Chẩn đoán sốt xuất huyết diễn ra như thế nào?

Chẩn đoán sốt xuất huyết ở giai đoạn khởi phát giúp người bệnh được kịp thời điều trị, ngăn nguy cơ bệnh trở nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng. Bài viết nêu ra các cách phát hiện, điều trị sốt xuất huyết theo hướng dẫn Bộ Y tế.

Bạn đang đọc: Chẩn đoán sốt xuất huyết diễn ra như thế nào?

1. Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết Dengue (gọi chung là sốt xuất huyết) là bệnh truyền nhiễm gây ra do virus Dengue. Bệnh xảy ra quanh năm, ở cả trẻ em và người lớn nhưng bùng phát thành dịch chủ yếu vào các tháng 7,8,9,10.

Chẩn đoán sốt xuất huyết diễn ra như thế nào?

Virus Dengue lây từ người bệnh sang người lành qua vết đốt của muỗi vằn.

Sốt xuất huyết có biểu hiện triệu chứng giống như cúm, thường kéo dài từ 2-7 ngày. Bệnh diễn tiến nhanh với các giai đoạn từ nhẹ đến nặng. Trường hợp sốt xuất huyết nặng, người bệnh có thể bị thoát huyết tương gây sốc và/ hoặc tụ dịch dẫn đến suy hô hấp. Bệnh cũng gây chảy máu nặng, tổn thương tạng nặng. Sốt xuất huyết thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách.

2. Chẩn đoán sốt xuất huyết

2.1 Chẩn đoán phân biệt sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết biểu hiện triệu chứng đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó, cần được chẩn đoán phân biệt nhằm loại trừ các bệnh nhiễm trùng khác, giúp người bệnh được kịp thời điều trị, đúng phác đồ, nâng cao khả năng hồi phục.

Chẩn đoán phân biệt sốt xuất huyết với các bệnh lý như: Sốt phát ban do virus, tay chân miệng, sốt mò, sốt rét, nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn, não mô cầu, các vi khuẩn gram âm, sốc nhiễm trùng, các bệnh về máu, bệnh lý ổ bụng cấp…

2.2 Chẩn đoán xác định sốt xuất huyết

Chỉ được thực hiện sau khi đã tiến hành chẩn đoán phân biệt, loại bỏ các nguy cơ nhiễm trùng do các bệnh lý khác. Các xét nghiệm có độ chính xác cao sẽ xác định nguyên nhân gây bệnh có phải do virus Dengue gây ra hay không và người bệnh có hay không bị sốt xuất huyết.

Các xét nghiệm cần phải thực hiện có thể bao gồm:

– Xét nghiệm huyết thanh: tìm kháng nguyên NS1 (5 ngày đầu) và tìm kháng thể IgM, IgG (Từ ngày thứ 5 xuất hiện các triệu chứng bệnh).

Trường hợp xét nghiệm NS1, IgM và IgC đều cho kết quả âm tính, người bệnh không bị sốt xuất huyết. Trường hợp xét nghiệm NS1 hoặc/và IgM dương tính, IgG âm tính, người bệnh bị sốt xuất huyết nguyên phát. Trường hợp xét nghiệm  NS1 hoặc/và IgM dương tính, IgG dương tính, người bệnh  bị sốt xuất huyết thứ phát.

– Xét nghiệm PCR, phân lập virus: thực hiện trong giai đoạn sốt (tại cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện).

Tìm hiểu thêm: Cách điều trị sốt xuất huyết tại nhà hiệu quả, an toàn

Chẩn đoán sốt xuất huyết diễn ra như thế nào?

Chẩn đoán sốt xuất huyết qua xét nghiệm.

3. Phân độ sốt xuất huyết

Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế 2011, sốt xuất huyết được chia làm 3 cấp độ: sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, sốt xuất huyết Dengue nặng.

3.1. Phân độ sốt xuất huyết Dengue

Một người được chẩn đoán có khả năng mắc sốt xuất huyết Dengue khi sống hoặc đi đến vùng có dịch sốt xuất huyết lưu hành. Người bệnh sốt cao từ 39-40 độ và thường có ít nhất 2 triệu chứng:

– Đau mỏi cơ, đau nhức xương khớp, nhức hốc mắt

– Người bệnh buồn nôn, nôn mửa

– Phát ban

– Xuất huyết dưới da (nốt xuất huyết rải rác hoặc thành từng mảng)

– Hồng cầu trong máu bình thường hoặc có thể tăng

– Bạch cầu, tiểu cầu giữ ở mức bình thường hoặc giảm

3.2. Phân độ sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo

Ở mức độ sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, người bệnh có các biểu hiện:

– Vật vã, lừ đừ, li bì

– Đau bụng nhiều và liên tục, có cảm giác đau tăng tại vùng gan;

– Nôn ói từ nhiều hơn 3 lần/1h hoặc nhiều hơn 4 lần/ 6h

– Có dấu hiệu xuất huyết niêm mạc (chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ra máu, đi cầu phân đen hoặc có máu, rong kinh hoặc tiểu ra máu)

– Thiểu niệu (Lượng nước tiểu nhỏ hơn 400ml/24h)

– Gan to hơn 2cm so với kích thước thông thường

– Tỷ lệ hồng cầu trong máu tăng kèm tiểu cầu giảm nhanh

– Chỉ số AST/ ALT trong máu lớn hơn 400U/L;

– Siêu âm hoặc chụp X-quang có dấu hiệu tràn dịch màng phổi, màng bụng.

3.3 Sốt xuất huyết Dengue nặng

Người bệnh xuất hiện ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau:

– Thoát huyết tương nặng dẫn đến sốc sốt xuất huyết, sốt xuất huyết nặng, có biểu hiện ứ dịch và suy hô hấp

– Xuất huyết nặng

– Suy đa tạng: suy gan, suy tim, rối loạn thần kinh và các cơ quan khác.

4. Khi nào cần nhập viện?

Ngay khi nghi ngờ xuất hiện triệu chứng sốt xuất huyết, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp. Người bệnh ở phân độ sốt xuất huyết Dengue không cần truyền dịch tĩnh mạch, có khả năng bù dịch bằng đường uống và không có chảy máu quan trọng có thể điều trị ngoại trú.

Trường hợp có các dấu hiệu báo hiệu bệnh sốt xuất và triệu chứng sốt xuất huyết trở nặng, người bệnh cần nhập viện càng sớm càng tốt để được cấp cứu kịp thời.

Các trường hợp bệnh nhân có thể xem xét nhập viện dù không thuộc phân độ cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng như:

– Người có bệnh nền: huyết áp cáo, hội chứng thận hư, đái tháo đường, thiếu máu, tan máu…

– Nhũ nhi,

– Thừa cân, béo phì

– Người bệnh sống một mình, ở xa cơ sở y tế, không đảm bảo khả năng di chuyển khi cần.

5. Cách điều trị bệnh sốt xuất huyết

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân mà các phác đồ điều trị khác nhau sẽ được chỉ định.

Sốt xuất huyết được điều trị ngoại trú: Người bệnh điều trị chủ yếu thông qua việc bù nước và hạ sốt bằng Paracetamol. Cần lưu ý tuyệt đối không dùng không dùng aspirin và ibuprofen để giảm sốt vì loại thuốc này có thể gây chảy máu khó cầm. Trong trường hợp  biện pháp bù nước và hạ sốt tại nhà không hiệu quả hoặc bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc, cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị.

Chẩn đoán sốt xuất huyết diễn ra như thế nào?

>>>>>Xem thêm: Tìm hiểu chỉ định truyền tiểu cầu trong sốt xuất huyết

Người bệnh sốt xuất huyết cần tăng cường bù nước và điện giải.

Sốt xuất huyết cần nhập viện điều trị trong thời gian dài: Người bệnh cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ, tích cực nghỉ ngơi nhiều nhất có thể, bổ sung nước, điện giải, ăn đầy đủ dưỡng chất để nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên cũng nên hạn chế ăn các thực phẩm có màu đỏ cam để tránh nguy cơ bị nhầm lẫn do xuất huyết. Trường hợp cần tái khám sau điều trị, người bệnh nên đến tái khám đúng lịch để được đánh giá tình trạng sức khỏe, tránh nguy cơ biến chứng.

Chẩn đoán sốt xuất huyết chính xác có ý nghĩa quan trọng giúp người bệnh được điều trị kịp thời, hạn chế thời gian nằm viện và nguy cơ bệnh diễn tiến nguy hiểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *