Để điều trị sỏi niệu quản mang lại thành công, hạn chế tối đa nguy cơ tái phát, bên cạnh các phương pháp tán sỏi công nghệ cao không đau, ít xâm lấn, khả năng phục hồi nhanh, thì người bệnh cũng cần quan tâm đến chế độ chăm sóc bệnh nhân sau tán sỏi niệu quản.
Bạn đang đọc: Chăm sóc bệnh nhân sau tán sỏi niệu quản – những điều bạn nên biết
1. Tìm hiểu sơ lược về bệnh sỏi niệu quản
Sỏi niệu quản là dạng sỏi xuất hiện trong niệu quản – ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Chủ yếu là do sự di chuyển của sỏi từ thận rơi xuống và mắc tại các vị trí hẹp của niệu quản mà không được đào thải ra ngoài.
Sỏi niệu quản nếu kích thước nhỏ hơn 5mm có thể được bài xuất ra khỏi cơ thể bằng đường nước tiểu. Ngoài ra nếu sỏi nằm càng gần bàng quang thì cơ hội được đào thải ra ngoài cũng cao hơn so với ở những vị trí khác.
Do đó sỏi với kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 5mm sẽ chủ yếu được điều trị bằng nội khoa, sử dụng thuốc tác động để sỏi trôi theo nước tiểu ra ngoài. Ngược lại nếu sỏi lớn hơn 5mm thì cần được phát hiện sớm và điều trị lấy sỏi kịp thời. Việc để sỏi lâu ngày trong cơ thể sẽ gây ra tắc nghẽn nước tiểu, ảnh hưởng đến quá trình bài tiết và dẫn đến suy giảm chức năng thận, gây ra nhiều biến chứng.
Sỏi niệu quản thường xảy ra tại các vị trí hẹp sinh lý của niệu quản
2. Các phương pháp tán sỏi niệu quản công nghệ cao
2.1 Chỉ định sử dụng phương pháp tán sỏi trong điều trị sỏi niệu quản
Khi sỏi không thể điều trị nội khoa hoặc điều trị nội khoa không có tín hiệu tích cực, lúc này điều trị ngoại khoa cần can thiệp. Can thiệp ngoại khoa là biện pháp tối ưu để loại bỏ sỏi hoàn toàn trong niệu quản. Hiện nay có 3 phương pháp tán sỏi niệu quản công nghệ cao đó là: Tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da và nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi.
Phẫu thuật mổ mở lấy sỏi là phương pháp điều trị ngoại khoa truyền thống được sử dụng chủ yếu trước đây. Tuy nhiên hiện nay nền y học đã phát triển, các công nghệ tán sỏi hiện đại đang được áp dụng chủ yếu bởi không làm ảnh hưởng đến chức năng thận mà vẫn đạt hiệu quả cao. Chính bởi vì sự ưu việt hơn này mà mổ mở lấy sỏi thường chỉ áp dụng cho trường hợp sỏi niệu quản phức tạp, bị mắc kẹt trong các đoạn hẹp niệu quản hoặc thất bại với các phương pháp điều trị khác.
Các trường hợp sỏi niệu quản cần can thiệp tán sỏi công nghệ cao như sau:
– Sỏi niệu quản có kích thước lớn hơn từ 5mm trở lên
– Sỏi niệu quản có khả năng tự di chuyển để trôi ra ngoài thấp. Cụ thể sỏi nằm tại các vị trí hẹp sinh lý của niệu quản như: Đoạn nối thận vào niệu quản, vị trí giao niệu quản vào bàng quang, vị trí niệu quản nằm phía trước động mạch chậu
Và sỏi niệu quản đoạn ⅓ trên và đoạn ⅓ giữa sẽ gặp khó khăn trong việc bài xuất ra ngoài hơn vị trí ⅓ dưới.
– Bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa, sử dụng thuốc những sỏi không trôi ra ngoài
– Sỏi niệu quản bít tắc đường nước tiểu, gây nhiễm trùng đường niệu, ảnh hưởng đến chức năng thận…
2.2 Các phương pháp tán sỏi niệu quản công nghệ cao
Tán sỏi niệu quản công nghệ cao có nhiều ưu điểm như không đau, ít xâm lấn, không tổn thương chức năng phổi, khả năng phục hồi nhanh… Dựa vào tình trạng mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp tán sỏi phù hợp nhất.
– Tán sỏi niệu quản ngoài cơ thể bằng sóng điện từ
Bằng năng lượng sóng điện từ của máy tán sỏi tần số lớn, viên sỏi sẽ được tán vụn dưới tác động của sóng đi từ ngoài cơ thể tới vị trí viên sỏi.
– Tán sỏi qua da
Là phương pháp xâm lấn tối thiểu, bác sĩ rạch một đường nhỏ khoảng 0.5-1cm tạo một đường hầm nhỏ vào thận. Theo đường hầm này, sẽ dùng một ống soi quan sát vị trí sỏi, tán sỏi bằng laser và hút ra ngoài cơ thể.
– Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser
Là phương pháp lấy sỏi ra bằng đường tự nhiên của cơ thể. Để thực hiện bác sĩ luồn một ống nội soi kèm theo đầu phát tia laser từ niệu đạo (ống dẫn nước tiểu tới lỗ tiểu ra bên ngoài cơ thể), qua bàng quang lên đến niệu quản. Sau khi xác định chính xác vị trí viên sỏi trên màn hình bác sĩ sẽ sử dụng năng lượng laser chiếu để phá hủy sỏi thành những vụn nhỏ rồi hút ra ngoài.
3. Chăm sóc bệnh nhân sau tán sỏi và điều cần làm để dự phòng tái phát
3.1 Tầm quan trọng của việc chăm sóc sau tán sỏi niệu quản
Tán sỏi được xem là một bước tiến đáng kể của phương pháp can thiệp ít xâm lấn, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thời gian nằm viện và quá trình chăm sóc. Thời gian phục hồi có thể không giống nhau với tất cả mọi người, nhưng sau tán sỏi công nghệ cao, đa số người bệnh thường phục hồi nhanh và trở về lại cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên không vì thế mà người bệnh chủ quan bỏ qua giai đoạn chăm sóc phục hồi sau bệnh. Việc chăm sóc sau tán sỏi niệu quản là bước quan trọng quyết định đến sự thành công của điều trị như: Giúp hỗ trợ bài xuất những vụn sỏi rất nhỏ còn sót lại, phòng ngừa nguy cơ tái phát bệnh do liên kết của các mảnh sỏi. Không chỉ có vậy, nếu không được chăm sóc tốt người bệnh có thể gặp các triệu chứng hay biến chứng hậu tán sỏi cao như: Viêm nhiễm đường tiết niệu, đau sau tán sỏi, đái ra máu…
3.2 Chăm sóc bệnh nhân sau tán sỏi niệu quản tại viện
– Sau quá trình tán sỏi, bệnh nhân sẽ được chuyển về các phòng hồi sức để theo dõi sức khỏe từ 1 đến 3 ngày tùy tình trạng và phương pháp tán sỏi thực hiện.
– Trong trường hợp bệnh nhân sức khỏe ổn định, điều trị bệnh bằng phương pháp không xâm lấn bác sĩ có thể cho bệnh nhân xuất viện ngay trong ngày.
– Nếu trong trường hợp bệnh nhân có những dấu hiệu bất thường so với những dặn dò của bác sĩ, bạn cần báo ngay để được xử lý kịp thời: Đau quặn ở thận, đi tiểu ra máu, tiểu buốt, chướng bụng, sốt rét…
– Người bệnh nên nghỉ ngơi, không nên di chuyển nhiều hay vận động mạnh trong những ngày đầu tiên
– Ngoài ra cần kết hợp ăn thức ăn mềm, nhẹ dễ tiêu hóa trong những ngày đầu tiên.
Tìm hiểu thêm: Trường hợp nào chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể?
Bệnh nhân sau tán sỏi niệu quản được chuyển về phòng bệnh và được thăm khám, chăm sóc bởi bởi các bác sĩ
3.2. Chăm sóc bệnh nhân sau tán sỏi niệu quản khi xuất viện
Chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống lành mạnh sau tán sỏi là rất cần thiết bởi không chỉ giúp bệnh nhân tống xuất nhanh chóng những vụn sỏi còn sót lại ra ngoài, giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi, làm liền những tổn thương ở niêm mạc niệu quản do cọ sát của sỏi nếu có. Hơn thế nữa còn giúp phòng tránh nguy cơ sỏi tái lại.
– Việc đầu tiên và rất quan trọng là người bệnh cần uống tối thiểu 2.5 lít nước mỗi ngày và không nên nhịn tiểu.
– Ngoài ra có thể bổ sung các loại nước ép lợi tiểu như nước ép rau cải, rau cần tây, củ cải đường, cam, chanh, nước ngô non luộc hay nước đậu đen, nước râu ngô (không đường hoặc ít đường).
– Nên chế biến và ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa sau một vài ngày đầu tán sỏi để hệ tiêu hóa thuận lợi.
– Bổ sung thêm các thực phẩm tránh sự tích tụ của sỏi như vitamin A, vitamin B6, các loại nước ép cam, chanh
– Có thể bổ sung vào thực đơn các thực phẩm có tính kháng khuẩn như: Hành, hẹ, mật ong, gừng, nghệ, bắp cải… để giảm tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn
– Không nên loại bỏ hoàn toàn canxi ra khỏi chế độ ăn hàng ngày bởi việc thiếu hay thừa canxi đều làm tăng nguy cơ hình thành nên sỏi
Bên cạnh các thực phẩm cần bổ sung bạn cũng cần lưu ý nên hạn chế và kiêng các loại thực phẩm như:
– Chất béo, dầu mỡ động vật, đồ ăn mặn, quá nhiều đường, các loại đồ uống bia rượu, nước ngọt, chất kích thích… bởi sẽ làm chậm quá trình phục hồi
– Thực phẩm giàu oxalat như củ cải đường, rau bina, khoai tây, đậu phộng, socola… cần hạn chế để tránh nguy cơ hình thành sỏi lại.
>>>>>Xem thêm: Sỏi thận do chế độ ăn chứa hàm lượng axit cao
Sau khi tán sỏi niệu quản qua da hay ngoài cơ thể hoặc nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi, bệnh nhân đều cần đặc biệt lưu ý uống nhiều nước để lợi tiểu, đào thải nhanh lượng cặn sỏi còn sót lại
Chế độ sinh hoạt và thăm khám định kỳ sau tán sỏi niệu quản
– Người bệnh nên nằm nghỉ ngơi, ít đi lại, chỉ nên đi lại nhẹ nhàng sau giai đoạn tán sỏi ít nhất 1-2 ngày theo chỉ dẫn từ bác sĩ.
– Sau đó có thể bắt đầu luyện tập vận động nhẹ nhàng, dần dần nâng cấp cường độ luyện tập để cơ thể và hệ bài tiết chuyển hóa tốt hơn. Bạn cần lưu ý không vận động quá sức cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
– Người bệnh cũng không nên tự ý sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ
– Ngoài ra bạn cũng cần lắng nghe và tuân thủ lời khuyên sau điều trị của bác sĩ để có kết quả điều trị tích cực
– Cuối cùng người bệnh nên chủ động thăm khám định kỳ để đánh giá sức khỏe, đặc biệt đối với bệnh nhân đã từng mắc sỏi tiết niệu cần theo dõi để đánh giá và kiểm soát và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
Việc chăm sóc bệnh nhân sau quá trình tán sỏi niệu quản là yếu tố quan trọng đóng góp vào quá trình phục hồi sức khỏe cơ thể, ngăn chặn bệnh tái diễn. Để có thể hoàn toàn yên tâm điều trị bệnh triệt để người bệnh cần đảm bảo kết hợp lựa chọn điều trị tại các bệnh viện uy tín, bác sĩ chuyên môn cao cùng những tuân thủ về chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học hàng ngày sau điều trị.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.