Viêm khớp vảy nến là bệnh lý mạn tính, có thể trở nặng hơn theo thời gian. Do đó, việc chẩn đoán viêm khớp vảy nến và điều trị bệnh cần được tiến hành càng sớm càng tốt, tránh biến chứng nguy hiểm.
Bạn đang đọc: Chẩn đoán viêm khớp vảy nến và điều trị đúng cách
1. Sơ lược về bệnh viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến là bệnh khớp tự miễn, xảy ra ở một số bệnh nhân mắc bệnh vảy nến với những biểu hiện tổn thương ở móng, da, khớp, cột sống và điểm bám gân. Bệnh viêm khớp vảy nến thường diễn tiến mạn tính, tiến triển đừng đợt làm tổn thương phá hủy, mất chức năng khớp và cột sống, dẫn tới tàn phế.
Tỷ lệ bệnh nhân vảy nến bị viêm khớp vảy nến chiếm khoảng 10 – 30% số ca bệnh. Khoảng 80% trường hợp viêm khớp xuất hiện sau tổn thương vảy nến, 15% trường hợp xuất hiện đồng thời, 10% trường hợp xuất hiện trước khi có tổn thương vảy nến. Bệnh lý này thường được chẩn đoán muộn hoặc khó chẩn đoán.
Hiện nay, vẫn chưa rõ cơ chế sinh bệnh của viêm khớp vảy nến. Song, 3 yếu tố có quan hệ chặt chẽ với quá trình sinh bệnh là miễn dịch, môi trường và di truyền.
Viêm khớp vảy nến là bệnh khớp tự miễn.
2. Triệu chứng của người bệnh viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến là bệnh lý mạn tính, có thể tiến triển nặng theo thời gian. Tuy nhiên có thời điểm, các triệu chứng của bệnh được cải thiện và thuyên giảm xen kẽ những đợt cấp.
Bệnh có thể ảnh hưởng tới toàn bộ các cơ xương khớp hai bên hoặc chỉ một bên. Tương tự như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến cũng gây cảm giác đau đớn, sưng phồng và ấm khớp khi chạm tay vào.
Ngoài ra, người bị viêm khớp vảy nến cũng gặp phải một số triệu chứng như sau:
– Sưng phồng ở ngón chân, ngón tay
Người viêm khớp vảy nến có thể gặp trình trạng đau nhức, sưng ở các ngón chân, ngón tay hoặc có thể dẫn tới dị tật ở tay chân.
– Đau nhức
Người bệnh bị đau nhức khắp các điểm gân và dây chằng bám vào xương, nhất là lòng trong bàn chân hoặc mặt sau gót chân.
– Đau lưng
Một số trường hợp bệnh tiến triển nặng gây viêm cột sống hay còn gọi là viêm cột sống dính khớp các khớp đốt sống giữa cột sống, trong các khớp nằm giữa xương chậu và cột sống.
3. Những cách chẩn đoán bệnh viêm khớp vảy nến
3.1. Chẩn đoán viêm khớp vảy nến qua triệu chứng lâm sàng
Người mắc viêm khớp vảy nến sẽ có một số triệu chứng lâm sàng sau đây:
– Đau mắt đỏ
– Khớp bị sưng, đau trong một thời gian ngắn
– Cảm giác nóng tại chỗ sưng và đau khớp, kèm theo là nổi mẩn đỏ
– Dây chằng và mặt sau gót chân bị đau nhức
Tìm hiểu thêm: Mách bạn các biện pháp phòng ngừa loãng xương
Chụp cộng hưởng từ là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh viêm khớp vảy nến.
3.2. Cách chẩn đoán viêm khớp vảy nến qua hình ảnh
Tùy vào triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc nhiều phương pháp chẩn đoán viêm khớp vảy nến sau:
– X-quang
Hình ảnh chụp X-quang cho thấy rõ sự thay đổi ở các khớp, chỉ xảy ra trong viêm khớp vảy nến mà không xuất hiện ở những bệnh lý viêm khớp khác.
– Cộng hưởng từ
Phương pháp này sẽ sử dụng sóng radio và từ trường mạnh, tạo ra hình ảnh chi tiết của mô cứng, mô mềm bên trong cơ thể. Hiện nay, chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp chẩn đoán được sử dụng nhiều nhất để kiểm tra chấn thương ở gân, khớp và dây chằng.
3.3. Chẩn đoán bệnh viêm khớp vảy nến bằng xét nghiệm
– Yếu tố dạng thấp
Yếu tố dạng thấp (RF) là kháng thể có ở trong máu của những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, kháng thể này không có trong máu của người bệnh viêm khớp vảy nến. Do đó, việc phát hiện yếu tố này giúp bác sĩ phân biệt 2 bệnh, tránh nhầm lẫn dẫn tới điều trị kéo dài, không trúng đích.
– Dịch tiết
Các bác sĩ sẽ dùng một cây kim dài để thu mẫu dịch ở khớp bị viêm, thông thường là khớp gối để xác định tinh thể liên quan đến bệnh lý. Chẳng hạn như dịch khớp người bệnh có tinh thể acid uric thì xác suất mắc gout cao hơn viêm khớp vảy nến.
4. Các phương pháp điều trị bệnh viêm khớp vảy nến hiện nay
Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để bệnh lý viêm khớp vảy nến. Các phương pháp hiện tại chủ yếu nhằm tập trung kiểm soát tình trạng viêm khớp, tránh ảnh hưởng nặng nề tới khớp cũng như các cơ quan xung quanh, đồng thời ngăn ngừa cơn đau và nguy cơ tàn tật vĩnh viễn.
Phác đồ điều trị bệnh lý này là sự kết hợp điều trị các triệu chứng bệnh ngay khi xuất hiện, song song với đó là kết hợp chữa lành tổn thương ở da và khớp. Cụ thể như sau:
– Kết hợp điều trị viêm khớp vảy nến bằng thuốc và hướng dẫn biện pháp khắc phục cho bệnh nhân, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cơ quan vận động hoặc thay khớp ở giai đoạn muộn.
– Với tổn thương khớp nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng viêm không steroid đơn hoặc phối hợp cùng tiêm corticosteroid ngay tại khu vực viêm.
– Với tổn thương thể trung bình và nặng, methotrexate hoặc các chế phẩm sinh học khác sẽ được sử dụng trong điều trị.
– Corticosteroid điều trị tại chỗ thường được chỉ định với các khớp hoặc điểm bán gân còn sưng đau dù đã điều trị thuốc kháng viêm không steroid. Lưu ý: Sử dụng corticosteroid có thể khiến bệnh tăng nặng, vì vậy cần theo dõi tác dụng phụ, biến chứng nhiễm trùng trên da, phát hiện và điều trị các bệnh phối hợp.
– Bệnh nhân phải được điều trị tích cực và theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị viêm khớp vảy nến. Không tự ý điều trị theo mách bảo hay dừng, đổi thuốc mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ.
5. Phòng ngừa bệnh viêm khớp vảy nến như thế nào?
Bệnh viêm khớp vảy nến hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần thay đổi lối sống để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh cũng như giảm các triệu chứng và biến chứng nguy hiểm do bệnh lý này gây ra.
>>>>>Xem thêm: Nhược cơ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Tập yoga, ngồi thiền… giúp người bệnh dịu tâm trí, xoa dịu cơn đau.
Các biện pháp phòng ngừa căn bệnh này gồm:
– Tạo thói quen tập luyện thể thao đều đặn mỗi ngày
Việc tập thể dục thể thao giúp các khớp linh hoạt, tránh tình trạng cứng khớp. Bên cạnh đó, việc vận động thường xuyên cũng giúp giảm cân, cung cấp nặng lượng cho cơ thể thêm khỏe mạnh.
– Loại bỏ thói quen xấu
Những thói quen xấu gây hại cho sức khỏe cũng như có hại cho khớp cần tránh phải kể đến như rượu bia, thuốc lá.
– Tránh căng thẳng, lo âu
Căng thẳng kéo dài sẽ khiến các cơn đau khớp bùng phát mạnh và tiến triển nặng thêm. Những bài tập yoga, ngồi thiền, thư giãn… có thể sẽ giúp người bệnh dịu tâm trí, xoa dịu những cơn đau nhức.
Ngoài những biện pháp trên, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chẩn đoán để kịp thời điều trị, ngăn bệnh tiến triển nặng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.