Theo thống kê, bệnh tiêu chảy cấp là bệnh lý có số bệnh nhân tử vong trên toàn cầu cao hàng đầu. Trong đó, phần lớn là trẻ nhỏ ở các nước đang phát triển. Tiêu chảy cấp có thể gây biến chứng nguy hiểm do những sai lầm rất đáng tiếc ở người lớn. Bố mẹ nên tìm hiểu kỹ, tránh mắc phải khi chăm sóc trẻ tiêu chảy.
Bạn đang đọc: Chăm sóc sai cách, bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ biến chứng nguy hiểm
1. Tổng quan về tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ
Thống kê trên toàn cầu, hàng năng có khoảng 4 tỉ bệnh nhân bị tiêu chảy cấp. Trong đó có 1,6 triệu trường hợp tử vong là các bé dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 500 nghìn đến 700 nghìn trường hợp tiêu chảy cấp được cơ quan y tế ghi nhận. Tiêu chảy cấp là bệnh truyền nhiễm nhóm B, về bản chất, nó không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thế nhưng, do sai lầm của người lớn, không ít trẻ bị biến chứng tiêu chảy cấp, phải đối mặt với nguy hiểm.
Trẻ nhỏ dễ bị tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn (Salmonella, Shigella, E.coli) hoặc virus (Rotavirus), ký sinh trùng (Giardia lamblia, Cryptosporidium). Một số trường hợp do sử dụng thức ăn không hợp vệ sinh, uống nước nhiễm khuẩn hoặc uống kháng sinh gây rối loạn đường ruột cũng bị tiêu chảy.
Khi bị tiêu chảy cấp, trẻ có hiện tượng đi ngoài phân lỏng nhiều ngày, đau bụng, có thể sốt cao, nôn mửa và bị mất nước (khát nước, tiểu ít, mắt trũng, da khô…).
Bệnh tiêu chảy cấp rất phổ biến ở trẻ nhỏ
2. Biến chứng do tiêu chảy cấp ở trẻ
Trẻ em bị tiêu chảy cấp có thể gặp phải một số biến chứng nguy hiểm sau đây:
2.1. Mất nước và rối loạn điện giải.
Đây là biến chứng phổ biến nhất và nguy hiểm nhất của tiêu chảy cấp. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, rất dễ bị mất nước do cơ thể mất nhiều nước và điện giải qua phân lỏng. Dấu hiệu mất nước bao gồm:
– Khát nước
– Tiểu ít
– Da khô, mất đàn hồi
– Mắt trũng
– Môi khô nứt
2.2. Suy dinh dưỡng
Nếu trẻ bị tiêu chảy kéo dài hoặc lặp lại nhiều lần, trẻ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng do:
– Giảm hấp thu chất dinh dưỡng (hệ vi sinh đường ruột yếu, mất cân bằng).
– Giảm khẩu phần ăn
– Tăng nhu cầu năng lượng để chống lại bệnh tật
Tiêu chảy cấp nhiều lần sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng
2.3. Biến chứng khác
Ngoài các vấn đề trên, tình trạng tiêu chảy cấp còn gây ra một số biến chứng nghiêm trọng khác như:
– Nhiễm trùng huyết: Trong một số trường hợp nghiêm trọng, vi khuẩn gây tiêu chảy có thể xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng huyết. Đây là biến chứng nguy hiểm cần được điều trị khẩn cấp.
– Thiếu máu:Tiêu chảy mạn tính có thể gây thiếu máu do mất máu qua đường tiêu hóa hoặc do thiếu hụt vitamin và khoáng chất.
– Rối loạn miễn dịch: Tiêu chảy kéo dài có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ, khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác.
3. Những sai lầm khi chăm sóc trẻ bị bệnh tiêu chảy cấp dẫn đến biến chứng
3.1. Bù nước chưa đúng cách cho trẻ bị bệnh tiêu chảy cấp
Bệnh tiêu chảy cấp khiến trẻ có biểu hiện mất nước, khát nước liên tục. Nhiều bố mẹ đáp ứng nhu cầu của trẻ sai cách, làm cho tình trạng mất nước càng diễn tiến nặng hơn. Đây là sai lầm phổ biến nhất ở các bậc phụ huynh.
Để giúp trẻ bù nước đúng cách khi bị tiêu chảy, bố mẹ cần sử dụng dung dịch điện giải theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Thông thường, với các em bé, bố mẹ cần cho con uống điện giải thành nhiều lần trong ngày. Mỗi lần chỉ nên cho uống từng ngụm nhỏ thay vì uống liên tục. Vì nếu uống quá nhiều trẻ có thể bị nôn trớ, hoặc đi lỏng nhiều lần hơn, dẫn đến mất nước nhiều hơn.
3.2. Tự cho trẻ dùng kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy
Nhiều người có thói quen tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ uống mà không đưa trẻ đi thăm khám với bác sĩ. Đây là một thói quen không tốt, có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm.
Kháng sinh nói chung và kháng sinh đường ruột nói riêng có thể không đem lại hiệu quả điều trị tiêu chảy cấp. Trái lại, nó còn có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ. Bởi lẽ các loại kháng sinh hầu như không có tác dụng tiêu diệt virus gây tiêu chảy mà có thể làm tình trạng bệnh thêm nặng.
Tìm hiểu thêm: Bố mẹ cần làm gì khi trẻ bị tay chân miệng độ 1
Không tự ý cho trẻ uống kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy
Các bác sĩ khuyến cáo không cho trẻ bị bệnh tiêu chảy cấp uống kháng sinh khi trẻ không sốt, không nhiễm trùng, phân không có máu.
Các loại thuốc cầm tiêu chảy (theo kinh nghiệm dân gian hoặc sản phẩm dược phẩm) có thể làm giảm nhu động ruột, tích tụ vi khuẩn và chất độc ở ruột, khó đào thải ra ngoài. Thậm chí, trong trường hợp nặng nó sẽ khiến trẻ bị đau bụng, viêm, tắc ruột, dẫn đến tử vong.
3.3. Ngừng cho ăn uống khi trẻ bị bệnh tiêu chảy cấp
Trẻ đi ngoài liên tục sẽ dẫn đến mất nước, mất sức, người mệt mỏi. Nhiều người cho rằng nên ngừng cho trẻ ăn uống để dạ dày được nghỉ ngơi. Đây là một quan niệm sai lầm, sự thật lúc này trẻ cần được bổ sung dinh dưỡng để chống lại bệnh tật và phục hồi sức khỏe. Các cơ quan trong cơ thể cũng cần đến nước và dưỡng chất để duy trì mọi hoạt động.
Một số người quan niệm trẻ bị tiêu chảy chỉ nên ăn cháo muối. Đây cũng là một quan niệm cần thay đổi ngay bởi khi đường ruột nhiễm khuẩn, phần ruột chưa bị tổn thương vẫn có khả năng hấp thu nước và dưỡng chất bình thường.
Cha mẹ nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng như cháo loãng, súp, nước hoa quả kết hợp bổ sung nước điện giải để giúp trẻ đảm bảo dưỡng chất, bù nước đầy đủ. Không nên thay đổi sữa cho trẻ trong giai đoạn này, trừ trường hợp trẻ bị bất dung nạp lactose nặng hơn sau mỗi lần tiêu chảy.
Cần chú ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm như:
– Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi cho trẻ ăn.
– Thực phẩm cần được nấu chín kỹ, tránh cho trẻ ăn thức ăn đường phố hoặc thực phẩm chưa được kiểm nghiệm.
– Dùng nước lọc đun sôi để nguội hoặc ấm để pha sữa, nước điện giải, làm nước uống cho trẻ.
– Giúp trẻ vệ sinh tay với xà phòng trước khi ăn.
>>>>>Xem thêm: Bệnh tràn dịch màng phổi ở trẻ em
Nên cho trẻ ăn uống đủ chất khi bị tiêu chảy, hạn chế tối đa thức ăn khó tiêu
3.4. Chậm trễ trong việc đưa trẻ đi điều trị
Bệnh tiêu chảy cấp có thể khiến trẻ bị mất nước nặng, gây biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Việc chậm trễ trong việc khám và điều trị cho trẻ là một trong những nguyên nhân chính khiến hàng trẻ nhỏ trên thế giới mất mạng bởi căn bệnh này.
Bố mẹ nên chú ý, ngay khi thấy trẻ có dấu hiệu mất nước trầm trọng (tiểu ít, da khô, môi khô, mắt trũng, đi ngoài phân lỏng trên 2 ngày, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế kiểm tra lập tức. Đồng thời, cần tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị cho trẻ.
Để phòng ngừa nguy cơ bị tiêu chảy ở trẻ, bố mẹ nên cho con tiêm phòng các loại bệnh nhiễm khuẩn và virus tiêu chảy. Theo đúng lịch tiêm chủng của Bộ Y tế, Phòng tiêm chủng TCI tổ chức cho trẻ uống vắc xin phòng viêm đường ruột do Rotavirus từ 6 tuần tuổi. Bố mẹ có thể đăng ký gói tiêm chủng để được hướng dẫn chi tiết và nhắc lịch tiêm chủng đúng hẹn.
Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ có thể biến chứng nghiêm trọng nếu không được quan tâm, chăm sóc đúng cách. Việc hiểu rõ về bệnh, các biến chứng và sai lầm thường gặp sẽ giúp bố mẹ chủ động xử lý tiêu chảy cấp cho trẻ phù hợp hơn. Đừng quên cho trẻ tiêm phòng và điều trị bệnh ngay từ sớm để hạn chế biến chứng nguy hiểm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.