên ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, soup, canh,..để dễ tiêu hóa, giảm bớt áp lực cho hệ tiêu hóa.
>>>>>Xem thêm: Viêm ruột nhiễm khuẩn Hiểu đúng về bệnh viêm ruột
– Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A như khoai lang, cà rốt, bắp cải…vì đây là nhóm thực phẩm rất tốt với người mệt mỏi, mới ốm dậy.
– Tăng cường sử dụng các loại cá biển giàu protein và omega-3 để giúp vết thương nhanh hồi phục.
– Uống đủ nước mỗi ngày để hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, tránh gây táo bón.
– Hạn chế các loại thực phẩm nhiều giàu mỡ, cay nóng, lên men, không sử dụng rượu bia và chất kích thích vì sẽ lành vết thương lâu lành.
Cắt ruột thừa là một phẫu thuật cấp cứu ngoại khoa thường gặp và không quá phức tạp. Phẫu thuật này được chỉ định khi người bệnh bị viêm ruột thừa cấp hay muốn dự phòng nguy cơ viêm nhiễm tại cơ quan này. Tuy nhiên phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng khác nhau. Do đó, người bệnh cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín và bác sĩ giàu kinh nghiệm để mang lại kết quả tốt nhất.